'Vô Tướng' Xuất Gia
Xuất gia nghĩa thật là cắt lưới trần lao, tâm ra khỏi ngôi nhà phiền não của thất tình ( mừng, giận, buồn, ghét, yêu, vui, ham muốn ) lục dục( sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp , xả bỏ ngũ dục ( tài, sắc, danh, thực, thùy ) , lìa ngôi nhà của những vọng tưởng, chấp trước, phân biệt đối đãi nhân ngã, chính là sự tu hành thoát lìa tam giới, quay về đạo chân thật, nhập vào Tánh không, có từ tâm bi nguyện cứu độ hết thảy tất cả mọi chúng sinh.
Thân duy vào các chốn thanh tịnh trang nghiêm, xa lìa những chốn vui chơi ác thú xa đoạ.
Khoác áo cà sa, là khoác lên "giới đức trang nghiêm" của thân tâm thanh tịnh.
Tay cầm bình bát để tiếp nhận sự bố thí cúng dường là mở lòng để đón nhận tất cả mọi chúng sinh, rộng kết duyên lành với tất cả mọi chúng sinh, tu hành tâm thường trở về lại tánh không, bao la rộng lớn, vật đến thì ứng, vật đi thì tịnh, tuỳ duyên tự tại mà không chấp trước.
Đôi bàn chân không, là nguyện đi trên con đường đầy gian nan tôi luyện, từng bước một chậm rãi mà vững chắc, chẳng hối hả xô bồ tranh đua hơn thua với người, an nhiên tự tại.
Mắt nhìn xuống tâm chuyên Nhất là lấy Tánh làm chủ, tâm chẳng phan duyên lăng xăng đây đó, thường nhắc tự thân học noi đại địa, đức dày tải vật, nguyện gánh tải muôn chúng.
Đấy gọi là “ Vô Tướng " xuất gia, cũng là nghĩa chân thật của “ xuất gia “ vậy.
Nếu có thể triệt để chứng ngộ tư tưởng tánh không, thì quả thật tại gia tu hành chẳng khác gì với xuất gia tu hành. Có thể làm được như vậy, thì dẫu thân tại gia, tâm đã xuất gia.
Thân giữ thanh tịnh chính là ngôi chùa,
nghiêm trì giới luật thì là Tăng Ni,
thường giác ngộ Tự Tánh, chơn nhân làm chủ tức là Chơn Phật;
chánh niệm chánh tâm, chánh tri chánh kiến, thường khởi phát tuệ chính là Phật pháp,
vậy thì mỗi ngày tại nhà, như chùa không khác.
Mỗi ngày Tự tánh tự độ, cảm hóa người nhà, thân giáo thuyết pháp, thị hiện đạo nơi tự thân, ngay trong cuộc sống hàng ngày.
Ra ngoài xã hội, rộng kết duyên lành, thành toàn độ hóa, tiếp dẫn chúng sinh bước lên pháp thuyền, vượt qua biển khổ phiền não sanh tử, đưa về bến giác.
Đạo hoá gia đình, chính là như vậy. Tuy tu tại nhà, “xuất gia” chẳng khác. Dụng thân nhập thế, tu tâm xuất thế. Phiền não hoá Bồ Đề, tức là Chơn xuất gia.
Vậy nên tu hành đạt đạo chẳng liên quan gì đến xuất gia tu học tại Chùa Miếu,
linh thiêng hay không chẳng liên quan chùa to hay nhỏ, đẹp hay xấu, cổ kính hay hiện đại, tượng Phật ít hay nhiều,
duy liên quan đến thân tâm thanh tịnh của tự bản thân mà thôi.
Thời kì Bạch Dương, đạo giáng thứ dân, chỉ cần rõ lý, nhận thức bổn tâm bổn tánh, Chơn Nhân Tự Tánh thường tự làm chủ, hàng phục vọng tâm, chơn tâm hiển lộ, lại phát đại từ bi tâm nguyện tiếp dẫn cứu độ chúng sinh, thiết lập Phật đường Pháp thuyền, đạo hóa gia đình, rộng kết duyên lành, gánh vác gia nghiệp Như Lai, truyền thừa tuệ mệnh, tâm đăng tiếp nối, tức là xuất gia theo nghĩa chân thật.
Núi chẳng vì cao, mà vì có Tiên nên nổi tiếng
Nước chẳng vì sâu, mà vì có rồng thì linh thiêng
Phật đường chẳng vì hình tướng trang nghiêm to lớn, mà vì có thiên mệnh Minh Sư, có tổ sư đạo thống thì có thể truyền đạo
Người chẳng vì nơi tu học, mà vì có đạo tâm thường thanh tịnh, có Tự Tánh Phật thường tự làm chủ, nên đâu cũng là cõi tịnh độ hiện tiền, thường an vui tự tại an nhiên.
Số lượt xem : 1023