BẠCH DƯƠNG KỲ - Bạch Dương Tu SĩBạch Dương Kỳ 2002

Người xưa cầu đạo , vì pháp quên thân

Tác giả liangfulai on 2022-07-27 15:17:11
/Người xưa cầu đạo , vì pháp quên thân

Cách đây vô số kiếp

Đức Phật vì chúng sinh

Góp nhặt từng bài kệ

Cầu đạo cứu chúng sinh.

 


Lũy kiếp quên mạng sống

Cả vợ con dấu yêu

Hy sinh vì pháp Phật

Làm bao chuyện rợn mình.

 

Từng đem vợ con quý

Dâng tặng Pháp Sư ăn

Sự nhìn xa trông rộng

Kẻ phàm đâu thể sánh.

 

Từng tự khoét ngàn lỗ

Đổ dầu đốt lửa lên

Đốt mình làm đèn sống

Để cúng dường Pháp Sư.

 

Ngài từng đóng đinh sắt

Ngàn cái trên tự thân

Vì một câu kinh kệ

Ích lợi toàn chúng sinh.

 

Từng đào một hố lớn

Sâu khoảng chừng mười trượng

Dưới đốt than thật đỏ

Vì nghe đạo xả thân.

 

Từng lột da làm giấy

Chẻ xương làm bút lông

Lấy máu làm mực viết

Vì giáo pháp độ Sinh.

 

Xưa cầu Đạo vô thượng

Cần nhiều kiếp tu hành

Siêng tinh tấn, chịu khổ

Làm bao việc phi phàm.

 

Phải làm biết bao việc

Người phàm chẳng thể làm

Phải nhẫn nhịn những việc

Người phàm chẳng thể cam.

 

Tinh thần xưa vì pháp

Vì cầu đạo quên thân

Muôn người hiếm được một

Thời mạt pháp chúng sinh.

 

Sự đời vốn điên đảo

Dễ được chẳng quý trân

Thế nên xưa cầu đạo

Phải vì pháp quên thân.

 

Thời Bạch Dương phổ độ

Bề trên đại khai ân

Dễ cầu, mấy ai trọng ?

Vì đạo nguyện quên mình !

 

Chỉ một chút khảo nghiệm

Cũng đã thối chuyển tâm

Nói gì đem sinh mệnh

Vì chúng sinh quên mình.

 

Cách đây vô số kiếp, cũng vì chúng sanh mà đức Phật Thích Ca luỹ kiếp đã từng góp nhặt, một bài kệ, cho đến một câu đạo, đến nỗi quên mạng sống, bỏ cả vợ con yêu dấu, hy sinh vì Phật pháp, một cách rùng mình sởn gáy, tất cả không ai làm nổi.

 

Qúa khứ cách đây đã khá lâu xa, có một ông vua tên là Tu Lâu Bà ở Châu Diêm Phù Đề, cai trị tám mươi bốn ngàn nước nhỏ, sáu muôn núi sông, tám mươi ức Tụ Lạc, hai vạn bà Phu nhân và một vạn quan Đại thần.  Đối với thời ấy, phúc đức và thế lực của vua Tu Lâu Bà không ai bì kịp, nhân dân thuở đó đức vua, được an lạc thái bình, mưa hòa gió thuận, vui sướng vô cùng vô tận!

 

Một hôm vua tự nghĩ rằng " Đối với vật chất ta đã giúp dân được đầy đủ, nhưng về tinh thần giải thoát cho con người chưa có. Nếu con người chỉ sống theo vật chất, sống theo tình dục, tâm như gỗ đá, tâm như cát sỏi tha hồ cho bốn tướng sinh, già, bệnh, chết lôi quanh, thì không khác chi thú vật, ăn no nằm mát, phơi mình trên đám phân tro, cho qua ngày đoạn tháng. Nhưng lẽ đó là lỗi ở ta, ta có trách nhiệm tìm đường giải thoát cho họ".


Nghĩ thế rồi Ngài ra yết thị và báo cho thiên hạ biết rằng: "Nếu ai biết đạo giải thoát của Phật dạy nói cho ta hay, muốn dùng gì ta sẽ cung cấp cho đầy đủ".
Tuyên lệnh đã lâu, nhưng không thấy ai đến nói, nhà vua luôn luôn mong mỏi, và tâm ý lúc nào cũng không được vui !


Sau đó ông Tỳ Sa Môn, là một ông vua cõi trời Tứ Thiên Vương thấy vậy bèn đến thử Ngài như sau.


Ông biến hình làm một con qủi Dạ Xoa, mặt xanh lè, mắt đỏ như huyết, răng to như quả chuối măn, mọc chìa ra ngoài, tóc dựng ngược, mồm phun lửa đến cung vua giựt lấy bảng rồi nói: - Các ông vào báo cho nhà vua biết, tôi có Phật Pháp, nhà vua muốn nghe, tôi sẽ giảng cho.


Quan Môn Giám nhận lời, vào tâu vua rằng:

- Tâu bệ hạ ngoài thành có một người hình thể khá sợ, tự nói có Phật Pháp, và xin nói cho bệ hạ nghe, việc đó thế nào xin cho hạ thần được rõ ?

Nhà vua nghe nói, vui vẻ đội mũ mặc áo chỉnh tề, tự ra đón tiếp mời vào chánh điện và nhường ngồi trên ngai vàng, thiết đãi một cách rất trọng hậu.
Sớm ngày mai nhà vua bày một tòa cao đẹp, trà nước xong xuôi, đánh trống ca nhạc rước Pháp sư thăng tòa thuyết pháp, Pháp sư lên tòa ngồi yên tĩnh. Lúc đó có đông đủ quan quân, dân chúng, nhà vua ra lễ bái Pháp sư, rồi quỳ xuống xin Pháp sư thuyết pháp.


Pháp sư nói:

Học pháp rất khó, ông muôn được nghe không phải dễ.

Nhà vua thưa rằng: - Kính thưa Pháp sư! Thương đến chúng tôi là kẻ ngu si, việc nghe Pháp phải đúng lễ thế nào, xin cho chúng tôi được rõ.


Pháp sư nói: - “ Nếu nhà vua đem vợ yêu con quí cho ta ăn, thì ta sẽ nói cho nghe. ”


Nghe xong nhà vua vui vẻ thọ giáo, bái tạ lui ra trở về cung gọi vợ con nói:

- Tôi xin nói để các người hay: vợ chồng cha con, yêu nhau trong vòng sinh tử, ân ái có ngày biệt ly, tôi muốn tìm con đường giải thoát, cho tôi và lũ ngươi, vì thế tôi muốn đem thân mạng của lũ ngươi dâng Pháp sư để cầu thành Phật; ý thế nào cho tôi được rõ ?

Nghe xong hoàng hậu và thái tử liền quỳ xuống, xin tuân lời chỉ giáo.


Được sự đồng ý rồi nhà vua liền đem vợ con dâng Pháp Sư. Pháp sư nhận rồi, ngồi trên tòa cao, giữa đám hội đông người nghiểm nhiên ngồi ăn, nháy mắt đã ăn hết, mọi người thấy thế đều lắc đầu, lè lưỡi, kinh sợ hãi hùng.


Khi đó quần thần, dân chúng, thấy nhà vua hành động như vậy, ai nấy đều không bằng lòng, và cho nhà vua qúa ư mê chấp. Song họ có biết đâu nhà vua làm những việc mà người đời không ai làm được. Họ như con ếch nằm trong đáy giếng, chưa bao giờ nhìn thấy biển Đông. Sự nhìn xa trông rộng không phải kẻ phàm ngu có thể so sánh.


Tiếp đến Pháp Sư đọc bài thơ như sau:

Hết thảy đều vô thường,
Sinh ra tất phải khổ !
Năm ấm không có tướng.
Ta và của đều không.

Nhà vua nghe xong vui vẻ khôn xiết ! Sai người chép lấy, để ban phát cho mọi người trong nước, bắt ai cũng phải tụng đọc.

Bấy giờ Pháp Sư (quỉ Dạ Xoa) thấy vua có vẻ bình thản như vậy, liền hiện lại nguyên hình, nói rằng : "Quí hóa nhà vua ! Biết tôn trọng Chánh Pháp như vậy không bao lâu Ngài sẽ được thành Phât". Nói xong, bỗng nhiên lại thấy phu nhân và thái tử hãy còn toàn vẹn.


Vua Tu Lâu Bà thuở đó chính là một trong những tiền thân của ngài Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

…………………………………………………………………….

 

Lại một kiếp nữa, thuộc thời quá khứ, cũng Châu Diêm Phù Đề này, có một ông vua tên là Kiền Sá Ni Yết Lê, thống trị nhiều nước, tám vạn bốn ngàn Tụ Lạc, hai muôn Phu Nhân và thể nữ, một vạn quan Đại Thần. Nhà vua nhân hiền, yêu thương tất cả, nhân dân sung sướng, cây cỏ xanh tươi. Dân coi vua như một người cha lành.


Nhà Vua tự nghĩ như vầy : "Ta được địa vị cao sang, tôn trọng quý giá ! Là do trước kia ta đã tạo nhân lành. Hiện nay nhân dân được an vui sung sướng ! Tuy thế, chỉ an vui về vật chất, song vật chất có ngày hoại diệt, không phải một sự an vui lâu dài vĩnh viễn, muốn cho chính mình và tất cả chúng sanh, được an vui vĩnh viễn, ta phải tìm đạo giải thoát do Phật dạy mới có kết quả".


Nghĩ thế rồi vua sai các quan viết bảng cáo thị, và truyền lệnh cho khắp trong nước biết : "Nếu ai có DiệuPháp, nói cho ta nghe, ý muốn gì ta sẽ cung cấp cho đầy đủ".


Sau có người Bà La Môn tên là Lao Độ Sai, đi tới nói rằng: - Tôi có Diệu Pháp, các ông vào báo cho vua biết.


Quan Môn Giám liền đem tin ấy vào tâu vua. Nhà vua nghe nói, ý rất vui mừng, mũ áo trang nghiêm, tự ra lễ bái, hỏi han ân cần trịnh trọng rồi mời vào trong chánh điện, bày giải một tòa cao đẹp, mời Pháp sư lên tòa ngồi yên tĩnh. Vua và hai bên tả hữu chắp tay thưa rằng:

- Kính thưa Đại sư, được hạnh phúc cho chúng tôi nhiều lắm! Hôm nay Đại sư có lòng thương đến chúng tôi mà tới đây. Vậy kính xin thể lòng từ bi cao cả, thuyết Diệu Pháp cho chúng tôi được thừa thụ.

Lao Độ Sai đáp: - Ta có trí tuệ cũng phải mất bao công khó nhọc, tìm mãi ở phương xa, dầy công học tập, không phải là một việc dể dàng quá như vậy.


Nhà vua thưa: - Kính thưa Đại sư, ý Đại sư thế nào xin dạy bảo cho chúng tôi được rõ ?


Lao Độ Sai nói: - Nhà vua muốn được nghe Pháp, thì phải khoét trên mình ra một ngàn lỗ, đổ dầu cho bấc, đốt lửa cúng dàng ta, thì ta sẽ thuyết cho nghe.


Nghe nói, nhà vua vui vẻ nhận lời xin khoét, và khất lại bảy ngày để báo cáo cho dân chúng biết, lời báo cáo như sau: "Tất cả quốc dân nên biết: Vua Kiền Sà Ni Yết Lê sau bảy ngày nữa vì sự cầu đạo, sẽ khoét trên mình ra ngàn lỗ, đốt đèn cúng dàng Pháp Sư, ai muốn nghe, và xem sự hy sinh cúng dàng của nhà vua thì đến".

Bấy giờ các ông vua nước nhỏ và nhân dân các nước, hay tin ai cũng buồn rầu, cùng nhau đến yết kiến và tâu rằng:

- Kính thưa Đại Vương ! Tất cả muôn dân nhờ phúc đức của Đại Vương được an lạc thái bình, như kẻ mù được nhờ cây gậy, con dại ngóng mẹ hiền, nếu Đại Vương khoét mình đốt đèn, tất nhiên tuyệt mạng, thì muôn dân trông cậy vào ai ? Xin không nên vì một người mà nỡ bỏ chúng sinh trong thiên hạ.

Sau đó hai muôn bà phu nhân, và năm trăm thái tử, một vạn Quan Đại Thần, tất cả đều can vua việc đó.


Nhà vua liền lớn tiếng nói:

Các ông không nên cản trở tôi, tôi hy sinh thân này để nghe một câu đạo, sau này tôi thành Phật, tôi sẽ độ cho lũ các ông trước.

 

Họ thấy nhà vua khẳng khái như vậy, ai nấy đều tha thiết kêu van! Nhưng vua cũng quyết định không thay đổi ý kiến.


Hết hạn bảy ngày nhà vua tới trước Pháp sư làm lễ và thưa rằng:

- Kính thưa Đại sư, chúng tôi xin dốc lòng thành kính, theo lời chỉ giáo của Đại sư! Để bắt đầu khoét mình đốt đèn cúng dàng, xin Đại sư hoan hỷ !

Nói xong nhà vua sai khoét, nhưng không ai dám khoét. Sau đó có người Chiên Đà La đến khoét hộ cho vua, anh này khoét xong, vất dao xuống đất chạy mất, khi đổ dầu bỏ bấc xong mọi người coi thấy ai cũng rùng mình run sợ !


Nhà vua thưa rằng:

- Kính xin Đại sư thuyết pháp trước, sau sẽ đốt lửa, sợ mạng tôi tuyệt thì không nghe pháp.

Lao Độ Sai đọc bài thơ rằng:

Thường rồi có hết,
Cao thì phải rơi,
Hợp rồi có tan,
Sinh thì có tử.


Đọc xong vua sai đốt lửa, trong khi lửa cháy dữ dội, vẻ mặt nhà vua vẫn nghiễm nhiên tươi tỉnh, không hề biến sắc. Ngài tự phát thệ rằng:

- Tôi chịu đau khổ để cầu nghe đạo giải thoát, nguyện đem công đức này hướng về Phật qủa, sau khi được thành, tôi sẽ lấy trí tuệ quang minh, phá ngu si hắc ám cho tất cả chúng sinh.

Nói dứt lời, thì trời đất tự nhiên chuyển động, tới cõi trời Tịnh Cư. Khi đó các người cõ Trời ngó xuống xem, thấy một vị Bồ Tát đốt mình làm đèn cúng dường Pháp Sư để nghe pháp, một cách rùng rợn ! Họ bay xuống đứng kín cả hư không, ví sự cảm động quá ! Nên nhiều người sa nước mắt roi xuống thành mưa, đồng thời họ lại tung hoa xuống để cúng dàng. Vua Đế Thích đến tận nơi, tới trước khen và hỏi rằng:

- Nhà vua đau khổ như vậy thì có hối hận gì không?

Nhà vua đáp: - Thưa không!


Đế Thích nói: - Tôi thấy nhà vua run rẩy không yên như vầy, tự nói không hối, lấy gì chúng cớ biết rõ được?


Đế Thích nói dứt lời, thì Ngài tự thề rằng:

- Nếu tâm tôi thủy chung như một, không hối hận gì, thì xin lỗ trên mình tôi, lại được bình phục như cũ.

Vì lòng chân thực cầu đạo pháp tha thiết, cảm động mười phương, nên những lỗ trên mình tự nhiên lại được bình phục như cũ, thân thể lại tốt lành hơn xưa.
Ông vua khoét mình đốt đèn để cầu đạo thuở đó, chính là một trong những tiền thân của Phật Thích Ca Mâu Ni.

 

…………………………………………………………….

 

Lại một đời quá khứ nữa, cũng Châu Diêm Phù Đề này có một ông vua, tên là Tỳ Lăng Yết Lê thống trị được nhiều nước, tám vạn bốn ngàn Tụ Lạc, hai muôn bà Phu Nhân và thể nữ, năm trăm Thái Tử, một vạn quan Đại Thần. Nhà vua có đức nhân, coi dân như con đẻ, lại ham nghe chánh pháp, nên sai quan Đại Thần tuyên lệnh cho toàn quốc biết như sau:

- Thông cáo cho toàn quốc biết: Hoàng Thượng muốn được nghe Phật Pháp, ai biết đến nói cho ngài nghe, Ngài sẽ trọng thưởng tùy ý muốn.

Cách thời gian lâu, có một người dòng Bà La Môn, tên là Lao Độ Sai tới cung môn nói: - Tôi là người đã từng nghiên cứu và tu tập giáo lý của Phật đã lâu, xin ông hãy vào tâu Hoàng Thượng cho.


Theo lời yêu cầu của Lao Độ Sai, quan Môn Giám vào tâu vua.


Nhà vua được tin rất vui vẻ, đội mũ mặc áo trang nghiêm, thân ra cổng thành, trịnh trọng chào hỏi, rồi mời vào trong chánh điện, thiết đãi trọng hậu. Sớm ngày mai vua sai bày một tòa cao đẹp, thỉnh Pháp sư thăng tòa ngồi yên tĩnh.
Nhà vua và bá quan, nghiêm chỉnh thân tâm, tới trước Pháp Sư cúi đầu lễ lạy, rồi qùy xuống thưa rằng:

- Kính thưa Đại Sư phát tâm từ bi, thuyết pháp cho chúng tôi được thừa ân công đức!


Lao Độ Sai đáp: - Sự hiểu biết của ta đây, là do ta chịu khổ đã lâu năm, đi tìm học ở bốn phương xa mới được; nhà vua coi sự học một cách dễ dàng quá !


Nhà vua toát mồ hôi, một lòng kính cẩn thưa rằng :

- Kính thưa Đại sư ! Việc nghe đạo phải đúng quy tắc thế nào ? Chúng tôi là kẻ trần tục phàm phu, không biết sự lễ Pháp bao giờ, xin Đại sư chỉ dạy cho?


Đáp : - Nhà vua có thể đóng lên mình một ngàn cái đinh sắt, được như vậy ta sẽ thuyết pháp cho nghe.


Nhà vua thưa : - Dạ ! Xin tuân lời dạy bảo của Đại sư, và xin ngài cho lui lại bảy ngày, để báo cáo cho dân biết.


Nói xong lễ tạ lui ra, lời báo cáo như sau :

- Tất cả toàn quốc nên biết, tôi là Nhân Chúa Tỳ Lăng Yết Lê, vì muốn được đạo giải thoát cho chính tôi, và toàn thể, nên tôi đóng đinh trên mình một ngàn cái, cúng dàng Pháp sư, quốc dân ai muốn biết sự thực hành của tôi, sau bảy ngày nữa xin mời đến.


Dân chúng được tin nhà vua đóng đinh trên mình, để cầu nghe giảng đạo. Họ nô nức kéo nhau đến kinh thành rất đông, sau đó một số đại biểu của dân chúng lên tâu vua rằng :

- Kính tâu Hoàng Thượng ! Lũ chúng tôi thay mặt cho toàn thể quốc dân, đến đây kính mừng Thánh thượng, thọ lạc thiên thu, hưởng phúc lâu dài chúng tôi tự biết, nhờ ơn đức Hoàng Thượng nên được thái bình an lạc, cúi xin thương đến toàn thể quốc dân, miễn bỏ sự đóng đinh trên mình.

Sau đó, tiếp đến Phu nhân, thể nữ, thái tử, quan đại thần cũng đồng thanh tâu vua xin miễn bỏ việc đó.


Nhà vua đáp : - Tôi nhận thấy đã bao kiếp tới nay, bị sống thác trong vòng sinh tử luân hồi, thân mạng đã mất đi vô số; những thân mạng ấy cũng chỉ đeo những tấm lòng tham dục, giận tức, ngu si, nhìn lại số xương thịt trong những kiếp sinh tử ấy, có thể chất cao hơn núi Tu Di, đầu rơi máu chảy ra nhiều hơn nước sông lớn; nước mắt khóc người thân nhiều hơn nước bốn bể; những thân mạng sống chết đó, chẳng qua cũng chỉ uổng mà thôi, chưa từng bao giờ vì đạo pháp má hiến thân. Tôi đóng đinh cúng Pháp Sư để cầu thành Phật, sau khi thành Phật, tôi sẽ lấy trí sáng suốt để trừ diệt bệnh kết sử của lũ các người, và đưa dắt các người lên đường giác ngộ giải thoát thành Phật, một việc ích lợi chung cho toàn thể chúng sinh, can tôi làm chi ?


Theo lời nhà vua tuyên bố, mọi người ai nấy đều im lặng, không dám nói năng gì hết.
Tới giờ phút này nhà vua đến trước Pháp sư thưa rằng :


- Kính xin Đại Sư ra ân, thuyết pháp trước đóng đinh, nếu đóng trước, thì tôi sẽ chết không được nghe.


Đại Sư đọc bài thơ rằng :

Tất cả đều vô thường
Sinh ấy đều có khổ !
Các pháp không có chủ.
Thực chẳng phải ta có.

Pháp Sư đọc xong, nhà vua vui mừng, sai người viết lấy bài thơ ban bố cho quốc dân, bắt ai cũng phải tụng đọc.


Giờ phút bắt đầu, nhà vua sai người đóng đinh, thì tất cả các ông vua nước nhỏ, và quân thần, dân chúng trong đại hội, đều gieo mình xuống đất than thở. Trời đất chấn động sáu lần, các ông thiên tử trên trời bay xuống, thấy ngài hy sinh cầu đạo như vậy, ai nấy đều cảm động, rơi lệ chứa chan, một lòng tôn kính tung hoa xuống cúng dàng. Vua Đế Thích xuống tận nơi hỏi rằng:

- Nhà vua quyết liệt tâm chí, cầu đạo không tiếc mạng sống như vậy, để nguyện đời mai sau làm gì ? Làm Đế Thích ư, làm Chuyển Luân Vương ư, làm Ma Vương, Phạm Vương ư ?

Đáp: - Thưa Ngài! Tôi quên mình để cầu đạo giải thoát của Phật, để cầu làm Phật, và tế độ cho chúng sinh cũng được giải thoát, chứ tôi không cầu phúc báo ở ba cõi sinh tử, như Đế Thích, Chuyển Luân Vương, Ma Vương hoặc Phạm Vương.
 

Đế Thích hỏi: - Tôi coi nhà vua đau đớn như thế, thì tâm có hối hận gì không?
Đáp: - Không!


Đế Thích hỏi: - Ngài nói không thì lấy gì chứng tỏ ?


Nhà vua liền lập thệ thư sau:

- Nam mô tận hư không biến pháp giới quá, hiện, vị lai chư Phật, tôn Pháp, Bồ Tát Hiền Thánh Tăng tác đại chứng minh, con chí thành cầu Bồ đề, nếu tâm không hối hận, thì thân thể lại được bình phục như cũ.

Phát thệ dứt lời, thì những cái đinh bật hết ra ngoài, thân thể quả nhiên lại được bình phục như cũ.

 Khi đó tất cả trời, người và quan quân, dân chúng chứng tỏ tâm của Ngài thành thật cảm ứng như vậy, ai nấy đều vỗ tay vui mừng không tả xiết !

Ông vua đóng đinh trên mình thuở đó, chính là một trong những tiền thân của ngài Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

……………………………………………………………..

 

Lại một kiếp nữa, thuộc thời qúa khứ đã quá lâu, cũng Châu Diêm Phù Đề này, có một ông vua tên là Phạm Thiên, sinh được một thái tử tên là Đàm Ma La Kiềm.

Thái tử có trí tuệ khôn sáng, ưa ở nơi thanh vắng, ít sự xa hoa dục vọng, có tính tìm tòi chân lý, ham nghe chánh pháp, nên thường sai người đi khắp đông tây, kiếm thầy học đạo, đã nhiều lần, nhưng không gặp được một ai là người có chánh pháp giải thoát. Trong thời gian tìm thầy chưa được, Thái tử thấy luôn luôn khổ não, làm cho không lúc ngớt ý nghĩ nói trên.


Bấy giờ vua Đế Thích biết Thái tử lòng thành như vậy, liền hóa thân làm người dòng Bà La Môn, đi đến kinh thành, tới chỗ đông người nói rằng:

- Các bạn nên biết, tôi là người hiểu biết Phật Pháp, nếu bạn nào muốn nghe, tôi sẽ giảng giải cho.

Họ liền đến mách bảo Thái tử, ngoài thành có người tự xưng hiểu giáo lý đạo Phật.
Thái tử được tin thấy lòng vui sướng vô cùng, vào phòng đội mũ tề chỉnh, và đem một số người theo hầu, ra tiếp đón Pháp sư, lễ bái, hỏi han rồi mời vào trong cung nơi biệt thự, thết đãi trịnh trọng.

Sớm ngày mai trà nước xong xuôi, vầng thái dương mới nhôn khỏi núi ánh bình minh vừa tỏa khắp cõi không gian, bầu trời yên lặng, thanh khí ôn hòa! Thái tử sai người bày tòa giảng thuyết, Pháp Sư lên tòa ngồi yên tĩnh. Thái tử tới trước lễ bái, quỳ gối chắp tay thưa rằng:


- Kính thưa Đại Sư, chúng tôi bị những bức thành mờ tối vô minh dục vọng đã bao kiếp, là do không được gặp chánh pháp của Như Lai, chúng tôi thành kính trước ngài, ngửa mong từ bi giảng thuyết, để cho hết thảy được ân triêm đức hóa?


Đại sư nghiêm nét mặt đáp:


Học đạo không phải một việc dễ, ta đã biết bao công trình tìm thấy tu học, mới được hiểu biết. Người chưa chút khó nhọc, nay muốn được nghe ngay, thực là coi sự học đạo dễ dàng quá.


Thái tử thưa rằng: - "Kính thưa Đại Sư ! Từ thân tôi cho đến vợ con tôi, vàng bạc châu báu, Đại Sư dạy bảo thế nào, chúng tôi xin tuân mệnh không dám trái ý".


- Đại sư đáp: "Muốn nghe pháp, Thái tử hãy đào một hố lớn, sâu chừng mười trượng, ở dưới đốt than cho thật đỏ hồng, rồi Thái tử nhảy vào hố lửa ấy, cúng dàng ta, thì ta sẽ thuyết pháp. "


Thái tử nói: - Dạ xin tuân lời dạy của Đại Sư.


Sau khi Thái tử sai người đào hố thì nhà vua biết tin. Từ vua cho đến tất cả mọi người trong Hoàng cung ai ai cũng lo phiền, và khuyên can, nhưng Thái Tử quên mình vì sự cầu đạo giải thoát, nên không nghe theo những lời khuyên can ấy.
Sau nhà vua và các quan đều thưa với Đại Sư rằng:


Kính thưa Đại Sư !

- Thương đến lũ tôi, để miễn bỏ việc Thái tử nhảy xuống hố lửa, ngoài ra Đại Sư muốn dùng gì chúng tôi xin dâng.


Đại Sư đáp: - Việc đó tùy ý Thái tử, ta không bó buộc, đúng thế thì ta thuyết pháp, bằng không thì thôi!


Nhà vua thấy tâm địa của Đại Sư khẳng khái quá, nên ngài cũng vái chào rồi trở ra về, không nói năng gì nữa.


Trở về nhà vua sai người đi thông báo cho quốc dân biết rằng:


Lời thông báo như sau: - Tất cả quốc dân nên biết, sau bảy ngày nữa Thái tử vì sự nghe đạo, nên xả thân, nhảy xuống hố lửa, ai muốn thấy việc đó, thì lại sớm nơi đây.


Nhân dân được tin Thái tử nhảy xuống hố lửa, họ nô nức kéo nhau đi đến kinh thành đông như hội, sau đó một số Đại biểu của nhân dân, tới thưa với Thái tử rằng:

- Kính thưa Thái tử : Lũ chúng tôi hay tin Ngài vì sự nghe đạo nhảy xuống hố lửa, lợi ích chưa thấy đã thấy sự tang thương cho quốc dân! Vậy kính mong Ngài miễn bỏ việc đó, để cho quốc gia được an lạc.

Thái tử đáp: - Các ông lẳng lặng để nghe tôi nói, thiệt hại hay lợi ích. Nhận thấy con người sống thác từ đời vô thủy cho tới ngày nay, không số tính, chết cõi này sinh cõi kia luân chuyển như bánh xe quay không mối. Trong loài người vì lòng tham dục, nên giết hại lẫn nhau; trên cõi trời khi hết tuổi thọ, thì lo về mất sự dục lạc; nơi địa ngục lửa đốt suốt ngày đêm, nào nước sôi, búa chém, dao đâm, núi dao, rừng kiếm, hành phạt con người vô cùng thảm khốc, trong một ngày chết đi sống lại biết bao lần, sự hình ngục không thể giải bày cho xiết. Cái khổ trăm thứ tên độc xiên dùi vào mình loài ngạ quỉ. Cái khổ kéo cày chở nặng loài súc sinh, sau lại dâng thân cho người ăn thịt, những nỗi khổ như thế, khó nói hết trong những kiếp đã chịu đoạ đày, xét lại những thân mạng ấy chỉ uống mà thôi, có làm được một việc gì về vấn đề giải thoát cho chính mình và chúng sinh trong pháp giới, ai đã biết đem thân ấy chết về việc nghe đạo bao giờ. Ta đem dâng thân này, cúng dàng để nghe đạo giải thoát, sau thành Phật, ta sẽ đem lại cho lũ các ông năm phận pháp thân, can chi phải ngăn cản công việc ta đã quyết định làm.


Mọi người nghe Thái tử nói xong, ai nấy đều nín thinh, không dám trả lời sao hết.
Khi sắp nhảy xuống hố lửa Thái tử nói:

- Kính thưa Đại Sư ! Xin thuyết pháp trước khi tôi nhảy xuống hố.

Đại Sư đọc bài thơ như sau:


Thường làm theo tâm từ
Trừ bỏ tưởng, giận hại.
Đại bi thương chúng sinh !
Quặn lòng rơi nước mắt !
Tu làm tâm đại hỉ,
Với mình cùng đắc pháp,
Cứu giúp bằng đạo lý,

Ấy là hạnh Bồ Tát.

Khi sắp gieo đầu xuống hố lửa thì vua Đế Thích và vua Phạm Vương chạy lại cầm tay hỏi gạn rằng:

- Thái tử hãy khoan, để tôi nói chuyện đã : Một ông vua có đức nhân, thì muôn dân được an lạc ! Chúng tôi nhận thấy Thái tử là người đức tầy bốn biển, Phụ Hoàng yên lòng có người nối trị nuôi dân, hà tất vì một câu đạo mà bỏ tất cả chúng sinh trong thiên hạ, theo ý chúng tôi thì không nên quá ư thiên chấp như vậy.

Thái tử đáp lời rằng:

- Thưa quý Ngài! Tôi nhận thấy phần nhiều người, chỉ biết lúc an vui, chớ không lo một ngày gặp tai nạn! Chỉ biết cái sống hôm nay mà không sợ cái chết của ngày mai. Sở dĩ tôi làm một việc có thể an vui mãi mãi, cho chúng tôi và tất cả chúng sinh, chứ không phải tôi không biết thương chúng sinh! Quý Ngài không nên cản trở đạo tâm cao cả của tôi làm gì.

 

Nói xong Thái tử nhảy xuống hố lửa! Tự nhiên trời đất chuyển biến làm cảm động cả thiên cung. Khi đó mọi người đều sa nước mắt, cũng có người lên tiếng khóc thương! Giờ phút đương làm cho mọi người khủng hoảng, thì hố lửa ấy tự nhiên biến thành một ao sen, mùi hương thơm ngào ngạt, những làn gió thổi mát, thấu đến tâm phủ của mọi người, họ nhìn vào thấy Thái tử ngồi trên đài sen, ai nấy đều vui mừng không tả xiết. Lúc đó hoa trên trời bay xuống như mưa. Vua Đế Thích, vua Phạm Thiên cũng phải cất tiếng khen rằng:

- Quý hóa! Cầu đạo như vậy, sau này quyết định thành Phật.

Thái tử nhảy xuống hố lửa chính là tiền thân của ngài Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nhà vua thuở đó nay là thân phụ Ngài (Tịnh Phạn Vương), bà Hoàng hậu thuở đó nay là thân mẫu Ngài (Ma Gia) .

 

……………………………………………………………………………

 

Lại một đời quá khứ nữa, tới nay vô lượng kiếp, cũng Châu Diêm Phù này có một nước tên là Ba La Nại, nước ấy có năm trăm vị Tiên sĩ tu trong núi, ông Uất Đà La làm thầy các vị Tiên này, tuy ông tu theo Tiên đạo, nhưng ông hằng mong được gặp chánh pháp của Như Lai (Phật), ông đã từng đi khắp bốn phương trời, và thông báo cho thiên hạ biết rằng:

- Tôi Đại Tiên sĩ rất muốn được nghe chánh pháp của đức Như Lai, ai biết nói cho tôi nghe, nếu muốn dùng gì tôi xin dâng biếu.

Khi đó có một người dòng Bà La Môn tới chỗ ông nói rằng:

- Nghe biết Tiên sĩ muốn tìm hiểu chánh pháp của Như Lai, chính tôi là người hiểu biết giáo pháp của Như Lai, nếu Ngài muốn hoc^ỏi, tôi sẽ thành thực giảng thuyết, nhưng nghe là một việc rất khó.

Đại Tiên thưa: - Kính thưa Đại sư việc nghe pháp phải thế nào xin Ngài dạy bảo cho?


Đáp: - Ngài có thể lột da của Ngài để làm giấy; chẻ xương của Ngài dùng làm bút; lấy máu của Ngài để làm mực viết lấy giáo pháp của Như Lai, thì tôi sẽ thuyết cho Ngài nghe.

- Dạ, rất đa tạ Đại Sư, chúng tôi xin tuân lời của Đại Sư dạy.

Nói dứt lời ông sai người lấy dao lột da, chẻ xương, lấy máu thực sự, làm xong ông ngửa mặt thưa rằng:

- Dạ, kính xin Đại Sư đọc để chúng tôi tiện viết ạ !

Đại sư đọc bài thơ rằng:

Thường phải nhiếp tâm hành.
Mà không sát, trộm, dâm,
Không hai lưỡi, nói ác;
Nói dối, nói đơm đặt,
Tâm không tham mọi dục;
Không sân giận, độc tưởng;
Xa lìa mọi tà kiến:
Ấy là hạnh Bồ tát.

Đại Sư thuyết xong thì Ngài viết cũng vừa xong. Từ đó Ngài dùng bài thơ này đi khắp nhân gian để dạy bảo cho mọi người biết lối tu hành. Những người được hàm ơn Ngài giáo hóa, khi mạng chung được thoát khỏi ba đường ác sinh lên cõi Trời, cõi Người, hương phúc vô cùng vô tận.

Ông Tiên ngày đó chính là là tiền thân của ngài Thích Ca Mâu Ni Phật. Ngài đã vì chúng sinh cầu học đạo một cách khổ cực đến như vậy.

 

……………………………………………………………………..

 

Lúc xưa, khi Đạt Ma Tổ Sư gặp Thần Quang pháp sư, Thần Quang pháp sư đã vô cùng ngạo mạn, cực chẳng biết khiêm tốn. Sau khi được sự chỉ điểm của Thần Nhân, biết thấu thân phận của Đạt Ma Tổ Sư, Thần Quang pháp sư đã trải quả muôn ngàn nỗi cực khổ vất vả để đuổi theo Đạt Ma Tổ Sư đến chùa Thiếu Lâm Tự. Khi đến nơi, Đạt Ma Tổ Sư đang ngồi thiền day mặt vào vách đá trong động của ngọn Tung Sơn Ngũ Nhạc, Thần Quang pháp sư bèn bền chí chấp tay đứng đợi, chẳng động, chẳng rời như bóng với hình.

 

Đối mặt với hành động như thế của Thần Quang, đức Đạt Ma chỉ lo ngồi thiền day mặt vào vách, vốn dĩ chẳng màng, chẳng chú ý đếm xỉa gì đến, càng khỏi phải nói là có những sự chỉ dạy gì. Thế nhưng Thần Quang chẳng những không nản chí, trong lòng trái lại còn càng thành khẩn cung kính. Người không ngớt dùng tinh thần vì pháp quên thân của các bậc đại đức ngày xưa để khích lệ bản thân. Khi Tổ Đạt Ma rời khỏi động, đi xuống dưới ngọn Ngũ Nhạc, trở về đến chùa thiếu lâm lo liệu những hoạt động phật sự hằng ngày thì Thần Quang cũng nối gót theo sau.

 

 

 

 

Mãi cho đến một mùa đông nọ, Đạt Ma Tổ Sư đang ngồi thiền ở trong động, Thần Quang vẫn đứng ở ngoài động, chấp tay đợi chờ, cứ đứng giữa trời suốt đêm. Tuyết lớn phủ xuống cao hơn đầu gối, thế nhưng người vẫn chấp hai tay, đứng yên bất động ở trên tuyết một cách thành khẩn. Tổ Đạt Ma thấy vậy đột nhiên động lòng thương xót, rốt cuộc cũng đã mở miệng hỏi : “ ngươi đứng đã lâu giữa tuyết, vậy muốn cầu điều gì ? ”.

Huệ Khả trả lời rằng : “ Duy chỉ xin Hoà Thượng rủ lòng từ bi, mở cửa cam lộ, rộng độ chúng sanh. ”

 

Đạt Ma Tổ Sư đáp : “ cái đạo nhiềm mầu vô thượng của Chư Phật trải qua nhiều kiếp cũng khó gặp được, cần phải thời gian lâu dài tu hành tinh tấn siêng khổ, làm những việc mà người thường chẳng thể làm được, nhẫn những việc mà người thường chẳng thể nhẫn được, thì mới có thể chứng đắc. Những kẻ trí đức nhỏ hẹp, tâm ý khinh mạn, há dễ mong được chân thừa hay sao ? Nếu dựa vào trí đức nhỏ hẹp, cái tâm kinh mạn để cầu mong đắc được Nhất Thừa Đại Pháp, chỉ có thể là với kẻ ngu đần nói chuyện chiêm bao tưởng tượng hoang đường, siêng khổ vô ích, sẽ chẳng có kết quả. ”

 

Sau khi nghe xong những lời dạy của tổ Đạt Ma, vì để biểu đạt thành ý và sự quyết tâm cầu pháp, Huệ Khả đã chẳng chút chần chừ do dự gì, bèn rút cây giới đao chặt đứt cánh tay trái của mình để dâng lên trước mặt Tổ. Sau đó, Huệ Khả buông cây giới đao trong tay xuống, cúi khom người cầm lên cánh tay trái máu chảy đầm đìa của mình, sau khi đi nhiễu quanh một vòng quanh cái động mà tổ Đạt Ma ngồi đả toạ, người vẫn đứng hầu trong đất tuyết đã bị nhuộm đỏ bởi máu tươi của người.

 

Tổ Đạt Ma bị hành động thành tâm khẩn thiết của Huệ Khả làm cho cảm động, bảo rằng : “ Chư Phật ban đầu lúc cầu đạo đều là chẳng tiếc sinh mệnh, vì pháp quên thân. Nay người vì cầu đạo pháp, cũng noi theo Chư Phật, chặt đứt cánh tay của bản thân, cầu pháp như thế, chắc chắn nhất định có thể thành. ”, do vậy mà Tổ Đạt Ma đã truyền tâm ấn, y bát và pháp khí cho người, và đổi tên Thần Quang ra là Huệ Khả. 

 

……………………………………………………………………………….

 

Đại Sư Lục Tổ Huệ Năng vì cầu đạo pháp mà phải đi bộ trèo non lội suối trải qua hơn ba mươi ngày đường, đến huyện Huỳnh Mai lễ bái Ngũ Tổ tỏ lòng muốn cầu đạo, để rồi khi đến nơi chỉ được sắp xếp cho ở nhà sau làm công việc bửa cũi giã gạo hơn tám tháng, chưa từng đi đến nhà trước. Ngài mỗi ngày đều lưng đeo đá giã gạo, giã gạo để mọi người ăn, đấy gọi là Bồ Tát Đạo, là vô ngã quên mình, quên mình đi rồi, cũng chẳng so đo tính toán với người như là : “ mình vì sao phải giã gạo cho bọn họ ăn đây, họ đều một chút cũng chẳng vất vả, cái gì cũng chẳng làm, mỗi ngày từ sáng đến tối, ngoài việc ăn và ngủ ra, thì là đả toạ. Mình ở nơi này giã gạo quá vất vả rồi, thôi không làm nữa ! ”.

 

Khi Ngũ Tổ đến nhà giã gạo, thấy Huệ Năng lưng đeo đá giã gạo, nói rằng : “ Người cầu đạo cần phải như thế ! ”. Cuối cùng vào nửa đêm canh ba tại phòng thiền của Tổ, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn đã dùng cà sa che lại không cho người thấy, đem tâm pháp đốn giáo chí tôn chí quý truyền lại cho Huệ Năng, chẳng ai hay biết.

 

Từ những tấm gương vì cầu đạo pháp mà quên thân của Chư Phật Chư Tổ xưa, đủ thấy đạo vốn dĩ xưa nay chí tôn chí quý, chẳng dễ gì cầu đắc được, chẳng gặp đúng thời thì chẳng giáng, không gặp đúng người thì chẳng truyềnNay đương lúc tam kì mạt kiếp, Lão Mẫu từ bi giáng đạo, đại khai phổ độ, phái Minh Sư Tế Công Hoạt Phật giáng thế truyền đạo, chỉ cho tâm pháp bí truyền mà Chư Phật ba đời và Tổ Tổ truyền trao, cho chúng ta được đắc đạo trước, tu đạo sau, một kiếp này tu đạo bàn đạo thì có thể siêu sanh liễu tử, chẳng cần phải khổ nhọc như các bậc đại đức xưa kia nữa, vậy nên sao có thể không nhân cơ duyên gặp và đắc được đại đạo trong kiếp này mà thật tốt tu đạo, bàn đạo, hành bồ tát đạo, xả thân bàn đạo, noi theo tinh thần đại từ đại bi cứu độ chúng sanh, hoằng pháp lợi sanh của Chư Phật Chư Tổ, há chẳng phải đã phụ lòng thiên ân sư đức, càng uổng phí việc kiếp này đắc được thân người, cầu đắc đại đạo, lẽ nào chẳng có lỗi với bản thân, với Cửu Huyền đó sao ? Chớ có đợi cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, vạn thứ chẳng mang theo được, duy có nghiệp tuỳ thân, lại tiếp tục trôi lăn lang thang trong dòng sanh tử tương tục, lúc ấy đã quá muộn màng rồi. “ Ngàn năm cây thiết nở hoa dễ, lỡ qua phổ độ gặp lại khó. ”, vậy nên chúng ta tuyệt đối chớ có lỡ qua cơ hội tốt đẹp này.

 

So sánh người cầu đạo xưa và nay

 

Người xưa vì cầu đạo,

Nguyện vì pháp xả thân

Người nay chẳng cầu đạo

Vì lợi ... đánh mất “Mình”.

 

Người xưa mua “đạo học”.

Xả hết gia tài, thân

Đắc đạo siêu sinh tử

Làm Thầy thiên, địa, nhân.

 

Người nay mua kiến thức,

Chẳng mua “đạo siêu sinh”

Nên luân hồi học lại,

Tốn tiền nhọc tâm thân !

 

Người xưa vì tâm đạo,

Người nay vì khẩu, thân

Xưa xả thân cầu đạo

Nay bỏ đạo cầu thân.

 

Xưa học đạo : tự giác

Tự tìm Thầy chỉ dẫn

Ngàn dặm mòn giày sắt

Tìm đạo tu tâm thân.

 

Nay học đạo : bị động

Uể oải chẳng tinh thần

Thầy quan tâm, dẫn dụ …

Khổ nhọc khuyên hết mình.

 

Xưa cực khó cầu đạo

Nên đạo cực quý trân

Nay dễ dàng cầu đạo

Dễ đắc chẳng trân trọng.

 

Xưa trèo non lội suối

Vượt muôn dặm gian truân

Vì đạo, cam khổ nhọc

Cầu giải thoát, siêu sinh.

 

Nay đủ đầy phương tiện

Chẳng cần nhọc sức thân

Khỏi trèo non lội suối

Ngại xa, e nhọc nhằn.

 

Người xưa vì cầu đạo,

Nguyện quỳ suốt chín năm

Người nay vì cầu đạo

Quỳ chút, than nhọc nhằn.

 

Người xưa vì cầu đạo,

Nguyện vì pháp xả thân

Người nay vì phàm lợi

Nguyện mất đạo tâm mình.

 

Mỗi thời, người mỗi khác

Mạt pháp, đạo xa dần

Vì người tâm rời đạo

Nào phải đạo rời thân !

 

Đạo quý hơn vàng ngọc

Là đối tâm Thánh nhân

Còn đối tâm phàm tục

Đạo chẳng đáng xu đồng.

 

Điên đảo, hư là thật

Mộng tưởng, thật thành hư

Bởi tâm mê chẳng ngộ

Luân chuyển hoài sanh tử.

 

 

Số lượt xem : 1110