Tâm Vọng Tưởng của người đời
Người đời thường tự lầm tưởng và hay tự hào tự bảo rằng tâm của mình rất tốt.
Liệu rằng tâm mình có thật sự tốt như mình vẫn hay lầm tưởng không ? hay chỉ là cũng giống như các bệnh nhân bởi chẳng chịu đi đến bệnh viện để bác sĩ khám cho mà cứ tự dối lòng rằng mình vẫn khoẻ mạnh, nào đâu có bệnh. Ấy là bởi cái ảo giác bên ngoài che giấu mất cái chân tướng bệnh tiềm ẩn bên trong, chứ hễ chịu đi khám và xét nghiệm kĩ thì ít nhiều cũng sẽ ra bệnh.
Tâm người cũng vậy, chẳng thường tự quán tâm phản tỉnh soi xét tự thân thì mãi chẳng tìm ra bệnh; đợi chờ đến khi bệnh thành mãn tính tạo thành khối u thì sinh mệnh bèn như ngàn cân treo sợi tóc. Còn như "tâm bệnh mãn tính" thì hình thành nên " khối u nghiệp phiền não sinh tử " dẫu hối tiếc cũng đã muộn màng.
Đến phật đường học đạo, ngoài việc lắng nghe chân lý với các kiến thức đạo học, kinh huấn của Tiên Phật ra, còn phải lấy những điều đã nghe học được làm " phương tiện thiết bị và dược phẩm y tế " để xét nghiệm, nội soi ( quán tâm, phản tỉnh ), rồi đưa ra phác đồ điều trị thích hợp ( sám hối, cai trừ, kiêng kị ) và uống thuốc ( pháp ) đều đặn đúng giờ kết hợp với sự quan tâm chăm sóc của các thân quyến ( đạo thân, đồng tu an ủi khích lệ động viên ), và thường đến bệnh viện ( phật đường ) để tái khám, điều trị, nhận thuốc ...
Tóm lại thì tâm tốt mà ta cứ hay lầm tưởng vẫn mãi chỉ là vọng tưởng rằng mình không bệnh, càng chẳng muốn đến bệnh viện khám chữa, chứ còn như chịu đi khám bệnh thì chắc chắn ít nhiều cũng sẽ soi ra bệnh. Mỗi người cần phải dũng cảm đi khám soi bệnh và đối mặt với căn bệnh của chính mình, kiêng khem nhiều thứ và kiên trì uống thuốc pháp thì may ra bệnh mới khỏi. Câu nói "Thánh nhân lỗi nhiều, phàm phu lỗi ít " cũng chính là như vậy. Do bởi Thánh Phật thường quán soi tự tâm nên tự soi ra nhiều lỗi nhiều bệnh, từ đấy mà kiên trì tu sữa chạy chữa kịp thời, khi khỏi bệnh rồi thì khôi phục lại Phật tánh thanh tịnh vô nhiễm nên chứng Thánh vị.
Phàm phu ít quán tâm nên ít thấy tự lỗi bèn thế mà hay lơ là việc chạy chữa tâm bệnh, đến khi bệnh thành mãn tính ăn sâu vào tâm thì thành nghiệp dẫn luân hồi tiếp diễn kiếp phàm phu. Từ đấy đủ thấy tầm quan trọng của việc định kì tự quán soi phản tỉnh tự tâm. Dù là bệnh nhân hay bác sĩ cũng vậy, đều cần phải định kì kiểm tra khám soi chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời. Nói cách khác thì các bác sĩ ( pháp sư, giảng sư ) dẫu biết cách và phương thuốc chữa trị, thế nhưng nếu tự bản thân cũng chẳng định kì kiểm tra tự khám soi tự tâm thì tâm bệnh rồi cũng chẳng tự biết, vẫn cứ mãi lầm tưởng mình là bác sĩ, mình mãi khoẻ mạnh không bệnh vậy. Tam bất rời gồm Phật đường ( bệnh viện Tâm ), Tiền hiền ( đội ngũ bác sĩ y tá hỗ trợ qua lại lẫn nhau ) đạo thân ( thân quyến ) và Thánh huấn ( các phương tiện thiết bị y tế, dược phẩm ) mà Tiên Phật đã từ bi phê huấn nhắc nhở chẳng phải là không có lý của các ngài ấy vậy.
Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát nói rằng : " ấy là tâm đại từ bi, là tâm bình đẳng, là tâm vô vi, là tâm chẳng nhiễm trước, là tâm quán không, là tâm cung kính, là tâm khiêm tốn nhúng nhường, là tâm chẳng tạp loạn, là tâm vô kiến thủ ( thấy tướng chẳng phải tướng ), tâm vô thượng bồ đề, nên biết rằng những tâm như thế tức là tướng mạo Đà La Ni ( tổng trì ) . Các ông nên dựa theo đó mà tu hành. "
Ý nghĩa chân thật của chú đại bi cũng chính là tướng mạo của chú đại bi, là mười loại tâm. Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát khuyến khích đại chúng dựa theo mười loại tâm ấy để tu trì.
Số lượt xem : 1123