Con lập nguyện chẳng liễu, khó mà về cố hương !

" Con lập nguyện chẳng liễu, khó mà về cố hương."
Lời dặn của thầy Tế Công Hoạt Phật nhắn nhủ các đồ nhi của thầy trước khi được điểm đạo là :" " Con lập nguyện chẳng liễu, khó mà về cố hương. " Cố hương ở đây có nghĩa là cội Đạo Vô Cực, cõi Niết bàn tịch tịnh bất sanh bất diệt, trở về lại với Phật tánh viên mãn, bổn lai diện mục ban đầu. Để được như vậy thì phải hành thực tiễn đúng theo tâm nguyện bồ đề đã phát thệ trước đấng Vô Cực Chí Tôn và Chư Phật mười phương. Nếu miệng nói một đằng, tâm và việc làm lại theo một nẻo, gọi là tâm-khẩu-hành bất nhất, ví như thuyền đã định hướng sẵn đất đến là cố hương Nepal, mà thực tiễn lại lái thuyền về Thái Lan, tất chẳng thể nào đến đích như mong muốn ban đầu, và tất cả các điểm đến khác đều chỉ là các trạm dừng chân tạm bợ trên con đường xa dài vòng vèo bất tận mà thôi. Mặt khác, khi chúng ta đối trước vị Phật, hay vị Bồ Tát nào mà lập nguyện, dưới sự giám nguyện của vị Phật, vị Bồ Tát đó, chúng ta phải hoàn thành viên mãn lời nguyện của mình đối trước vị Phật ấy, như thực hiện theo bản hợp đồng đã kí kết, song song với nhận được sự trợ lực gia hộ của vị Phật, vị Bồ Tát đó để hoàn thành tâm nguyện đã phát. Lập nguyện tuy là nhất thời, nhưng liễu nguyện là cả đời cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Từ xưa đến nay, cũng chưa từng có vị Phật Bồ Tát nào lập nguyện xong lại thối chí chẳng hành mà lại có thể thành tựu đạo quả vô thượng. Các ngài vẫn cứ thủy chung trước sau như một với bổn nguyện của mình.
Chúng sinh phàm phu phát nguyện tâm bồ đề nhất thời rồi sau lại thối thất tâm bồ đề khi gặp các Ma chướng khảo nghiệm trên đường tu bàn đạo, tự nhủ xin sám hối trước Phật nghĩ rằng chắc sẽ không sao, hoặc thậm chí quên và lơ đi nguyện đã phát. Ngờ đâu chư Phật có giới " Vọng Ngữ " nên lời nguyện đã phát rồi thì không thể rút lại, chẳng thể xóa đi, duy có nhất tâm chiếu theo nguyện mà hành. Đức Phật từ bi biết rõ sự thối chí của các chúng sinh phàm phu nghiệp nặng cũng chỉ là do hoàn cảnh và cảm xúc bồng bột nhất thời gây nên, một lúc nào đó rồi cũng sẽ vượt qua như mây tan lại hiện thấy mặt trời, sau cơn mưa thì trời lại sáng, vậy nên các ngài vẫn sẽ nhẫn nại chờ đợi người lập nguyện liễu nguyện, thậm chí là chờ đợi đến cả vô lượng kiếp luân hồi của người lập nguyện cho đến khi đã liễu đã hoàn thành viên mãn nguyện lập rồi mới thôi.
Các tu sĩ Bạch Dương đã lập nguyện trước đấng Vô Cực Chí Tôn, trước đức Di Lặc Tổ Sư, Nam Hải Cổ Phật, Tế Công Hoạt Phật, Nguyệt Tuệ Bồ Tát trong lúc cầu đạo, nên lẽ dĩ nhiên cũng phải hoàn thành viên mãn nguyện lập tại Phật đường đạo trường Bạch Dương trước khi hồi thiên giao chỉ, như vậy mới có thể chứng đạo thành đạo viên mãn quả vị Phật về sau.
Số lượt xem : 28