BẠCH DƯƠNG KỲ - Bạch Dương Tu SĩBạch Dương Kỳ 2002

Tu Phước Và Tu Đạo

Tác giả liangfulai on 2023-04-03 21:26:35
/Tu Phước Và Tu Đạo
Tu Phước hay tu Đạo ?
Người đang gieo nhân nào ?
Tuỳ tâm, quả tương ứng
Phải tự rõ " vì sao "

 
 
 

Tu Phước

Tu Đạo

Hữu vi

Vô Vi

Tâm mong cầu lợi lạc bản thân

Tâm mong cầu lợi lạc chúng sanh

Cầu công danh lợi lộc, chức vị, quyền hành, bình an, khoẻ mạnh …

Cầu giải thoát phiền não sanh tử cho bản thân, cho chúng sanh

Tâm dính mắc, chấp trước, phân biệt đối đãi, phiền não

Tâm vô trụ, chẳng dính chấp, bình đẳng, thanh tịnh

Ngoài tâm cầu Phật

Tìm cầu Phật tự tâm, nơi tự thân

Tu hành thuận tiến nghịch lui

Tu hành thuận nghịch đều chẳng thối chuyển, tám gió thổi chẳng động

Đi chùa, lễ bái, cúng dường, tụng kinh, gõ mõ, niệm Phật nhưng thói hư tật xấu chứng nào tật nấy chẳng bỏ chẳng chừa; chỉ chú trọng công phu vẻ ngoài.

Thành tâm sám hối, sửa bỏ những thói hư tật xấu, hiển lộ ra đức hạnh từ bi trí tuệ của tự tánh Phật, tu đạo, hành đạo ngay trong cuộc sống sinh hoạt đời thường, trong cách đối nhân xử thế, tiếp người đãi vật. Chú trọng công phu sâu thẳm từ nội tâm, vun bồi nội đức.

Tâm mãi chạy theo hình tướng, vọng tưởng phân biệt bên ngoài

Tâm siêu vượt mọi hình tướng hư vọng, thường hồi quang phản chiếu, phản tỉnh soi ngược, quay về chân tâm giác tánh.

Bố thí hành thiện, mua vật phóng sanh, mong cầu được ban phước, được thêm thọ, được an vui, được lợi lạc cho bản thân mình.

Bố thí hành thiện với tấm lòng chân thành từ bi hỷ xả, duy chỉ mong cầu chúng sanh được lợi lạc an vui, công đức thảy hồi hướng đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác. Trì chay giữ giới nghiêm cẩn, độ người thành toàn người cải ác hướng thiện, giải thoát phiền não sanh tử của chúng sanh.

Chấp trước tiểu Ngã, thường tồn tướng công đức

Hoá tiểu Ngã thành đại ngã, tu hành tất cả các pháp lành mà chẳng tồn tướng công đức, tướng nhân, tướng ngã, tướng chúng sanh, tướng thọ giả.

Chẳng chịu buông xả, tham chấp càng lúc càng nhiều

Buông xả mọi thứ

Gặp thuận khảo thì đắc ý vọng hình, khởi tâm ngạo mạn.

Gặp nghịch khảo thì oán trời trách người, tâm chí, đức tin liền thối chuyển.

Gặp thuận khảo thì càng nghiêm cẩn bản thân, càng tinh tấn tu hành, chẳng vui chẳng đắc ý, thanh tịnh tự nhiên, chẳng tham chấp.

Gặp nghịch khảo thì sám hối cảm ân, chẳng buồn khổ phiền não, chẳng oán trời trách người, tâm chí đức tin chẳng hề mảy may thối chuyển.

Kết quả : Tiếp tục luân hồi hưởng phước báo người trời, chẳng chút công đức.

Kết quả : Siêu thoát luân hồi, trí tuệ, công đức lẫn phước đức viên mãn, thành tựu vô thượng chánh đẳng chánh giác.

 

Kẻ mê tu phước chẳng tu đạo,
Chỉ cho tu phước tức là đạo.
Bố thí, cúng dường phước vô biên,
Trong tâm tam ác (tham, sân, si) vẫn còn tạo.
Muốn dùng tu phước để diệt tội,
Kiếp sau được phước tội vẫn còn.
Nhân duyên tội ác trừ nơi tâm,
Hướng vào Tự Tánh (Tự Tánh thanh tịnh, trí huệ) chơn sám hối.
Hoát ngộ Đại Thừa chơn sám hối,
Tà dứt Hạnh chánh tức vô tội.
Học đạo thường quán nơi Tự Tánh,
Thì với chư Phật đồng một loại.
Tổ Sư truyền pháp đốn ngộ này,
Nguyện cùng kiến tánh đồng nhất thể.
Nếu muốn tương lai ngộ Pháp Thân,
Lià các pháp tướng tâm trong sạch.
Cố gắng tu hành chớ nhởn nhơ,
Hậu niệm thoạt dứt một đời tiêu,
Muốn ngộ Đại Thừa thấy Tự Tánh,
Kính lễ Thiện Tri Thức chí tâm cầu. (Cầu nơi chẳng cầu gọi là chí tâm cầu.)

(Huệ Năng Đại Sư)

 

Khảo Nghiệm trong tu đạo

 

Trên đời này, duy nhất có mỗi tu phước là không có nghịch khảo, vì hưởng phước tức là hưởng sự sung sướng, hưởng thụ các thú vui dục lạc trần thế, và trong khoảng thời gian hưởng phước sung sướng ấy, tuyệt nhiên sẽ không thấy bất kì sự đau khổ, bất an, tai kiếp gì cả, mọi việc đều diễn ra vô cùng thuận lợi theo như ý mình mong muốn. Mặt trái của tu phước chính là sau khi phước hết thì là họa đến, như còn tiền thì còn hưởng thụ sự sung sướng, hết tiền thì nếm chịu sự khổ cực, là lẽ tất nhiên vậy. Trong sự hưởng phước có khi lại còn tạo ra vô vàn ác nghiệp, khiến cho tâm tánh trí tuệ bị che lấp, mê muội, là cái nhân của sinh tử lang thang luân hồi trong sáu nẻo để trả quả tiêu nghiệp lũy kiếp đến nay.

 

Trên đời này, cũng duy có mỗi tu đạo là có nhiều nghịch khảo nhất, vì duy có khảo mới có thể nghiệm ra chơn tâm đạo tâm, mới kích phát ra trí tuệ, giúp tăng trưởng trí tuệ, nâng cao tâm tánh, đồng thời cũng giúp tiêu trừ rất nhiều các ác nghiệp lũy kiếp đến nay, nhận chịu quả xấu trước, giúp nâng cao ý thức cảnh giác đối với sự vô thường của đời người, sớm giác ngộ ra chân tướng sự đời, từ đấy nguyện học tập buông xả, tu hành thêm tinh tấn để siêu vượt ra khỏi biển khổ sinh tử luân hồi.  Tóm lại thì là nếm chịu tận mọi khổ cực gian nan trước rồi mới gặt hái các quả ngọt lành về sau, như thầy trò Tam Tạng đi thỉnh kinh phải vượt đủ 81 kiếp nạn rồi mới có thể thỉnh được chân kinh, chứng đắc Thánh quả.

 

Tuy vậy, đôi khi tu đạo cũng có lúc có thuận khảo, mọi thứ đều diễn ra êm đẹp để khảo nghiệm xem tâm người tu đạo liệu có mê muội chìm đắm trong các thứ hư hoa giả cảnh tươi đẹp ấy không, có giác tỉnh để không lạc vào mê cung của “ tu phước” ấy không !

 

Tu Bàn Đạo Thời Kì Bạch Dương có Những Khảo Nghiệm gì ?

 

  1. Niềm tin ( đạo thật, lý thật, thiên mệnh ), ( nhân quả báo ứng ) , ( niềm tin đối với các bậc thiện tri thức, các Tiền hiền, và giữa các đồng tu bạn đạo ) , ( niềm tin đối với Tự Tánh Phật và niềm tin vào chính bản thân ) .
  2. Kinh tế ( tiền tài khảo )
  3. Sắc khảo ( ái dục )
  4. Thị phi nhân sự khảo ( trong gia đình, trong đạo trường )
  5. Gia đình, xã hội khảo, quan khảo ( ngăn cản bước tiến tu bàn đạo )
  6. Trí tuệ khảo
  7. Thần thông khảo ( sự ưa thích các huyễn thuật, bùa chú, thông linh … )
  8. Oan nghiệt ma bệnh khảo
  9. Tâm Ma khảo ( sự ham thích về đạo danh, đạo quyền, đạo lợi, sự ngạo mạn và tánh khí, thói tật xấu, những tư tưởng quan điểm tiêu cực, tà kiến thường trỗi dậy gây  phiền nhiễu bất tịnh trong nội tâm )  
  10. Sở tri chướng và phiền não chướng lấp đầy nội tâm

 

 ( Sở tri chướng là cái chướng ngại do những cái hiểu biết có sẵn trong tâm trí của chúng ta tạo ra, là cái thấy biết sẵn đã lấp đầy tâm chúng ta khiến cho “chân tâm” không thể hiện lộ, khiến không thể “kiến tánh” để thành Phật. Chúng ta bám chặt vào cái thấy biết của mình, cho những cái thấy biết đó là đúng nên không chịu tiếp thu những cái khác, cái mới, cái ngược lại với cái hiểu biết, cái niềm tin của mình, dù cái mới này có khi lại đúng hơn niềm tin sẵn có của mình, có khi còn là chân lý nữa.)   

 

  ( Phiền não chướng là tất cả tham sân si, mình ham thích cái gì đều là phiền não chướng; ham thích ăn ngon, mặc đồ đẹp, muốn thỏa mãn dục vọng của mình đều là phiền não chướng.)

 

Trên là những khảo nghiệm tất yếu mà bất cứ tu sĩ Bạch Dương nào cũng không tránh khỏi, đặc biệt là vào thời kì đại thanh toán sàng lọc để tuyển chọn ra 3,600 Thánh và 4 vạn 8 ngàn Hiền này. Cuộc đại khảo nghiệm này diễn ra với quy mô lớn khắp toàn cầu, đề thi có thể ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào, với bất cứ người tu đạo nào.

 

Qua được một ải thì nâng cao thêm tâm tánh trí tuệ đạo lực, tiêu trừ bớt một phần nghiệp chướng, cho đến vượt qua hết tất cả các ải một cách an nhiên tự tại, tâm như như bất động, bất thối chuyển nơi đạo vô thượng, thì “cá chép hóa rồng”.

 

Rớt ải nào thì lại phải thi lại ải đó, mãi cho đến khi đủ năng lực để vượt qua ải thì ải khảo nghiệm trước đó mới tan biến đi như chẳng còn là vấn đề khảo nghiệm nữa. Khảo nghiệm vẫn mãi là khảo nghiệm khi chưa đủ năng lực để vượt ải mà thôi, và cứ thế mà lại phải thi đi thi lại với trạng thái “cá chép lại về phận cá chép” vậy, lại phải quay trở về biển khổ mênh mông để tiếp tục mài luyện, đón sóng gió phủ đầu, mãi chẳng thể nào tiêu dao tự tại.

Số lượt xem : 1136