Cảm ân và Sám hối
Cảm ân mọi duyên cảnh thuận nghịch, là tâm niệm của người tu đạo trưởng thành nơi tâm tánh, công phu hành thâm của chuyển hóa phiền não thành Bồ Đề.
Vì có cảm ân, nên không có oán than khiển trách, chẳng có thị phi, ác khẩu, lưỡng thiệt, đâm thọc.
Vì có cảm ân, nên không có sân hận
Vì có cảm ân, nên không có phiền não và đau khổ.
Vì có cảm ân, nên an nhiên tự tại giải thoát.
Vì có cảm ân, nên nhìn thấu mọi sự được mất và buông xuống nhẹ nhàng.
Vì có cảm ân nên chẳng có những đối đầu thù địch.
Vì có cảm ân nên có báo ân, nên thành tựu đức trí vẹn tròn.
Sám hối là bước đầu của người học đạo tu đạo, là biểu hiện của sự giác ngộ và là nền tảng của sự giải thoát mọi phiền não đau khổ.
Vì có sám hối, nên không có oán than khiển trách.
Vì có sám hối, nên không có sân hận
Vì có sám hối, nên phiền não và đau khổ mới tiêu trừ dần.
Vì có sám hối, nên mới có được sự an nhiên tự tại giải thoát.
Vì có sám hối, nên đã nhìn thấu và có thể buông xuống nhẹ nhàng, bao dung hết mọi thứ.
Vì có sám hối, nên chẳng thấy lỗi người, thấy lỗi người bèn nhận ngay ra lỗi mình, bèn chẳng có kẻ địch.
Vì có sám hối, nên mới có sự tu sửa những khiếm khuyết, dần dần thành tựu đức trí vẹn tròn.
“Cảm ân” và “sám hối”, bốn từ tuy đơn giản, nhưng là một bài học, bài thực hành mà mỗi tu sĩ phải hạ công phu hành thâm cả đời, là thuốc pháp gột rửa tâm cấu uế phiền não cực linh diệu để khôi phục lại tự tánh Phật quang minh sáng ngời, chữa lành mọi vết thương lòng mà các bệnh nhân “ tâm bệnh” mỗi ngày đều cần phải uống thuốc đúng thuốc đúng giờ dẫu là ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ duyên cảnh nào, thời điểm nào cũng đều chẳng quên dùng đến nó. Thuốc đến thì bệnh trừ, chẳng dụng thuốc thì bệnh không thể khỏi.
Sự đáng thương nhất của người tu đạo chính là học tu bàn cả đời mà tâm chẳng tồn được bốn chữ “ cảm ân”, “sám hối”, biết được thuốc pháp hay mà chẳng bao giờ muốn uống vậy.
Số lượt xem : 350