Chớ có bảo rằng … Chớ có bảo rằng … !
Chớ bảo rằng tu đạo là việc khó khăn khổ sở, bởi vì so với việc tu đạo, thì việc phải đọa vào đường ác của địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ cho đến có được thân người để tu đạo lại là việc càng khó khăn khổ sở gấp muôn vạn lần hơn.
Chớ bảo rằng tu đạo là việc chuyên dành cho người xuất gia tìm cầu con đường giải thoát chứ chẳng liên quan gì đến mình, bởi vì người người đều có đạo, vốn sẵn nơi tự thân, chứ chẳng phải tìm cầu từ Chư Phật Bồ Tát hay Thánh Thần nào bên ngoài, chỉ khác là ở chỗ mê và ngộ, vậy nên mới cần phải cầu đạo để đắc thụ Minh Sư chỉ điểm, lại học đạo, ngộ đạo để tu đạo, hành đạo mà thành đạo, như chữa lành đôi mắt mù lòa, khôi phục thị lực tìm lại ánh sáng.
Chớ bảo rằng mình còn quá trẻ, quá sớm để tu đạo, bởi quan tài không chỉ chứa đựng người già, vô thường chẳng đợi chờ một ai. Tu đạo càng sớm thì càng tốt, như bệnh càng phát hiện sớm, chữa trị càng sớm thì càng mau lành, càng đỡ tốn mất nhiều thời gian tiền bạc và công sức. Những tánh khí, tập khí, thói hư tật xấu của trẻ được uốn nắn chỉnh sửa sớm ngay từ thuở còn bé khi mới bắt đầu khởi phát thì sẽ dễ dàng hơn so với việc đợi đến khi chúng trưởng thành rồi mới bắt đầu chỉnh sửa lại từ từ. Những thói hư tật xấu ấy ví như những con sâu gặm mòn sinh mệnh của cây, nếu có thể loại trừ ngay khi bắt gặp một con sâu trên cây, chẳng đợi chúng sinh sôi đến mức vô số thì sẽ có thể loại trừ khả năng toàn thân cây đều bị sâu gặm trụi lá, bò lúc nhúc khắp nơi trông thật kinh tởm rợn cả tóc gáy. Vậy nên nếu chẳng chịu tu đạo sớm, đợi mãi đến khi già có thời gian nhàn rỗi mới tu, thì việc loại trừ “ những con sâu gặm mòn sinh mệnh ”, tức sửa bỏ những tánh khí thói hư tật xấu đã thâm căn cố đế sẽ càng vô cùng khó khăn. Vậy nên tu đạo phải hạ quyết tâm tu sớm tu ngay, càng chần chừ trì hoãn lâu chừng nào, thì đạo càng khó tu thêm chừng ấy.
Tương tự, bàn đạo cũng vậy, càng sớm nhanh chừng nào thì càng tốt chừng ấy, vì sinh mệnh có hạn, sinh mệnh mỗi người cũng rất vô thường chẳng thể đoán trước ngày mai. Bàn đạo, độ hóa thành toàn, làm lợi lạc chúng sinh càng sớm càng nhanh thì công đức tích lũy được sẽ càng nhiều, càng có thể tiêu trừ rất nhiều những nghiệp chướng lũy kiếp đã gieo tạo, những thứ gây chướng ngại trên cả đường đời lẫn đường đạo, có thể hồi hướng trả các món nợ oan nghiệt của lũy kiếp càng nhanh càng sớm càng tốt, tự nhiên sẽ đổi lại được sự thuận lợi và an vui trên cả nghiệp Thánh lẫn nghiệp phàm, gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp.
Bàn đạo càng cần đến nhiều tinh thần, tâm sức, thời gian, là những thứ mà sẽ tỉ lệ nghịch với tuổi tác đang trên chiều hướng tăng lên : tuổi càng cao thì tinh thần sức lực càng sa sút, sức khỏe trí lực càng suy giảm, mạng thọ càng giảm dần như cá sắp cạn nước vậy, cơ hội hành công lập đức tức sẽ chẳng còn lại bao nhiêu.
Chớ bảo rằng người tu đạo là ngu dại, bởi vì thế gian còn nhiều thú vui, mĩ nhân, mĩ thực ( thức ăn ngon ) còn chưa tận hưởng hết, đợi hưởng trọn, hưởng đã đời, chán rồi hãy tu chẳng phải mới là khôn đó sao ? Lý tưởng thì là vậy, nhưng thực tế thì : khi đã hưởng trọn, hưởng đã đời rồi thì có khi phước cũng đã tiêu sạch hết, tội lỗi nghiệp nợ chất chồng cao hơn cả núi Tu Di, mạng thọ cũng chẳng còn, đâu còn có thể tu đạo. Khi ấy thì vàng bạc châu báu, nhà cao cửa rộng, đủ thứ các phương tiện tiện nghi, nhiều vợ đẹp con ngoan tài giỏi … thảy đều chẳng mảy may mang đi theo được, duy có tu đạo thành đạo thì hợp về đại đạo bất sanh bất diệt, giải thoát sanh tử luân hồi; còn như chẳng có tu đạo thành đạo thì “đến tay trắng, đi tay không, trở về sinh tử luân hồi vòng, công dã tràng sóng vô thường cướp, muôn vàn nhọc sức đổ bể sông ! ”, khi ấy mới rõ chân tướng ai khôn ai dại !
Chớ bảo rằng đợi đến khi gặp Diêm Vương mới tin có địa ngục thiên đường, bởi đến khi ấy hối tiếc đã không kịp.
Chớ bảo rằng mình mãi bận rộn nên chẳng có thời gian để tu bàn đạo, bởi chính những sự bận rộn vì tất cả các nghiệp phàm ấy đã khiến mình phải bận mãi trong lũy kiếp luân hồi đến nay.
Chớ bảo rằng hãy đợi đến khi mình rảnh rỗi có thời gian mình mới tu bàn đạo, bởi vì con người ta chỉ rảnh rỗi có nhiều thời gian nhất chính là khi nằm liệt một chỗ trên giường bệnh hoặc nằm xuống mãi mãi trong lòng đất mẹ mà thôi.
Chớ bảo rằng Tam Tào Phổ Độ ( Thiên, Địa, Nhân ) là công việc chuyên trách của ông thầy Tế Công Hoạt Phật, bởi việc cứu độ Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, anh chị em, họ hàng thân quyến ruột thịt, cho đến bạn bè đồng nghiệp bên ngoài xã hội cũng là trách nhiệm bổn phận của mỗi người để tận tròn đại hiếu đạo, báo đáp ân nghĩa tình.
Chớ bảo rằng việc vận hành Phật đường, chăm lo tổ chức các Phật sự, các hoạt động của Phật đường, hộ trì thiên mệnh là việc chuyên trách của các vị Điểm Truyền Sư, các Giảng sư, Đàn chủ, mà bởi phàm hễ đã là đạo thân, đệ tử của Thiên Mệnh Minh Sư Tế Công Hoạt Phật, tức đã bước lên pháp thuyền, đồng hội đồng thuyền thì đều phải tích cực hộ trì bảo vệ, trợ giúp cho chiếc pháp thuyền ấy, giống như các hành khách trên cùng một chiếc thuyền đều phải phối hợp tốt với các tay thủy thủ để giúp nhau cùng vượt qua những cơn sóng to gió lớn, cùng bình an về tới bến bờ đích đến.
Chớ bảo rằng tu đạo chẳng cần nhất thiết phải độ người, vì nếu chẳng có dẫn sư đến độ hóa tiếp dẫn, làm sao mình biết có đạo phải cầu, có nơi có Thiên Mệnh Minh Sư có thể truyền đạo, chỉ điểm giúp cho ngộ đạo, tu đạo liễu thoát luân hồi sinh tử ngay trong một kiếp này chứ chẳng phải luân hồi tu tiếp chốn nhân gian trong nhiều đời nhiều kiếp ?
Chớ bảo rằng tu đạo, độ người chẳng cần nhất thiết phải thành toàn, vì nếu chẳng thành toàn về Phật đường để học đạo,hiểu đạo, ngộ đạo, thì dựa vào đâu để mà phát tâm bồ đề ? để mà tu đạo ? để mà hành đạo ? môi trường đâu để mà bàn đạo ? liễu nguyện đã lập khi cầu đạo ? Như những học sinh đăng kí vào học tại một trường học, đăng kí rồi nhưng lại chẳng được gọi về tham dự các buổi học, trải qua các đợt thi cử, tích lũy điểm số thành tích nơi trường đó, thì cuối cùng lấy gì để tốt nghiệp, cấp bằng hay chứng chỉ ?
Chớ bảo rằng đạo là hư dối, bởi nếu là hư dối thì tất sẽ chẳng có được sự hộ trì của Chư Thiên Tiên Phật, Vạn Tiên Bồ Tát, cũng sẽ chẳng có vô số những hiển hóa không thể nghĩ bàn, sẽ chẳng có vô số những ấn chứng của người quy không thân mềm như bông, mùa đông không cứng, mùa hạ chẳng thối, hiển tướng tốt lành; sẽ chẳng có người thấy được Tiên Phật lâm Đàn lúc bàn đạo, Tế Công Hoạt Phật mượn tay Điểm Truyền Sư để điểm đạo, cho đến việc khi siêu bạt ông bà, hoặc cha mẹ có người nhìn thấy vong linh sau khi nhận được một chỉ điểm thì lập tức thay đổi pháp tướng, y phục, theo Tiên Phật tiếp dẫn siêu thăng lên trời, thoát rời địa ngục; cũng sẽ chẳng có vô số các Phật đường không ngớt được thiết lập ở khắp các nước trên toàn cầu, chỉ trong thời gian ngắn ngủi mà đạo đã phổ truyền khắp bốn bể năm châu…
Chớ có bảo rằng mình vì ghét hay không phục một ai đó trong Phật đường mà khiến mình chẳng muốn quay về Phật đường để tu bàn, bởi sẽ không thể có lý do tương tự khi trở về Vô Cực Lí Thiên bảo lại với đức Vô Sanh Phật Mẫu rằng “ vì con ghét ai đó đang có mặt tại Vô Cực Lí Thiên nên con chẳng muốn về ở lại Vô Cực Lí Thiên này, có “hắn” thì sẽ chẳng có con ở đây !” . Nên nhớ rằng Phật đường cũng chính là đại lý đại diện cho Cung Vô Cực của đấng Vô Sanh Phật Mẫu tại nhân gian vậy. Phật đường là nơi tu luyện, mài luyện, Vô Cực là nơi thành quả, trưng bày các tác phẩm đẹp hoàn chỉnh viên mãn.
Chớ có bảo rằng mình vì không có dẫn sư liên lạc về Phật đường, hoặc về Phật đường chẳng có mặt dẫn sư, mình chẳng quen biết ai ở đó nên cảm thấy lạc lõng xa lạ, e ngại vô cùng, bởi Phật đường là một đại gia đình, trong đó các đạo thân chính là như người một nhà ( vì đạo mà thân ), trước lạ sau quen, ví như anh trai đến trước, em trai chào đời đến sau, cả hai nào đã từng quen biết nhau trước đó, nay chào đời rồi vào chung một nhà vì cùng một mẹ nên mới làm quen dần với nhau, học cách yêu thường đùm bọc nhau. Lại ví như các học sinh vào cùng một trường lớp, cũng đều là trước lạ sau quen, từ chỗ người dưng nước lã mà dần dần trở thành bạn bè, cho đến bạn thân tri âm tri kỉ. Chỉ cần chịu mở lòng với nhau thì đều có thể duyên lành rộng kết, trở thành huynh đệ tỉ muội tri âm tri kỉ.
Chớ có bảo rằng mình có việc cần phải cầu đến sự trợ giúp của Lão Mẫu, Tiên Phật thì mới quay về Phật đường, bởi chẳng thể “ đợi khi nguy cấp mới ôm chân Phật ”, còn những lúc an vui bình thường lại chẳng nhớ đến Phật, chẳng nhớ đến Thầy, ngày thường chẳng về hành công lập đức, liễu nguyện tiêu nghiệp, đợi khi các Oan gia trái chủ tìm đến nợ đòi, chẳng công chẳng đức, dựa vào cái gì để hoàn trả nợ nghiệp, để Chư Phật Bồ Tát có thể thương lượng hồi hướng giải nạn tiêu nghiệp, gỡ dần các nút thắt oan kết đây ?
Chớ có bảo rằng … chớ có bảo rằng …., bởi tất cả mọi lý do, mọi cớ mà mình viện ra để biện minh đều sẽ là những chướng ngại “ trên con đường cầu đạo, học tu giảng bàn hành cho đến thành đạo, giải thoát phiền não sinh tử luân hồi ” mà mình tự đặt ra để ngăn cản bước đường tu bàn của bản thân mình. Càng nhiều lý do để mình “ sướng trước ” thì sẽ càng nhiều “ khổ sau ” kéo theo vậy.
Số lượt xem : 1064