BẠCH DƯƠNG KỲ - Bạch Dương Tu SĩBạch Dương Kỳ 2002

Bài Tập Tu Đạo mỗi ngày

Tác giả liangfulai on 2022-05-09 19:58:36
/Bài Tập Tu Đạo mỗi ngày

 

Tu đạo tu tâm của tự thân

Sửa bỏ thói tật xấu nơi mình

Quay về bổn tâm chơn diện mục

Viên mãn nhân duyên, đức tuệ mình.

 


 

 

 

 

Mỗi ngày ​ta luôn dặn lòng rằng: 

 

1. Thấy lỗi người tức là lỗi mình.

2. Câu trả lời tốt nhất cho tất cả mọi thị phi qua tai mình chính là sự im lặng, tâm vô trụ, chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, không nghĩ tốt, không nghĩ xấu, như gió thoảng qua tai.

3. Người khác không có nghĩa vụ trách nhiệm phải đối tốt với mình dù mình đã đối tốt với họ.

4. Luôn làm chủ tất cả mọi cảm xúc của bản thân chứ không để cảm xúc làm chủ.

5. Luôn lấy từ bi và nhẫn nhục làm đạo tràng tu hành.

6. Đơn côi, nghịch cảnh là “chặng đường” tất nhiên phải đi qua trên con đường thăng tiến của tâm linh để tăng trưởng trí tuệ, là trợ duyên cho sự nhìn thấu và buông xả. Đơn côi cũng là “người bạn đồng hành” duy nhất luôn ở bên cạnh mình xuyên suốt mọi không gian, thời gian. Chẳng ai trên đời có thể ở bên cạnh mình mãi được. 

7. Việc người khác đối đãi không tốt với mình hôm nay (dù mình đã đối tốt với họ) là quả mình thu hoạch từ cái nhân xấu nhân ác mình đã từng gieo trồng trong kiếp quá khứ, là sự hoán vai đổi vị để mình nếm chịu và thể ngộ lại những cảm xúc đau khổ, phiền não mà mình đã từng gây tạo cho người, vậy nên không được khởi lên bất cứ một niệm sân oán nào. Chỉ có thể duy nhất tồn tâm cảm ân, sám hối, hoan hỷ cam tâm tình nguyện trả nợ mà thôi.

8. Để xây dựng được một mối quan hệ với tình cảm tốt đẹp thì cần phải tốn rất nhiều thời gian, sự hy sinh tâm sức, tiền tài… nhưng để phá vỡ mối quan hệ ấy thì chỉ cần một ngọn lửa sân hận, oán trách là có thể thiêu rụi ngay. Vậy nên luôn phải biết trân quý, xem trọng, khéo giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp mà mình đang có và luôn nhẫn nhục “dĩ hòa vi quý” để rộng kết duyên lành.

9. Chớ có dùng cá tính của bản thân mình để đi đối đãi với người khác, mà phải dùng sự tu dưỡng của bản thân mình để đi ảnh hưởng người khác.

10. Chẳng phải là ta không thể khiến người khác thay đổi, mà chỉ là do sự tu dưỡng của bản thân, tình yêu thương, sự quan tâm và trí tuệ của mình chưa đủ sâu đủ mạnh để có thể cảm hóa xoay chuyển đối phương.

11. Tất cả mọi chướng ngại, nghịch cảnh đều chẳng qua chỉ là một "khoảng thời gian thi" ngắn tạm để nghiệm tâm cảnh, công phu tu hành. Tất cả các khoảng thời gian thi đều có giới hạn, rồi sẽ trôi qua nhanh chóng. Điều quan trọng nhất chính là phải dốc tận tâm sức, trí tuệ để giải đề sao cho đạt được thành tích tốt đẹp viên mãn, chứ không lãng phí thời gian ngồi đợi chờ hết giờ thi để rồi sau đó nhận về kết quả phải hối tiếc.

12. Tâm mình khởi niệm không tốt là mình có lỗi với người, cũng có lỗi với tự thân, là sự gán lỗi cho người, hoặc đem lỗi người để trừng phạt gây phiền não bản thân. Tâm người không tốt cũng là lỗi của mình do mình tu chưa tốt để có thể cảm hóa.

13. Ta mỗi ngày đều phải tổng vệ sinh tất cả mọi thứ rác rưởi trong tâm.

14. Ta phải khiêm hạ tâm mình luôn tôn kính, chẳng dám khinh thường người, rằng sự tu dưỡng và trí tuệ của mình vẫn còn rất thấp kém, vẫn còn nhiều chỗ phải học tập từ các vị thiện tri thức, các bậc đại đức để không ngừng hoàn thiện sự tu dưỡng tâm tánh đức hạnh của bản thân.

15. Ta phải luôn ghi nhớ đạo lý “thấp đến tận cùng mới là tối cao”, như đáy biển càng sâu thì mực nước càng cao, lòng biển càng bao la rộng lớn, vậy nên càng phải khiêm hạ tâm mình, lòng càng khiêm hạ, trí đức càng dày sâu.

Số lượt xem : 1419