BẠCH DƯƠNG KỲ - Bạch Dương Tu SĩBạch Dương Kỳ 2002

Tu Hạnh Quét Rác

Tác giả liangfulai on 2023-02-25 10:51:03
/Tu Hạnh Quét Rác

Ai ơi quét rác tự lòng

Đừng chỉ biết quét rác trần thế gian

Tâm ta còn rác ngổn ngang

Ngày đêm lo quét mới an cuộc đời.

 

Rác lòng, rác đời quét vơi

Bao giờ hết rác, thảnh thơi an nhàn

Chuyện đời trả lại thế gian

Đừng nên chấp giữ sầu than cuộc đời.

 

Rác lòng ta quét cho xong

Rác người người quét, đừng trông nhà người

Sạch mình rồi mới giúp người

Chưa sạch mà giúp, ai tin cậy nhờ ?


 

Mỗi ngày phải quét rác nơi tâm

Thanh tịnh “rác bẩn phiền não lòng”

Sạch nhà, sạch cửa an vui chủ

Khách đến nhà chơi chẳng phiền lòng.

 

Rác bẩn chớ quét sang nhà khác

Chớ đổ nhà người, đất ruộng tâm

Làm bẩn nhà hàng xóm, nhà bạn :

Thiếu ý thức, văn hóa, lương tâm.

 

Mỗi ngày phải quét rác nơi tâm

Quét từng ngóc ngách trong nhà lòng

Khách đến nhà chẳng thấy rác, bụi

Thì chẳng chê bai đánh giá lòng.

 

 

 

Ngày thường rác chẳng tích tâm

Thì đâu cần quét, nhọc lòng làm chi

Tích hoài lại quét, cớ chi ?

Nhọc bao tâm sức quét rồi làm dơ

Cứ vậy quét đến bao giờ ?

Cớ sao “ chẳng trữ ” từ ngay ban đầu ?

Có thời rỗi, giúp người mau

Thanh lý dọn sạch rác nơi “nhà người”

Môi trường cộng đồng sạch tươi

Khác nào tịnh độ hiển bày thế gian.

 

 

 

PHÁP TU TÂM "CHỔI QUÉT"

 

Nghĩ cũng lạ, tu hành theo suy nghĩ của nhiều người là thực thi và trải nghiệm những gì cao siêu và huyền nhiệm như giữ giới, thiền định cho đến phát huệ, thần thông quảng đại, thấu rõ quá khứ và vị lai. Ít ai ngờ rằng, quét nhà quét vườn cũng là một pháp tu thông dụng - tu hạnh quét rác. Càng ngạc nhiên hơn, người tu hạnh quét rác này lại thành tựu công đức lớn. Như vậy, hẳn trong pháp tu quét rác này ẩn chứa điều gì bí mật mà không phải bất cứ ai quét rác mỗi ngày cũng đều khám phá được. Dưới đây là một câu chuyện về Đức Thế Tôn đã dạy về pháp tu “quét rác” như sau:



Chu Lợi Bàn Đặc và Ma Ha là hai anh em sinh đôi sinh ra trong một gia đình Bà la môn ở thành Xá Vệ (Sravasti - Ấn Độ). Người anh cả có trí thông minh hiếu học, còn đứa em tên là Chu Lợi lại chậm lụt, không biết đọc, biết viết, tất nhiên không thể làm tròn trách nhiệm người con thuộc một gia đình tu sĩ.



Sau khi người cha mất, hai người con trai gặp một đệ tử của Đức Phật Thích Ca và không bao lâu sau người anh trở thành thành tu sĩ được theo chân đức Phật và được gia nhập giáo hội. Trong lúc đó Chu Lợi cũng lui tới, nhưng chỉ biết giành ăn với chó mèo mà thôi. Người anh lớn hỏi ý kiến Ngài A Nan, thị giả của Đức Phật, rằng liệu một kẻ có trí khôn tệ hại như Chu Lợi có được phép gia nhập tăng già chăng. Tôn giả A Nan nói: “Đem em ngươi lại cho Đức Thế tôn và trực tiếp hỏi ý kiến của Ngài”.



Lúc đầu Chu Lợi không dám lại gặp Đức Phật vì tự thấy không xứng đáng và quá ngu dốt, nhưng nhờ người anh chỉ rằng giáo pháp này lấy lòng từ bi làm chính, nên cuối cùng Chu Lợi mới chịu. Chu Lợi đến gặp Đức Phật một cách sợ sệt. Chỉ nhìn qua, Đức Phật đã thấy ngay tính khiêm tốn và lòng nhân hậu của con người trẻ tuổi này và cho phép Ngài A Nan thu nhận làm môn đồ.



Ba tháng trôi qua, anh chàng Chu Lợi tội nghiệp vẫn không thuộc nổi một câu kinh mà bất cứ kẻ chăn cừu nào cũng thuộc được. Trong lúc đó thì các vị Tăng sĩ trẻ tuổi đã thuộc nằm lòng. Chu Lợi thất vọng hỏi ý kiến Ngài A Nan. Ngài A Nan vừa mới giải thích xong thì đã nhận ra rằng Chu Lợi không thể lĩnh hội gì cả, không có câu nói nào nằm lại trong óc chàng.

 

Tôn giả A Nan tự nhủ: “Người này gia nhập giáo hội để làm gì khi không thể nhớ điều nào trong đầu?”. Ngài A Nan chỉ ban phước cho Chu Lợi và cho chàng nghỉ việc. Chàng thất vọng, ra ngồi khóc ở vườn cam, khóc mãi cho đến khi Đức Phật đi qua. Đức Phật biết ngay những gì vừa xảy ra và khuyến khích Chu Lợi kể lại câu chuyện. Chàng thút thít: "Không hiểu điều gì đã xảy ra với con? Con muốn trở thành đệ tử của Thế tôn và được học pháp của Ngài, thế mà con không nhớ được điều đơn giản nhất. Nghiệp nào làm con không thể hiểu biết được thưa Ngài?”.



Đức Phật giải thích, trong kiếp cuối cùng, chàng là một Bà-la-môn thông thái và là người tự cho mình tài giỏi hơn thiên hạ, chê trách không hết lời những quan điểm của người khác. Quá chủ quan, chàng tự cho mình là đạo sư và truyền bá các quan điểm sai lầm làm nhiều kẻ tầm đạo phải lạc lối. Vì sử dụng sai lạc sức mạnh của tư tưởng, Chu Lợi phải nghiệp báo trở thành kẻ ngu dốt trong kiếp này và bị nhiều người chê bai.

Chu Lợi đáp: "Làm sao con thoát khỏi ách nạn này?”.

Đức Phật trả lời bằng câu kệ:

"Được bậc hiền giả hướng đạo,

Tốt hơn là được kẻ khờ ca tụng.

Ai biết rằng mình còn vô minh dại dột,

Kẻ ấy mới là một hiền giả đích thực
.

Ai tưởng mình là một hiền giả, dù không nói ra,

Thì đích thực là một kẻ dại khờ”.

 


Sau đó, Chu Lợi được Đức Phật đích thân chỉ dạy. Nhằm làm sáng tỏ đầu óc của Chu Lợi, Phật bảo chàng ngồi mỗi ngày đều quét Tinh xá và quét các đường đi xung quanh. Trong công việc đó, chàng chỉ nên nhớ đến hai câu duy nhất: "Phủi bụi, trừ dơ" (Phất trần trừ cấu). Ngoài ra, Chu Lợi phải chùi sạch tất cả giày dép của các vị Tăng sĩ khác. Vừa mới cầm chổi quét, chàng liền quên ngay hai câu kệ. May thay chàng gặp Tôn giả A Nan đang ngồi giữa sân Tinh xá và nhờ nhắc lại hai câu đó. Sau một thời gian dài, Chu Lợi mới thuộc được hai câu này. Vài tháng sau thì chàng thuộc lòng và lúc nào cũng lẩm nhẩm câu này, trong khi tay cứ quét bụi và chùi giày từ đôi này qua đôi khác. Đức Phật để tâm quan sát sự cố gắng của vị tiểu tăng này và có cách làm cho lúc nào Tinh xá cũng đầy bụi và giày dép lúc nào cũng lấm bùn để Chu Lợi có việc làm liên tục từ sáng đến tối.



Với sự cẩn trọng và tha thiết, qua 6 năm Chu Lợi từ từ đi vào chiều sâu của câu nói: "Thế tôn nói bụi là muốn nói bụi ở bên ngoài hay bên trong? Mà bụi ở bên trong là gì? Đó là các phiền não, tham, sân, si, áo, mạn, nghi, tà kiến v.v... Trừ sạch được các bụi dơ đó mới thật là khó, chẳng phải là người kiên trì và đầy đủ Trí tuệ thì không thanh trừ nổi”. Cứ thế, chàng trở thành người đệ tử chuyên sâu nhất, đồng thời, chàng vẫn miệt mài, chu đáo đi phụng sự các bạn đồng tu.

Ngày nọ, Chu Lợi tung chổi quét bụi, và tâm thức đại định của chàng đã đạt đến mức rất sâu thì một câu kệ của Đức Phật bỗng nhiên bừng sáng, trở thành một câu Kinh đầy ý pháp, một câu chàng không biết và cũng chưa bao giờ nghe:

Tham mới gọi là bụi,
Chớ không phải bụi này;
Tham mới thật đồng nghĩa
Với chữ bụi thường dùng.
Hỡi này các Tỳ khưu,
Hãy từ bỏ bụi này,
Hãy sống trong Giáo pháp
Của vị không bụi bẩn.

Sân mới gọi là bụi,
Chớ không phải bụi này,
Sân mới thật đồng nghĩa
Với chữ bụi thường dùng.
Hỡi này các Tỳ khưu,
Hãy từ bỏ bụi này,
Hãy sống trong Giáo pháp
Của vị không bụi bẩn.

Si mới gọi là bụi,
Chớ không phải bụi này;
Si mới thật đồng nghĩa
Với chữ bụi thường dùng.
Hỡi này các Tỳ khưu,
Hãy từ bỏ bụi này,
Hãy sống trong Giáo Pháp
Của vị không bụi bẩn.

(Hòa thượng Thích Minh Châu dịch)



Chu Lợi nghe các lời kệ đó và trực nhận ra rằng cái Tôi giả tạo do ba thứ tham đắm (Tham), giận dữ (Sân) và vô minh (Si) sinh ra. Như một người tỉnh dậy từ một cơn ác mộng, chàng thấy rằng lâu nay mình cứ tự động hòa mình với cái Tôi, cái đó không gì khác hơn là một lớp dơ bẩn mà chàng vừa quét đi. “Rõ như ban ngày, hoàn toàn rõ ràng. Cảm tạ đức Thế tôn”. Chàng đứng đó, tay còn cầm chổi, nhưng đã đi xuyên suốt hết các tầng bụi bặm của tâm để trở về với tự tính tâm thanh tịnh vô nhiễm! Qua thời gian rèn luyện, Chu Lợi phủi sạch được 3 độc tham, sân, si từ trong đáy lòng. Trước ngũ dục, Chu Lợi không động tâm, không ý niệm phân biệt hận thù, ganh ghét đố kỵ, tâm nhập với lý pháp giới bình đẳng, dứt hết vô minh, hoàn toàn Giải thoát. Để nhờ Phật ấn chứng, Chu Lợi đến trước Phật bái yết và trình bày sự chứng ngộ. Đức Phật tán thán Chu Lợi, tập họp đại chúng và dạy rằng:

- Này các Tỳ kheo! Người đọc tụng hàng ngàn quyển kinh nhưng không hiểu ý nghĩa của kinh cũng không theo ý kinh để hành trì, ích lợi không bằng việc chỉ đọc một câu kệ mà thấu rõ nghĩa lý và quyết tâm hành trì. Chu Lợi Bàn Đặc trước đây rất ngu muội, nhưng nhờ quyết tâm thọ trì một câu kệ ngắn mà được nhập chứng. Chu Lợi là một tấm gương sáng cho tất cả noi theo trên bước đường tìm cầu đạo lý nhập Thánh, siêu phàm.

 


Trong các đệ tử, Đức Phật xem kẻ quét bụi Chu Lợi là người khôn khéo nhất khi chuyển hóa tâm thức. Ngày nay người ta vẫn nói những ai muốn phát triển tâm thức nên thành tâm cầu nguyện đến sự gia trì của A La Hán Chu Lợi, nhất là khi nghe giảng pháp mà họ không hiểu cũng chẳng nhớ gì. Tôn giả Chu Lợi là một thí dụ lịch sử sinh động nhằm minh chứng rằng, lòng từ bi và tâm chí thành tha thiết thực hành Phật pháp có khi quan trọng hơn một đầu óc tri thức thế gian sắc sảo.


Trưởng lão Chu Lợi Bàn Đặc (tiếng Phạn là Cūlapanthaka, tiếng Tạng là Chunda) là một trong những vị đại đệ tử của Đức Phật với danh hiệu “Bậc Liễu nghĩa đệ nhất”. Trong Tăng chi, Chương Một Pháp, liệt kê các vị Tỳ kheo đại đệ tử, Ngài Chu Lợi được nhắc đến 2 lần:

- Trong các vị đệ tử Tỳ kheo của Ta, có thể dùng ý hóa thân, tối thắng là Cūlapanthaka.

- Trong các vị đệ tử Tỳ kheo của Ta, thiện xảo về tâm thắng tiến, tối thắng là Cūlapanthaka.

Trong Tăng nhất A-hàm, Chương Một Pháp, thuộc Hán tạng, cũng có đề cập đến Ngài:

- Tỳ kheo bậc nhất trong chúng Thanh văn của Ta về tài hay thay hình đổi dạng, tạo mọi thứ biến hóa, chính là Tỳ kheo Chu Lợi Bàn Đặc.
(Lược trích ấn phẩm “Sư tử tuyết bờm xanh”

Nguyên tác: “The Snow Lion’s turquoise mane”

Việt dịch: Nguyễn Tường Bách

NXB Tổng hợp TP. H.C.M, 1997)

Số lượt xem : 2961