BẠCH DƯƠNG KỲ - Bạch Dương Tu SĩBạch Dương Kỳ 2002

Tu Đạo phải viên mãn tất cả các mối nhân duyên

Tác giả liangfulai on 2022-05-08 21:55:53
/Tu Đạo phải viên mãn  tất cả các mối nhân duyên

Tất cả chúng sanh đều do nhân duyên hội tụ mà gặp gỡ nhau, kết thành lục thân quyến thuộc, bà con thân thích, vợ chồng con cái, bạn bè đồng nghiệp, đồng tu ... có những mối duyên lành, cũng có những mối duyên ác. Nếu là duyên lành thì không ngừng giúp đỡ lẫn nhau, thành tựu lẫn nhau trên con đường tu học bàn đạo, cũng có những mối duyên ác làm khổ lẫn nhau, dày vò lẫn nhau, huỷ báng lẫn nhau, phá hoại lẫn nhau.


Sự báo thù nhau như vậy đều do túc nghiệp đời trước đã gây ra, chớ không phải vô cớ, không có nguyên nhân. Thân ba nghiệp, miệng bốn nghiệp. Những nghiệp ấy mới thật là nguồn gốc của tội ác. Gặp phải ác duyên như thế, tuyệt đối chớ nên khởi tâm sân hận, vì oan gia nên giải chẳng nên kết; phải thường tồn tâm sám hối những túc nghiệp mà luỹ kiếp bản thân đã gây ra, tuyệt đối chớ nên oán trách giận hờn, mà càng phải dùng tâm bi mẫn thương xót để hoá giải, hoá ác duyên thành thiện duyên. Trong kinh có dạy : " từ bi là đạo tràng vì nhẫn nhục chịu khổ vậy. Phát tâm tu theo đạo tràng này thì mọi việc đều xong xuôi. " Trong kinh Pháp Cú có câu : " hận thù diệt hận thù, đời này không có được, từ bi diệt hận thù, là định luật ngàn thu. "

 

Chúng ta tu hành thường hay tụng kinh và sám hối với các oan gia trái chủ vô hình, sợ họ làm phá hoại tình cảm, gia đình, sự nghiệp, sức khoẻ, lấy đi tánh mạng của mình trong vô hình, nhưng lại hay quên mất đi rằng cũng có rất nhiều các oan gia trái chủ đã đầu thai chuyển kiếp trở thành lục thân quyến thuộc, bạn bè, người yêu, ... thậm chí là các đồng tu lẫn nhau trong cùng một đạo tràng, do nhân duyên hội tụ mà lại gặp nhau để khảo rớt lẫn nhau trên con đường tu hànhDo bản thân cũng như đối phương đã chuyển kiếp thay hình đổi dạng, đã uống nước canh vong tình nên quên sạch mọi chuyện trong quá khứ, thế nhưng do túc nghiệp đã tạo, nhân duyên ác đã gieo trong luỹ kiếp tiền kiếp mà kiếp này gặp lại nhau sẽ vô tri vô giác mà đòi nợ lẫn nhaulại do vẫn chưa tu sửa viên mãn nên các tập khí và những thói hư tật xấu sẽ bất chợt trỗi dậy bộc phát mà dày vò làm khổ lẫn nhau. Nếu ở trong đạo trường gặp phải tình cảnh như thế, cách tốt nhất chính là nên tồn cái tâm từ bi bao dung lượng thứ, sám hối túc nghiệp, cảm ân những lời huỷ báng và sự đối đãi không tốt của họ đã giúp mình tiêu bớt những món nợ nghiệp phần nào, mới có thể sau này gặp dữ hoá lành, kiếp lớn hoá nhỏ, kiếp nhỏ hoá không; lại cảm ơn đã gặp họ ở trên đạo trường, vì họ cũng đều đang tu bàn nên dẫu sao cũng sẽ tốt hơn so với việc gặp các oan gia trái chủ ở ngoài xã hội chẳng có tu bàn, vì khi gặp lại nhau trong hoàn cảnh họ không có tu bàn, có khi sự thanh toán nợ nần còn khốc liệt đáng sợ hơn nữa, có khi còn mất cả mạng sống chớ không đơn giản chỉ là những lời huỷ báng thị phi. Nói tóm lại thì oan gia nên giải chẳng nên kết. Thường tồn tâm cảm ân, sám hối, từ bi, bao dung lượng thứ, dùng trí tuệ để nhìn nhận vấn đề, thì mọi oán thù rồi cũng sẽ tiêu tan, ác duyên cũng có thể hoá thành thiện duyên. Kiếp này thì phải tu viên mãn. Bài tập của kiếp này đến nhân gian chính là phải làm viên mãn tất cả các mối nhân duyên, rộng kết thiện duyên trên con đường bồ tát đạo, rồi sau này mới có thể viên thành phật đạo. Có rất nhiều tiền hiền rất có tâm tu bàn đạo, nhưng phần lớn đều bị khảo rớt giữa chừng trên con đường tu bàn đạo cũng chỉ vì không chịu hoá giải các mối ác duyên, không đủ dũng cảm, thiện ý để đối mặt, hoà giải với các oan gia trái chủ, lại hay chấp trước vào những tánh khí thói hư tật xấu của người khác, những thị phi thiện ác.

 

Nên nhớ rằng Tự Tánh Phật vốn dĩ như như bất động, là bổn lai chơn diện mục thanh thanh tịnh tịnh. Tâm như như bất động, không trụ trước, chẳng dính mắc đối với tất cả mọi thị phi thiện ác phiền não của thế gian thì là khế hợp với đạo, với bổn thể chơn như. Tu đạo chính là tu cái tâm này. Tâm hễ động thì khởi lên những sự phân biệt thiện ác, thị phi; dính mắc chấp trước vào những thị phi thiện ác ấy thì sẽ sanh khởi mọi phiền não, vọng tưởng, gọi là Vọng Tâm. Vọng tâm che lấp Chơn Tâm sẽ dẫn đến vô minh tạo nghiệp, rồi theo nghiệp dẫn mà luân hồi mãi trong biển khổ sanh tử mãi không lối thoát. Tất cả những tâm chấp trước đối đãi phân biệt thị phi thiện ác, những cảm xúc hỷ nộ ái ố thất tình lục dục đều là vọng tâm, nên thường giác tỉnh nhận biết rõ ràng như thế mà hàng phục chúng, rời vọng hiển chơn, bộc lộ ra cái phật tánh chơn tâm từ bi thanh tịnh thì mới có thể giải thoát, thành phật.

 

Vì sao phải bàn đạo và độ người thành toàn người ?

 

Ấy là để thực hiện việc liễu nguyện đã lập, hành bồ tát đạo, lập công chuộc tội để hồi hướng đền bù trả cho những món nợ nghiệp oan trái ngày xưa đã gieo kết, để viên mãn các mối nhân duyên luỹ kiếp kiếp này, thông qua quá trình đầy những khó khăn vất vả cực nhọc để liễu tội tiêu nghiệp, giải trừ các mối oan kết. Cũng thông qua những trải nghiệm tôi luyện của nhiều người, việc, vật mà mài ra cái tâm đạo bất thoái chuyển nơi vô thượng đạo, cái tâm từ bi bao dung, tâm cảm ân, tâm sám hối ... tâm Phật. Tu đạo tu tâm, chính là cái đạo tâm phật tâm thanh tịnh vô nhiễm bình đẳng chánh giác chẳng có sự phân biệt đối đãi thị phi thiện ác. Người tu bàn đạo phải thông qua những sự tôi luyện không ngừng của người việc vật mà bộc lộ ra cái Chơn Tâm bất biến, hàng phục cái Vọng Tâm thường hay biến hoá đa đoan, vốn là cái gốc rễ của mọi ác nghiệp khiến cho đoạ vào ác đạo. Thành tựu phẩm vị đạo quả sau này cũng là dựa vào cái tâm ấy mà định, chớ chẳng phải là dựa vào các tướng bên ngoài như đã lập bao nhiêu công, đã lập bao nhiêu phật đường, đã tài thí, pháp thí, vô uý thí ... bao nhiêu. Những cái ấy chỉ là cái tướng bên ngoài, nếu chấp trước thì chẳng còn công đức, chỉ rơi vào các phước đức mà thôi. Duy chỉ có cái Chơn Tâm thanh tịnh vô nhiễm, chẳng còn dính mắc, chấp trước, vọng tưởng phân biệt đối đãi, chẳng còn những thị phi thiện ác đối đãi nữa thì mới là công đức thật sự. Người tu hành nên rõ điều này. Tóm lại, có ba điều sau nên ghi nhớ :

 

1. Phải thường giác tỉnh, nhận biết Chơn Tâm và Vọng Tâm. Phải kịp thời giác tỉnh hễ một khi đã khởi Vọng, phải biết ngưng để rời vọng hiển chơn, thì trí tuệ mới hiện.

 

2. Phải lấy giới luật làm thầy.

 

3. Thường ghi nhớ kĩ bài kệ sau đây :


“ Nếu người thật chơn tu, 
chẳng thấy lỗi thế gian, 
nếu thấy lỗi của người, 
trái lại thành tự quấy. 
Người quấy ta chẳng quấy, 
thấy quấy thành tự lỗi. 
Nếu bỏ tâm chấp quấy, 
phiền não đều tan rã ”.

 

Lại nhớ rằng :


Tà khởi phiền não đến,
chánh đến phiền não trừ,
tà chánh đều chẳng nghĩ,
thanh tịnh đến cực kì.
Ấy là chơn diện mục,
Tự Phật đã quy y.

 

 









 

Số lượt xem : 1208