Một trăm lẻ một Điều Dặn Dò Của Thầy - Tế Công Hoạt Phật (Sưu tập)
1. Thời kì quan trọng mạt hậu, đối với việc khai sáng Đạo trường, thủ và thành cần phải vận dụng cùng một lúc. Nhưng không thể chấp thủ một vài danh tướng hay chỉ gìn giữ một địa phận nào đó. Có một chút ý nguyện nhân từ, Trời cao sẽ xoay chuyển tạo ra cơ hội hội ngộ, chỉ cần ai đó chịu làm chịu tu, tự nhiên sẽ có thể thu hút vô số tín chúng hữu duyên.
2. Tu Đạo, bàn Đạo nhất định phải vô vi mà làm, xem chúng sinh như những ân nhân từ nhiều kiếp trước của mình. Một lòng gửi trọn cho Trời cao, quên đi bản thân mình. Dù cho có thành tựu thì cũng thuộc về Trời cao và thập phương Chư Phật Bồ Tát. Chỉ có vậy mới không đến nỗi sa vào sự tranh đoạt và theo đuổi Đạo danh, Đạo lợi, Đạo quyền. Hiện trạng Đạo trường, thật sự làm cho Thầy phải suy nghĩ, lo lắng và cảm thán!
3. Thành tựu ở tương lai, không căn cứ vào sự lớn nhỏ của Đạo trường, cũng không dựa vào sự ít nhiều của Phật đường chùa miếu, càng không phải từ sự so sánh số lượng ít nhiều của tín chúng, mà xem người tu Đạo có thật sự chân tu thực luyện hay không. Gìn giữ nguyện giới, không tham lam, không vọng tưởng, không tranh không biện, đó là công phu tâm tính viên mãn dung hòa, đi hoàn thành sứ mệnh của mình.
4. Hãy để chúng sinh và bản thân mình trong kiếp này đều được thành tựu, nếu nhất thời không thể tế độ được, cũng sẽ chúc phúc và cầu nguyện cho sự giải thoát và thành tựu của họ ở những kiếp sau! Hãy nhận rõ nhân duyên tu Đạo của mình, chính là sự xoay vòng của việc thí ân và nhận ân huệ, tạo ra một mối liên hệ tốt đẹp giữa thượng thiên và nhân gian.
5. Đệ tử thời Bạch Dương phải bồi dưỡng một trái tim quảng đại bao dung, chúc mừng sự thành công của người khác. Khen ngợi sự kiệt xuất, lễ kính sự cực khổ và công lao của người khác! Rèn luyện tinh thần đem đến sự chung vui vì thế giới, cùng vui với vũ trụ và cả chúng sinh.
6. Lục Tổ dạy: “Nội tâm khiêm hạ là công, chúng sinh bình đẳng là đức”. Luôn gìn giữ lòng biết ơn và sám hối, quan sát những thay đổi của hoàn cảnh xung quanh. Đối với tất cả mọi sự đều dùng một thái độ mỉm cười mà nhìn nhận, sẽ giảm bớt rất nhiều phiền muộn.
7. Đã tới thời kỳ mạt hậu, ai cũng phải tự mình liễu nguyện siêu thoát. Đối với tất cả ân, oán, tình, sầu, oan, thân, đều không tham cầu nhân duyên. Trong cái tùy duyên để liễu thoát tất cả những chướng ngại, mới có thể thật sự siêu thoát tự tại! Người phàm phu tu Đạo không thể lập tức làm được như những Thánh Hiền đức độ của thời xưa, không cố chấp nhưng vẫn hiểu được sự hiện hữu của những sự vật xung quanh. Thế thì nên cố gắng sau khi biết được sự tồn tại của sự vật vẫn có thể xem nhẹ buông xuống.
8. Đạo trường trong tương lai sẽ có thử thách trí tuệ, những thử thách đó thật sự không thể dự tính trước được. Thầy không thể làm cho thân tâm của đồ nhi yên lành, chỉ hy vọng các con có thể hiểu được Thiên tâm, Phật tâm, Sư tâm, tu Đạo một cách thật lòng, giữ vững nguyện giới. Như Lục Đồng sư huynh từng bảo: “Uy lực của tam tài chúng ta tuy xem trọng nhưng không thể hoàn toàn phụ thuộc! Tránh và thận trọng để mình không cố chấp vào hình tướng của tam tài!”
9. Nếu như mỗi một đồ nhi Bạch Dương trong Đạo trường, đều có thể cầu phúc cho chúng sinh, đều có thể khấu đầu hóa kiếp giảm đi khảo nghiệm cho chúng sinh. Sự tích tụ của thiện niệm, nhất định sẽ làm cho kiếp và khảo của nhân gian giảm đến mức độ thấp nhất! Thế thì Trời cao tự nhiên sẽ kéo dài thời gian bàn Đạo cho các con.
10. Người tu Đạo trong thời kì mạt hậu, phải phát tâm đại nguyện. Phải làm sao để cho tâm của mình, được đề cao như tâm của chư Phật Bồ Tát Thập Phương. Nếu không chỉ cầu sự liễu thoát kiếp này đời này, làm sao đạt được chân lý pháp hải?
11. Quá trình bàn Đạo, tất nhiên là phải độ người, thuyết pháp, khai hoang, thiết đường, nhưng cũng không được quên đi những khổ nạn trong xã hội và cứu tế người dân trong đời sống bình thường. Chẳng hạn như thương xót cho sự nghèo khó, hiểu cho nỗi niềm của người già, giúp người cô độc, ủng hộ và xúc tiến công tác bảo vệ môi trường, giúp đỡ người bệnh tâm thần. Thậm chí những việc phóng sinh, bảo vệ động vật cũng nên hưởng ứng, đây đều là những việc quảng kết duyên phận với chúng sinh thập phương. Mọi người không nên bỏ qua và nghĩ đó đều là những việc của Hậu Thiên, nếu không bổ sung làm tốt việc của Hậu Thiên, làm sao viên mãn Tiên Thiên?
12. Thầy công bằng đối đãi với mỗi một đồ nhi, mu và lòng bàn tay đều là thịt, tuyệt đối không thiên vị. Chỉ cần các con chịu bàn, muốn bàn thì nhất định sẽ xoay chuyển. Còn việc có nơi hoằng triển, có nơi chậm chạp, ít nhiều cũng có liên quan đến nhân duyên, không nên ngưỡng mộ. Hy vọng tâm chí của Đồ nhi không thay đổi, Thầy thật lòng chúc phúc cho các con, gìn giữ sẽ có ngày toại nguyện, khổ tận sẽ nhận được quả ngọt.
13. Đối với những chúng sinh bất hạnh bị tử vong trong những khổ nạn, tai kiếp trên thế giới, cũng phải có tấm lòng thương xót, bi ai và thông cảm. Hiến hương khấu đầu sớm tối, không nên chỉ cầu Đạo vụ hoằng triển. Nếu không cho dù Đạo vụ hoằng triển thì cũng mất đi đồng thể đại bi và những thiện niệm nhân từ, đại từ đối với người vô duyên, đâu phải bản sắc của người tu Đạo! Chỉ khi nuôi dưỡng được sự quan tâm đối với người vô duyên bất hạnh, mới có thể cảm động người có duyên đến với chúng ta.
14. Liễu duyên trong cái liễu nguyện, làm hết tâm ý của mình là được, không cần cố công sắp xếp những việc không cần thiết, để được giải thoát ngay lúc này, tự do như cưỡi gió cưỡi mây một cách tự tại. Như thế mới không sa vào một hoàn cảnh và tầng nhân quả khác, những kiếp sau lại phải tuần hoàn trả lại, như thế trở thành một sự bất hạnh! Ngày xưa Thầy cũng vì trò chơi nhất thời, viết ra vài câu liễn tùy hứng, gây ra sự phân kỳ trong Đạo trường ngày hôm nay, khiến cho Đạo bàn xảy ra rối loạn. Thế nên khuyên Đồ nhi phải cẩn thận tâm niệm, đừng gieo tình duyên.
15. Thầy tuy là một hòa thượng nghèo, nhưng chỉ cần các con trên dưới tâm khí hài hòa, liên kết với nhau, Thầy làm thế nào không quan tâm? Mặc dù lúc này nhân duyên vẫn chưa đến, vẫn có thể bên ngoài trợ giúp, bên trong âm thầm hóa giải. Mỗi một nơi được tặng một Phật đường lớn, nhưng nếu bản thân tâm niệm về Đạo trường không thể liền mạch nhất quán với nhau, thử hỏi Thầy còn mặt mũi nào đối diện với thập phương chư Phật? Nói thật ra, chẳng phải làm Thầy khó xử hay sao!
16. Người tu Đạo phải xem nhẹ cái tình trong thế giới trần tục, nghiên cứu Thánh tình, đến đâu đều có thể yên ổn, ở đâu đều có thể tự tại. Người tu Đạo tuyệt đối không thể quá hưởng thụ, thích phô trương, ưa khí phái. Thầy quen với cuộc sống nghèo khó, một bát cơm khô, một mình đi khắp vạn dặm. Tiêu diêu tự tại, nhưng không thể tiếp nạp, cũng không thay đổi được những đệ tử giàu có.
17. Người tu Đạo, nhất định phải phân biệt rõ việc Thánh phàm, hiểu rõ công tư, hễ có sự thiên lệch sẽ dễ dàng lạc bước. Từ xưa đến nay có đạo trường nào lại mượn miếu đường Thần Thánh làm phương tiện làm ăn! Nếu ai có lòng tham, Trời sẽ trả báo cho những gì con đã gây ra, như thế sẽ không còn được trọn vẹn.
18. Đối với những thị phi trong Đạo trường, không nên truyền nhau, càng không nên gây sóng gió. Nuôi dưỡng một tấm lòng thông cảm bao dung nhân hậu. Nếu chúng ta đối xử với người khác như vậy, Trời cũng sẽ đối đãi như thế với mình.
19. Bất cứ lúc nào cũng nên gìn giữ ý niệm gieo hậu phúc cho chúng sinh, không được lạm quyền cậy thế, làm tổn hại thanh danh tu Đạo, làm hại những hậu học vô tội. Thầy tuy vô đức, nhưng cũng đã để lại một Đạo trường ở nhân gian, để cho đồ nhi của Thầy bàn Đạo. Không dám yêu cầu các con, chỉ hy vọng bằng khả năng của mình hộ trì, không phụ sự lớn lao cao cả của Thiên Ân.
20. Đối với những thống khổ và nạn tai của lục đạo chúng sinh, tận đáy lòng cũng nên có sự quan tâm và cầu phúc vô hạn, hy vọng họ sớm ngày gặp được thiện nhân duyên có cơ hội siêu thoát khổ hải.
21. Những nỗi niềm và kỳ vọng của Thầy, lại không thể dặn dò thổ lộ hết được với những người đang đứng phía trước dẫn dắt đạo trường như các con. Chỉ vì cái tâm của các con không hòa nguyện được với tâm của Thầy, hơn nữa lại quá để ý đến những thị phi trong những mối quan hệ và danh tiếng hình tượng bên ngoài. Cả ngày bận rộn với những việc bàn Đạo, mà lại không thể nhìn lại tự tính bản giác của bản thân mình, chắc cũng do Thầy vô đức, nên mới không cảm động được các con!
22. Tam tài không chỉ thuộc về một Đạo trường nào đó, nếu có cơ hội trợ hóa kiến Đạo thành Đạo, Thầy đồng ý đi khắp nơi để tăng thêm niềm tin của các đồ nhi. Nếu không các con không biết cách tận dụng, thì sẽ phụ ơn Trời cao đã ban cho diệu cơ.
23. Thật ra Trời cao đã ban quá nhiều cơ hội cho Đạo trường của các con, nhưng đáng tiếc trong lòng các con lại thiếu đi sự đón nhận một cách chân thành biết ơn. Các con đối diện với những nhân quả oan nợ trước kia có cảm giác phiền chán cự tuyệt, nên ít nhiều đã làm mất đi cơ hội thêm một bước có được sự giúp đỡ của thập phương U Minh. Việc ấy cũng gián tiếp xoay chuyển nhân duyên của khí thiên Đại Tiên đến Đạo trường hiển hóa, cũng từ đó mà dừng lại hay chuyển đến những Đạo trường khác. Thầy nói ra những lời như vậy, không biết những Tiền Hiền trong Đạo Trường có thể tiếp nhận được không, những ai cứ nghĩ mình không để ý đến hình tượng nhưng thật ra cố chấp hình tượng cũng là một chướng ngại!
24. Đối với đệ tử đã rời khỏi Đạo trường hay thoái Đạo, Thầy cũng không nhẫn tâm bỏ rơi và đoạn tuyệt. Các con đứng ở vị trí của người đồng tu, có thể hoàn toàn không quan tâm sao? Vì thế cũng nên có một tâm nguyện, cầu nguyện chúc phúc, hy vọng Trời cao từ bi xót thương, để cho những người lạc đường sớm ngày tìm được lối về. Nếu có tấm lòng thành khẩn, thì có thể cảm động kêu gọi họ tỉnh giấc và quay đầu trở về.
25. Đừng cố chấp sự trôi đi của thời gian, không nên chán nản trước nghịch cảnh. Khi con phát đại nguyện, lập đại chí cùng chung một lòng với Phật Bồ Tát, thì nhất niệm có thể siêu tam thiên, vượt thẳng đến con đường sinh tử. Chúng sinh thập phương cũng vì một ý niệm chân thành của con, mà đón nhận được âm hưởng đó, đó là một việc đáng để hân hạnh!
26. Không nên quá cường điệu và chú trọng đến số lượng của Phật đường và Đạo thân, mà sinh tâm niệm tranh đoạt sở hữu, như thế không đúng. Hễ có sự thiên lệch thì trong lòng có sự tính toán, sẽ dễ dàng sa vào ma Đạo. Nên biết: Bình công định quả sau này của Trời cao sẽ dựa vào đức tính, giới luật, tâm niệm, nguyện hành, hỏa hầu mà định giáng thăng, không dựa vào phúc đức hay tiếng tăm hình tướng bên ngoài.
27. Trước mắt có bao nhiêu người đã bị cuốn vào cái hố của Đạo quyền, Đạo thế, Đạo danh mà bản thân không biết, thật đau lòng và đáng tiếc. Rốt cuộc người tu Đạo cũng xem trọng hình tướng không tự nhìn lại mình, ta còn có thể nói gì hơn? Thầy và Sư Mẫu các con năm ấy chẳng đem theo gì để trở về nơi ấy, để lại trách nhiệm tam tào và Đạo trường tại nhân gian để các con đi bàn, thế thì các con còn phân biệt và tranh đoạt cái của mình và của người khác làm gì?
28. Những vị tu Đạo mà thành trước ta gọi là cổ triết, những vị tu Đạo trước ta gọi là Tiền Hiền, những vị cùng tồn tại tu Đạo với ta gọi là đồng tu, tất cả đều là những người Thầy tốt bạn tốt, hân hạnh có được từ nghìn kiếp trước, đều có những điểm đáng được chúng ta tôn kính, lễ khấu. Thế nên chúng ta cũng nên luôn giữ một tấm lòng khiêm tốn thành kính mà học Đạo.
29. Đừng để sau mấy mươi năm tu bàn Đạo, chỉ có sự gia tăng về sự giàu có và danh tiếng, mà tự tính và trí tuệ chẳng có gì tiến bộ. Nếu như vậy chỉ tu được cái phúc đức mà thôi, điều này thì chúng sinh mạt hậu cần phải hiểu rõ.
30. Trong cả quá trình tu Đạo, dụng, xả, hành, càng phải kiên cố với nhau, lấy những sự công của ngoại vương, để khai sáng tứ phương, đây là bàn những Đạo vụ hữu hình. Lấy những đức nghiệp của nội Thánh, để đề cao tâm tính, đây là bàn những Đạo vụ vô hình, thế mới có thành tựu.
31. Nên thường xuyên dùng tâm niệm để hồi hướng cho những khổ nạn chúng sinh, những người đến giờ vẫn chưa đắc Đạo trên thế giới. Cầu nguyện cho họ có thể sớm gặp được thiện nhân duyên và được tu đạo thành đạo. Hay chúc phúc cho họ nếu không được độ trong đời này kiếp này, cũng mong nguyên hội tiếp theo được đắc Đạo, thành Đạo liễu khổ.
32. Không nên nhìn những hạnh phúc và an lạc trước mắt, những cái mà chúng ta đã có được mà cảm thấy mãn nguyện. Nên biết ơn môi trường tu Đạo hiện giờ mình đang có. Dù cho là những thử thách trong nghịch cảnh, cũng đã tốt hơn nhiều so với những chúng sinh trong địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh đạo. Thế thì không có gì oán trách đau lòng, cũng không nên kiêu ngạo tự mãn.
33. Trong tu Đạo bàn Đạo, nên không ngừng nâng cao bản thân mình, kế hoạch bản thân, tự nhiên sẽ trau dồi đức tính tuệ quang, giảm thiểu những ảnh hưởng của nhân quả nghiệp lực.
34. Nên đọc nhiều sách và kinh điển của Thánh hiền, trong lúc ôn lại cái cũ, biết thêm cái mới mà hiểu được diệu lý “nhất dĩ quán chi”, hiểu được khổ tâm giáo hóa của Thánh Hiền.
35. Dùng công tâm để tu Đạo, bàn Đạo, đem những công đức và thành tựu, chuyển cho Lão Mẫu và thập phương chư Phật Bồ Tát, như vậy sẽ không rơi vào chướng ngại nhận người mà tu Đạo.
36. Thành toàn Đạo thân nên chú ý xem bản chất và năng lực của mỗi người mà tìm cách hướng dẫn, dẫn dắt cho mọi người phát huy thiên tâm thiên tính, chú trọng việc nhận lý tu Đạo.
37. Khảo nghiệm trước sau cũng đến, nhất là đại khảo trí tuệ thời mạt hậu của bạch dương, sẽ đến ngay trước mắt, ai cũng nên có một sự chuẩn bị tâm lý. Từng nghe: “An chi thái nhiên, dĩ kháng phong vũ”. Các đồ nhi trong cục diện tu Đạo này, nhất định phải trải qua rèn luyện thử thách, mới có thể thành đại tài.
38. Tăng cường việc tạo dựng tâm lý Đạo thân, giữ vững căn nguyên tu đạo, nuôi dưỡng sự quang minh trong nhân tính. Dù cho đời này kiếp này không thể thành Đạo, cũng có thể duy trì thiện niệm không bị mê muội. Cầu cho những kiếp sau, không thoái chuyển mà được siêu việt.
39. Nên nuôi dưỡng tâm cảnh không nơi nào không phải Lý Thiên, không nơi nào không là tịnh thổ, nghĩa là bồ đề Đai Đạo quảng bố nhân gian, thế thì Thầy còn gì phải ưu tư phiền muộn? Hy vọng đồ nhi trân trọng những phút giây mình còn tồn tại, để tạo ra những cơ hội đặc biệt như thế.
40. Noi theo tinh thần bàn Đạo của tiền bối, để kéo dài sự triển khai của tuệ mệnh, người tu hành phải nhận lý nhận Đạo mà tu, đừng vì nhận người để tu , ai cũng tận tâm tận lực của mình để ổn định Đạo cục.
41. Noi theo cổ Thánh kinh huấn, noi theo gương tốt của Thánh Hiền, tuân thủ quy tắc kỷ cương, kính ngưỡng cái đức của người trước mà tinh tiến bản thân. Không nên xem Tiên Phật hay cá nhân nào như thần tượng rồi trở nên sùng bái.
42. Noi theo đức tính, tuân thủ xem trọng giới mệnh, Đạo thân với nhau nên khích lệ nhau, cùng nhau tiến bộ, cùng tu cùng bàn, phát huy phong thái Di Lặc đại gia đình được truyền lại từ trước.
43. Không nên vì tham sân mà có sự phẫn nộ bất bình. Trong đại phép tắc của người tu hành phải vô tham vô vọng, chân thành thực tu, làm theo di mệnh của tiền bối, lấy tinh thần tế thiên hạ mà hoành dương đại Đạo vô tư. Thị phi đúng sai Trời cao sẽ biết phân định công minh, không cần tranh luận, để tránh gây ra sự phân chia trong Đạo trường.
44. Trăm nghìn con suối nhánh sông, đều chảy về cùng một nguồn. Chỉ cần chân tu chân bàn, con người không thấy nhưng Trời chắc chắn sẽ không phụ. Trong Đạo cục nhiều thay đổi ở tương lai, vẫn kiên trì giữ vững sứ mệnh và trách nhiệm của chính mình.
45. Điểm Truyền Sư phải làm người tu Đạo một cách chính đáng, đường hoàng, thể diện, như thế mới không làm ô uế thiên mệnh của chính mình.
46. Đề bạt Điểm Truyền Sư, Giảng Sư và Tam Tài phải suy nghĩ cẩn thận, không nên làm rối tung sự việc, tránh làm cho vì việc nhỏ ảnh hưởng việc lớn.
47. Chùa miếu Bạch Dương giờ đã quá nhiều, điều này nói lên vấn đề gì? Thầy và Sư Mẫu của các con lúc còn sống có được bao nhiêu ngôi chùa lớn, hơn nữa tu Đạo ra sao? Điều này đáng để các con suy nghĩ lại!
48. Chỉ có tâm ý của những Đạo thân mới với một tấm lòng sơ phát, mới có thể gọi là thuần chân thành khẩn chất phác. Đạo thân cũ ngược lại không thể đứng vững, để thoát khỏi sự điên đảo của thị phi.
49. Bạch Dương Kỳ đại khảo này đang hiện ngay trước mắt, sẽ diễn ra một sự phân ranh rõ rệt trong quá trình đào thải! Thế cục, Đạo cục, nhân cục đều đang thay đổi, Thầy cũng không thể cân bằng được.
50. Sự thăng giáng của mỗi một người, đều liên hệ mật thiết đến Cửu Huyền
Thất Tổ, thế nên người tu Đạo đâu thể không thận trọng.
51. Bình thường không đọc sách và huấn văn của Thánh hiền, nên không thể ngộ được tâm trí của Thánh hiền. Khi gặp phải nguy khốn, làm sao thản nhiên để đối diện với sự lựa chọn sinh tử và thăng giáng?
52. Trái tim của Thầy đã thấy mệt mỏi rồi, ai có thể hiểu được? Ai có thể sẻ chia? Hy vọng các con tiến có thể bàn, lui có thể tu. Cũng như lời Thầy từng nói: tu Đạo tu tâm, bàn Đạo tận tâm, tu bản thân mình để cứu người khác, nhưng khi đã bắt đầu thì phải kiên trì đến cùng.
53. Người tu Đạo trước khi liễu đạo, tuyệt không thể có lòng tham vọng tưởng, hoặc khẳng định công đức thành tựu của chính mình, sai một ý niệm lập tức sa vòng ma Đạo.
54. Đối với bản thân phải nghiêm giữ giới luật, khoan dung với người khác. Luôn giữ một tâm niệm khoan dung tha thứ, với những Đạo thân biết hối lỗi luôn mở ra một con đường rộng lớn để họ quay về.
55. Nếu chỉ cầu sự giải thoát trong kiếp này, thì cái duyên với Thầy, cũng chỉ trong kiếp này mà thôi. Nếu có thể phát từ niệm quảng đại Bồ Tát mà không bị mê muội, quảng kết thiện duyên làm lợi cho chúng sanh, thì nguyên hội tiếp theo ắt hẳn sẽ đến trần gian nữa. Như thế sẽ mãi làm bạn với Thầy để độ hóa ta bà, đờiđời kiếp kiếp đều làm Sư hữu, thế mới là bi nguyện hào tình vĩnh hằng của người tu Đạo.
56. Trân trọng tâm niệm trong mỗi phút giây, hộ trì điểm linh quang của sinh mệnh này.
57. Thiên thời trong giờ phút này vô cùng nguy cấp, chúng sinh đều đang sống trong đại tai đại nạn, sao có thể không cố gắng nắm bắt thời gian để tận tâm tu bàn. Làm sao còn thời gian để phê bình những thị phi trong các mối quan hệ con người với nhau? Các con còn bao nhiêu thời gian để lãng phí nữa đây!
58. Đồ nhi ạ! Thiên thời đã không còn cho phép các con chậm chạp trì hoãn nữa, đã là lúc nên tinh tiến, không phụ ân đức trợ hóa và chờ đợi của chư Phật.
59. Nếu trong quá trình tu bàn, không có nhiều thử thách và sự cản trở trong nhân sự, thì làm sao nuôi dưỡng hậu đức và đề cao tâm tính? Hy vọng đồ nhi biết hiểu và thông cảm, thế mới không sinh ra sự oán trách, phiền não trong nghịch cảnh, như thế sẽ tạo ra sự trầm luân.
60. Trân trọng mỗi một thử thách có thể thành tựu chính mình, tôn trọng mỗi một sự phê bình và cách nhìn của chúng sinh. Cũng nên học cách tiếp nhận sự chỉ điểm và oán trách của người khác, tất cả đều dùng một tấm lòng dung nạp hoan hỉ để tiếp nhận. Thầy sẽ chúc phúc cho các con, như thế không những xây dựng được một nhân cách cá nhân hoàn mỹ, mà còn dựng nên một Đạo trường hoàn mỹ và an lành hòa thuận.
61. Phải cầu nguyện cho những chúng sanh trên thế giới khổ nạn, hy vọng họ cũng sẽ có thành tựu. Nếu các con biết nghĩ, Thầy sẽ không phải lo lắng nhiều. Lúc đó Thầy sẽ có thể dùng lòng yêu thương và sự quan tâm này dành cho những chúng sinh khác, thúc đẩy thiện nhân duyên của những chúng sinh đó đến sớm hơn.
62. Luôn trân trọng tất cả nhân duyên, nhưng không tham cầu nhất định phải có tất cả nhân duyên, thế thì mọi nhân duyên sẽ không trở thành chướng ngại trên con đường tu Đạo của các con.
63. Tôn kính Tiên Phật nhưng không quá chú trọng hình thức.
64. Xem nhẹ bản thân mình giảm bớt những mối lo không đáng, đừng để mối tình duyên của tình cảm làm cho mình mất hết tất cả.
65. Luôn giữ sự tỉnh táo trong tâm niệm mà không cố chấp trong tình cảm, như thế những kiếp sau sẽ không mê muội nữa.
66. Luôn giữ lòng tu Đạo chân thành, bất luận hoàn cảnh bên trong hay bên ngoài thuận lợi hay nghịch cảnh.
67. Phải học cái sự ẩn mình của Sư Mẫu.
68. Giới luật tam thanh nhất định phải tuân thủ, công tư phân minh, không được lấy chúng sinh làm lợi cho bản thân mình.
69. Không nên chỉ biết bàn tán thị phi của kẻ khác, nên nhìn vào cái ưu điểm của họ, nhờ vào đó để hiểu ra cái đẹp và trong sáng của nhân tính, như thế mới làtrí tuệ ba la.
70. Thành toàn nhân tài nên chú ý cái đức thật sự, một vị nhân tài anh hùng thành tựu trong tiếng vỗ tay của mọi người. Nhưng một hào kiệt, cũng sẽ âm thầm hy sinh khi không có sự khen ngợi của người xung quanh.
71. Đề bạt nhân tài nên chú ý đến sự phù hợp giữa cái thực và cái danh của người được đề bạt, nếu như làm được, mới không cản trở thiên thời và nhân sự.
72. Người tu Đạo luôn sẵn sàng quẳng đi những sự trở ngại gánh nặng thân nội thân ngoại, tâm nội tâm ngoại, thế mới được tiêu diêu tự tại.
73. Học để trở thành một dòng suối trong lành trong cái thế tục nhuốc nhơ, phải là một ngọn nến trong cái cảnh gió mưa u ám.
74. Một nhân tài trung thực, một người tu Đạo biết bổn phận, đó mới là người Trời cao yêu quý nhất.
75. Người tu Đạo phải thuộc tất cả Phật quy lễ tiết, đây là những bài học cơ bản nhất trong tu Đạo.
76. Gặp phải vấn đề trọng đại nan giải, phải năng khấu đầu trước Lão Mẫu. Nếu thật sự chân thành, điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Cái ý niệm đầu tiên trong lúc quên đi bản thân mình, đó chính là điều gợi mở mà Trời cao đã ban cho con. Thầy cũng chưa từng gánh vác đại sự tam tào phổ độ, năm ấy khi gặp phải vấn đề nan giải cũng làm như thế.
77. Tôn trọng tất cả nhân duyên của Đạo trường và chúng sinh. Cũng trân trọng những nhân duyên Trời cao đã ban tặng, tận tâm tu bàn, đừng phụ bỏ lần cơ hội hội ngộ đặc biệt sáu vạn năm mới được một lần này.
78. Cái Đạo vụ mà chúng ta hộ trì lo toan không thuộc về bất cứ ai mà của Lão mẫu. Sự lãnh đạo trong nhân sự, đó là thể hiện của sự tụ họp nhân duyên. Thế nên không nên tồn tại suy nghĩ tu Đạo vì một người nào đó. Phải mở rộng tấm lòng của các con để nâng cao lý niệm tu Đạo bàn Đạo, trong lúc kiến Đạo thành Đạo để quảng kết thiện duyên. Trong lúc vận chuyển càn khôn mở rộng Đạo trường, phải để tất cả mọi người đều được thành tựu. Chỉ cần có một ít thành quả, cũng nên biết ơn trong lúc hồi hướng, chuyển tất cả thành quả đó về cho Lão Mẫu chúng ta.
79. Ngay trong lúc này, có bao nhiêu chúng sinh đang chịu khổ, luân hồi, có bao nhiêu tu sĩ đang trầm luân và chịu khảo, nghĩ đến đây các con có biết trong lòng của Thầy cay đắng biết dường nào? Hy vọng các con ngay trong lúc này nên cầu nguyện và hồi hướng cho nghìn vạn chúng sinh, phát ra tấm lòng từ bi yêu thương, nguyện cho họ được siêu việt.
80. Nên hiểu sâu hơn về tình cảnh của họ, giúp họ giải tỏa được hoài nghi và giải thoát. Con người không phải Thánh Triết, ai không có tội lỗi ở thân và tâm. Nên dùng cái tâm khoan dung để giúp đỡ họ, thoát khỏi nỗi dày vò của sự hối hận và đau khổ, đồng thời chờ đợi để họ quay về và bắt đầu lại cuộc sống.
81. Chư Phật Bồ Tát và chúng sinh của tam giới thập phương, cũng thấy ân hận cho nhân duyên phổ độ Di Lặc ứng vận lần này. Họ đã dùng hết bi nguyện toàn tâm cố gắng cho công tác thu viên tam tào, trong đó chủ đạo cho cuộc nhân duyên này lại trông chờ vào nhân gian hoàn thành. Đồ nhi ạ! Nhóm Bạch Dương tu sĩ các con nên biết nắm bắt thời cơ tốt đẹp này, không tham không cầu chân thành thực tu, mới không phụ công Trời cao đã trợ hóa.
82. Mạt hậu rồi, tất cả chân ngụy thiện ác và tốt xấu, dần dần hiện rõ. Đây không phải do Trời cao ra đề thi mà do tâm thái của người tu Đạo có sự thiên lệch và lạc lõng. Đều do nghĩ không thông vấn đề Đạo danh Đạo quyền Đạo thế, và sự phân tranh nhân sự gây ra. Đây chính là nguyên nhân “Ma do tâm sinh”, tự tìm lấy khảo nghiệm cho mình. Cho nên tu Đạo nhất định phải thận trọng trong tâm niệm về việc ẩn mình trước mọi người!
83. Thầy vô tài vô đức, chưa thể cảm hóa các đồ nhi có thể tu Đạo trọn vẹn từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc. Điều này dẫn đến cục diện tự lập chuyên quyền chia năm sẽ bảy của ngày hôm nay. Chỉ hận Thầy chưa thể sống lâu ở trần gian để tận một chút công sức. Có bao nhiêu người đã vận hành Đạo trường diệu đức vô thượng như một trò đùa, thật đáng hổ thẹn trước ân điển của Hoàng Mẫu và sự ký thác kỳ vọng của Lão Tổ Sư.
84. Những người tu Đạo ở nhân gian, đối với sự được mất của công đức, danh tiếng và hình tượng bên ngoài đều quá chú trọng, không thể xem nhẹ nó. Vì thế hễ mỗi khi tạo nên được một Đạo vụ, cũng là lúc nảy sinh vô số quấy nhiễu và tạo ra rất nhiều nhân quả. Ngược lại không dễ dạy dỗ như các U Minh quỷ hồn và oan khiếm, vì họ đã và đang chịu khổ nên không dám tham cầu điều gì cả. Đối với họ, chỉ cần được quỳ nghe một lần pháp hội, nghe “pháp vũ phạm âm” của chư Phật, thêm một lần được tiếp thu Phật quang phổ chiếu. Ngay lập tức, họ đã có thể buông xuống tham, sân, si, mạn ở trong lòng, cũng không sinh ra vô số vọng tâm công đức và danh lợi. Trong sự biết ơn và sám hối nghe lời dạy của Tiên Phật, bên cạnh đó trợ hóa Đạo vụ ở khắp nơi. Vì thế ngay lúc đó có thể siêu việt thoát khổ, đây cũng là điều quý báu của việc dưới độ U Minh quỷ hồn.
85. Trong giới U Minh của Địa Phủ, cũng có bàn sự nhân viên, Giảng Sư, Giảng Viên, hộ trì nhân duyên thiên Đạo ứng vận và hỗ trợ Địa Tạng Cổ Phật, chăm sóc những anh chị em U Minh đang chờ siêu bạt và thoát khổ. Lão Mẫu đối với họ cũng vô cùng ưu đãi. Vì thân ở địa ngục, hiểu rõ cái khổ ở dưới địa ngục, sự biết ơn và cảm ngộ đối với Thiên Ân Sư Đức càng chân thành hơn các con. Ít ra họ không có tâm thị phi của người trên thế gian. Đồ nhi ơi! Các con nên nghĩ làm cách nào để tận tâm tận lực tu trì, để Thầy và Sư Mẫu của các con không phải lo lắng.
86. Đạo trường hôm nay ít nhiều có phong thái. Đệ tử Hoạt Phật khắp thiên hạ, nhìn bên ngoài đáng lẽ phải cảm thấy rất vui, nhưng Thầy lại thấy hổ thẹn. Ta chỉlà một hòa thượng điên cuồng, không có một chút năng lực nào cả, hôm nay gánh lấy một hư danh Đạo Sư tam tào. Thật ra tất cả những vinh dự này đều thuộc về ân điển của Lão Mẫu và hồng từ của Tổ Sư. Và việc mở rộng Đạo vụ cũng phải nhờ vào hộ trì của thập phương Chư Phật Bồ Tát. Họ đều phụng mệnh Mẫu, làm những công tác thành toàn trợ hóa. Họ có cái đức của sự trợ giúp âm thầm một cách vô danh, nhưng khổ tâm vận chuyển càn khôn thật rõ ràng. Đồ nhi ạ! Bằng sức của chúng ta làm thế nào để phát triển Đạo vụ khắp tứ hải vạn quốc? Rồi làm thế nào để quảng kết thiện duyên với chúng sinh? Hy vọng đồ nhi trong mọi giờ phút đều lễ kính ân điển của thập phương Chư Phật Bồ Tát một cách sâu sắc.
87. Một miếu đường nguy nga và phật điện trang nghiêm, đương nhiên Đạo trường không thể khiếm khuyết. Nhưng người tu Đạo bàn Đạo, nếu chỉ biết so đo tính toán danh tướng, sẽ không đúng với Đạo bàn, tôn chỉ của đạo . Năm ấy cả một ngôi chùa Thầy cũng không có, nhẹ nhàng đi khắp chân Trời, chẳng phải đã có thể tiêu diêu một cách vô tư lự hay sao? Trong niên đại hữu hạn của Thiên thời lúc này, đem những thiện tài mà chúng sinh đã thật lòng phụng hiến, chuyển dụng bố thí cho những khổ nạn ở nhân gian, hỗ trợ việc bảo vệ môi trường và cung cấp dược phẩm y tế, cũng là một con đường tốt đẹp cho tu sĩ Bạch Dương.
88. Ngay lúc này quả đất đã khô cằn và nhiều lỗ thủng, nếu không cố gắng hết sức tu sửa và thay đổi, thì quả tinh cầu đẹp đẽ này sẽ bị hao mòn và hủy diệt trong tay các con. Tiên Phật ở khắp phương, pháp giới đều lo lắng cho các con. Đồ nhi ạ! Ngoài việc làm những công tác bảo vệ môi trường thuộc về đạo đức trong tâm linh, còn phải thật sự hỗ trợ và tham gia những hoạt động bảo vệ môi trường.
89. Sự mở rộng và tạo dựng đạo vụ, một nửa nhờ vào sức người, một nửa do Trời cao, thành khẩn cảm động lòng Trời, khi nhân duyên chín mùi tự nhiên sẽ có được thành công. Đạo vụ được hoằng triển đương nhiên đáng được chúc mừng, nhưng cũng đừng quên cứu hộ và quan tâm đến chúng sinh khổ nạn trên thế giới. Đồ nhi ạ! Họ cũng là con cái của Lão Mẫu, cũng là người thân từ nhiều kiếp trước của các con. Hy vọng có thể cầu nguyện chúc phúc hay hồi hướng công đức thiện niệm. Nếu có thể, hãy thực hiện ngay những hoạt động hỗ trợ thực tế một cách nhanh chóng và thiết thực.
90. Tu đạo một cách thực tại, cố gắng hộ trì tuệ mệnh của Đạo bàn. Thầy chẳng để lại gì cho các con, chỉ các con có thể đối đãi tốt với hàng nghìn hàng vạn anh chị em chân tu thực luyện. Để cho họ đi lên, để cho họ thành tựu, để cho họ về đến Lý thiên. Cổ Đức dạy: “Nếu muốn chứng vô thượng Phật đạo, trước tiên phải làm trâu bò cho chúng sinh”. Người tu Đạo phải có tinh thần để chúng sinh đạp lên trên đôi vai của mình mà thành Đạo. Thầy nguyện như Chư Phật Bồ Tát, lấy máu thịt của mình lót đường cho chúng sinh tu Đạo thành Phật một cách vững vàng.
91. Nghiêm khắc mà nói, những khổ tâm mà người tu đạo đã bỏ ra suốt quá trình tu bàn, chẳng thể gọi là công đức? Dù cho có một ít công đức, các con nghĩ lại có phải trả cho nhân quả nợ nghiệp hay không, có phải hồi hướng cho ân đức của cha mẹ tổ tiên hay không, có phải để lại sự bình an phùng hung hóa cát, có cần phải để lại một ít vốn để về Trời gặp Lão Mẫu hay không. Trừ đi những tội lỗi sai sót các con đã phạm trong ngày thường, các đồ nhi ạ, các con còn dám tự hào xưng rằng mình có công đức hay không?
92. Phần trên Thầy từng hy vọng các con học được chữ ẩn của Sư Mẫu, có thể các con không hiểu rõ, hôm nay Thầy nói rõ hơn. Người tu Đạo nên noi theo tấm lòng của Sư Mẫu, người ẩn danh với nhân gian, ẩn tướng với tam tào, ẩn công đức với thiên hạ. Cái danh tướng điên cuồng của Thầy chúng sinh đều biết, nhưng cái tuệ đức của Sư Mẫu các con không phải ai cũng biết, thật sự rất cao minh. Điểm này thì ngay cả Thầy cũng không sánh được, nên thời kỳ mạt hậu, người tu Đạo phải học biết ẩn mình dưới ánh hào quang, không màng đến danh, khiêm nhường cái đức, không nên quá lộ rõ danh tướng, mà để Thiên ân sư đức luôn soi sáng tâm hồn của chúng sinh.
93. Tương lai sẽ có sự xuất hiện những kỳ dị quái tướng là ba mươi sáu Cung Trường giả, bảy mươi hai Di Lặc giả. Thật ra cũng xuất phát từ bên trong chứ không phải bên ngoài. Nhưng hình tượng chia năm sẻ bảy và tranh quyền của Đạo trường ngày hôm nay, cũng đều do sự can dự của lòng riêng mà gây ra. Vô tình thiên quân thoái vị mà ma linh thâm nhập, mọi rối loạn và khảo nghiệm sinh ra từ đó. Nếu không tự giác thì sẽ sa vào lầm lạc và bị thiên lệch mà bản thân không biết. Hy vọng các đồ nhi luôn trau dồi tam học bao gồm giới, định, tuệ mới có được chân trí tuệ để phá bỏ sự vô minh của vô lượng kiếp, tu Đạo một cách quang minh lỗi lạc, mới không bị cám dỗ.
94. Người tu đạo phải có quy củ, nề nếp, chân thành. Dù cho con chỉ là một tiểu hậu học rửa nhà vệ sinh, đưa khăn, sau này vẫn có thể thành tựu thiên tước. Nếu chỉ chú trọng biểu hiện, tính toán công đức mà nghĩ rằng mình là quân tử, không có tấm lòng khoan dung độ lượng, dung nạp ôn hòa để tiếp dẫn chúng sinh, thì không thể liền mạch với lòng Trời. Như thế thì thành tựu cũng sẽ có giới hạn, vả lại thành Đạo trong một kiếp không có nghĩa bảo đảm đời đời kiếp kiếp không thoái chuyển. Thế mới biết người tu Đạo rất cần rèn luyện cái tâm chí thuần, chí thành, chí chân, và chịu cực chịu khổ không oán than. Quan trọng hơn là luôn đối đãi tốt với những chúng sinh chưa độ, chưa ngộ.
95. Làm tam tài phải thanh tịnh quang minh, chỉ tồn tại lòng trời để vận chuyển càn khôn. Luôn kiên trì tâm niệm vô vi vô ngã kiến Đạo thành Phật, ắt có thể thành tựu vô biên lượng chúng sinh. Thành tựu ngày sau không thua gì những tiền bối khai Đạo một phương. Nếu không lâu ngày sẽ cảm thấy nhàm chán, chỉ thấy lòng người mà quên đi mối liên hệ lòng Trời phật ý. Như vậy sẽ dễ dàng tự rơi vào cảnh khó không thể ngộ được tinh vi, cũng không thể đi vào cảnh giới đại hóa lưu hành, thông suốt không trở ngại dung hòa viên mãn với chư Phật. Không liễu được nguyện, tương lai làm thế nào trở về Nam Hoa cung phục mệnh?
96. Người tu Đạo có thể vượt qua vòng danh lợi trên thế tục đã không dễ dàng, đừng để mình rơi vào một vòng luẩn quẩn khác. Sự thành lập đoàn thể danh tiếng bên ngoài chỉ có tính công việc, thật ra cũng chỉ để thích nghi hoàn cảnh nhân duyên mà thôi. Chỉ cần ủy thác người khác chuyên phụ trách phối hợp thúc đẩy là được, là một tiền hiền cũ, không nhất định phải có danh vị. Cũng nên biết sự quý báu của Thiên Đạo phổ độ, vẫn âm thầm chọn lựa những người hiền lương. Cái đức của người quân tử sẽ dần được biểu hiện, đừng chú ý đến việc tuyên truyền trên những phương tiện truyền thông, chỉ thấy cái tiếng tăm, chỉ nghe tiếng vỗ tay khen ngợi, mà đánh mất đi cái sự rộng lượng và thụ mệnh trong lúc lâm nguy và ỷ thác trọng trách trong tâm hoài . Cái mà Thầy và Sư Mẫu các con để lại cho Đồ Nhi là Đạo bàn chứ không phải đoàn thể giáo hội!
97. Người tu Đạo thời kỳ mạt hậu phải cẩn thận gìn giữ tâm niệm không được phép thiên lệch một chút nào cả, nếu không nhất định sẽ gây ra sự trầm luân cho chính bản thân mình. Vì nhân quả oan nợ từ những kiếp trước của chúng sinh, họ đã thống nhất với giới Tu La, sẽ không dùng cách đòi nợ mạng và hồi hướng công đức. Cái mà họ cần chính là hậu quả thiên lệch trong tâm niệm của người trong cuộc, gây ra sự phản bội thánh linh của cá nhân đó, sau đó kéo theo sự trầm luân của cửu huyền thất tổ, dần dần chia rẽ và hủy diệt Đạo vụ một phương nào đó. Đồ nhi ạ! Hãy nhìn xem hiện tượng phân chia và rối loạn trong một số Đạo trường, sao không nhanh chóng tự giác, tự tịnh, tự ngộ.
98. Đừng tranh công đoạt quả trên Đạo trường, phê bình sự thật giả của những Thiên Mệnh tổ tuyến khác, rồi yêu cầu Đạo thân phải điểm huyền thêm một lần nữa rồi mới tin tưởng. Thậm chí ngay cả những Đạo thân cũng một Lão Tiền Nhân lãnh đạo nhưng không cùng Tiền Nhân hay Điểm Truyền Sư cũng bắt người ta điểm lại, hay bảo rằng cái điểm của người khác vô hiệu. Không lẽ Thầy thừa lệnh ký thác của Lão Mẫu và Tổ Sư, đem cái Thiên Mệnh nhất chỉ chân truyền chí tôn chí quý, ban cho các con đi tu bàn, chỉ có tay của con mới là ngón tay vàng còn người khác là ngón tay sắt chăng? Thật là một lý luận vô lý! Một ý niệm tham vọng, một câu nói vu khống, làm tổn hại đến cái gian khổ khó khăn hộ trì thánh hỏa Thiên Mệnh của Tổ Sư bao đời. Làm như vậy quả thật là phạm vào cái đại giới làm cho thân phật chảy máu, phá vỡ sự hòa hợp tăng đoàn! Chỉ cần không làm trái Trời, không phản bội Tổ Sư, không tự mình xưng tôn, Thiên Mệnh các tổ các tuyến đều do tiền bối tự mình phụ trách với bề trên. Dẫu sao thì Thiên Mệnh kim tuyến được dựng nên trên cơ sở chân tu thực bàn, thật sự hy vọng các đồ nhi tôn trọng nguồn gốc hệ thống các tổ các tuyến, kiến Đạo thành Đạo cùng nhau thành toàn cùng nhau gìn giữ sự an lành hòa thuận của Đạo trường tam tào.
99. Thầy mới từ Thần Chân cố quốc ở Đông Bắc đến, thủ đoạn của Tu La rất tàn bạo. Gần đây bên ấy có hơn một trăm đệ tử đối diện với kiếp số, họ lâm nguy nhưng vẫn kiên trì nguyện giới, chết không hối hận. Họ cứ kêu gọi Thầy từ bi, Thầy biết rõ họ nhất định không khuất phục trước uy vũ để Liễu đạo thành nhân, muốn cứu nhưng không được cứu, Thầy đau xót muôn phần! Trong mấy chục năm bên ấy có vô số đồ nhi trong hoàn cảnh không thể tu bàn vẫn còn duy trì truyền thống tốt đẹp, trong bể máu ngục tù cay đắng vẫn hộ trì sự trang nghiêm của tuệ mệnh. Họ chân tu chân luyện không tham không cầu, đây là điều mà các con những ai đang sống trong Đạo trường ở một đất nước tự do không thể sánh được! Thời gian đã đến, Thầy không thể không nói rõ, nếu các con không cố gắng tu bàn, trân trọng những ân điển Trời cao đã ban tặng, vẫn còn quá để ý đến sự phân tranh trong nhân sự, sau này nhất định sẽ có tầng địa ngục thứ 19, 20, 21…đang chờ sự trầm luân của các con!
100. Thời cơ bàn đạo ở Trung Quốc đại lục vẫn chưa đến, nếu có nhân duyên có thể bắt đầu gieo giống, nhưng phải cẩn thận bảo vệ an toàn cho bản thân. Đừng để sơ ý rồi chịu tổn thương một cách vô tội, cũng đừng nên liên hệ với những Lão Tiền Nhân ở đại lục năm xưa, để tránh liên lụy đến an nguy của họ. Đây cũng là việc bảo vệ Đạo chủng nhân tài cho Di Lặc Tổ Sư! Thiên thời đã đến lúc phán xét, Đồ nhi ạ! Người tu, bàn đạo chỉ còn cách một mạng giao cho Trời, toàn tâm toàn lực mà chân tu thực bàn, đừng tiếp tục mơ hồ nữa!
101. Năm xưa trong lúc Thầy tu bàn Đạo, thật ra cũng chỉ mang thân phận Điểm Truyền Sư, chẳng qua thêm một trách nhiệm truyền thừa Đạo Thống. Từ lúc cùng lãnh Thiên Mệnh với Sư Mẫu các con trước lò bát quái chỉ bàn được 17 năm thì quy không, tất cả thành tựu đều nhờ ân điển của Lão Mẫu, sao có thể gọi là công của chúng ta được! Ngày này các con có rất nhiều Điểm Truyền Sư có thâm niên bàn Đạo và đảm nhiệm chức trách lâu hơn cả Thầy, nhưng xin tự hỏi rằng đức tính, chân công thực hiện và cả danh vị có phù hợp, không hổ thẹn với lòng hay không? Sau khi các tiền bối quy không, không báo ân liễu nguyện, hộ trì sự an ninh của đại Đạo trường, ngược lại còn tự lập nhà riêng, lôi kéo hậu học công kích nhau, làm cho nghìn vạn Đạo thân bàng hoàng mất phương hướng, như vậy thật có lỗi với ân trạch của Lão Mẫu và sự từ bi của thập phương chư Phật! Thầy vô đức, hay để Thầy nhường lại vị trí tam tào Tôn Sư cho các con vậy! Đồ nhi ơi! Hy vọng các con biết nghĩ, tất cả những cái có được trên nhân gian đều là danh tướng. Đừng để danh tiếng làm điên đảo chân như Phật tính của các con! Chẳng qua do Thầy quá si tình, Đồ Nhi có hiểu khổ tâm của Thầy chăng?
Số lượt xem : 2329