Học tu bàn đạo và 'tâm bệnh'
Trên con đường tu bàn đạo :
Chủ động Tu sửa bỏ đi những tánh khí thói hư tật xấu, gọi là bước đầu của sự giác ngộ.
Chủ động tham gia các hoạt động Phật sự bàn đạo, gọi là bước đầu của sự trưởng thành với ý thức trách nhiệm gánh vác “đại gia đình”.
Tâm thanh tịnh không phiền não vọng tưởng, không chấp trước dính mắc, chẳng có tham sân si mạn nghi, gọi là tâm lành mạnh.
Tâm đầy phiền não chấp trước vọng tưởng phân biệt và dục vọng, gọi là tâm bệnh.
Thường đến Phật đường để học đạo nghe pháp, cho đến thường quán soi tâm mình mỗi ngày cho đến mỗi thời khắc, gọi là kiểm tra sức khỏe của tâm theo định kì.
Tâm có bệnh vội tìm các bậc thiện tri thức tiền hiền để đến khám chữa cho thuốc tiêu trừ phiền não, khử khuẩn, tiệt trùng, khâu lành vết thương lòng, gọi là đến "bệnh viện tâm" tìm bác sĩ y tá để chạy chữa.
Lắng nghe, đọc hiểu và hành y theo những lời từ bi của Tiên Phật để tu tâm dưỡng tánh, gọi là uống thuốc theo chỉ định. Thuốc đến thì bệnh trừ, không uống chẳng hết bệnh.
Giảng đạo, là thông qua việc học tu đạo, nghiên cứu đạo lý thánh huấn kinh điển Phật pháp rồi chia sẻ lại cho những người khác, là đang hành nghề y chữa trị "tâm bệnh" cho người vậy.
Chẳng kiểm tra sức khỏe tâm định kì, cũng chẳng tìm thầy thuốc chạy chữa, tự thân chẳng biết, bác sĩ chẳng hay, lâu ngày thành bệnh mãn tính, hình thành nên khối “ U nghiệp lực sinh tử “, là căn bệnh ung thư nan y thâm căn cố đế, lũy kiếp đến nay cực khó chữa lành vậy.
Người đời chỉ mãi lo chạy theo các thứ vật dục bên ngoài mà quên mất sức khỏe của thân, hoặc chỉ mãi biết chăm sóc sức khỏe thân, lại quên mất chăm sóc sức khỏe của tâm, gọi là bỏ gốc tìm ngọn, điên đảo vọng tưởng vậy.
Số lượt xem : 793