BẠCH DƯƠNG KỲ - Bạch Dương Tu SĩBạch Dương Kỳ 2002

Mười Đại Hạnh Nguyện Của Bồ Tát Phổ Hiền

Tác giả liangfulai on 2022-09-08 17:53:45
/Mười Đại Hạnh Nguyện  Của Bồ Tát Phổ Hiền

Nếu muốn thành tựu công đức Phật

Phải tu mười hạnh nguyện Phổ Hiền

Muôn chúng đều có thể thành Phật

Nếu y theo thập đại nguyện vương.


Trong Tứ Đại Bồ Tát Nhà Phật

Quán Âm, Địa Tạng và Văn Thù

Phổ Hiền đại biểu lý, định, hạnh

Của tất cả Chư Phật mười phương.

 

Ngài còn gọi “ Thiện Nhiếp Kim Cương ”

Chân Như và Như Ý Kim Cương

Đồng thể với Kim Cương Tát Đỏa

Ở trong Mật Tông thường xưng tụng.

 

Những gì là thập đại nguyện vương ?

Lễ kính Chư Phật, thường ngợi khen

Xưng tán Như Lai, cúng dường rộng

Sám hối nghiệp, tùy hỷ công đức.

 

Thỉnh chuyển pháp luân, thỉnh Phật trụ

Thường học Phật, hằng thuận chúng sinh

Công đức hết thảy đều hồi hướng

Khắp tất cả pháp giới thập phương.

 

Hạnh nguyện nhất, kính lễ Chư Phật

Lễ là một hạnh trong Ngũ Thường

Cung kính được biểu hiện thành lễ

Với Chư Phật, càng phải thể hiện.

 

Người muốn học Phật, lễ trước tiên

Tôn Sư trọng đạo, lẽ hiển nhiên

Tín kính mà chẳng cuối đầu lễ

Thì còn kém loài heo, chó, chuột …

 

Vì sao người chẳng muốn lễ Phật ?

Vì xưa chưa từng lễ bái qua

Nhân đó còn tồn tại tướng Ngã

Cho “ Ta ” còn hơn cả Tu-di.

 

Có người thấy người khác lễ Phật

Liền đến gần như gỗ khác gì

Hoặc đứng hoặc ngồi như tảng đá

Muôn màu muôn vẻ chẳng thiếu chi.

 

Bước đầu lễ Phật : lễ bái tượng

Tượng gỗ đá tuy là biểu tượng

Lễ kính phải có chỗ để hướng

Phải có mục tiêu để đại biểu.

 

Chư Phật có mặt khắp mười phương

Pháp thân chẳng nơi nào không hiện

Tượng gỗ đá chỉ là biểu tượng

Để khỏi xoay bốn phương tám hướng.

 

Tượng Phật cũng giống như quốc kỳ

Đại diện cho quốc gia sinh mệnh

Hướng về cờ ấy để lễ kính

Là bày tỏ lòng cung kính nước mình.

 

Lạy Phật mà tâm không hoan hỷ

Miễn cưỡng, thấy ngượng nên lạy theo

Tuy lễ, tướng ngã mạn chưa bỏ

Lễ ấy gọi là “Ngã Mạn Lễ”.

 

Nếu người chỉ vì muốn được tiếng

Khen ngợi tu hành và cúng dường

Tùy hỷ, bắt chước, tâm chẳng thật

Lễ Phật ấy là “ Cầu Danh Lễ ”.

 

Thân tâm nếu vọng hướng theo người

Người khác lễ, mình cũng lễ thôi

Chỉ đơn thuần làm theo người khác

Gọi là “ Thân tâm xướng hòa lễ ”.

 

Nếu chẳng phạm vào Sát, Đạo, Dâm

Tam độc chẳng tồn ở nơi tâm

Chẳng ác khẩu, vọng, ỷ, lưỡng thiệt

Lễ ấy gọi là Trí Tịnh Lễ.

 

Lúc lễ Phật dùng tâm quán tưởng

Đồng thời kính lễ Phật mười phương

Hóa thân kính lễ pháp giới tận

Gọi là “ Biến Nhập Pháp Giới Lễ ”.

 

Nhất tâm lễ bái, chẳng khởi vọng

Chuyên nhất quán tưởng, chẳng lăng xăng

Một Phật đồng pháp giới Chư Phật

Gọi là “ Chánh Quán Chí Thành Lễ ”.

 

Bình đẳng lễ bái không chấp tướng

Cung kính không phân biệt đối tượng

Một niệm cũng chẳng sanh, chẳng diệt

Gọi là “ Thật Tướng Bình Đẳng Lễ ”.

 

Một lễ cũng là tất cả lễ

Một Phật cũng là hết thảy Phật

Một hay tất cả đều không chấp

Đó là “ thật tướng bình đẳng lễ ”.

 

 

Một niệm không sanh, toàn thể hiện

Mười phương thế giới hiện toàn thân

Lớn đồng pháp giới là thật tướng

Thật tướng vô tướng khắp nơi tồn.

 

Lễ mà không còn tướng Nhân, Ngã

Tướng chúng sinh và tướng thọ giả

Cùng với pháp giới hợp thành một

Là cảnh giới không thể nghĩ bàn.

 

Trước, thân là điểm của Tu-Di

Nhưng Tu-Di trong pháp giới thì

Giống như hạt vi trần cực nhỏ

Pháp thân bao trọn núi Tu-Di.

 

 

Trên là chỉ mới nói sơ lược

Bảy cách lễ bái Tam Bảo thôi

Rộng ra có ba trăm nghi lễ

Lại có tới ba nghìn oai nghi.

 

Kính chính là vâng giữ quy củ

Căn cứ theo quy củ mà làm

Như kính người sẽ giữ khuôn phép

Chẳng tùy tiện cẩu thả đối nhân.

 

Mọi việc làm đều phải hợp lễ

Chẳng hợp lễ thì chẳng nhìn xem

Chẳng hợp lễ thì không nghe, nói

Chẳng hợp lễ tuyệt đối không làm.

 

Kính Phật kính lễ Phật mười phương

Ba đời quá khứ, hiện, vị lai

Phật ngoài, Phật trong đều kính lễ

Tam nghiệp thanh tịnh Phật tự tại.

 

 

Lễ kính học ngài Thường Bất Khinh

Tâm tồn cung kính chẳng dám khinh

Gặp người đều kính trọng khen ngợi

Đối người luôn khiêm tốn hạ mình.

 

Hạnh nguyện hai, xưng tán Như Lai

Lòng hoan hỷ công đức các ngài

Thì hòa ánh sáng trí tuệ Phật

Ánh sáng Tự Tánh được hiển lộ.

 

Tự Tánh sẽ sản sinh công đức

Linh quang hiện chiếu phá ám si

Liền không khởi vọng, không tạo nghiệp

Ánh sáng trí tuệ hiển thêm nhiều.

 

“Phật, khắp đất trời chẳng ai bằng

Mười phương thế giới đâu ai sánh

Tất cả thế gian con đều thấy

Hết thảy không ai khả sánh bằng. ”

 

 

“Thế Tôn sắc tướng như núi vàng
Lại như mặt trời chiếu thế gian
Nhổ sạch gốc rễ mọi khổ não
Chúng con đảnh lễ đấng Pháp Vương”…

 

Như Lai là không từ đâu đến

Và cũng chẳng có đi về đâu

Như là vắng lặng, Lai là động

Như đến nhưng bản thể chẳng động.

 

Như chính là Lý, Lai là Sự

Là pháp giới Lý Sự vô ngại

Là một trong mười danh hiệu Phật

Kinh Kim Cang, các Kinh đã nói.

 

Hạnh nguyện ba, rộng tu cúng dường

Thân tâm cúng dường Phật mười phương

Từ mười loại thành cả vạn loại

Quán tưởng từ một thành vô lượng.

 

Đối trước một vị Phật cúng dường

Quán tưởng cúng dường khắp mười phương

Trước vô lượng Phật khắp pháp giới

Đều có thân ta tác cúng dường.

 

Quán tưởng cúng dường khắp pháp giới

Thì được công đức như Pháp giới

Trí tuệ như pháp giới khả đạt

Viên thành quả vị như pháp giới.

 

Cúng dường bằng tất cả khả năng

Bao nhiêu năng lực tận dụng sạch

Cúng dường Tam Bảo, Phổ Hiền hạnh

Một cách rộng lớn đến vô tận.

 

Chúng sinh thảy đều có Phật tánh

Vị lai đều là Phật sẽ thành

Rộng tu cúng dường tâm bình đẳng

Cung kính chẳng khởi phân biệt tâm.

 

( câu chuyện vì sao Phật Tổ không giúp tôi ? )

 

Cúng dường chúng sinh có nhiều cách

Như xây cầu, xây nhà tình thương

Giúp trẻ mồ côi, viện dưỡng lão

Cơm chay miễn phí, thí thuốc men…

 

Hằng thuận vì lợi ích chúng sinh

Phụng sự chúng sinh mọi việc lành

Mới chính là điều quan trọng nhất

Cần phải y theo lời Phật dặn.

 

Hạnh bốn là sám hối nghiệp chướng

Những lỗi đã sinh khiến đoạn diệt

Sám hối báo chướng, phiền não chướng

Thanh tịnh thân, khẩu, ý tam nghiệp.

 

Sám là ăn năn sửa lỗi trước

Hối, chừa bỏ lỗi sau không tái phạm.

Tội đã tạo từ nay đoạn dứt

Điều ác chưa làm không phát sinh.

 

Việc ác chưa sinh không cho khởi

Việc thiện chưa sinh khiến phát sinh.

Việc thiện đã sinh khiến tăng trưởng

Việc ác đã sinh khiến dứt ngừng.

 

 

Đối trước Phật thành khẩn tha thiết

Thống thiết rơi lệ sám hối nghiệp

Bi ai cầu xin, nguyện ngừng dứt

Chơn sám hối, nghiệp chướng tự tiêu.

 

 

Hạnh thứ năm, tùy hỷ công đức

Công đức Phật, Bồ Tát, Thanh Văn

Duyên Giác và hết thảy chúng sanh

Tùy hỷ cả tự thân công đức.

 

Tùy là thuận theo hay theo cùng

Hỷ là hoan hỷ ở nơi tâm

Công là công mình, người đã lập

Đức là hạnh có được nơi tâm.

 

Làm việc thiện dốc hết tâm sức

Lợi ích đại chúng gọi là công

Đức có phân hiển đức, mật đức

Một rõ, một âm thầm lợi chúng.

 

Tự làm việc tốt, người khác theo

Người khác tùy hỷ công đức mình

Người làm việc tốt, mình trợ giúp

Mình tùy hỷ công đức của người.

 

Làm thiện giúp đời là niềm vui

Nuôi dưỡng tâm lành, nâng phẩm giá

Công đức không tùy khối lượng lớn

Mà tùy tăng trưởng tâm lành thôi.

 

Bảo nhau cùng làm sạch đường phố

Dọn vệ sinh các bãi rác thải

Bảo vệ rừng cân bằng sinh thái

Là tùy hỷ công đức chung vui.

 

Hạnh sáu là thỉnh chuyển pháp luân

Bánh xe pháp nhiếp phục ma quân

Tất cả mọi thiên ma ngoại đạo

Khiến chánh pháp có thể trường tồn.

 

Thỉnh Phật … thỉnh pháp sư thuyết pháp

Đều gọi là thỉnh chuyển pháp luân.

Cư sĩ, pháp sư ra thỉnh pháp

Khiến Ma vương chẳng dám xuất hiện.

 

Công đức của việc chuyển pháp luân

Nhờ sự thỉnh pháp được thành tựu

Có công đức ấy tuệ sẽ mở

Trí tuệ linh quang càng sáng tỏ.

 

Thỉnh pháp sư giảng pháp người nghe

Đem đến lợi ích cho mọi người

Thì việc ấy đã có “ tùy hỷ ”

Là tùy hỷ công đức lớn nhất rồi.

 

 

Không chỉ mỗi giảng kinh thuyết pháp

Mới được gọi là chuyển pháp luân

Bất kỳ việc liên quan Phật giáo

Cũng đều gọi là chuyển pháp luân.

 

Như là in ấn các kinh sách

Ghi lại bài giảng, ghi pháp âm

Tụng kinh, lạy kinh, dịch kinh điển…

Nghe pháp cũng đang chuyển pháp luân.

 

Hạnh thứ bảy, thỉnh Phật trụ thế

Đem ánh sáng pháp thường chiếu rọi

Khiến thế giới không còn tăm tối

Phá vô minh cội nguồn tội lỗi.

 

Người nếu muốn thỉnh Phật trụ thế

Phải không ngừng hoằng pháp lợi sinh

Tinh tấn tu hành theo lời Phật

Có tâm, nguyện, hành tất có ứng.

 

Hạnh thứ tám, thường học theo Phật

Như Tôn Giả A Nan đa văn

Không giải đãi lười biếng hôn trầm

Trừ tam độc, tu giới định tuệ.

 

Lời Phật dạy, thể hiện nơi thân

Qua lời nói, cư xử hành động

Luôn từ bi, an nhiên tự tại

Xả quên mình, lợi lạc chúng sinh.

 

Hạnh chín là hằng thuận chúng sinh.

Thuận theo tập quán của chúng sinh

Mà giáo hóa không hề chán mỏi

Khiến chúng sinh bỏ mê về giác.

 

Chúng sinh vốn sống trong tham dục

Nương tham dục giáo hóa chúng sinh

Đem lại niềm an vui lợi lạc

Giải thoát khỏi phiền não, tử sinh.

 

 

 

Như chúng sinh cầu tài cầu lộc

Thì nương theo đó giảng phước trồng

Còn như xin dâng sao giải hạn

Thì giảng nhân quả nghiệp báo thành.

 

 

Chúng sinh bị ma nhập, quỷ ám

Tụng cho nạn nhân một thời kinh

Khuyên tụng kinh, sám hối, niệm Phật

Ăn chay, cầu đạo, tu tinh tấn.

 

 

Chúng sinh có bệnh, thuốc men thí

Vì họ mà làm vị lương y

Chỉ người lạc đường về đường chánh

Làm đuốc sáng phá đêm tối tăm.

 

Nếu có thể hằng thuận chúng sinh

Chính là hằng thuận cúng Chư Phật

Nếu làm cho chúng sinh vui mừng

Là làm vui tất cả Như Lai.

 

Dùng tâm đại bi và bình đẳng

Thừa sự  lợi ích cho chúng sinh

Thành tựu pháp cúng dường Chư Phật

Thì khả thành tựu quả vô thượng.

 

 

Hạnh mười, hồi hướng khắp tất cả

Những việc làm công đức có được

Cho mọi chúng sanh khắp pháp giới

Khiến chúng sinh giải thoát, thành tựu.

 

Hồi hướng khắp tất cả chúng sinh

Dùng lòng biết ơn chuyển đức công

Hướng về khắp chúng sinh, Chư Phật

Khiêm tốn, chia vui, xả Tôi mình.

 

Hồi là quay lại xoay vào trong

Hướng nghĩa là hướng ra bên ngoại

Hồi phàm hướng Thánh là hồi hướng

Từ chúng sinh hướng đến Phật hạnh.

 

Hồi hướng, hồi chúng sinh hướng Phật

Hồi sự hướng lý, tiểu hướng đại

Hồi tự hướng tha, nhân hướng quả

Càng hồi hướng, càng rộng tâm lượng.

 

 

Đem tất cả công đức mình tu

Hồi hướng mọi chúng sinh pháp giới

Biểu thị công đức mình tu được

Là sở hữu chung của mọi Chúng.

 

Đem tất cả công đức sự tướng

Hướng Lí Thể pháp giới Chân Như

Tam Luân Thể Không “ Ta, Người, Vật”

Vô trụ như hư không vô tận.

 

Đem tất cả công đức đã tu

Nguyện chúng sinh thường được an lạc

Hướng Quả Phật tối cao vô thượng

Ấy gọi là hồi nhân hướng quả.

 

Nguyện hồi hướng về khắp tất cả

Là hạnh hy hữu, tối cao thượng

Tu mười điều hạnh nguyện Phổ Hiền

Thì trọn nên đạo quả vô thượng.

Số lượt xem : 1182