Những Quy Tắc Cần Tuân Thủ Khi Đến Phật Đường
Cái gì là những quy tắc cần tuân thủ khi đến Phật đường ? Chính là những hành vi cử chỉ cần phải chú ý khi đến Phật đường để giữ gìn môi trường tịnh hoá tu tâm thanh tịnh và thần thánh trang nghiêm của Phật đường.
1.Chào hỏi
2. Rửa tay
3. Tham giá ( lễ kính chào hỏi Tiên Phật khi vừa bước vào Phật đường )
4. Từ giá ( lễ kính chào hỏi Tiên Phật khi mình có việc muốn rời khỏi Phật đường )
Nếu muốn rời khỏi, trước hết nói lời tạm biệt với chủ nhà, hướng về tiên phật từ giá.
Trong trường hợp đặc biệt cũng có thể hoạt bát mà không nên câu nệ.
5. Tiếp giá ( khi mình đã đến trước, tiên phật đến sau mình thì sự chào hỏi đón tiếp của mình đối với Tiên Phật vừa mới đến gọi là tiếp giá )
6.Tiễn giá ( khi Tiên phật rời khỏi trước mình, mình hành lễ tiễn Tiên Phật thì là tiễn giá )
Bất luận tham giá, từ giá, tiếp giá, tiễn giá, nếu như Lão Tiền Nhân, Tiền Nhân, Điểm Truyền Sư tại đàn, thì khấu thêm một lễ.
Gặp lúc khai đàn hoặc bàn sự, hoặc trong lúc tuyên giảng nghe giảng, những người đến sau không cần phải ở trước đàn khấu đầu tham giá mà chỉ cần đứng ở phía sau cúc cung tham giá, càng không được hô to, như thế mới thể hiện sự trang nghiêm có trật tự.
Trong lúc tham giá, từ giá, tiếp giá, tống giá, những ngày vía của Tiên Phật, Lễ Đại Điển hay lễ khai đàn, càn đạo và khôn đạo phải phân ban. Càn đạo trước, Khôn đạo sau; Càn đạo ở bên trái ( theo hướng của Phật ), Khôn đạo ở bên phải, không thể làm loạn trật tự.
Khi sắp ban hành lễ, cần phải im lặng nghiêm túc và chỉnh tề. Người sắp ban dự lễ căn cứ vào tuổi tác, tuổi đạo, tự châm chước lấy vị trí của mình, không nên nhường đi nhường lại làm mất vẻ trang nghiêm. Người mới nhập đạo nên ở vị trí sau. Lúc làm lễ phải tắt nguồn điện thoại hoặc để chế độ rung, tuyệt đối không được rút điện thoại ra để xem tin nhắn hoặc trả lời trong lúc đang quỳ lễ.
Khi khai đàn tiếp giá, nếu Điểm Truyền Sư có mặt thì Điểm Truyền Sư tiếp giá trước, kế mới đến Càn đạo và sau là Khôn đạo, chia nhau hành lễ. Trong trường hợp đông người, để tránh sự ồn ào mất trật tự, Điểm Truyền Sư hay Đàn Chủ cùng một vài người thay mặt đại diện toàn thể tiếp giá là được.
Khi Tiễn Giá, Điểm Truyền Sư sẽ hành lễ trước, kế đến Tam Tài, sau đó mới theo thứ tự chia nhau hành lễ. Nếu có thỉnh cầu huấn thị, theo lẽ thì phải làm lễ tạ ơn Tiên Phật trước, sau đó phải hành lễ cho Tam Tài một lạy.
7. Trang phục
Những đạo thân đến Phật đường từ đầu đến cuối phải ăn mặc chỉnh tề, sạch sẽ, không hở hang, không mặc những y phục không có cổ áo, tay áo; không mặc quần đùi ngắn, váy ngắn; không nồng nặc mùi nước hoa để tránh khiến cho Phật đường trở nên trược khí xông thiên, trở thành môi trường dơ bẩn khải phát sắc dục; như thế sẽ khiến cho người khác cảm thấy không thoải mái, sản sinh ý niệm về sắc dục. Có một số tôn giáo thậm chí còn quy định phải mặc những đồng phục gì thì đều phải tuân thủ nữa là.
8. Luôn giữ gìn sự thanh tịnh.
Khi ở Phật đường phải giữ gìn sự yên tĩnh, không gây ồn ào huyên náo, không đánh nhau, không gây rối, không xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường ( nhà vệ sinh, bếp, phòng ngủ ), không hút thuốc, không bia rượu, phải chú ý đến thái độ, động tác hành vi của thân thể không được thô lỗ … để tránh mang lại sự phiền não, những nỗi bất an cho người khác, ảnh hưởng đến tâm trạng tốt lành an lạc của mọi người.
9. Thái độ nên có
Khi đạo thân đến phật đường, nhất định cần phải thỉnh mời chỉ thị của đàn chủ cho cơ hội liễu nguyện. Nếu chẳng có việc, hoặc vấn đạo, hoặc tĩnh tọa, thái độ phải đoan trang, ôn hòa văn nhã có lễ phép, không được cười giọng to. Ra vào Phật đường phải nhỏ lời nhẹ bước, không nên tuỳ ý huyên náo hay nô đùa chạy nhảy trong Phật đường. Trong lúc giảng đạo hay khai đàn, hiến cúng, khấu đầu thì càng phải trang nghiêm túc tịnh, không nên thì thầm nói chuyện với nhau để trọng phật quy.
Đối đãi với những đồng tu khác, bất luận là bậc trưởng bối, ngang hàng, hay hậu bối ( các hậu học ) thì đều phải có lễ phép, ôn tồn nhã nhặn, không nên lớn tiếng, phải xưng hô đối thoại một cách đàng hoàng tử tế; không chơi xấu, không làm tổn thương, không soi mói bới lông tìm vết lẫn nhau, phải quan tâm đối đãi tốt với nhau.
Không được luận bàn những vấn đề liên quan đến chính trị, không bới móc thị phi hoặc phê bình các tôn giáo khác. Không bàn luận về các ngôi sao giải trí, các vấn đề tình cảm yêu đương, sex, con đường kiếm tiền, những chuyện vô bổ vô nghĩa; không rao bán các loại bảo hiểm, sản phẩm bên trong Phật đường. Đến Phật đường phải lấy việc Thánh làm trọng, không tán gẫu về những chuyện phàm tục, không đàm luận những khuyết điểm thị phi của người khác.
Nói chuyện ở trong Phật đường cần phải nhỏ nhẹ để biểu hiện sự trang nghiêm yên tĩnh của Phật đường.
Ở Phật đường không được có những thói quen xấu không tốt, ví dụ như bá vai nhau, ôm hôn, đụng chạm nhau những chỗ kín trên cơ thể, ranh giới nam nữ không phân rõ, nam nữ ngủ chung với nhau.
Không được dùng những tài nguyên của Phật đường làm những việc không liên quan đến Phật sự, ví dụ như dùng điện thoại của Phật đường để tán gẫu với bạn bè, lợi dụng giảng đường của Phật đường để làm công việc dạy thêm kiếm tiền, lợi dụng không gian của Phật đường để tổ chức những hoạt động phàm trần ( ví dụ như giảng đường chính trị, hội họp công ty, hội giao lưu điện ảnh phàm trần, thi đánh cờ, thi vận động … )
Khi vào Phật đường, giày dép phải sắp xếp gọn gàng ngăn nắp, không tuỳ ý để bừa bãi.
Khi lấy thức ăn chớ có giành giật nhau; ăn cơm chớ có quá thô lỗ quá phàm ăn tục uống, ăn ngồm ngoàm cứ như là bị bỏ đói lâu ngày vậy; chớ có quá tham lam ăn chẳng nổi vẫn cứ muốn gắp ăn nhiều thêm nữa để thoả mãn cái khẩu phước để rồi khi ăn không hết lại phải đổ bỏ trong khi người khác đến ăn trễ lại không còn thức ăn; chớ có chiếm quá nhiều chỗ làm trở ngại người khác lấy cơm gắp thức ăn. Sau khi ăn xong nên giúp đỡ thu dọn bàn ghế chén đĩa, rửa chén đĩa đặt về lại vị trí cũ, vả lại nấu gì thì ăn nấy, không kén cá chọn canh; chẳng có bố thí, giúp đỡ nấu ăn thì chớ có yêu cầu đòi hỏi quá nhiều.
Tấc công chưa lập mà tội nghiệp đã tạo.
Nếm khổ thì liễu khổ, hưởng phước thì tiêu phước.
Thí xả có phước hơn là nhận.
Thức ăn thừa đổ đi lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như tài thí, tâm sức mà các thí chủ đã bỏ ra, tự sẽ làm tiêu hao tổn hại đến phước báo của bản thân.
Quả báo của việc lãng phí thức ăn chính là chết rồi đoạ vào cõi Ngạ quỷ, khi có được thân người lại sinh ra ở Châu Phi hoặc những nơi luôn có nạn đói khổ.
Trước khi dùng bữa cần phải dâng tề mi ( dâng đĩa cơm lên ngang lông mày ) bày tỏ sự cảm ân đối với Thiên Ân Sư Đức, Táo Quân, Đầu Bếp, Đàn Chủ cũng như các thí chủ và bàn sự nhân viên phục vụ … rồi mời các Điểm Truyền Sư, Giảng Sư, Đàn Chủ, Tiền Hiền dùng cơm.
Không hút thuốc ở nơi công cộng, ngay cả ở những nơi riêng tư kín đáo như phòng tắm, nhà vệ sinh. Phải luôn giữ gìn nhà vệ sinh sạch sẽ, chớ có lãng phí bất cứ vật phẩm gì của nhà vệ sinh ( giấy vệ sinh, xà phòng, dung dịch rửa tay ), dùng nước vừa phải không nên lãng phí nguồn nước; chớ có làm những thói quen xấu ở trong nhà tắm như thủ dâm, làm tình. Nếu như chẳng có đại tiện thì chớ có tắm gội trong ấy quá lâu.
Không mang theo những thứ không có ý nghĩa, những thứ có hại đến phật đường hưởng dụng, ví dụ như ở Phật đường xem những bộ phim phàm trần hoặc sắc dục, bạo lực, những sách báo, tạp chí, đồ chơi sắc dục khiêu dâm, thịt, rượu, bia, thuốc lá, ma tuý, không nghe những nhạc phàm tục khi ở Phật đường, không chơi các trò chơi điện tử, không lên mạng tán gẫu những điều vô nghĩa …
Phải giữ gìn nhà bếp, tủ lạnh luôn sạch sẽ. Chớ có làm hư các vật dụng nhà bếp. Số người không nhiều thì chớ có nấu quá nhiều thức ăn, phải phân công hợp tác, chớ có cưỡng bức một người phải nấu ăn cho khẩu phần trăm người.
Chớ có mở mang Phật đường cho đại chúng tuỳ tiện đốt nhang như trong chùa, vì như thế sẽ gây khói bụi ngột ngạt cho phật đường, bởi ý nghĩa của việc thắp nhang không lớn, chi bằng chú trọng hiến cúng trái cây thức ăn. Các tượng Phật phải thường xuyên lau chùi sạch sẽ. Lễ tiết hiến cúng thì nhất định phải có để thể hiện sự thành tâm cảm ân đối với ông Trời, Chư Phật Bồ Tát.
Các đạo thân nếu muốn nghỉ lại ở Phật đường qua đêm thì phải cẩn thận ghi nhớ chớ có làm tình, rờ mó lẫn nhau ở bất cứ góc nhà nào trong Phật đường ( phòng ngủ, nhà vệ sinh, đại sảnh … ) , cho dù là vợ chồng, bạn tình người yêu, hay thậm chí là vừa mới quen biết đi chăng nữa, như thế đều là làm ô nhiễm sự thần thánh trang nghiêm thanh tịnh của Phật đường.
Những quyên góp mà phật đường có được do các đạo thân tự phát tâm bỏ ra thì đều phải ghi chép báo cáo rõ ràng. Tiền tài của Phật đường, của các đạo thân quyên góp đều phải dùng trên Phật sự, chớ có tiêu tốn trên những việc không liên quan đến Phật sự, những việc vô nghĩa, như thế thì là lãng phí tiền của Phật đường, tiền của chúng sanh. Nên nhớ rằng : “ Một đồng của chúng sanh, nặng tựa núi Tu Di ”.
Tiền bố thí của đạo thân, đạo thân phát tâm dùng vào việc gì thì phải dùng vào việc đó, chẳng hạn như đạo thân muốn phát tâm mua nhang thì để mua nhang, phát tâm trợ phí trong tháng thì dùng làm trợ phí trong tháng.
Dụng cụ quét dọn nơi Phật đường thì phải dùng riêng, và phải luôn bảo quản sạch sẽ, như cây lau nhà nơi phật đường thì không được đem dùng ở nhà bếp, phòng riêng hoặc nhà vệ sinh…
Hoa tươi và nhang thơm trước khi đem dâng cúng, không nên ngửi vì làm thế sẽ đánh mất sự thanh khiết. Bởi vật dùng để dâng cúng cho Tiên Phật chứ không cho người, thơm hay không thì Tiên Phật tự biết, không cần mình ngửi thử.
Các kinh sách, sách khuyến thiện đều phải sắp xếp chỉnh tề để ở các kệ tủ nơi sạch sẽ, không giấu riêng, phải cung cấp cho đại chúng đọc, còn đại chúng thì cũng phải đọc một cách thật tốt, xong rồi thì đặt trở về lại vị trí cũ, không làm rách, không vứt để bừa; phải phân loại rõ ràng đó là vật phẩm kết duyên ( tặng ) hay là để đọc chung trong phật đường, chớ có chiếm làm của riêng.
10. Đoàn kết hợp tác
Gặp phải có việc giao bàn Thánh sự thì hết sức nhanh chóng mà tiếp nhận xử lý để biểu lộ sự thành kính. Phải hợp tác với nhau làm Phật Sự không đối kháng, không vì những tham muốn lợi ích riêng tư hay vì những mâu thuẫn bất bình cá nhân mà khiến cho Phật sự không được viên mãn; phải dạy bảo tốt cho các đồng tu để tránh đại chúng cảm thấy tình cảm con người không tốt mà chẳng dám đến Phật đường nữa.
11. Phật đường là của công, là pháp thuyền từ hàng cứu khổ cứu nạn của Bồ Tát Chư Phật, là Cung Vô Cực tại nhân gian của Lão Mẫu.
Những ai có tiền thì ra tiền, có sức thì ra sức, để tiện cho Pháp Thuyền có thể tiến hành một cách vĩnh tục và thuận lợi. Nên biết rằng có thể ra tiền ra sức cho Phật sự thì công đức vô lượng, sự hồi báo cũng đều sẽ rất tốt. Chúng ta hưởng thụ những sự vật phàm trần trong chốc lát thì đã sẵn sàng tiêu hết một khoản tiền lớn, cớ sao việc quyên góp tiền cho đạo trường để vận hành Phật đường, bàn Phật sự để vừa gieo trồng ruộng phước công đức cho chính mình và con cháu sau này, vừa khiến cho Cửu Huyền được triêm quang, vừa lợi lạc cho chúng sanh thập phương ( quá khứ luỹ kiếp có thể đã từng làm qua cha mẹ của chúng ta ) thì lại biểu hiện một cách keo kiệt vậy ?
Đương nhiên là Đàn Chủ và các nhân viên bàn sự cũng không thể cưỡng bức yêu cầu các đạo thân thường quyên trợ được. Những người tu bàn đã rõ lí thì đều nên biết tự động mà quyên trợ. Ngoài ra phải lấy thân mình làm tấm gương tốt, tự động tự phát hiệp trợ chăm lo cho mọi Phật Sự của Phật đường, ví dụ như nấu ăn chay, quét dọn lau chùi phật đường, sắp xếp bàn ghế ngay ngắn. Mỗi người phải tự giác cùng nhau gánh vác chia sẽ trách nhiệm công việc, không để cho người khác một mình phải làm quá nhiều việc mà trở thành gánh nặng, mệt mỏi. Những việc mà bản thân mình không thích hoặc không làm nổi thì không thể cưỡng bức bất cứ người nào khác đi làm, cũng chớ có mệnh lệnh bất cứ ai đi làm để tránh thất lễ thất kính với người; cũng chớ có đòi hỏi quá nhiều, tự nhiên thì là tốt nhất, ví dụ như người ta nấu gì thì ăn cái đó.
12. Tiếp Người đãi vật
Phải thật tốt mà tiếp đãi các Điểm Truyền Sư, Giảng Sư, các đạo thân đại chúng … chớ có để cho người ta cảm thấy xa lạ, phải biểu hiện ra thái độ biểu hiện hoan nghênh mọi người đến Phật đường. Sẵn sàng hiệp trợ người ta nếu như có bất cứ nhu cầu hay nghi vấn gì. Đạo thân đến Phật đường thì các Tiền Hiền chủ động chào hỏi, hỏi thăm sức khoẻ khiến cho họ có cảm giác ấm áp, gần gũi thân thiết như về đến nhà vậy.
13. Trân trọng vật công
Không lãng phí cũng không làm hư hỏng mọi tài nguyên vật dụng của phật đường, ví dụ như lãng phí nguồn điện, nước, lãng phí thức ăn, tiền tài; không lãng phí, phá hoại làm hỏng bất cứ vật dụng gì …
Những hành vi mà người tu đạo nơi Phật đường rất dễ phạm phải : mắc bệnh nan y hay gặp khó khăn phiền não đều đến Phật đường đốt bó nhang lớn cầu xin Tiên Phật trợ giúp, sử dụng nhang của Phật đường, vậy là chưa tạo được công đức mà đã trộm đồ của nhà Phật. Nên biết rằng Tiên Phật là chủ nhân của Phật đường, chứ không phải là Điểm Truyền Sư hay Đàn Chủ. Muốn đốt bó nhang lớn thì tốt nhất là tự mình nên mang nhang đến, chẳng thà để mình thiệt thòi, còn hơn để Tiên Phật, Đàn Chủ thiệt thòi.
Ở Phật đường công cộng gọi điện thoại nên tự xuất tiền trả lại.
Làm việc vô uý thí nơi nhà bếp, lúc nấu ăn, nếm thử một chút thì được, chứ thưởng thức nhiều thì không nên. Công vật nơi Phật đường là bố thí của Thiện Nam Tín Nữ thập phương, thuộc sở hữu của Phật đường, của Tiên Phật.
Những gì mang đến Phật đường rồi không được tự ý gói riêng đem về. Sau khi kết thúc pháp hội, thức ăn còn dư có thể đem về, sau này đến Phật đường nên đem thế lại đồ tươi ngon hơn, còn nếu vốn dĩ là thức ăn của mình đem tới thì khỏi.
Nên biết rằng : “ tiểu tham chẳng phòng, tất thành lỗi lớn ”
Kinh sách và tất cả các tài sản vật dụng công ở trong phật đường là của công, không được tùy ý lấy mượn, nếu cần dùng đến thì nhất định phải cho Đàn Chủ hay trước, phải thông qua sự cho phép của người quản lý, của Đàn Chủ mới có thể lấy đi; không nên tự ý mang đi, càng không được mượn lâu chiếm làm của riêng, những huấn thư kinh sách lấy đi nhất định cần phải gói ghém thích hợp, không xem nữa thì chuyển gửi cho đạo thân, hoặc gửi về phật đường, quy hoàn trở lại chỗ cũ để tiện cho người sau sử dụng thì cũng có công đức.
Phàm là người trong đạo đều nên tiếc trọng văn tự, không nên lấy giấy báo có chữ mang đi lau chùi đồ vật hay gói đồ nhơ uế. Gặp giấy báo có chữ ở ngoài đường, nên lượm nhặt bỏ vào sọt đựng giấy báo.
Nói tóm lại, những hành vi cử chỉ, những cách làm mà sẽ đem lại sự tổn hại cho bản thân và cho người khác trong Phật đường thì tuyệt đối nhất định không được làm, vì làm những chuyện như thế thì sẽ có tội nghiệp sâu nặng, bởi vì sẽ làm ô nhiễm hoặc ảnh hưởng đến sự tu hành tu tâm của đại chúng.
14. Tuân thủ Phật quy chớ tuỳ tiện
Phật quy lễ tiết, thứ tự trước sau phải có quy củ, không được tự sáng tạo hoặc tuỳ ý thay đổi.
15. Tinh thần kính nể
Phải có tinh thần kính nể đối với Lão Mẫu, Chư Phật Bồ Tát; cũng phải có tâm kính nể đối với sự thành toàn, chỉ dạy của các Tiền Hiền.
Sư tôn Sư mẫu đã quy thiên rồi, hãy nhìn xem đại cục của thế giới, sự lợi hại của những hạo kiếp lớn không thể chống đỡ nổi trong tương lai sau này, lúc này chẳng tu còn đợi khi nào ? Tiền nhân ngày đêm vì chúng ta lao phí tinh thần, tâm sức rốt cuộc là vì cái gì ? chẳng phải vì danh, chẳng phải vì lợi, chỉ sợ linh tánh của chúng ta gặp phải kiếp nạn, do vậy phàm những người có tâm thay trời bàn sự nên nỗ lực làm tốt những việc mà mình nên làm ngay tại địa vị mình đang ở, mỗi người tận hết nghĩa vụ của mình mới chẳng phụ thiên ân sư đức, sự khổ tâm thành toàn của Lão tiền nhân, Tiền nhân.
16. Chỉ dạy lễ tiết
Nếu như có đạo thân chưa thuộc lòng về Lễ Tiết, các Tiền Hiền phải tự động chỉ dạy hoặc cùng tham giá chung để dẫn động cảm giác tham dự của đạo thân mới.
17. Khiêm tốn hạ mình
Nếu như có những chỗ nào không hiểu, nên khiêm tốn mà nhờ Tiền Hiền chỉ dạy, vui vẻ không ngại học hỏi, chớ có cao ngạo tự đại.
18. Chẳng phân giàu nghèo
Cùng là con của một Mẫu, đồ nhi của chung một Thầy, bạn đạo đồng tu, chẳng phân giàu nghèo, đều phải thương yêu đối đãi tôn kính bình đẳng như nhau, chẳng chút phân biệt kì thị.
Tu hành mà chẳng tuân giữ giới luật Phật Quy Lễ Tiết,
khác nào " rỗ tre múc nước uổng phí công "
Quy Tắc trong lúc nghe kinh giảng đạo
Khi có người lên bục giảng đạo, để bày tỏ lòng thành đối với người thuyết pháp, thính giả phải chọn một người đứng hô khẩu lệnh :
- Một : Toàn thể đứng dậy ( lúc này giảng sư tiến trước Phật đường hành lễ )
- Hai : Cúc cung ( Giảng sư hành lễ xong, quay mặt chào hỏi thính giả, lúc này toàn thể cúi đầu chào hỏi giảng sư ).
- Ba : Ngồi xuống. ( Giảng sư đáp lễ xong, toàn thể ngồi xuống ).
- Trong lúc giảng sư giảng đạo, mọi người đều phải im lặng nghiêm túc, không được thì thầm hay nói to nói nhỏ, cười đùa trong giảng đường để tránh nhiễu loạn buổi lên lớp mà làm trái Phật quy.
- Trong lúc nghe giảng, nếu muốn ghi chép thì tự chuẩn bị tập vở, ghi chép những điều trọng yếu, sau này ôn lại có thể làm tăng trí tuệ.
- Trong lúc ngồi nghe lớp chớ có bắt chéo chân, hay gác chân lên đùi, lên ghế để tránh thất lễ đối với Tiên Phật và giảng sư; phải có tinh thần đứng thẳng như cây thông, ngồi ngay vững như quả chuông vậy.
- Trong khi nghe giảng, trừ trường hợp bất khả kháng, không nên tuỳ ý ra ngoài ăn uống hay làm những việc khác, làm loạn trật tự.
- Trong lúc nghe giảng, cần phải chú tâm, tinh thần không được uể oải uỷ mị.
- Trong lúc lên lớp, nếu vị chủ giảng chưa hỏi đến thì tuyết đối chớ có phát ngôn, phải gìn giữ sự trang nghiêm của Phật đường.
- Trong lúc nghe giảng, nếu được điểm đến tên thì nên đứng dậy thẳng người trả lời một cách lễ phép, có hỏi thì phải có trả lời. Hãy dốc hết sức mà trả lời, những chỗ không biết thì thỉnh cầu từ bi khai thị.
- Trong lúc nghe giảng, nếu gặp người đến sau, dù là bạn chí thân cũng không thể tuỳ ý ra lời chào hỏi để tránh việc giảng bị gián đoạn. Khi Điểm Truyền Sư đi vào hay đi ra, đều không cần đứng dậy để tiếp giá hay tiễn giá.
- Trong lúc nghe giảng, nếu có chỗ không rõ, hay là có nghi vấn, có thể ghi chép lại, đợi giảng sư giảng xong lúc nghỉ giải lao mới tìm giảng sư để hỏi và bàn luận; không thể tức thời chất vấn làm người giảng đạo phải gián đoạn.
- Nếu có dẫn người đến dự thính thì cần phải báo cho Đàn Chủ hay Điểm Truyền Sư, Giảng Sư rõ để tìm hiểu căn cơ, trình độ của người mà dùng một phương tiện khác thích hợp để khai thị; đồng thời cũng để tránh việc giảng sư vô tình tiết lộ thiên cơ của Tam Bảo tâm pháp.
- Khi giờ giảng kết thúc, hai bên Càn đạo và Khôn đạo chia nhau trước sau hành lễ từ giá, chia đợt rời khỏi Phật đường và không làm ồn để người có ác cảm xấu đối với Đạo mà sinh lòng huỷ báng.
Số lượt xem : 1854