Hoàng Mẫu Huấn Tử Thập Giới ( Giới Cáo Thứ 6 -10 )
Hoàng Mẫu Huấn Tử Thập Giới
( Giới Cáo Thứ Sáu )
Một viên minh-châu sáng
Thượng Đế tặng con giữ
Vô-Hoàng thả đường giác
Lão Mẫu chỉ đường mê.
Ta
Vô-Hoàng Lão Mẫu, vị chơn chủ tạo hoá muôn vật, dẫn theo Thị Vệ giá lâm Đông-thổ,
Phật-tử đứng hai bên nghe Mẫu phê thư
Chân Đạo, chân Lý, chân Thiên-Mệnh
Người tu phải chân tâm thực hành
Một niệm sai lầm xa ngàn dặm
Như giẫm băng mỏng, đối vực sâu.
Sáu giới cáo, Nguyên-phật-tử, chuông vàng mau gõ
Mẫu Vô-Sanh, tưởng nhớ con, lòng nóng như thiêu
Lo Phật-tử, tâm tánh mê, chẳng nghe lời Mẫu
Đem sách Mẫu, vứt một bên, chẳng nhìn chẳng xem
Con ngang ngạnh, như khúc gỗ, thật khó khuyên hoá
Vì độ thế, lao tâm lực, nhiều lần hạ phàm
Việc tam-kỳ, phải lo liệu, cực khó trong khó
Sai nghìn Phật, mệnh vạn Tổ, cùng giáng Đông-Giao
Dùng nghìn phương, lẫn vạn kế, không thấy hiệu quả
Nhiều lần gửi, thư lệ máu, cũng uổng công lao
Khổ cho Mẫu, vô phương kế, lớn tiếng than khóc
Nghĩ này nọ, nước mắt Mẫu, như mưa tuôn trào
Lòng nôn nóng, muốn ngưng độ, mặc con trôi dạt
Lại không nỡ, bỏ Phật-tử, lệ tuôn đôi hàng
Mẫu vì thế, lại nỗ lực, phê sách “ Thập Giới ”
Răn các con, mau giác ngộ, thoát cảnh trần lao
Ở trên đời, trăm điều thiện, hiếu đứng đệ nhất
Đã bất hiếu, xưng chi là, tu đạo, anh hào
Mong các con, đối Hoàng Mẫu, chớ mất hiếu đạo
Phải tuân hành, lời Mẫu dặn, mới là con ngoan
Là hiếu-tử, nào cần Mẫu, mãi răn mãi dặn
Hiểu lòng Mẫu, tâm ý thành, thay Mẫu tuyên Đạo
Kể từ nay, lập gương sáng, mau tu bàn đạo
Hiểu lòng Mẫu, phải ra sức, cứu rỗi đồng-bào
Trong bốn bể, đều huynh đệ, nên mau cứu vớt
Chánh kỷ rồi, thành toàn người, độ hoá chúng sinh
Tự lập chí, giúp người lập, là điều căn bản
Tự đạt trước, giúp người đạt, hoá tỉnh kẻ mê
Người giác trước, giúp người sau, cùng lên đường giác
Là Tiền Nhân, phải phấn chấn, đề bạt hậu học
Người dìu dắt, phải dìu đến tự viên tự giác
Đã cứu người, cứu đến cùng, mới là anh-hào
Độ một người, một người thành, mới hợp ý Mẫu
Chớ nên bỏ, người nửa đường, chẳng ngó chẳng ngàng
Đương thời nay, thiên thời cấp, cực kì khẩn cấp
Mau lập công, mau bồi đức, xiển khai “mầm đạo”
Gấp tiến bước, trồng được nhanh, khả kết trái lớn
Chậm một bước, trồng trễ mùa, hoa trái đều không
Tu Thiên-Đạo, không phân biệt, giàu nghèo phú quý
Bất luận nam, hay là nữ, đều phải chuyên cần
Nghèo góp sức, giàu góp của, đều khả bàn đạo
Tài pháp thí, phước huệ đầy, song phước thanh hồng
Mau khai đạo, mau xiển đạo, chớ nên trì hoãn
Còn do dự, đại kiếp đến, khó lập công lao
Khiếu về văn, dùng lời văn, thay Trời hành đạo
Khiếu về võ, ra sức lực, bôn ba gian lao
Lấy nhân lực, lấy tài lực, trợ người thành đạo
Ơn Hoàng Thiên, vốn vô tư, đức lớn bao la
Người bàn đạo, được thành công, thảy đều nhờ Trời
Chẳng phải là, người lãnh tụ, tài ba năng lực
Người tu đạo, đều nhờ vào, nguyện lực vĩ đại
Mượn danh Phật, mưu ăn mặc, khó tránh Thiên-lôi
Mọi người đều, vì cứu thế, bôn ba khắp chốn
Tiên Phật Thánh, vì trợ đạo, cũng chịu gian lao
Phụng mệnh Mẫu, xuống phàm trần, chúng sinh độ hoá
Chân Thiên-Đạo, có ấn chứng, chẳng dối chẳng hư
Đạo của Mẫu, nếu không thật, là hư là giả
Lời nguyện con, Mẫu gánh chịu, con hãy yên lòng
Mẫu nào muốn, ra lời này, để con thêm tội. Ôi !
Tuy như thế, kẻ mê muội, chẳng ngớt nghi, báng !
Vào thời nay, lập công quả, thánh-nghiệp vạn tám
Hưởng thanh phước, lẫn hồng phước, vui vẻ tiêu dao
Lòng hăng hái, dạ can đảm, một mực thẳng tiến
Dẫu liều mạng, cũng phải tu, đại chí vững vàng
Lập phật đường, độ chúng sanh, đại thiện đệ nhất
Hoặc khai hoang, hoặc gieo giống, cực lớn công lao
Nếu tuân theo, lời của Mẫu, khai hoang gieo giống
Mẫu ra lệnh, sai Tiên Phật, trợ con thành công
Nay Thiên-Đạo, đang trong lúc, nửa mờ nửa tỏ
Là thời cơ, lập kỳ công, rạng rỡ anh-hào
Tuỳ thời thế, tuỳ cơ duyên, cẩn thận hành sự
Chân Thiên-Đạo, đang ngầm tuyển, chọn người hiền lương
Nào ai hay, Trời đang mở, khoa thi chiêu tuyển
Muốn thành Thánh, Hiền Tiên Chân, tự phải chuyên cần
Ba-sáu Thánh, Bốn-tám Hiền, hữu chí có phận
Trễ chậm chạp, cơ duyên mất, khóc gào vô ích
Hiểu rõ được, thời cơ vận, theo Mẫu về cội
Không biết thời, tâm si mê, khó tránh đại kiếp
Mong Phật-tử, biết mà hành, tuyên hoá mau mau
Tâm thanh tĩnh, nghỉ vài phút, Mẫu lại phê tiếp.
Ngưng.
Hoàng Mẫu Huấn Tử Thập Giới
( Giới Cáo Thứ Bảy )
Vô-phùng khoá vàng vô-phùng tháp
Vô-phùng chìa khoá mở tháp ra
Minh-sư một chỉ ơn khó báo
Báu vật vô giá phóng chói loà.
Bảy giới cáo, Nguyên-phật-tử, lệ rơi thấm áo
Vì nhớ thương, chúng nhi nữ, mê lâu trần ai
Nơi Tiên-Thiên, Mẫu ngày đêm, bi ai than khóc
Vì nhớ con, khóc nát lòng, đau đứt ruột gan
Con không tỉnh, đối với Mẫu, nào có trở ngại
Chỉ lo sợ, con cưng Mẫu, gặp phải hạo tai
Nghe Mẫu khuyên, mau tỉnh ngộ, tu thân lập mệnh
Hiểu lòng Mẫu, nhớ ơn Thầy, mới là hiền-tài
Ơn chỉ-điểm, liễu sanh tử, sát thân khó báo
Nặng như núi, sâu như biển, luôn khắc ghi lòng
Nếu chẳng được, Sư chỉ điểm, sao khả thoát khổ
Há có thể, liễu sanh tử, khỏi kiếp tránh tai
Trên siêu tổ, dưới che cháu, toàn nhờ đức Thầy
Các con nên, báo đại ơn, nghe Thầy an bài
Người tu đạo, nếu trái ý, trái ngược mệnh Thầy
Trời trách phạt, ngũ lôi kích, cửu tổ than khóc
Tuân mệnh Thầy, trọng Thiên-Đạo, mới là hiền-sĩ
Học quân tử, vui sắc mặt, hoà nhã khiêm cung
Trọn đạo người, hợp đạo Trời, tròn nhiệm bổn phận
Hành lễ nghĩa, giữ cang-thường, trung chánh, trang nghiêm
Đạo ngũ luân, cùng bát đức, trai thường tuân giữ
Đạo tam-tòng, cùng tứ-đức, phận gái nên tuân
Học trung tín, hành nhân nghĩa, mau lập đại đức
Đối đạo thân, như huynh đệ, đều cùng Mẫu sinh
Không thể lại, phân môn phái, khen chê hiền ngốc
Nam hoặc nữ, bần hay phú, phân trắng chia đen
Là lãnh tụ, độ lượng lớn, bao núi chứa biển
Thường chỉ đạo, bậc hậu học, cùng khai xiển đạo
Nam tử hán, biết tiến lui, có thể nhẫn nại
Vượt sông núi, chịu gió sương, vĩnh không lời oán
Nghe công sợ, nghe lỗi mừng, có lỗi biết sửa
Nếu như thế, mới xứng là, “đỉnh thiên” hiền tài
Là hậu học, kính Tiền-nhân, đồng tâm hoà khí
Là tiền nhân, dìu hậu học, rộng lượng khoan dung
Thiên thời gấp, nay các con nên thêm nỗ lực
Chớ phụ Mẫu, lời vàng ngọc, thường dạy Hoàng-thai
Không phải Thánh, ai chẳng lỗi, có lỗi phải sửa
Người biết lỗi, chẳng chịu sửa, khó về Diêu-Đài
Trước hành công, sau gây lỗi, công trước không tính
Trước có lỗi, sau có công, công lỗi bù trừ
Nếu như biết, sửa lỗi trước, lại lập công quả
Tất nhiên là, công ghi công, chẳng phụ hiền tài
Người công nhiều, lỗi lầm ít, Thiên-Bàn ghi rõ
Người lỗi nhiều, công quả ít, chịu hoạ mắc tai
Sổ Tiên-Thiên, tính như thế, tường tận ghi rõ
Chưa hành công, sửa lỗi trước, mới là Hiền-tài
Từ xưa nay, tu Thiên-Đạo, đều vốn không dễ
Nay phương thức, khác thời cổ, riêng có an bài
Mẫu khoan ân, thí đại đức, càn khôn cùng độ
Nên phật quy, rộng lớn hơn, giảm bớt Ma tai
Thời buổi này, tu Thiên-Đạo, dễ dãi hơn trước
Chẳng phải chịu, khốn khó lớn, và đại hoạ tai
Tuy chịu cực, phí tâm sức, bôn ba Nam Bắc
Độ Phật-Tử, về cố hương, Mẫu thưởng toà sen
Tuy chịu cực, trải gió sương, dầm mưa dãi nắng
Một phần khổ, một phần công, rực rỡ quang vinh
Tuy bị người, nhạo huỷ báng, người chán người ghét
Khi đến thời, mới rõ được, ai trí, ngu, hiền
Tuy chịu oan, bị hiểu lầm, nuốt cay ngậm đắng
Trời chủ quyền, đo đánh giá, trả lại công bằng
Không tranh cường, so dài ngắn, cũng không háo thắng
Tồn tâm sáng, dưỡng bổn tánh, Bồ-Đề nở hoa
Tuy gặp ma, khảo tâm tánh, có nghịch có thuận
Không ma khảo, không thành Phật, là lẽ đương nhiên
Tuy rằng là, kẻ ác mạnh, người hiền yếu đuối
Nay vốn là, kỳ báo ứng, quét sạch ác ma
Từ xưa nay, tu đại đạo, tất có ma hại
Càng tu đức, càng báng nhiều, đạo cao huỷ lại
Cũng chẳng phải, oan nghiệt nhiều, mới gặp huỷ báng
Căn cạn mỏng, sao ngồi được, ngàn cánh đài sen
Người phước mỏng, căn không dày, tâm tánh khó vững
Dẫu đắc đạo, tâm tất thối, khó về Bồng-Lai
Con chớ bảo, người tu đạo, là khờ là dại
Người thật hành, lập kì công, danh vang trần ai
Con không nghĩ, Thánh tam-giáo, khai hoá lập giáo
Chịu tận khổ, hưởng hồng thanh, vĩnh chẳng suy phai
Cho đến nay, ba ngàn năm, người trời kính ngưỡng
Chứng đại đạo, mãi lưu danh, vinh quang xiết bao
Vào thời đó, vốn còn là Đạo-Bàn tra bổ
Sao bằng nay, hoá Tam Tào, phổ độ đại khai
Ba nghìn sáu, liệt Thánh-vị, trang nghiêm uy vũ
Bốn vạn tám, chứng Hiền-vị, song phước hồng thanh
Người tiến hành, chứng Thánh Hiền, quý ở thực tiễn
Rạng tổ-tông, che con cháu, thiện đức trường tồn
Năng phụng hành, đăng thượng phẩm, không thì truỵ lạc
Tam Tài nghỉ, ngồi thiền định, đợi Mẫu phê bài.
Ngưng.
( Giới Cáo Thứ Tám )
Vạn cổ kỳ duyên nhiều ảo-diệu
Tam-kỳ mạt kiếp Trời mở khoa
Tam-nguyên vận hội Long-Hoa tuyển
Tuyển khảo Phật-Tử chứng Đại-La
Tám giới cáo, Nguyên-phật-tử, lòng buồn tê tái
Đưa mắt nhìn, chúng nhi nữ, còn mê trần-sa
Nhận vui giả, chịu khổ thật, bận suốt vất vả
Đối Thiên-Đạo, chẳng thiết tha, ứng phó qua loa
Biết bao người, tham cảnh phàm, trái lý quên Thánh
Biết bao người, sợ ma khảo, tâm chí thối lui
Chân-Đạo tất, có chân khảo, lý này chẳng đổi
Để mài ra, chí kim cang, ngọc chẳng vết tì
Ngọc không giũa, không tinh xảo, lời ấy không giả
Vàng thật cũng, trải trăm luyện, mới hiện sáng loà
Muốn lấy cây, làm cột trụ, phải trừ cành nhánh
Làm công trình, cất cao ốc, móng phải chắc bền
Nếu đem so, người với vật, lý như nhau cả
Chịu đả kích, chịu mài giũa, tuệ càng phát tăng
Nhà nghèo khó, mới lộ ra, con hiếu thật lòng
Quốc gia loạn, mới hiện ra, trung lương ái quốc
Trải cuồng phong, càng lộ ra, cây cỏ khoẻ chắc
Không khảo trừng, sao phân biệt, kẻ nguỵ người chân
Nếu luận khảo, người tu hành, chẳng riêng ai cả
Bấm ngón tay, tính không hết, lược thuật qua loa
Nhớ lúc xưa, Khương-Thái-Công, bột mì từng bán
Chịu ma khảo, luyện tâm tánh, khốn ách đủ điều
Châu Văn Vương, nơi Dữu-Lí, bảy năm tù đày
Đã đoán biết, số Trời định, không hờn không oán
Lại còn có, Khổng Trọng-Ni, cũng bị đại nạn
Qua Tống Vệ, chịu tai ách, xoá vết, đốn cây
Nơi Trần-Thái, bị tuyệt lương, nhịn đói bảy ngày
Người xem Thánh, như điên dại, khó nói, trao đổi
Khưu-Trường-Xuân, lúc tu đạo, xiết bao khốn khổ
Gặp nạn đói, bảy tám lần, chí vững thêm bội
Diệu-Thiện nữ, vì tu đạo, bị chém, thắt cổ
Tôn-Bất-Nhị, lấy vạc dầu, huỷ hoại dung nhan
Lấy tu đạo, thời hiện tại, so với thời cổ
Ma khảo ít, không đáng kể, nhẹ hơn trăm bề
Qua cơn khảo, mới rõ được, căn cơ cao thấp
Có ma luyện, Tự-tánh Phật, đại hiển chói loà
Ma và khảo, là bậc thang, thành Tiên Phật Thánh
Hiểu thấu được, chân cơ này, khả đạt Niết-Bàn
Mẫu sắp đặt, định diệu kế, huyền diệu vô kể
Dùng sóng gió, che ngoài cửa, tối ngoài sáng trong
Tu Thiên-Đạo, nếu không có, ma khảo tôi luyện
Kẻ ăn chơi, chốn lầu xanh, đều lên Thiên-Đàng
Không có khảo, làm sao rõ, ngu hiền chân giả
Nào ai chịu, nhường ai trước, lên ngồi sen vàng
Chớ nói rằng, đắc thiên tước có khảo có nghiệm
Cầu nhân-tước, cũng phải khổ, mười năm sách đèn
Không rõ khảo, nhiều đứa thối, làm khổ lòng Mẫu
Không kìm nổi, tiếng bi xót, lệ rớt sa bàn
Mẫu vì con, đã nhiều lần, viết thư nhắn nhủ
Thư Mẫu gửi, không một người, hiểu rõ căn nguyên
Dặn dò đi, dặn dò lại, sao không thức tỉnh
Nếu chấp mê, trái lời Mẫu, sẽ áp âm-sơn
Kêu một tiếng, con của Mẫu, sớm rõ tâm tánh
Mặc ngàn ma, cùng vạn khảo, tâm không vết tì
Đạo-tâm vững, ý chí bền, trước sau không đổi
Lòng chí thành, khảo tự dứt, phiền loạn đâu còn
Từ ngàn xưa, tu đại đạo, băng sông vượt núi
Rời vợ con, bỏ gia sản, đi khắp chân trời
Vượt ngàn núi, lội vạn sông, chân-tông khó gặp
Giày sắt mòn, vẫn khó gặp, chân-đạo Minh Sư
Chịu ma khảo, khổ trăm điều, không sao kể xiết
Lòng chí thành, mới cảm động, Chân-nhân điểm hoá
Qua khảo nghiệm, tấm lòng thành, chân thật không giả
Mới truyền pháp, về động cổ, tu luyện Thánh thai
Ba ngàn công, tám trăm quả, đắc thành chánh quả
Cũng chẳng qua, về Khí-Thiên, tạm hưởng vinh hoa
Thời hiện nay, tu Thiên-Đạo, xiết bao dễ dãi
Thụ điểm trước, tu hành sau, lập đức độ trần
Thiên thời đến, ứng thời vận, thiên cơ mới lộ
Mẫu khai ân, nay tu trì, nửa Thánh nửa phàm
Nay đương lúc, thiên thời cấp, khinh phàm trọng Thánh
Phải ân cần, và thực tiễn, chẳng nên vui nhàn
Muôn vạn lời, trong huyết thư, mong con tỉnh ngộ
Đây chẳng phải, văn khuyên đời, rỗi nói cho vui
Mẫu vì con, phí tâm huyết, lòng như tơ rối
Chúng Phật-Tử, khắc ghi lòng, Phật-pháp rộng tuyên
Phê đến đây, Mẫu ngưng bút, tam-tài tạm nghỉ
Mẫu lên Đàn, mượn cơ bút, tiếp tục phê thư.
Ngưng
Chú Thích:
Khương-Thái-Cống: Tức Khương-Tử-Nha, theo Nguyên-Thuỷ-Thiên-Tôn học đạo, giúp Võ-Vương diệt vua Trụ, lập nên sự nghiệp nhà Châu 800 năm. Khi chưa gặp thời, Khương Tử Nha phải câu cá ở nơi sông Vị, bán gàu dai, sau lại bán bột mì ở ngoài chợ, nhưng không một việc nào thành. Vợ là Mã thị chê ông già và nghèo nên bỏ ông.
Văn-Vương : Là một chư-hầu của nhà Thương, được phong ấp ở Tây-Bá. Văn-Vương là người lấy đức trị dân, dân trong nước giúp đỡ lẫn nhau, nên không bao giờ có chuyện trộm cắp, giết người xảy ra. Khi vua Trụ bị Đắc-Kỷ làm mê hoặc, nhiều trung thần bị hãm hại. Văn-Vương cũng bị bọn gian thần làm hại, bị giam ở Dữu-Lí đến bảy năm.
Đức Khổng Tử cùng đệ tử chu du liệt quốc, giảng nhân nghĩa đạo đức, nhưng các nước chư hầu thời đó đều muốn lấn áp thiên-tử nhà Châu. Khanh-đại-phu lại muốn đoạt quyền của chư-hầu, những bọn gian thần tặc tử này đều không thích Khổng-Tử. Một hôm đức Khổng Tử đến nước Tống, ngồi dưới gốc cây giảng đạo cho môn đồ, khi đức Khổng Tử đi rồi, quan tư-mã nước Tống là Hoàn-Khôi bèn sai người đốn cây đó, chẳng những thế, trên mặt đất thấy có dấu chân của thầy trò đức Khổng-Tử, Hoàn-Khôi đều ra lệnh lấp đi dấu vết.
Đức Khổng Tử được vua Sở trọng dụng, sang nước Sở làm quan. Khi đi qua biên giới của hai nước Trần và Thái, quan đại phu của hai nước này biết Khổng-Tử là người có tài an bang trị thế, lại biết được Sở Chiêu-Vương là người có dã tâm muốn thôn tính những nước láng giềng nhỏ, sợ rằng khi Khổng-Tử qua giúp nước Sở, Sở sẽ mạnh và hai nước Trần và Thái sẽ là mục tiêu đầu tiên của Sở Chiêu Vương, nên hai nước đều sai người đến vây lấy đức Khổng-Tử. Ngài cùng môn đệ bị vây khốn, bảy ngày không có lương thực.
Khưu Trường-Xuân theo Vương Trùng-Dương tổ sư học đạo. Trong số các môn đồ của Trùng-Dương tổ sư, Khưu chân-nhân là người gặp ma khảo nhiều nhất. Có một lần đi hoá duyên, Khưu chân-nhân gặp một tướng sĩ. Tướng sĩ xem tướng của chân-nhân nói rằng : “ Tướng của các hạ là tướng Đằng-xà toả khẩu, sau này thế nào cũng bị chết đói”. Nhưng với ý chí cương quyết và tử vì đạo, Khưu chân-nhân được Tiên Phật ngầm trợ, và sau cùng chứng được quả vị Tiên-Thiên Trạng-Nguyên.
Diệu-Thiện : Là công chúa Diệu-Thiện, con thứ ba của vua Diệu-Trang, tính háo Phật từ nhỏ. Khi công chúa xuất gia tu đạo, nhà vua không cho và bắt hoàn tục, nhưng công chúa vẫn một lòng tu hành. Vua giận, sai đao phủ bắt công chúa ra pháp trường hành hình. Vì ý chí kiên cố và lòng thành, công chúa được Thần-nhân trợ giúp. Khi đao của đao phủ chém tới cổ của công chúa thì bị gãy đôi. Diệu Trang Vương cho rằng công chúa là yêu ma nên mới chém không chết, lại sai người lấy dây thắt cổ công chúa. Trong lúc hành hình, công chúa cũng được Thần-nhân cứu thoát. Về sau công chúa chứng đạo, tức là đức Quán Thế Âm Bồ Tát.
Tôn-Bất-Nhị : Là vợ của Mã Đơn-Dương, hai vợ chồng theo Vương Trùng-Dương tổ sư học đạo. Vì là người có nhan sắc, sợ bị người làm hại nên Tôn chân-nhân lấy vạc dầu huỷ hoại dung nhan của mình để tiện bề tu đạo, về sau chứng đạo.
Thiên-tước : Tước vị ở trên Trời ( Phật, Bồ Tát, Thánh, Hiền, Kim-Tiên )
Nhân-tước : Tước vị ở cõi phàm, đó là công danh lợi lộc. Thánh Mạnh-Tử nói : “ Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín là phần thiên-tước. Công, Khanh, Đại Phu là phần nhân-tước”.
Ân Sư Tế Công Hoạt Phật dạy : “ Nhân-tước sao bằng thiên-tước quý, công-danh không bằng đạo-danh cao”.
Hoàng Mẫu Huấn Tử Thập Giới
( Giới Cáo Thứ Chín )
Tâm chẳng ví như mảnh trăng sáng
Tánh chẳng là tuyết nở hoa mai
Tâm không nhiễm trần chân-không hiện
Thanh khiết vô nhiễm tỏa chói loà.
Chín giới cáo, nguyên-phật-tử, tuôn trào lệ máu
Chỉ vì con, lòng Mẫu mới, buồn phiền lo âu
Đạo tuy có, trăm nghìn đường, nhưng đều không chánh
Nếu không đi, đường kim-tuyến, Vô-Cực khó về
Đương thời nay, bàng môn thịnh, vạn giáo cùng khởi
Mẫu lo sợ, chúng Phật-tử, lầm vào đường tà
Nghìn bàng môn, vạn giáo phái, đều do Mẫu giáng
Truyền sách trước, gửi thư sau, báo rõ tam-kỳ
Thời chưa đến, Mẫu không giáng, Thiên-Đạo Nhất-Quán
Lại chỉ thấy, chúng Phật-tử, tâm tánh đắm mê
Nên gieo rải, nghìn bàng môn, triều sơn bái Phật
Khoá tâm-vượn, buộc ý-ngựa, hành thiện tích đức
Đợi đến thời, Chân-Thiên-Đạo, thu viên phổ độ
Bái Chân-Sư, cầu Chân-Đạo, cùng về cố hương
Thời cơ đến, Mẫu tiết lộ, thiên cơ diệu lý
Nay vốn là, thời thu viên, vạn giáo quy căn
Mẫu giáng Đạo, hoá tam-thiên, lấy tên Nhất-Quán
Độ tam-tào, cứu bốn bể, cùng lên thang mây
Lời Mẫu nói, câu câu thật, không một lời giả
Có bằng cứ, có chứng nghiệm, thật giả khả tra
Tam giáo quy, về Nhất lý, Nhất quy về đâu ?
Từ nhất-bổn, tán vạn thù, Nhất từ đâu khởi ?
Muốn tu đạo, cần phải hiểu, con đường nguồn cội
Không hiểu rõ, đường nguồn cội, sao khả về cội
Thời thu viên, truyền phép báu, thượng thừa bí quyết
Chuyện hiếm lạ, của vạn cổ, nay ở tam-kỳ
Nếu không tin, còn Nhất lý, khả đem minh chứng
Đem cương-lĩnh, của tam-giáo, giảng nghĩa thuyết minh
Chân-Nhất này, vốn dĩ là, Tiên-Thiên Chân-Lý
Nho quán Nhất, Thích quy Nhất, thủ Nhất đạo Tiên
Minh-tâm-tánh, Quán-tự-tại, nhà Phật giảng nói
Tồn-tâm-tánh, Khắc-phục-công, cơ bản tu Nho
Tu tâm tánh, để phục mệnh, công phu đạo Lão
Tâm-tánh này, vốn linh nhất, chân không diệu hữu
Tu đạo Tiên, thường thanh tĩnh, tam-phẩm nhất lý
Nho sĩ luyện, tri-định-tĩnh, chẳng trái Thiên-lý
Phật giáo nói, không và tĩnh, nhất-hợp-tướng lý
Đều vốn là, do tĩnh tu, tánh hợp Vô-Cực
Pháp tu luyện, của nhà Phật, tam quy ngũ giới
Tụ tam hoa, triều ngũ khí, pháp của đạo Tiên
Hành tam-cương, giữ ngũ-thường, lễ của Nho giáo
Đương thời nay, truyền Nhất-Quán, tam-giáo hợp nhất
Không sát sanh, chơn nhân ái, khí mộc phản bổn
Không trộm cắp, giữ trung nghĩa, ngưng tụ khí kim
Không tà dâm, giữ lễ tiết, chân hoả luyện tánh
Không uống rượu, có trí tuệ, chân thuỷ hợp hoà
Không vọng ngữ, giữ chữ tín, thổ khí quy bổn
Ngũ khí triều, ngũ giới thanh, ngũ thường đủ đầy
Tuy tam giáo, nhưng vốn là, một lý không hai
Nếu hai lý, tức không chánh, rời tông rẽ nhánh
Từ Phục-Hy, vẽ bát quái, chân dịch xuất hiện
Đấy vốn là, lúc khởi nguồn, Thiên-Đạo giáng thế
Hội Thanh-Dương, mệnh Nhiên-Đăng, giáng thế hạ phàm
Độ hai ức, nguyên-phật-tử, trở về Vô-Cực
Thời hồng-dương, mệnh Thích Ca, độ hoá cõi phàm
Lại độ thêm, hai ức về, Tây Thiên quê cũ
Kỳ Thanh-Hồng, cùng độ được, bốn ức Phật-tử
Còn sót lại, chín hai ức, bể khổ còn mê
Nay Bạch-Dương, đại đạo triển, Di-Lặc ứng vận
Mệnh Thiên-Nhiên, chưởng Đạo-Bàn, phổ hoá Trung Tây
Nơi Tiên-Thiên, Mẫu không giữ, Tiên Phật Thần Thánh
Đều đầu thai, cùng hoá thế, phò trợ Thánh-cơ
Trước độ bần, kế độ phú, sau độ khanh tướng
Độ vương-hầu, độ vạn quốc, cùng lên Niết-Bàn
Nay đương lúc, thiên thời cấp, mau thêm nỗ lực
Chí cương nghị, với lòng thành, tuyên hoá kẻ mê
Luận Trời đất, tuy cao rộng, sao bằng Đại-Đạo
Thiên mệnh lớn, Mẫu mệnh lớn, chí linh chí cực
Nếu tuân theo, lời trong huấn, thực tiễn bàn đạo
Mẫu sẽ sai, Chư Tiên Phật, hộ con bình an
Việc sau này, với Phật-tử, quan hệ cực đại
Không lâu nữa, Thiên thời đến, đại hiển chân-cơ
Ngàn bàng môn, cùng vạn giáo, rộng khắp phát triển
Niệm bùa chú, hô mưa gió, đá chạy cát bay
Chỉ Trời mở, chỉ đất lở, dời núi lật biển
Cưỡi ghế đẩu, bay lên trời, yêu pháp lạ kỳ
Thuật âm dương, độn ngũ hành, đằng vân giá vũ
Đủ các loại, yêu ma thuật, không sao kể vơi
Đến thời đó, con của Mẫu, nhớ kĩ lời dặn
Nếu chạy theo, mất linh quang, vĩnh chịu thê lương
Đấy vốn là, số Trời định, tam-kỳ triển hiện
Mẫu lập kế, có dụng ý, chí diệu chí huyền
Việc tam-thiên, cùng chủ quyền, do Mẫu chấp chưởng
Lúc thích hợp, Mẫu hạ lệnh, pháp thuật đều tan
Vạn-Tiên trận, đủ thứ pháp, náo nhiệt hoa mắt
Di Lặc ngốc, Tế Điên khùng, cực quảng thần thông
Cờ hạnh hoàng, cầm nơi tay, phất vẫy giữa không
Hô một tiếng, chư Thần thối, lui về bổn vị
Pháp không còn, thuật cũng hết, Thần Thánh không giúp
Chỉ còn lại, đôi tay không, khó chống đỡ lại
Vạn bàng môn, bái Di-Lặc, cùng quy chánh-lý
Giúp Tế Công, hiển Phật quang, đạo quán tam-cực
Người giàu có, lạy ngược lại, người nghèo hữu đạo
Đạo đức triển, khắp toàn cầu, thế giới đại đồng
Người thông minh, có trí tuệ, hãy mau tu đạo
Chớ đợi thuyền, tới giữa sông, vá lỗ thì muộn
Phê đến đây, Tam Tài mệt, Mẫu ngưng bút vàng
Hãy thiền định, tâm thanh tĩnh, đợi Mẫu phê tiếp.
Ngừng.
Chú Thích :
Tâm-vượn ý-ngựa : Ví tâm người như con vượn, ý người như con ngựa.
Vượn và ngựa là hai loài vật không bao giờ đứng hay ngồi yên được, chạy nhảy không ngừng, tâm và ý của người lúc chưa định cũng thế. Thời chưa phổ độ, chỉ truyền phương pháp hàng phục tâm ý mà thôi.
Tam thiên : tức tam thiên đại thiên thế giới
Tri-định-tĩnh : cách vật trí tri, tri chỉ định tĩnh, an lự đắc
( Cách vật trí tri : hiểu rõ sự vật là nhờ ở chỗ truy cứu tới cùng cái lý của sự vật, nghiên cứu để hiểu rõ lý tận cùng của sự vật )
Nho gia nói: “Tri chỉ nhi hậu hữu định, định nhi hậu năng tĩnh, tĩnh nhi hậu năng an, an nhi hậu năng lự, lự nhi hậu năng đắc.” Ý nói, biết đến cùng rồi mới định được, định mới có thể tĩnh, tĩnh rồi mới có an, an rồi mới có thể suy nghĩ tinh tường, suy nghĩ tinh tường rồi mới có thể lĩnh ngộ được. “Tĩnh” khiến cho nhà nho đạt được trí tuệ, hoàn thành được việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
Tam-phẩm : cũng gọi là tam hoa, tức Tinh, Khí, Thần
Tam hoa tụ đỉnh : Tinh khí thần hợp nhất. Luyện tinh hoá khí, luyện khí hoá thần, luyện thần hoàn hư.
Ngũ khí triều nguyên : Luyện hậu thiên ngũ hành ( Kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ ) thành tiên-thiên ngũ nguyên ( nguyên-tình, nguyên-tính, nguyên-tinh, nguyên-thần, nguyên-khí ).
Hoàng Mẫu Huấn Tử Thập Giới
( Giới Cáo Thứ Mười )
( Giới Cáo Thứ Mười )
Thời đến mở rộng cửa Vân-Thành
Đáp trúng tam bảo là Nguyên-Hoàng
Bát-Đại Kim-Cang uy nghiêm hiện
Khẩu lệnh không đúng xuống suối vàng.
Mười giới cáo, nguyên-phật-tử, thư Mẫu viết xong
Việc thu viên, cực trọng đại, chớ xem “ trò đùa ”
Đạo tam-cực, truyền một lý, lên bờ bến giác
Khắp thiên hạ, khắp hoàn cầu, đều hiện sen vàng
Luận Đại-Đạo, chia tam-thừa, chân lý trên hết
Lý là Thượng, Khí là Trung, Tượng là Hạ-thừa
Ngoài nơi Trời, còn có Trời, lời này không giả
Lý Vô-Cực, Khí Thái-Cực, Hoàng-Cực càn khôn
Cảnh Vô-Cực, là Thánh-vực, cực lạc thanh tĩnh
Cõi Thái-Cực, là Hiền-quan, pháp luân tuần hoàn
Nơi Hoàng-Cực, là cõi phàm, muôn loài cư trú
Từ tam-thừa, mới phân ra, Thánh Hiền phàm phu
Tu nguyên-thần, luyện tánh-lý, thượng thừa chí diệu
Hàng long hổ, chuyển pháp luân, trung thừa tham thiền
Còn hạ-thừa, thật khó nói, chấp hình chấp tướng
Kẻ gõ mõ, người tụng kinh, khó siêu thoát phàm
Pháp xuất thế, như hiện nay, mạt hậu mới truyền
Người biết thành, người đắc siêu, khả thành Thánh Hiền
Mười tám nhánh, từ Trung Hoa, truyền khắp thế gian
Như sấm lớn, nổ thình lình, kinh tỉnh muôn chúng
Khắp vạn quốc, lẫn cửu châu, thảy đều độ tận
Ngàn Thần Thánh, vạn Tiên Phật, cùng tụ Trung-Nguyên
Nợ Tam-Tào, sẽ tính sạch, Bạch-Dương định vị
Sẽ quét sạch, kẻ ác nghiệt, giữ người hiền lương
Đem bể khổ, cải biến thành, cõi sen thanh tịnh
Cõi Đông-thổ, phải biến thành, tịnh độ Tây-Thiên
Cõi Phật sống, sống tiêu dao, sướng vui vô tận
Dứt sát nghiệp, quy nẻo thiện, mệnh vật an toàn
Cảnh an vui, như thần tiên, Lân Phụng xuất hiện
Sóng gió yên, mừng thái bình, thịnh thế được mùa
Người kính trọng, thương lẫn nhau, không còn tranh đấu
Được mưa thuận, lại gió hoà, sống lại thời Nghiêu
Chư Tiên Phật, nguyện đã liễu, chúng sinh độ tận
Tổ Di-Lặc, lên toà báu, điểm Tướng phong Tiên
Con của Mẫu, rời bể khổ, cùng lên bến giác
Phật Thiên-Nhiên, dẫn nguyên-nhân, cùng triều Mẫu nhan
Đến lúc ấy, nỗi lòng Mẫu, mới hết gánh nặng
Đứa nào có, công đức lớn, trong lòng hân hoan
Người nào đó, khai hoang trước, trạng nguyên đầu bảng
Người nào đó, lập kỳ công, quả vị khôi nguyên
Người nào đó, tài pháp thí, cao thăng thượng phẩm
Người nào đó, xả thân bàn, thượng thừa tôn nghiêm
Người nào đó, lập phật đường, Kim-Tiên được chứng
Người nào đó, tuyên hoá Đạo, được ngồi toà sen
Người nào đó, tận tâm sức, quả chứng Tiên vị
Người nào đó, siêng ân cần, thăng thưởng vô biên
Đến lúc đó, chia tam thừa, vị liệt cửu phẩm
Các Phật-tử, có công lớn, thảy đều mừng vui
Những ai còn, nơi hồng trần, ngoại vương nội thánh
Hưởng vinh hoa, cùng phú quý, tự tại an nhiên
Chúng Phật-tử, đã quy không, Tây Thiên về lại
Thoát phàm thai, thành Thánh-thể, Đại-La Kim-Tiên
Vội mặc lên, bộ áo Tiên, kim quang rực rỡ
Cắm bông vàng, đội mũ Tiên, giày mây trổ sen
Bái kiến Mẫu, đấng vô-sanh, lấy tay dìu dậy
Kêu một tiếng, con yêu quý, nay mới trở về
Kể từ nay, Mẫu không sai, con bôn Đông-Thổ
Không còn làm, người phàm tục, chịu khổ gian lao
Ăn đào tiên, cùng tiên quả, quỳnh tương nước ngọc
Mừng vô hạn, vui khó tả, khoái lạc vô biên
Hiển thần thông, thật quảng đại, quán thông trời đất
Dùng diệu pháp, của Tiên gia, xoay chuyển càn khôn
Chân pháp thân, nhật nguyệt rọi, vẫn không lộ bóng
Vào nước lửa, không cháy chìm, vĩnh thọ vô cương
Không còn bị, trời và đất, âm dương chi phối
Không sợ nóng, chẳng sợ lạnh, không sợ gió sương
Xuyên sắt đá, không trở ngại ràng buộc thúc quản
Đến vô hình, đi vô tích, du khắp tam-thiên
Cửu-huyền con, và thất-tổ, đều cùng thoát khổ
Con phẩm gì, họ phẩm nấy, cùng hiện uy nghiêm
Phật-tử tụ, cung Vô-Cực, đại mở yến tiệc
Hội Long-Hoa, tụ quần-chân, Phật Thánh Thần Tiên
Từng người một, đến trước mặt, yết kiến Hoàng-Mẫu
Mẫu Vô-sanh, cực mừng rỡ, chẳng nói nên lời
Rót một ly, rượu bồ-đề, ban cho các con
Chúng Phật-tử, nơi bàn tiệc, khoái lạc vô biên
Vô Cực-Thiên, đại đoàn tụ, vui mừng vô tận
Cung Vô-Cực, vỗ tay cười, trời đất cùng vui
Thế mới rõ, tu Thiên-Đạo, chí tôn chí quý
Chẳng phụ lòng, con của Mẫu, là đấng hiền lương
Phê đến đây, đã hoàn tất, thu hồi kim bút
Đem lời Mẫu, tạc in lòng, ngày đêm chớ quên
Huấn thư này, lấy tên là, “ Huấn Tử Thập Giới ”
Tĩnh một lúc, Mẫu tiếp tục, viết thêm đôi lời.
Ngừng.
Huấn thư truyền đời trấn Trung-Hoa
Rộng xiển tuyên hoá độ người hiền
Hiền lương cùng lên bồ-đề ngạn
Nhi nữ công thành ngồi liên hoa.
Cầm bút dặn dò lại dặn dò
Tuân lời Mẫu dặn thiết thực hành
Mong con hết lòng và hết sức
Đánh thức người si khỏi cảnh mê
Cực lạc cố hương nay vắng lạnh
Tiên Phật cứu thế giáng cõi Đông
Bốn ức cùng nhau hạ phàm giới
Nào ai hiểu rõ được căn nguyên
Kéo “ rèm cửa ” thấy chơn cố-chủ
Nghĩ lại hối, nện ngực giẫm chân
Thời cơ quý báu chớ bỏ lỡ
Gà vàng xướng, Đạo triển khắp nơi
Thừa lúc Đạo nửa mờ nửa tỏ
Tuân lời Mẫu dặn thiết thực hành
Nếu thư sao chép không đúng chữ
Hạ Đàn mau hiệu đính sửa sai
Chép xong thư này mau ấn loát
Phổ biến lưu truyền Mẫu đẹp lòng
Mau lập công đức khuyên độ chúng
Cứu rỗi chúng sanh rời vực sâu
Sách phê đến đây Mẫu ngừng bút
Dẫn chúng Tiên Phật về Diêu-Kinh
Chia tay quyến luyến lòng như cắt
Hỏi con phải chăng thiết thực hành ?
Nói lời này, Mẫu rơi lệ máu
Chớ xem lời Mẫu như gió bay
Thiên-Đàng Địa-ngục tuỳ con chọn
Biếng nhác vĩnh đoạ xuống vực sâu
Mẫu không phê tiếp, biệt nhi nữ
Rơi hàng huyết lệ, về Lí Thiên.
Ôi, lui.
Chú thích :
Vân-Thành : khi vào Vô-Cực-Lí-Thiên phải đi qua cửa Vân-Thành ) Thành mây, đó là Nam-Thiên-Môn.
Tam-Cực : Vô-Cực, Thái-Cực và Hoàng-Cực
Thượng-thừa là tu tánh. ( Phật nói minh tâm kiến tánh, Nho nói tồn tâm dưỡng tánh. Tiên nói tu tâm luyện tánh. Tánh tức là lý. Ngộ lý tức là Thánh, là Tiên, là Phật. )
Trung-thừa là tu mệnh, đó là phương pháp luyện khí. Hai khí âm dương nằm trong vòng Thái-Cực, nên dẫu có tu thành cũng chỉ ở trong vòng Khí-Thiên mà thôi, vẫn chưa thoát được luân hồi.
Thời Nghiêu : Thời Đế Nghiêu, là thời thanh bình trong lịch sự Trung-Hoa.
Ngoại vương nội thánh : Tu thân là công phu nội-thánh, hoá người là công đức ngoại-vương. Nội-thánh là tu huệ, ngoại vương là tu phúc, đó là phúc huệ song tu.
Cửu huyền thất tổ : Bối phận nhỏ hơn ta gọi là Huyền, lớn hơn ta xưng là Tổ. Từ đời ta đếm xuống chín đời gọi là cửu-huyền, tính lên bảy đời gọi là thất-tổ.
Chân-cố-chủ : bổn tánh ban đầu, thời cha mẹ chưa sinh.
Số lượt xem : 2645