BẠCH DƯƠNG KỲ - Bạch Dương Tu SĩBạch Dương Kỳ 2002

Vì sao cần phải thường xuyên quay về Phật Đường, Không rời Thánh Huấn và Tiền Hiền ?

Tác giả liangfulai on 2022-03-19 09:37:02
/Vì sao cần phải thường xuyên quay về Phật Đường,  Không rời Thánh Huấn và Tiền Hiền ?

Phật đường chính là chiếc pháp thuyền Bạch Dương ứng thời ứng vận do ơn trên Đức Từ Mẫu Vô Cực Chí Tôn từ bi đại xá, phổ độ Tam Tào, giáng xuống đường kim tuyến đại đạo và phái Thiên Mệnh Minh Sư truyền Chơn Đạo, truyền tâm pháp bí bảo mà xưa nay tổ tổ tương truyền, chẳng dễ gì cầu đắc được, nay người hữu duyên có thể may mắn cầu đắc đại đạo nơi Phật đường thì nhất định phải quay về phật đường để hộ trì, vừa để báo ân, cũng vừa để liễu nguyện, tiêu nghiệp.


Một đường kim tuyến đại đạo từ trên giáng xuống, trên thì từ mẹ tánh linh Vô Cực Lão Mẫu, đến Chư Phật Chư Tổ, đến các vị Điểm Truyền Sư, Dẫn Bảo Sư, cho đến bản thân người cầu đạo, dưới thì cho đến các hậu học là những người mà mình đã dẫn độ đi cầu đạo. Phật đường cũng ví như chiếc pháp thuyền Bạch Dương cứu người giữa biển khổ mênh mông bao la, rất cần có các vị Thuyền Trưởng, các tay thuỷ thủ lèo lái, rất nhiều các nhân viên bàn sự, nhân viên cứu hộ cùng nhau đồng tâm đồng sức để hộ trì. Nếu như pháp thuyền chẳng có người lèo lái, cũng chẳng có các tay thuỷ thủ, các nhân viên bàn sự, nhân viên cứu hộ, thợ sữa chữa … đến cùng chung tay trợ giúp thì thuyền sẽ chơi vơi, chồng chềnh giữa biển khổ mênh mông; chẳng có các nhân viên bàn sự, nhân viên cứu hộ thì cứ thế mà trôi lênh đênh theo dòng, chẳng cứu được những chúng sanh khổ nạn đang nổi trôi ngụp chìm theo sóng cả và dòng nước xiết. Phật đường nếu chẳng có nhiều người đến hộ trì tài thí, pháp thí, vô uý thí thì rồi cũng sẽ bị những cơn sóng gió cuộc đời nhấn chìm mất tăm biệt tích, sẽ bị tan rã, chẳng thể tiếp tục cứu độ chúng sanh, điều đó đồng nghĩa với việc đường dây kim tuyến sẽ bị đứt đoạn; đường dây kim tuyến hễ một khi đã bị đứt đoạn thì sẽ khó mà có thể thuận lợi trở về trời nơi cội đạo quê xưa  miền cực lạc, do chẳng còn nơi để ôn tập tam bảo, cũng chẳng còn cơ hội để bàn đạo liễu nguyện tiêu nghiệp, tiếp tục tiếp dẫn, độ hoá thành toàn chúng sanh, hành công lập đức nữa, trong trường hợp như vậy, tất phải khai quang cầu đạo trở lại nơi Phật đường khác để tiếp nối lại đường dây kim tuyến đã bị đứt ( từ Điểm Truyền Sư ).

 

Phật đường chính là nơi hội tụ trường năng lượng Phật quang mạnh nhất, do khi thắp lên ba ngọn đèn báu thì sẽ kết nối với cội đạo Vô Cực Lí Thiên, với linh quang nguồn sáng của Từ Mẫu Vô Cực Chí Tôn vốn là mẹ của mọi tánh linh và muôn vật trong vũ trụ, và khi Điểm Truyền Sư đại biểu cho Thiên Mệnh Minh Sư Tế Công Hoạt Phật thỉnh đàn, thì nay do Phật đường có thiên mệnh bàn việc phổ độ Tam Tào nên đều sẽ có mười phương Chư Phật Bồ Tát, La Hán, Đại La Kim Tiên cùng giáng xuống hội tụ để hộ trì, giúp đỡ trợ đạo và chúc mừng cho buổi pháp hoa thọ kí, cho việc giải quyết đại sự sanh tử của chúng sanh, tiếp dẫn chúng sanh khai mở tri kiến Phật. Khi ánh hào quang phổ chiếu của các ngài lại cùng kết hợp với nguồn tánh quang từ Mẫu Vô Cực Tiên Thiên thì nguồn hào quang và năng lượng từ trường nơi phật đường lại càng sáng mạnh không thể nghĩ bàn, chẳng đâu sánh nổi. Vậy nên phật đường chính là trạm tiếp tế nhiên liệu tánh quang lớn nhất cho những đạo thân đã cầu đạo.

 

Giây phút cầu đạo được khai quang thọ kí, thiên mệnh Minh Sư Tế Công Hoạt Phật mượn nhờ luồng sáng từ đèn Mẫu Vô Cực chiếu rọi, điểm mở phá cánh cửa sanh tử, giây phút ấy đã kết nối điểm linh quang của tự thân những người cầu đạo với linh quang của Mẫu tánh linh Vô Cực Chí Tôn bằng các đường kim tuyến vô hình. Có câu gần mực thì đen, gần đèn thì rạng, do đó người cầu đạo nếu thường quay về Phật đường học tập liễu nguyện thì sẽ thường có cơ hội tiếp xúc nhiều trong thời gian dài với nguồn ánh sáng, trường năng lượng từ cõi Vô Cực, với ánh Phật quang phổ chiếu mạnh mẽ hội tụ của Chư Phật Bồ Tát mười phương, thì trong vô hình tâm, trí cũng sẽ ngày càng thêm sáng tỏ rạng ngời và cũng do không ngừng được gột rửa bởi “ pháp thuỷ ” từ những lời thánh huấn từ bi dạy bảo của Tiên Phật, của các vị Điểm Truyền Sư, giảng sư, khiến cho phiền não vô minh tan biến, ánh sáng của điểm linh quang Tự Tánh càng lúc càng sáng tỏ và lớn dần.  Vậy nên càng tiếp cận, càng thường xuyên siêng về phật đường học tu và bàn đạo thì ánh sáng của Tự Tánh sẽ dần dần trở nên càng lúc càng to, càng lúc càng sáng, còn như khi rời phật đường quá lâu ngày thì ánh sáng của điểm linh quang ấy cũng sẽ vẫn cứ mãi nhỏ bé, thậm chí là dần dần yếu mờ đi. Phật đường cũng có thể ví như trạm tiếp tế năng lượng và công đức nhanh và lớn gấp nhiều lần so với các chùa miếu thông thường.

 

Phật đường là nơi hội tụ của nhiều nguyện lực, hoà cùng tương thông với bổn nguyện của Chư Phật Bồ TátXã hội bên ngoài chính là nơi hội tụ, là dòng chảy của nghiệp lực, cộng nghiệp. Muốn vượt qua được nghiệp lực thì duy chỉ có nguyện lực mới có thể, vậy nên phải thường xuyên quay về phật đường để lập nguyện, liễu nguyện, hoà nguyện tương thông với Chư Phật Bồ Tát, thì mới không dễ bị cuốn trôi, chìm đắm theo dòng chảy nghiệp lực của thói đời ô trược. Khi càng nhiều người về phật đường lập nguyện liễu nguyện, nguyện lực càng lớn thì sức cứu độ càng lớn, lượng cứu độ chúng sanh càng nhiều, chất lượng thành toàn sẽ càng tốt, thành tựu về sau sẽ càng lớn. Trái lại, khi quá ít người về phật đường thì nguyện lực hội tụ sẽ nhỏ và yếu, sức cứu độ chúng sanh sẽ yếu, lượng cứu độ chúng sanh sẽ ít, chất lượng thành toàn chúng sanh sẽ kém, thành tựu sau này cũng sẽ nhỏ bé. Ví như một tập đoàn công ty càng lớn mạnh, càng nhiều nhân tài, càng nhiều tâm sức, trí tuệ người bỏ ra, nguồn vốn tài chính càng lớn thì sẽ càng lúc càng phát triển khuyếch đại hùng mạnh, lợi ích mà các nhân viên được hưởng trong tập đoàn đó sẽ càng nhiều hơn so với những công ty nhỏ bé thiếu cả về nguồn nhân lực, tài lực … Đơn giản lấy ví dụ mà nói, như có đạo thân trong phật đường gặp khó khăn về kinh tế, hoặc bị tai kiếp, bệnh nghiệp dày vò đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần, nếu như Phật đường đông đảo người cùng ra tay trợ giúp về kinh tế tài chính, hoặc cùng nhau đọc tụng kinh, trì chú, niệm Phật, thì công đức hồi hướng, cũng như nguồn tài chính trợ giúp sẽ càng lớn, sự xoay chuyển sẽ càng nhanh, càng mạnh. Còn nếu Phật đường chỉ có một số ít người thì sức giúp sẽ yếu, sự xoay chuyển sẽ cực kì khó khăn và chậm vậy.

 

Các tu sĩ Bạch Dương đã có cơ hội cầu đắc đại đạo giải thoát sinh tử, được triêm ân của Thiên Ân Sư Đức, khiến cho cửu huyền thất tổ cũng được triêm quang lợi lạc thì đều có trách nhiệm phải thường quay về phật đường để hộ trì, báo ân, liễu nguyện, bởi quyền lợi thường gắn liền với nghĩa vụ, huống hồ xưa kia khi chưa đại khai phổ độ là phải tu trước, đến khi công đức viên mãn mới có thể đắc đạo giải thoát sanh tử, nay do ơn trên từ bi đại xá, đại khai phổ độ, cho đắc trước tu sau, vậy nên nhất định cần phải không ngừng vun bồi công đức đến tận hơi thở cuối cùng, cho đến khi công quả viên mãn, là phần bài tập phải làm bù kể từ sau khi cầu đắc đại đạo giải thoát chí tôn chí quý. Nếu chỉ cầu đắc đại đạo mà chẳng tu chẳng bàn, chẳng báo ân liễu nguyện, nghiệp cũ chẳng thể tiêu trừ, lại còn không ngừng tiếp tục tạo xuống các nghiệp mới, chẳng quay về Phật đường học tập tiến tu, thì sớm muộn cũng sẽ bị dòng nghiệp lực, dòng đời thôi thúc lôi kéo cuốn trôi tiếp tục theo dòng sanh tử tương tục trong sáu nẻo luân hồi, thật đáng tiếc thay !

 

Phật đường là nơi duy nhất có thiên mệnh truyền đạo, truyền đạt trực tiếp những thông điệp từ cõi Vô Cực, những thông điệp của Tiên Phật trực tiếp hoặc gián tiếp chỉ dẫn con đường tu đạo giải thoát ứng hợp với thời vận hiện nay.

 

Phật đường là nơi duy nhất có thiên mệnh khai xá phổ độ Tam Tào ( Thiên, Địa, Nhân ), khiến cho mỗi khi đến những ngày mồng một, mười lăm hoặc mười bốn, ba mươi âm lịch, những ai đã cầu đạo quay về phật đường thì khi ấy cửu huyền thất tổ đều được ngài Địa Tạng tiếp dẫn cùng về phật đường tu học triêm quang, tiếp nhận Phật quang phổ chiếu, lắng nghe chân lý đại đạo Phật pháp đặng gột rửa tâm hồn, có cơ hội cùng con cháu giúp đỡ trợ đạo, làm các nhân viên bàn sự, tự mình trực tiếp hành công lập đức.

 

 

 

 

Phật đường là “ vũ đài ” tốt nhất để các Bạch Dương Tu Sĩ, những cư sĩ tại gia có cơ hội để học tập hoằng pháp lợi sanh, thay trời tuyên hoá đại đạo phổ độ chúng sanh Tam Tào, siêu bạt huyền tổ thoát khỏi chốn u minh địa ngục, về thẳng Lí Thiên. Các đạo thân có thể phát huy những tài năng sở trường vốn có của bản thân thông qua mười tổ vận hành để giúp đỡ trợ đạo, vun bồi công đức, tiêu nghiệp nhanh chóng, hành Bồ Tát đạo, một kiếp này cầu đạo, học đạo tu đạo, bàn đạo, một kiếp này liền có thể thành đạo, vẹn tròn đại hiếu ( với huyền tổ, với ông bà cha mẹ ), cho đến có thể tận đại đại hiếu ( với huyền tổ cha mẹ luỹ kiếp, chúng sanh thiên hạ ) . Những ai không về Phật đường thì cửu huyền thất tổ cũng không được về phật đường tu học, tiếp nhận Phật quang phổ chiếu. Duy chỉ khi con cháu về Phật đường tu học, bàn đạo thì cửu huyền thất tổ mới được theo đến, do bởi sự phát tâm, nguyện lực từ bi của con cháu, và do bởi mối quan hệ huyết thống kết nối tương quan.

 

Những ai đã cầu đắc đại đạo nên độ hoá thành toàn cả nhà cùng cầu đạo, sớm tu đạo, tham gia vào việc bàn đạo lợi lạc chúng sanh, vun bồi công đức, liễu nguyện tiêu nghiệp , đạo hoá gia đình thành “ gia đình thần tiên ”, chớ nên chần chừ do dự, trì hoãn chậm trễ mãi đến khi nghiệp lực vô thường hiện tiền lôi kéo quật ngã thì dẫu có hối tiếc cũng đã muộn màng. Trong số các bạn bè thân quyến thân thích, sẽ có những duyên là duyên lành, là ân nhân, hoặc người đến báo ân, cũng sẽ có những mối duyên ác là các chủ nợ oan gia đến đòi nợ, vậy nên cần phải nhanh chóng độ hoá thành toàn họ cầu đạo, tu đạo bàn đạo càng sớm càng tốt, vừa là để báo ân liễu nguyện, vừa là để trả món nợ xưa, chuyển hoá duyên ác thành duyên lành. Tiếp dẫn thành toàn các vị ân nhân và “ chủ nợ ” hữu hình đến Phật đường cầu đạo, học đạo, tu đạo, bàn đạo là cách tốt nhất để viên mãn các mối nhân duyên luỹ kiếp và kiếp này, đồng thời là cơ hội để độ hoá các “ chủ nợ ” oan gia vô hình cùng hoá giải các nút thắt oan kết khi mình thường xuyên đến Phật đường học tu, liễu nguyện và có công đức hồi hướng, thì trong vô hình họ cũng sẽ được theo đến Phật đường để học tu, được triêm quang, khai ngộ, buông xả và tiếp nhận công đức hồi hướng, sớm được lìa khổ được vui, tự tại giải thoát.

 

Những ai bị “ hiếm muộn ” muốn cầu tự, hoặc những ai muốn có được con cháu là các bậc Thánh Hiền Tiên Phật phân linh chuyển thế hạ phàm thì nên siêng đến Phật đường hộ trì thật nhiều, làm công đức tài thí, pháp thí và đặc biệt là vô uý thí thật nhiều, thì tự khắc sẽ được Ơn Trên ban cho đứa con, đứa cháu là phân linh của Tiên Phật Bồ Tát hạ phàm, mang theo nguyện mà đến nhân gian tu bàn khiến cho bản thân mình là bố mẹ cũng được triêm quang. Do bởi thời kì Bạch Dương đại khai phổ độ Tam Tào, chỉnh đốn lại Thiên Bàn, rất cần đến Vạn Tiên Bồ Tát giúp đỡ trợ đạo. Vạn Tiên Bồ Tát mang nguyện đến nhân gian giúp đỡ trợ đạo phần lớn đều nguyện sinh ra trong những gia đình có thiết lập Phật đường, hoặc có thân nhân thường đến Phật đường hộ trì tu bàn đạo vô cùng tinh tấn, để khi đầu thai chuyển kiếp thì từ nhỏ liền sớm có thể có cơ duyên cầu đắc đại đạo, tiếp cận đạo trường Phật đường, học đạo, ăn chay, giới sát, không tạo nghiệp, lại có thể học tập liễu nguyện ngay từ nhỏ, không dễ bị mê muội Phật tánh khi lại đến nhân gian một chuyến làm người, không phải lại lãng phí thời gian chờ đợi cơ duyên cơ hội tìm bái Minh Sư cầu Chơn Đạo. Trái lại, những ai không thường xuyên về Phật đường liễu nguyện hành công lập đức hồi hướng tiêu nghiệp, vẫn cứ mãi trọng phàm khinh Thánh, chạy theo ân ái danh lợi dục vọng, lại không ngớt tạo thêm nghiệp ác mới, thì nghiệp lực sẽ hiện tiền nhanh chóng, các chủ nợ oan gia sẽ đến đòi gấp, bởi họ cần phải đòi cho nhanh cho sạch nợ trước khi người mắc nợ họ có thể theo Phật Bồ Tát trở về Thiên Phật Viện tu hành, giải thoát khỏi sanh tử luân hồi trong sáu nẻo rồi thì họ đâu còn có cơ hội để ra tay đòi nợ, báo oán nữa, vậy nên những đứa con của họ sinh ra phần lớn lai lịch đều là từ các chủ nợ oan gia đến đòi nợ, báo oán thế nên theo thói đời nghiệp phàm thì phần lớn “ con cái là oan gia, không nợ chẳng đến đòi ”, duy chỉ có số rất ít là đến báo ân, trả nợ mà thôi. Các Oan gia chủ nợ, người mắc nợ do nghiệp duyên chín muồi lại gặp nhau, cùng sống chung trong một nhà, lại chẳng có ngộ đạo tu đạo, thì cứ mãi theo thói đời, theo nghiệp đã tạo tác mà hành hạ dày vò lẫn nhau về tinh thần, thể xác, tiền tài … khổ không kể xiết. Còn nếu như họ cũng có cơ hội cầu đạo, học đạo, ngộ đạo rồi tu đạo, buông xả, chuyển niệm, sửa bỏ những thói hư tật xấu, biết sám hối, biết cảm ân, thì các nút thắt oan kết bèn sẽ dần dần được tháo gỡ, duyên ác chuyển hoá thành duyên lành, thù địch chuyển hoá thành ân nhân của nhau, gia đình tự khắc sẽ êm ấm hạnh phúc, do bởi đã đạo hoá gia đình trở thành “ gia đình thần tiên ” ngay chốn nhân gian, và sau khi đã viên mãn các mối nhân duyên ở nhân gian này rồi, với công đức thường hộ trì Phật đường, công đức tu bàn trợ đạo, độ hoá thành toàn người được tích luỹ dần theo năm tháng sẽ là tư lương để về miền Lí Thiên Cực Lạc, thành đạo có thừa.

 

Phật đường có chế độ mười tổ vận hành, để cho việc việc có người làm, người người có việc làm, ai cũng có cơ hội hành công liễu nguyện tiêu nghiệp. Phật đường lại có chương trình học năm năm lớp tiến tu đạo học, nghiên cứu về kinh điển của Thánh Nhân Tam Giáo ( Thích, Đạo, Nho ), lại kết hợp với những lời huấn từ bi trực tiếp hoặc gián tiếp từ Tiên Phật lâm đàn mượn khiếu thuyết giảng hoặc khai sa phê huấn, truyền tải các thông điệp từ cõi Vô Cực, cả những điều nói trước ứng sau, những lời dạy bảo thiết thực phù hợp với bối cảnh xã hội thời đại mới. Thế nhưng điều kiện để có thể mở các lớp nghiên cứu chính là phải có học viên, có các đạo thân có tâm cùng nhau quay về Phật đường học tập nghiên cứu. Nếu không có lớp viên đến học, hoặc số lượng lớp viên quá ít thì sẽ rất khó mở lớp nghiên cứu, các vị Điểm Truyền Sư, Giảng Sư, và Bàn Sự Nhân Viên đều khó có cơ hội liễu nguyện và phát huy tài trí vốn có. Vậy nên thường đến Phật đường nghe lớp cũng chính là đang hộ trì cho thiên mệnh Phật đường, cũng có công đức, trong vô hình cũng đang tiêu nghiệp dần dần khi tâm cảnh ngày càng nâng cao, phiền não dần dần tịnh hoá, và đồng thời tạo điều kiện cho các vị Điểm Truyền Sư, giảng sư, nhân viên bàn sự có cơ hội học tập liễu nguyện, viên mãn thành tựu nguyện lực, viên mãn Bồ Tát đạo và sớm nhanh tiến dần đến thành tựu Phật Quả. Vậy nên duy có mỗi việc siêng về Phật đường thôi cũng đã có công đức rồi, huống hồ lại còn thường tài thí, pháp thí, thành toàn người cùng đến nghe lớp, hộ trì Phật sự bàn đạo, nấu ăn, phục vụ …

 

Các Bạch Dương Tu Sĩ kể từ lúc đăng kí ghi danh cầu đạo, bái dưới cửa của thiên mệnh Minh Sư Tế Công và Nguyệt Tuệ Bồ Tát, được địa phủ xoá tên, thiên bảng ghi danh, lại bế ban pháp hội được đăng kí ghi danh nơi Phật Bàn Bạch Dương, thì có thể chính thức trở thành sinh viên của trường Bạch Dương, do Di Lặc Tổ Sư làm " hiệu trưởng ", Tế Công Hoạt Phật và Nguyệt Tuệ Bồ Tát là giáo viên chủ nhiệm, các vị pháp luật chủ làm " ban giám thị ". Thế nhưng, có điều vô cùng quan trọng cần phải lưu ý là các sinh viên đăng kí học trường nào thì đều phải thực tế tham dự nhập học, siêng năng đến trường lớp học tập để tích luỹ kiến thức đạo học và làm tốt các bài tập chương trình học và thi của trường đó, tích lũy các điểm số công đức đạt chuẩn, phải trải qua các kì thi sát hạch vô cùng gắt gao, đạt thành tích tốt thi đậu,  thì cuối cùng mới có thể tốt nghiệp ( thành đạo ) trường đó, mới có thể nhận bằng cấp " siêu sanh liễu tử ", mới có được học vị ( phẩm sen quả vị ) do hiệu trưởng Di Lặc Lão Tổ Sư cấp bằng. Đấy là tịnh nghiệp, công đức viên mãn về cội đạo Vô Cực quê xưa. Chớ có đợi đến khi mất rồi mang nghiệp vãng sanh, phải từ từ tu học nơi Thiên Phật Viện, vẫn phải làm tốt các bài tập được giao trong chương trình học, tích lũy các điểm số đạt chuẩn, khi ấy càng phải tốn nhiều thời gian và nhiều công sức hơn rất nhiều, do bởi đã mất thân người rồi thì tu bàn vô cùng khó khăn, công đức cũng chẳng bằng khi ở nhân gian ( bởi một ngày một đêm tu hành ở thế giới sa bà hơn cả trăm năm làm lành nơi cõi Tây Phương Cực Lạc ) như trong kinh Phật đã nói.

 

Ngoài ra cũng có trường hợp sinh viên bị loại khỏi trường do không tôn sư trọng đạo, do đăng kí học với trường khác, thầy khácsau khi cầu đạo lại quy y hoặc rửa tội nơi nhà thờ ), bỏ bê việc học tu và tích lũy điểm số học phần nơi trường Bạch Dương mà mình đã đăng kí, sổ công đức Bạch Dương hoàn toàn trống không. Các Bạch Dương tu sĩ không thể không quan tâm cẩn thận.

 

Thời kì Bạch Dương đạo giáng hoả trạch, người tu đạo cần phải Thánh Phàm song tu, trọng Thánh khinh Phàm, chuyển hoá dần dần nghiệp phàm thành nghiệp Thánh, phải tu nội công ( tâm tánh, đức hạnh, sửa bỏ những thói hư tật xấu ), ngoại công ( bàn đạo, độ người, thành toàn người lên các lớp nghiên cứu, tài thí, pháp thí, vô uý thí hộ trì trợ đạo cho Phật đường để hồi hướng tiêu nghiệp ) , học tập nguyện hạnh của Bồ Tát, hành Bồ Tát đạo, liễu nguyện. Chúng sanh sở dĩ mãi luân hồi trong vòng sanh tử tương tục đều mãi do tham chấp vướng bận nghiệp phàm ( cơm áo gạo tiền, việc nhà cửa, danh lợi, ái tình sắc dục, rượu, cờ bạc, tham sân si mạn nghi, phiền não vọng tưởng chấp trước … ) chẳng thể buông xả, thì nay Phật đường chính là nơi để học tập chuyển nghiệp phàm dần dần sang nghiệp Thánh ( học tập nghiên cứu chân lý Phật pháp, trì giới, từ bi hỷ xả với chúng sanh, dành thời gian phục vụ chúng sanh, lợi lạc chúng sanh, tập buông xả dần những sự phiền não, những vướng  bận, chấp trước, tập bước ra khỏi “ gia đình nhỏ ” của bản thân để hoà mình vào “đại gia đình” của chúng sinh mười phương, mở rộng tâm lượng khiến cho không ngừng rộng lớn thêm cho đến như tâm lượng của Phật Bồ Tát. ) Duy có chuyển hoá từ nghiệp phàm sang nghiệp Thánh, không ngừng nâng cao tâm cảnh, tăng trưởng công đức đạo tâm, thì mới không bị nghiệp phàm xỏ mũi lôi kéo dẫn dắt xoay vần đi trong sáu nẻo luân hồi, mới có thể thành tựu đạo quả Bồ Đề. 

 

Tóm lại, siêng về Phật đường học tu bàn đạo thì trước là lợi tự bản thân, lợi lạc cho cửu huyền thất tổ, sau là lợi lạc cho chúng sanh, lợi lạc cho Phật đường. Không về Phật đường học tập tu bàn liễu nguyện thì trước là thiệt thòi, bất lợi cho tự bản thân, cho cửu huyền thất tổ, sau là ảnh hưởng gián tiếp không tốt đến Phật đường, cho đến đại chúng trong Phật đường và chúng sanh mười phương bên ngoài Phật đường.

Mỗi người chúng ta đều có một mẫu ruộng tâm ( 田 ), giây phút chúng ta cầu đạo được Minh Sư ấn tâm ví như gieo trồng xuống một hạt giống bồ đề hay hạt sen trong mẫu ruộng tâm của chúng ta vậy. Thế nhưng hạt giống này muốn lớn lên ra hoa kết quả thì cần phải có “ nước từ bi ”, vun bồi " công đức ", và ánh sáng trí tuệ ( từ việc thường về phật đường tiếp nhận phật quang phổ chiếu, như hạt giống được chiếu rọi sưởi ấm bởi ánh sáng " mặt trời vô hình ", hoà " tâm quang " còn nhỏ bé của mình vào trong tâm quang rộng lớn của Lão Mẫu Chư Phật, như giọt nước hoà mình vào trong lu, giếng, sông, biển, đại dương vậy thì giọt nước ấy dẫu là một giọt mực tím nhưng khi hoà mình vào trong biển nước mênh mông thì nó cũng sẽ được tịnh hoá khiến cho không còn là giọt mực nữa vậy. )

 

Ngoài ra thì Thánh huấn của Tiên Phật cũng giống như ánh sáng mặt trời chiếu phá tan màn đêm vô minh tăm tối của trăm năm, phải tiếp xúc với ánh sáng ấy thì hạt giống mới có thể dần nảy mầm lớn lên vững chắc. Nguồn ánh sáng lớn nhất chính là từ mẹ tánh linh Lão Mẫu Vô Cực, duy chỉ có ở phật đường khi thắp sáng lên ba ngọn đèn phật kết nối trong vô hình với nguồn sáng của Mẫu Vô Cực. "Nước từ bi hỷ xả" thì phải khởi phát từ ngay chính bổn tâm của bản thân mình từ việc học tập hy sinh phụng hiến vô vi phục vụ, độ hoá và thành toàn chúng sanh, một cách vui vẻ cam tâm tình nguyện không chút miễn cưỡng gượng ép. Còn bón " công đức " thì từ việc làm lợi lạc chúng sanh mà tâm không có chỗ dính mắc chấp trước, chẳng khởi tâm phiền não, hoàn toàn thanh tịnh vô nhiễm. Trong quá trình cây trưởng thành lại còn cần phải " bắt sâu " từ việc trì giới, sám hối tiêu trừ nghiệp chướng phiền não, hàng phục những khởi tâm động niệm bất chính của bản thân. Theo năm tháng thoi đưa, với sự không ngừng chăm sóc, phân bón, tưới tiêu, cắt tỉa từng chút một mà cây mới có thể lớn lên lành mạnh vững chắc, mới có thể ra hoa kết quả, thành ra sen vàng ngàn cánh tỏa muôn ánh hào quang sáng ngời. Tiền hiền vừa là người dẫn dắt, chăm sóc, cũng vừa là người trợ duyên cho hạt giống nẩy mầm, cho cây lớn lên khỏe mạnh. Vậy nên rời khỏi Tiền hiền, rời khỏi phật đường, xa lìa Thánh huấn thì hạt giống ấy sao có thể nẩy mầm, sao có thể lớn lên lành mạnh vững chắc cho đến ra hoa kết quả được ?

 

Những khi chúng ta về phật đường, nên biết tranh thủ thời gian quý báu ấy để thủ huyền, mắt nhắm tám phân, mở hai phân, nhìn tập trung vào ngọn đèn Mẫu Vô Cực để luyện " thần quang " , để thâu nhiếp tâm, tịnh hoá các phiền não, khiến cho trí tuệ càng tăng trưởng.

Số lượt xem : 4003