Tôi còn quá trẻ để tu đạo. Đợi khi già hãy tu !
"Tôi còn quá trẻ để tu đạo. Đợi khi già hãy tu !" = "Tôi còn quá trẻ để chữa bệnh, đợi bệnh chuyển sang giai đoạn cuối mới chạy chữa."
Con người là sự kết hợp của thân tâm tánh.
Thân là tứ đại giả hợp của đất nước gió lửa, sẽ hư hoại tan biến theo thời gian.
Tánh là chơn chủ nhân của thân người này, là khối linh quang vốn dĩ thanh tịnh vô nhiễm, bất sanh bất diệt, là Đạo trên thân.
Thân người có bệnh, tánh linh cũng có bệnh là tâm.
Tâm hữu vi, phiền não, vọng tưởng, chấp trước, phân biệt là các triệu chứng của tâm bệnh.
Ngũ độc tham sân si mạn nghi, cùng với thất tình lục dục là vi rút độc bệnh. Các vi rút này hình thành một khối u ác tính gọi là nghiệp lực lớn tựa núi Tu Di, là cái nhân của phiền não đau khổ sinh tử.
Tâm lành mạnh thanh tịnh thì tánh nào có bệnh, đâu cần chi phải chữa.
Tánh chẳng bệnh thì nào có sự diệt vong, như Chư Phật nào còn phải chết.
Thân lành mạnh thanh tịnh thì nào có bệnh tật để phải vì bệnh mà chết.
Người phàm chỉ mãi lo chữa bệnh thân mà chẳng lo chữa bệnh tâm, thậm chí ngay đến thân bệnh hữu hình cũng chẳng màng sớm lo chạy chữa, huống chi là tâm bệnh vô hình.
Tâm là thứ vô hình mà lại điều khiển được thân là thứ hữu hình, như là đi đứng nằm ngồi, ăn uống sinh hoạt ... Người đời chỉ mãi lo chạy chữa thân mà chẳng lo chạy chữa tâm, ấy là điên đảo vọng tưởng, chữa ngọn chẳng chữa gốc thì ví như "nhổ cỏ chẳng tận gốc, gió xuân thổi lại mọc".
Tâm phiền não đau khổ oán hận thì miệng ăn mọi thứ vào đều chẳng cảm thấy ngon, thân mệt mỏi nặng nề, tiết ra dịch độc, nào là khiến loét dạ dày, nào là sinh ra các khối u ….
Tâm chẳng lành mạnh thì thân chìm đắm trong tửu sắc dục lạc khiến thân tổn hại tinh khí thần vốn là tam bảo của tự thân, khiến thân dần sinh ra đủ thứ các loại bệnh tật chết người. Vậy câu nói : “ tôi vẫn còn rất trẻ, đợi khi già hãy tu “ tức đồng nghĩa với câu “ tôi vẫn còn trẻ khỏe sung sức, đợi khi bệnh chuyển đến giai đoạn cuối rồi hãy chữa trị. “
Đợi đến khi già, đợi đến khi bệnh trở nên mãn tính, tức đồng nghĩa đợi thời điểm chết đến mà thôi. Hễ một khi đã “già”, bệnh đã trở nên “mãn tính” thì nào còn sức đề kháng để chữa lành căn bệnh ác tính đã bám rễ và di căn.
Muốn chữa lành bệnh thì phải phát hiện mầm bệnh ngay từ sớm, muốn phát hiện được mầm bệnh từ sớm thì phải siêng khám sức khoẻ định kỳ.
Khám sức khỏe định kì đối với tâm mà nói tức là phải thường xuyên phản tỉnh soi bệnh tự tâm như đi chụp nội soi, phát hiện ra tâm bệnh chỗ nào, thói hư tật xấu ở chỗ nào thì phải kịp thời chạy chữa, dùng các “thuốc pháp” của các vị Thánh Phật ( Bác sĩ tâm linh ) để mà chữa trị, lại còn phải kiêng cữ bằng việc trì ngũ giới ( không sát, đạo, dâm, vọng, tửu ). Có vậy thì bệnh mới sớm khỏi, tâm mới sớm trở về lại sự lành mạnh. Thân tâm lành mạnh thì tự nhiên được an vui tự tại giải thoát khỏi những đau khỏi phiền não, những bận rộn của việc phải ra vào viện như đi chợ, như cơm bữa mỗi ngày ( luân hồi trong nẻo khổ để tiêu nghiệp ) . Cải biến vận mệnh cũng chính là từ đó.
Số lượt xem : 915