Lập Chí Hướng
Chim theo phượng hoàng bay được xa
Người theo Thánh Hiền phẩm vị cao.
Con người sống trên cõi đời này, bất luận là nam nữ già trẻ, phú quý bần tiện, đều có những nguyện vọng không giống nhau. Bởi vì có nguyện vọng rồi nên mới nảy sinh sự phấn đấu, tinh thần và sức mạnh, hy vọng đạt đến nguyện vọng. Nguyện vọng chính là chí hướng mà nay chúng ta phải nghiên cứu. Người xưa có câu “ làm người trước hết cần lập chí, lập chí hướng thì có căn bản ”, ví như cây cối, gốc chắc thì mới có thể cành lá xum xuê. Con người nếu như chẳng lập chí, thì giống như thuyền chẳng có bánh lái, ngựa chẳng có hàm thiếc vậy, tâm tánh chẳng định, lúc thế này, khi thế nọ, chẳng biết đi đâu về đâu, cuối cùng thì làm việc gì cũng chẳng đi đến đâu, chẳng thể đến nơi đến chốn, thường dở dang giữa chừng, chẳng thể thành tựu; đắc ý thì vui đến mức thái quá không kiểm soát nổi bản thân, chẳng được như ý muốn thì cứ than thở suốt, suốt ngày sống trong biển khổ, mất đi ý nghĩa của đời người.
Thế nhưng trước khi lập chí hướng thì nhất định cần phải lựa chọn hết sức thận trọng, không thể qua loa được. Thánh nhân có câu rằng : “ Chí làm Thánh Hiền thì thành Thánh Hiền, chí làm Tiên Phật thì thành Tiên Phật, chí làm phàm phu thì thành phàm phu, lập chí hướng gì thì thành cái tên gọi nấy ”, vậy nên không thể không thận trọng lựa chọn, sai một li đi một dặm đấy. Nếu cứ mãi lập chí làm phàm phu, mãi vui quên tháng ngày, cứ mãi theo đuổi các thứ hưởng thụ vật chất, dục lạc ngắn tạm của thế gian, thích say sanh mộng tử thì chắc chắn sẽ ở mãi trong vòng sanh tử luân hồi, chìm đắm mãi trong biển khổ mênh mông, cho đến muôn kiếp về sau vẫn sẽ cứ tiếp tục là phàm phu …
Nay chúng ta gặp lúc tam kì mạt kiếp, may mắn được Minh Sư truyền thụ đại đạo, đắc được tam bảo vô giá, thiên bảng ghi danh, địa phủ xoá tên, đã khác với những người thế tục thông thường, thì phải lập nên chí hướng to xa, siêu tục xuất chúng để tu đạo, cái chí hướng giải thoát nỗi khổ của sanh tử luân hồi, cứu độ chúng sanh cùng quay trở về cố hương Vô Cực nhận Mẫu quy chơn, liệt vào hàng Tiên Phật Bạch Dương, đến dự 3 kì Long Hoa Đại Hội. Chớ có lại vì mãi chăm lo việc phàm mà làm lỡ mất việc Thánh. Nên thật tốt vì vị “ Chơn Nhân ”của bản thân chúng ta mà tính toán. Những cái mà quá khứ trước kia chẳng thể xả thì nay cũng phải xả, những cái mà quá khứ trước kia chẳng thể nhẫn nhịn thì nay cũng phải nhẫn nhịn; những việc mà người khác không thể làm thì nay chúng ta phải làm, nguyện nếm những nỗi khổ mà người khác chẳng thể nếm, lập xuống chí hướng kiên định, đi theo sự lãnh đạo dẫn dắt của các bậc Tiền Nhân, Tiền Hiền mà thẳng tiến về trước hướng đến đại đạo khang trang của Thánh Hiền Tiên Phật. Bất luận là hoàn cảnh như thế nào thì vẫn là phải phú quý chẳng thể dâm, bần tiện chẳng thể thay đổi tiết tháo, vũ lực chẳng thể khiến cho nhân cách bị khuất phục; hành trì như thế lâu dài mãi không thay đổi, thì tự có thể thành tựu công đức viên mãn. Thánh trước hay Thánh sau cũng đều là cùng một đạo lý, chỉ cần con người chịu lập chí hướng noi theo Thánh Hiền Tiên Phật, nỗ lực đi làm một cách thực tế, thì người người đều có thể thành Thánh Hiền Tiên Phật. Có chí thì nên ! xưa này đều là vậy cả.
Cá muốn hoá rồng phải lập chí,
nỗ lực luyện mình vượt Long Môn.
Xã hội loài người cũng giống như con sông lớn dòng chảy mạnh xiết, nhiều chỗ cuộn xoáy vậy. Nếu như cứ mãi trôi nổi ở trong dòng chảy này thì vĩnh viễn sẽ bị chìm đắm trong sự ô trược của cõi trần thế. Vậy nên cá chép muốn hoá rồng thì phải lập chí hướng, nỗ lực tinh tấn hết mình nâng cao năng lực của bản thân để lội ngược dòng, nhảy vượt qua Long Môn, còn con người muốn giải thoát khỏi biển khổ của những phiền não sanh tử luân hồi thì cũng phải lập chí hướng noi theo Thánh Hiền Tiên Phật, nguyện trở thành Thánh Hiền Tiên Phật, nỗ lực tu hành, không ngừng tinh tấn tôi luyện hoàn thiện năng lực và phẩm đức của bản thân trong sự tu bàn đạo, khắc phục vượt qua mọi khảo nghiệm, khôi phục lại bổn lai diện mục thanh tịnh tự nhiên vốn có ban đầu, dẹp trừ những sự bại hoại xấu ác của bản thân, tìm trở về lại bổn tánh tự nhiên thanh tịnh vô nhiễm vốn có của mình. Nếu không thì con người vĩnh viễn sẽ giống như những con cá tầm thường, bị giới hạn trong cái phạm vi sông hồ, bị cuốn trôi theo cái dòng chảy ô trược mà vĩnh viễn chẳng cách nào hoá rồng.
Dưới đây là câu chuyện “ Cá chép vì sao ngàn năm mà chẳng thể hoá thành rồng ? ”
Tại Thần Châu của Đại Lục có một con sông thần thánh gọi là Hoàng Hà. Nếu quan sát từ trên trời cao nhìn xuống thì sông Hoàng Hà giống như một con rồng lớn uốn lượn ngoằn ngoèo từ Tây hướng sang Đông nằm ẩn trong các đám mây vậy.
Ở khu vực trung du của Hoàng Hà có một toà núi gọi là Long Môn. Vì sao lại có cái tên gọi này vậy ? Tương truyền là vào thời mà Đại Vũ trị thuỷ, ngài ấy bửa ( chẻ ) núi khiến cho nước lớn xuyên qua các tảng núi đá, tạo thành cảnh tượng hùng vĩ ngoạn mục, chỉ có thần long mới có thể nhảy vượt qua các vách đá, do vậy mà nhân gian gọi nơi này là “ Long Môn ”.
Mọi người đều nói rằng cá chép của Hoàng Hà nếu như có thể nhảy vượt qua Long Môn thì sẽ hoá thành rồng. Thế nhưng Long Môn thì lại cao thẳng đến đáng sợ. Hoàng Hà khi chảy đến nơi này thì dòng chảy trở nên mạnh xiết và gấp. Thác nước chảy thẳng trào xuống, thế nước như ngàn quân vạn mã vậy. Cá chép muốn lội ngược lên thác nước hùng vĩ này để nhảy vượt Long Môn thì quả thật là còn khó hơn cả lên trời ! Vậy nên nhất định cần phải là một con cá chép có năng lực siêu phàm thì mới có thể làm được.
Trong thần thoại có con cá chép miệng ngậm một viên “ ngọc thần ” mới có thể vượt qua được, mà có thể là phải trải qua mấy ngàn năm mới xuất hiện một con cá như vậy. Chuyện lại kể rằng đã từng có con cá chép hoá rồng. Có rất nhiều những con cá chép khác trong Hoàng Hà hay tin cũng đều rất vui mừng, đều tụ tập phía dưới Long Môn muốn lội ngược dòng để vượt qua nó. Bất kể là nước của con sông Hoàng hà chảy hung dữ như thế nào, bất cứ lúc nào cũng đều có rất nhiều các con cá chép nhảy lên, cho dù là rớt xuống trở lại, vẩy cá bong tróc rớt xuống tả tơi cũng đều không nản lòng.
Thế nhưng đã qua rất nhiều năm rồi, chẳng có một con cá chép nào có thể chạm đến Long Môn. Bọn chúng đều đã quá thất vọng, bèn đến chỗ của Hải Vương để cầu kiến, cầu xin ngài ấy điều chỉnh giáng Long Môn thấp xuống, chớ nếu không thì chẳng có bất cứ con cá nào có thể biến thành rồng được.
Sau khi đã tranh luận kịch liệt rồi, Hải Vương cuối cùng đã đồng ý điều chỉnh lại cho Long Môn thấp xuống, để cho tất cả các con cá chép đều có thể nhảy vượt qua được một cách rất dễ dàng. Đương nhiên, bọn chúng thảy đều sẽ biến thành rồng cả.
Lúc bấy giờ, bọn cá chép rất vui mừng, bởi vì chúng nó rốt cục cũng được thực hiện nguyện vọng mong muốn rồi, đấy chính là kì tích mà ngàn vạn năm mới xuất hiện một lần đấy.
Thế nhưng trải qua một khoảng thời gian rồi, chúng nó sau khi nhìn thấy đồng loại rồi thì lại tự hỏi rằng : “ rốt cuộc là làm cá chép và làm rồng thì có gì khác biệt đâu chứ ? ” , đương nhiên là bọn chúng đều chẳng ai trả lời được, bởi vì bọn chúng đều giống như nhau cả thôi mà.
Vậy nên, bọn cá chép lại đi yết kiến Hải Vương để kể khổ. Bọn chúng nói rằng phải tốn sức để nhảy vượt Long Môn, thế nhưng sau khi hoá thành rồng rồi thì lại cứ như làm cá chép vậy, chẳng có gì khác biệt !
Hải Vương cười lớn tiếng nói rằng : “ Thật ra trong bọn ngươi thì chẳng có một ai thành rồng cả. Long Môn mà các ngươi đã nhảy vượt qua đều là giả đấy. Ta thấy các ngươi vốn dĩ phải dốc hết tâm sức nỗ lực, nâng cao năng lực của bản thân, thế nhưng các ngươi lại cứ biếng lười chẳng làm, lại đến gặp ta muốn điều chỉnh Long Môn thấp xuống. Vậy nên ta đã đem Long Môn thật sự che lấp lại rồi, thiết lập một Long Môn giả cho các ngươi, để cho các ngươi được toại như ý nguyện vậy. Long Môn thật sự thì là do tinh hoa linh khí của trời đất tụ tập mà thành, chớ bảo là ta, cho dù là Ngọc Hoàng Đại Đế cũng sẽ không vì các ngươi mà điều chỉnh Long Môn thấp xuống đâu ! ”
Cuối cùng, Hải Vương nói rằng : “ Nếu như tất cả cá chép đều dễ dàng hoá rồng như thế, vậy thì “ rồng ” cũng chỉ là một cái tên gọi khác của cá chép mà thôi. Nếu như các ngươi muốn biết rồng rốt cuộc có chỗ khác biệt nào so với cá chép, thì phải tận tâm nỗ lực hết sức mình, bất chấp mọi giá để nhảy vượt qua Long Môn thật sự. Lúc ấy thì ai là cá, ai là rồng, lập tức bèn có thể phân biệt ra được ! ”
Tất cả cá chép đều có cơ hội để trở thành rồng, thế nhưng thành bại thì phải dựa vào chí hướng và sự nỗ lực của tự thân, chớ chẳng phải là đem tiêu chuẩn điều chỉnh lại thấp xuống. Nếu như tiêu chuẩn thật sự bị điều chỉnh thấp xuống rồi, thì cho dù là đã “ hợp cách ” ( đủ tiêu chuẩn ) rồi thì cũng chỉ là cho bản thân một cái tên khác mà thôi. Vậy nên Cá chép hoá rồng, chỉ có một biện pháp duy nhất, đấy chính là nỗ lực lội ngược dòng vượt qua được Long Môn.
Con người cũng vậy, giống như cá chép muốn vượt Long Môn hoá thành rồng, muốn vượt qua cõi trần thế để trở thành sinh mệnh cấp cao, thì nhất định phải lập chí hướng và phải trải qua sự tu luyện.
Tu luyện là một lộ trình gian nan khổ cực, cũng giống như Đường Tăng đi Tây Phương để thỉnh cầu chân kinh phải lập sẵn chí hướng “ ngàn ma vạn khảo vĩnh không thối chí ”, phải trải qua 81 kiếp nạn. Bởi vì gian nan cực khổ như thế, cho nên cửa đạo tu luyện tuy rằng rộng mở, thế nhưng rất ít có người dám đón nhận sự thử thách. Sau khi trải qua mọi gian nan rồi thì những ngày tháng huy hoàng sẽ đến. Người chơn tu sẽ được thăng thiên, tự tại, giải thoát, giống như cá chép hoá rồng vậy, tận hưởng sự áo diệu của cõi cực lạc thiên quốc. Đấy là điều mà những người bình thường chẳng thể hiểu được, cũng chẳng cảm nhận được. Người phàm chỉ biết thế giới sinh sống của bản thân, chớ chẳng thể cảm nhận được cảnh giới của sinh mệnh cao hơn. Cuối cùng thì vẫn là cá ở trong nước, rồng bay lên trời. Long Môn vẫn cứ tồn tại, cơ hội đắc đạo hoá rồng vẫn là dành cho tất cả mọi người, chỉ có điều là cá liệu có muốn hoá rồng và có đủ dũng khí và năng lực để nhảy vượt qua hay không mà thôi … !
Thời tam kì mạt kiếp ơn trên từ bi đại khai phổ độ, người người đều có cơ hội cầu đạo đắc đạo, cũng giống như con cá chép miệng ngậm sẵn viên “ ngọc thần ”, thế nhưng có muốn vượt qua Long Môn hoá thành rồng ( muốn trở thành Thánh Hiền Tiên Phật ) hay không thì còn tuỳ vào chí hướng, và dũng khí cũng như sự nỗ lực thực hành tu bàn của bản thân mỗi người rồi ! Cầu đạo rồi phải lập chí hướng trở thành Thánh Hiền Tiên Phật, lại phải thực tế mà nỗ lực đi tu đạo, bàn đạo hành đạo, vậy thì cuối cùng mới không rơi vào hoàn cảnh số phận giống như những con cá chép đã được hạ thấp Long Môn rồi, nhưng thực tế cuối cùng vẫn trở về số phận cá chép. Người đắc đạo rồi chẳng có chí hướng thành Thánh Hiền Tiên Phật, chẳng tu, chẳng bàn thì cũng chẳng thể nào thành đạo, và cũng vẫn chẳng khác gì phàm phu tục tử trước đây. Đấy cũng là lí do cá chép vì sao ngàn năm vẫn chẳng thể hoá rồng vậy !
Số lượt xem : 1135