Phân biệt Đạo Và Giáo
Đạo truyền thế giới cứu “ Tánh ” “ Mệnh ”,
Giáo truyền dạy chúng sanh tu tâm,
Đạo là bổn thể sanh muôn pháp,
Giáo khởi tác dụng tịnh nhân tâm.
Đạo khả thoát sanh tử, thành Phật,
Giáo tu khả tạo phước đức công,
Kiếp sau hưởng phước, còn sanh tử,
Sáu nẻo luân hồi khó thoát vòng.
Đạo là chủ tể vạn linh tánh,
Giáo dẫn dắt gửi gắm thân tâm,
Đạo lấy giác tánh phản tỉnh ngộ,
Giáo tuỳ duyên phương tiện độ sanh.
Đạo rời tất cả hữu vi pháp,
Giáo dạy người từ hữu vi tâm,
Đạo, lý quán triệt không thiên lệch,
Giáo nghĩa giới quy có bất đồng.
Đạo vận ứng thời mà phổ độ,
Các giáo mọi thời luôn vận hành,
Đạo có ẩn, có hiện tuỳ vận,
Truyền đúng thời, đúng người, đúng căn.
Đạo nhờ giáo hiển bày, tải đạo,
Muôn giáo thảy đều từ đạo sanh,
Đạo và giáo chẳng thể rời tách,
Hợp lại mới khả thoát tử sanh.
Từ một gốc sanh muôn cành lá,
Lá rụng quay về nơi cội sanh,
“ Nhất bổn tản vạn thù ” vô tận,
“ Vạn thù quy nhất bổn ” cội sanh.
Ngũ giáo vốn dĩ cùng một cội,
Người đời chẳng ngộ khởi phân tranh,
Tâm khởi phân biệt liền lìa đạo,
Lìa đạo, “ tu đạo ” sao khả thành ?
Tám mươi bốn ngàn pháp Phật dạy,
Thảy đều chẳng rời một chữ Tâm,
Chẳng rõ “ Bổn Tâm ” học vô ích,
Minh tâm kiến tánh, Phật mới thành.
Đạo là con đường in dấu Phật,
Thánh nhân ngũ giáo chung một đường,
Khéo bày muôn phương tiện chỉ dạy,
Ngộ đắc mới khả về cố hương.
1. Từ gốc cội để luận bàn
Đạo : Đạo là gốc cội của trời đất, là mẹ của vạn vật, là tổng đầu nguồn của vạn giáo.
Giáo : Giáo là sự giáo dục, dạy bảo, mục đích ở chỗ hoá các phong tục lề thói của dân gian trở nên lương thiện, tốt đẹp, thế nhưng nguồn cội của nó là ở “Đạo”.
“Đạo” và “ Giáo” đều là do Lão Mẫu từ trên trời giáng xuống vì để độ hoá các Nguyên Thai Phật Tử trở về nguồn cội. Thánh Nhân của Ngũ Giáo đều là phụng mệnh của Lão Mẫu mà hạ phàm chuyển kiếp phân nhau gánh vác Ngũ Giáo, là do ơn trên vì để giáo hoá chúng sanh ở những thời gian, khu vực, bối cảnh nhân văn khác nhau mà sáng lập, mỗi vị giáo hoá một phương. Ngũ giáo đều là xiển thuật chân lý của đạo, chỉ dạy cho chúng ta làm thế nào để khôi phục lại bổn tánh tự nhiên, là công phu tiệm tu ( tu dần dần, từ từ ) từ ngoài vào trong. Ngũ giáo là năm cánh của một hoa. Hiện nay do sự biến đổi của tự thân các giáo và sự đào thải của khí số, lúc này nên là lúc hoa tàn. Lúc hoa nở thì tuy rằng hưng thịnh, thế nhưng hễ tới mùa thì tự nhiên hoa tàn, đấy là quy luật của âm dương tăng giảm giữa đất trời. Đồng thời lúc hoa tàn cũng sẽ là lúc kết trái. Ngũ giáo là vào lúc thiên thời chưa đến, trước lúc chơn đạo vẫn còn chưa giáng thế phổ truyền, chỉ mới đơn truyền độc thụ chớ chưa đại khai phổ độ, thì đến trước để lát đường, làm nền móng cho đại đạo đại khai phổ độ sau này, tức là “ trước thiết vạn giáo truyền kinh điển, mạt hậu nhất trước bàn thâu viên ”.
2. Từ trên pháp môn để luận Đạo
Đạo : là pháp môn không hai, chẳng lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, là đại pháp tối thượng thừa mà Thánh Thánh, Tổ Tổ truyền nhau.
Giáo : là các pháp bình đẳng, các pháp phương tiện, tám vạn bốn ngàn pháp môn, phổ biến ứng cơ thuyết pháp, thuyết các pháp phương tiện, dùng văn tự giáo hoá để tải đạo.
3. Từ trên thời cơ truyền pháp mà luận bàn
Đạo : Có lúc ẩn, có lúc hiện, ứng thời ứng vận, chẳng gặp đúng thời thì chẳng giáng, không gặp đúng người thì không truyền.
Giáo : Thường có, hữu giáo vô loại ( mọi người trong xã hội, bất cứ ai cũng đều có quyền được học, được giáo dục, không phân biệt giai cấp, giàu nghèo, sang hèn ) , giáo hoá phổ biến.
4. Từ trên chủ quyền để bàn luận
Đạo : Thiên mệnh chân truyền chủ quyền tại trời, Sư đồ mật truyền truyền bổn tâm.
Giáo : Công tác giáo hoá chủ quyền tại người, Sửa bỏ những lề thói cổ hủ không tốt, tịnh hoá nhân tâm.
5. Từ trên tông chỉ để bàn luận
Đạo : thuộc về pháp đốn ngộ, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật.
Giáo : thuộc về pháp tiệm tu ( dần dần, từ từ ), xiển thuật chân lý của Đạo, mục đích ở chỗ loại bỏ đi những dục vọng truy cầu theo đuổi sự hưởng thụ vật chất, hoá thiên tánh bẩm sinh, quay trở về bản tánh thuần phác chân thật.
6. Từ trên kết quả để bàn luận
Đạo : là pháp giải thoát rốt ráo, pháp xuất thế gian.
Giáo : là pháp thế gian, có thể hưởng những phước báo có hạn.
7. Dựa vào bản chất để phân biệt
Đạo : là thể của Giáo, Đạo không có Giáo thì chẳng hưng
Giáo : là dụng của Đạo, Giáo chẳng có Đạo thì không dựng tạo nên.
8. Dựa vào công dụng để phân biệt
Đạo : Là tâm pháp truyền thụ.
Đạo có thể giải thoát luân hồi, siêu sanh liễu tử
Giáo : Là những lời giáo hoá.
Giáo khiến cho người bỏ đi những cái tâm tà, quay về chánh niệm, không làm tất cả mọi việc ác, làm tất cả mọi việc lành.
9. Dựa theo hình thái để phân biệt :
Đạo : là cái lí chân thường bất biến. Đạo chẳng vì chịu sự ảnh hưởng của thời gian, không gian, chủng người, tập tục, bối cảnh văn hoá, văn tự ngôn ngữ mà có chỗ thay đổi.
Giáo : là các pháp ứng cơ tồn tại. Giáo tuỳ vào sự khác nhau của thời đại, hoàn cảnh môi trường, lịch sử, văn hoá, văn hoá dân tộc, do thời, do nơi, do người mà chế định ra các phương thức phương pháp thích hợp với những thời điểm, hoàn cảnh và con người tương ứng.
10. Dựa theo tông chỉ để phân biệt:
Đạo : Đạo là pháp đốn ngộ, trực chỉ nhân tâm, có thể đắc trước tu sau.
Giáo : Giáo là dạy người quay trở về Đạo, tiệm tu mặc hoá ( tu dần dần, từ từ, khiến cho tư tưởng và phẩm cách chịu sự cảm nhiễm, ảnh hưởng mà thay đổi trong sự bất tri bất giác ) , tu trước rồi mới đắc sau.
11. Dựa theo sự truyền thụ để phân biệt :
Đạo : Chủ quyền của đạo ở nơi trời, là đốn pháp, là pháp vô thượng, truyền ngoài tôn giáo.
Giáo : Chủ quyền của giáo là ở nơi người, là pháp bình đẳng, miệng nói những lời khuyên bảo.
Những lời từ bi của Tiên Phật đều nói rằng chúng ta đắc thụ một chỉ điểm của Minh Sư, gọi là Đạo, giảng kinh thuyết pháp thì là Giáo. Đấy là sự phân biệt giữa Đạo và Giáo. Các loại tôn giáo trên thế giới thảy đều khuyên người hành thiện, thế nhưng có Giáo mà chẳng có Đạo thì không thể khiến cho người ta siêu sanh liễu tử, vậy nên nói : “đọc nát ngàn kinh vạn điển, chẳng bằng một chỉ điểm của Minh Sư ”. Thế nhưng nếu như đắc mà chẳng tu, thì cũng giống như chỉ nở hoa suông mà chẳng kết trái, có duyên chẳng có phận, quả thật là đáng tiếc. Hy vọng rằng các vị đạo thân hãy thật tốt mà nắm bắt lấy cơ duyên thời điểm tốt đẹp mà muôn kiếp khó gặp này, nhất định cần phải thật tốt mà tu bàn đạo thuỷ chung đầu cuối như một, tương lai sau này cũng có thể siêu bạt cửu huyền thất tổ, thành Thánh thành Hiền, để báo đáp thiên ân sư đức, tận đại đại hiếu, về cội nhận Mẫu, đạt bổn hoàn nguyên ( quay trở về lại bổn lai diên mục, khôi phục lại linh tánh bất muội vốn có ban đầu ).
Đạo Giáng Thế
Có Những Đặc Điểm Gì ?
Đạo trực chỉ kiến tánh, là pháp đốn ngộ, là mật bảo mà ngàn xưa chẳng dễ gì tuỳ tiện truyền cho. Thời cổ xưa là đơn truyền độc thụ, nhất định cần phải “ tu trước đắc sau ”, tu hành phải từ bỏ gia đình vợ con, đi đến những nơi núi sâu động cổ, tu đến ba ngàn công viên, tám trăm quả mãn, thì ơn trên mới phái Thiên Mệnh Minh Sư điểm hoá truyền đạo, rồi mới siêu thoát sanh tử luân hồi, thế nhưng như thế thì một trăm người cũng khó mà có một người thành tựu, vậy nên mới có câu nói : “ người tu đạo nhiều như lông trâu, người thành đạo thì ít như sừng trâu vậy ”. Hôm nay mọi người có thể dễ dàng đắc được như vậy, thật sự thì là do bởi thiên thời thiên vận đã đến thời kì đặc biệt, ơn trên mới giáng xuống đại đạo tôn quý này. Do nhân duyên khác thường không kịp đợi chúng sanh khổ tu khổ luyện để đắc đạo nữa, nên mới đại khai phổ độ, bất luận là già trẻ nam nữ, kiếp này có tu hay chưa tu, những ai có duyên thì đều có thể “đắc đạo trước rồi tu hành sau”. Sau khi đắc đạo, chúng ta phải tu nội đức, hành ngoại công, đấy là ý nghĩa của đắc trước tu sau.
Ngàn môn vạn giáo, những người tu hành quá khứ do bởi không có thiên mệnh, cho nên cũng chẳng cách nào độ thân hữu trở về cội đạo, thế nhưng hiện nay các đệ tử Thiên Đạo ( Tiên Thiên Đại Đạo ) triêm được Thiên Ân Sư Đức, chẳng những bản thân có thể liễu thoát sanh tử, mà còn có thể độ hoá các thân hữu và những người hữu duyên cùng trở về Lí Thiên, vậy nên mới nói “ một người có liên hệ mật thiết với biết bao nhiêu tánh mệnh của chúng sanh ”. Chúng ta sau khi cầu đạo, thiên bảng ghi danh, địa phủ xoá tên, thoát lìa sự chưởng quản của Diêm Vương, sau này không cần phải đến địa phủ để báo đến nữa, đối với đại sự sanh tử đã có cảm giác an toàn rồi, một kiếp tu một kiếp thành. Hiện nay tự tu bảy phần, trời xá ba phần thì có thể tu thành tựu rồi. Người có ý niệm lành thì ơn trên tất sẽ phù hộ trợ giúp, chỉ cần có ba phần tâm thì trời sẽ trợ đến bảy phần. Tham dự vào sự phổ độ thời kì bạch dương của ơn trên tuy rằng chẳng có lương bổng, thế nhưng ơn trên sẽ bù đắp lại cho mình đến ngàn lần, một vốn vạn lời. Trên đạo trường, mỗi lần nghe xong một tiết chương trình học của lớp Tân Dân thì có thể tiêu 200 tiểu kiếp, nếu chúng ta học xong lớp Tân Dân, lên xong 30 tiết thì có thể tiêu 6000 tiểu kiếp; lên xong 5 năm lớp tiến tu thì bằng với việc tu 600 năm, xong một lớp thì bằng với việc tu 120 năm. Trong Phật giáo có nói “ người tu hành có tiểu kiếp, trung kiếp, đại kiếp ”, chúng ta hơn sáu vạn năm có nhiều kiếp như thế làm thế nào để tiêu ? chính là tiêu như thế, thế nên nói lúc này là cơ hội tốt để tu thành Tiên Phật.
Đạo Là Hiện Nay Mới Có Hay Sao ?
Ơn trên giáng đạo, có ẩn có hiện, nếu đang lúc ẩn giấu thì không thể nào biết sự áo diệu của “Đạo” này, còn nếu như vào lúc hiển rõ thì ơn trên mới giáng chơn đạo, hạ lệnh cho Minh Sư truyền chỉ cái tánh lý chơn truyền này. Nếu như thiên mệnh thâu về, thì bất cứ vị Thánh Phật chưởng giáo nào cũng đều không dám vượt qua phạm vi giới hạn nhất định, chúng sanh bèn khó mà cầu đạo nữa rồi. Cái gọi là “ hữu duyên thì gặp được Phật xuất thế, vô duyên thì gặp Phật đã niết bàn ”, nghĩa là nói người hữu duyên thì gặp được thiên mệnh giáng đạo, người vô duyên thì gặp thiên mệnh đã thâu về, đạo đã ngưng độ. Vậy nên Tam Kì Phổ Độ khó gặp, những người muốn cầu đắc chơn đạo thì cần phải nhanh chóng nắm bắt nhân lúc thời điểm tốt đẹp, nếu lỡ qua cái cơ hội tốt đẹp rồi, thì phải đợi nguyên hội kế tiếp, 129,600 năm sau. Tiên Phật phê huấn nói rằng : “đã ngưng độ, thuyền đã nhổ neo rồi, muốn cầu đạo, tu đạo thì đã khó lại càng thêm khó”, thuyền nhổ neo chẳng đợi khách đến muộn sau.
Đạo Chính Là
Con Đường Tắt Trở Về Cố Hương
Lão Mẫu từ bi rằng : “ Đạo chính là con đường, đi nhất định cần phải có con đường, nhất định cần phải dựa theo con đường mà đi, thế nhưng đường có xa có gần, có cao có thấp, có bằng phẳng có gồ ghề lởm chởm, có sáng có tối. Đi đường ngay đúng thì là thiên đường. Đi đường tà đường sai lệch thì rơi đoạ vào địa ngục đen tối. Thế nhưng, đường có muôn ngàn lối, đường mà nhiều người tu hành hiện đang đi đều chẳng phải là con đường tắt. Nay Lão Mẫu bèn giáng xuống một đường kim quang, đường thông Tiên Thiên, một bước thượng đạt, siêu Khí Thiên, vượt Tượng Thiên, thẳng lên cõi Thánh. Nay đúng vào thời Bạch Dương ứng vận, lệnh cho Di Lặc chưởng Thiên Bàn, Cung Trường xiển Đạo Bàn, cùng bàn việc thâu viên, cứu vãn Tam Tào đồng chứng bồ đề.
Hoàng Điểm Truyền Sư của tổ Phát Nhất lúc bấy giờ khi cầu đạo là được đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện cho ông ấy một cơ duyên chỉ dẫn cho cầu đắc đại đạo. Vào cái hôm sau khi cầu đạo, trong giấc mơ ông Hoàng thấy đức Phật Thích Ca Mâu Ni chúc mừng ông, bảo rằng chỉ cần đi theo bước chân của các Tiền Hiền thì có thể trở về cố hương Phật quốc. Hoàng Điểm Truyền Sư nhân cơ hội đó bèn hỏi đức Phật Thích Ca Mâu Ni rằng : “ các tông các giáo của thế giới thời buổi hiện nay họ cũng đang hy sinh phụng hiến lợi ích cho chúng sanh, lẽ nào họ chẳng thể trở về cố hương sao ? ” Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bèn thị hiện cho ông ấy thấy một bức vẽ, trong bức vẽ ấy có rất nhiều con đường, duy chỉ có con đường chính giữa là đường thẳng ( đường tắt ). Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ những con đường nhỏ quanh co uốn khúc ấy nói rằng họ vẫn có thể trở về chốn cũ quê xưa, thế nhưng họ vẫn phải đi rất nhiều con đường, phải trải qua thời gian rất dài rất lâu mới có thể trở về. Vậy nên hôm nay chúng ta đắc đạo, được Thiên Mệnh Minh Sư chỉ điểm cho con đường tắt, đấy là đã triêm Thiên ân sư đức, phải luôn tồn tâm cảm ân, luôn ghi lòng tạc dạ.
Một Số ấn chứng kinh điển một chỉ điểm của Minh Sư là Đạo :
1. Đức Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn biết ngài Huệ Năng đã ngộ Bổn Tánh, nói rằng:
“Chẳng rõ Bổn Tâm, học pháp vô ích. Như rõ Bổn Tâm mình, thấy Bổn Tánh mình thì gọi là trượng phu, thầy của Trời, Người, là Phật”.
2. Có nhà sư hỏi thiền sư Quảng Pháp Viện Nguyên:
“Từ xưa các Thánh hướng chỗ nào mà đi?”
Tổ Nguyên nói: “Đầu đường chữ thập”.
3. Có một bửa, có ông Tăng chợt thấy Ngài Bố Đại Hòa Thượng ( ngài Di Lặc ) đứng bên đường gần chợ, bèn hỏi rằng: “Hòa Thượng ở đây làm chi ?”
Ngài liền đáp rằng: “Ta đi hóa duyên”.
Ông Tăng thấy vậy mới nói rằng: “Hóa duyên ở đâu nơi ngã tư như vậy ?”
Ngài trả lời: “Ngã tư chính là chỗ Ta muốn hóa duyên”.
4. Trong kinh thánh chúa jesus nói rằng : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác lấy thập giá của bản thân mình mà theo.” (Mc 8,34)
"Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường thênh thang dẫn đến chỗ hủy diệt; nhiều người đi vào cửa ấy! Còn cửa hẹp và đường chật dẫn vào sự sống, lại có ít người tìm đến." ( Ma-thi-ơ 7:13,14 )
Tóm lại, nếu muốn tìm thẳng tận đầu nguồn nơi in dấu Phật, muốn ngộ bổn tâm bổn tánh, muốn biết nơi mà từ xưa các Thánh hướng đi thì duy chỉ có bái Thiên Mệnh Minh Sư Tế Công Hoạt Phật cầu Đạo, được đắc thọ tâm ấn của Phật Tổ thì mới có thể khai ngộ, thấu tỏ huyền cơ, siêu sanh liễu tử.
Số lượt xem : 1573