Quên mất cái tâm bồ đề mà tu tất cả mọi thiện pháp thì gọi là ma nghiệp
Vọng thất bồ đề tâm, tu chư thiện pháp, thị danh ma nghiệp
( Kinh Hoa Nghiêm )
( Tạm dịch : Quên mất cái tâm bồ đề mà tu tất cả mọi thiện pháp thì gọi là ma nghiệp )
Chúng ta đánh giá một người rốt cuộc có phải là một vị bồ tát đại thừa hay không, điểm then chốt không phải ở chỗ người đó đã tạo thiện nghiệp hay ác nghiệp, mà là bên trong nội tâm của người đó có phải là thật sự muốn trên thì cầu phật đạo, dưới thì độ hóa chúng sanh hay không.
Vạn Ích Đại Sư nói rằng : tất cả các pháp chẳng có tánh, tất cả tùy tâm mà chuyển. Tâm vì bồ đề thì tất cả các pháp hướng đến Bồ Đề. Tâm vì danh lợi thì tất cả các pháp hướng về danh lợi.
Nói rằng hôm nay chúng ta tạo một thiện nghiệp – hoặc là bố thí, hoặc là trì giới, hoặc tu tập nhẫn nhục, thiền định…chúng ta có thể nói rằng những thiện nghiệp này có thể thành tựu quả báo an lạc, chúng ta chỉ có thể nói như vậy. Thế nhưng cái quả báo của sự an lạc này rốt cuộc hướng đến phương hướng gì ? cái thiện nghiệp này vẫn chưa có một phương hướng quyết định, tất cả các pháp chẳng có tánh. Cái tánh phương hướng này là do ai quyết định ? Tất cả đều tùy tâm chuyển, cái nhân địa phát tâm của bạn sẽ quyết định phương hướng của cái thiện nghiệp này.
Nếu hôm nay bạn tu tập thiện nghiệp là vì bồ đề, tâm vì bồ đề thì tất cả các pháp đều hướng đến bồ đề. Sự bố thí, trì giới của bạn thoạt nhìn thì là một thiện pháp của người trời, thế nhưng do bạn có sự dẫn đạo của tâm bồ đề, toàn bộ đều mang bầu không khí của tâm bồ đề.
Nếu như hôm nay bạn bố thí, trì giới là vì để thành tựu quả báo an lạc của người trời, tâm vì danh lợi, tất cả các pháp hướng đến danh lợi, toàn bộ thiện nghiệp của bạn triêm nhiễm bầu không khí của danh lợi. Cái nhân địa hữu lậu thì quả báo tự nhiên là hữu lậu.
Chúng ta có thể tư duy một việc xem, Phật Đà lúc tại nhân địa tu tập đủ thứ các thiện nghiệp, ma vương lúc tại nhân địa cũng tu tập rất nhiều các thiện nghiệp. Đương nhiên chúng ta hôm nay chán ghét ma vương bởi vì hắn làm chướng ngại người tu hành. Chúng ta từ trên kinh điển có thể biết rằng ma vương lúc tại nhân địa, hắn có thể cũng là đã tu tập đủ thứ bố thí, cũng đã xây một cái chùa, cũng đã mở rất nhiều pháp hội nghe pháp bình đẳng, trong đó lại còn cúng dường một vị Bích Chi Phật, lại còn phụng trì bát quan trai giới, dựa vào quan hệ của 3 loại phước nghiệp mà sanh làm ma vương, hưởng thụ niềm vui của ngũ dục thế gian. Vì sao Phật Đà lúc tại nhân địa tu tập các thiện nghiệp mà các thiện nghiệp này lại thành tựu quả báo thanh tịnh trang nghiêm, vạn đức trang nghiêm, tam thân, tứ trí, ngũ nhãn, lục thông của phật ?
Cũng cùng là một thiện nghiệp chạy đến bên trong nội tâm của ma vương, cái nghiệp ấy biến thành một quả báo của ngũ dục tạp nhiễm. Vì sao cùng một thiện nghiệp mà lại có kết quả khác nhau vậy ? chính là nhân địa phát tâm của chúng ta khác nhau, nghĩa là cái thiện nghiệp này chúng ta đã cho chúng phương hướng khác nhau thì cái thiện nghiệp này hướng đến những kết quả khác nhau.
Trong Văn Sao của Ấn Quang Đại Sư cũng có nói ra một ví dụ rằng con bò đi uống nước, con bò do nhân duyên của thiện tâm nên đã tạo ra sữa bò để cung dưỡng chúng sanh; rắn độc đi uống nước, rắn độc do sân tâm mà đem nước này chuyển thành dịch độc để độc hại chúng sanh. Hai chúng sanh này cùng đi uống nước, một con sáng tạo ra sữa bò, một con sáng tạo ra dịch độc. Tất cả các pháp chẳng có tánh, mọi cái đều tùy tâm mà chuyển.
Cho nên chúng ta lúc mới bắt đầu tu học phật đạo, nhất định phải thành tâm chánh ý, nhất định phải làm rõ mục tiêu. Bạn rốt cuộc trong cuộc đời của bạn, bạn muốn theo đuổi truy cầu cái gì ? đấy chính là một điểm then chốt. Nếu hôm nay chúng ta đã quên mất cái tâm bồ đề, tu tất cả các thiện pháp, vậy thì đều là ma nghiệp.
Vì sao lại là ma nghiệp ? bạn không muốn truy cầu vô thượng bồ đề, bạn tu tập thiện pháp là để theo đuổi quả báo nhân thiên, kiếp sau của bạn sẽ triệu cảm một quả báo phú quý. Thế nhưng cái quả báo phú quý thì khiến cho người ta dễ dàng trụy lạc. Khi phước báo của bạn lớn thì nghiệp lực của bạn càng lớn, sự tình của bạn càng nhiều, đấy là những thiện nghiệp mà kiếp trước bạn đã tạo biến thành chướng ngại của bạn kiếp này. Bạn muốn tu học phật pháp sẽ rất khó khăn, bởi vì bạn có quá nhiều việc phải bận rộn, phân tâm. Cái chướng ngại này, bạn tu tập thánh đạo thì là ma nghiệp. Những sự việc mà ma vương làm chính là làm chướng ngại người tu hành, hy vọng mọi người đều không thể thoát ra khỏi, tiếp tục lưu chuyển trong tam giới. Cho nên chúng ta hôm nay phải biết những nhân duyên như thế nào có thể vào đại thừa, chứ không ở chỗ hôm nay bạn tích tập bao nhiêu công đức, mà ở chỗ bên trong nội tâm của bạn chân thật phát khởi tâm bồ đề, đấy là nền tảng đầu tiên của chúng ta.
( Chú thích : Hai từ "Bồ đề" trong "tâm bồ đề" là tiếng phạn của ấn độ cổ, dịch thành ý nghĩa hán văn là “Giác", nghĩa là thành Phật. Bồ đề tâm là cái tâm thành Phật, là đạo tâm, cũng có nghĩa là phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, phát cái tâm trên cầu Phật đạo, dưới độ hóa chúng sinh, làm lợi ích chúng sinh, tự giác giác tha. )
Số lượt xem : 3189