TInh thần cầu đạo của người xưa và nay
Cổ Nhân cầu đạo rất chí thành
Xả thân cầu đạo pháp siêu sanh
Trèo non lội suối vượt muôn hiểm
Nhất tâm chẳng thối chuyển đạo tâm.
Người nay cầu đạo chẳng chút tâm
Chẳng nguyện buông xả, chẳng quyết tâm
Đợi người năn nỉ, bày mọi cách
Miễn cưỡng cầu đạo, chẳng tu hành.
Xưa mòn giày sắt tìm chẳng thấy
Nay cầu đắc đạo chẳng tốn công
Nhờ Ơn trên đại khai phổ độ
Nên tìm cầu đạo đỡ nhọc lòng.
Tiếc thay hậu nhân chẳng biết quý
Dễ cầu dễ đắc chẳng trân trọng
Xem thường, khởi tâm nghi, nhạo báng
Xem đạo như chẳng đáng một đồng !
Người xưa, người nay lòng khác biệt
Nay nhiều vật dục lấp chơn tánh
Nhận giả làm thật, tâm mê vọng
Cầu tu học đạo chẳng chí thành.
Người xưa vì cầu đạo xả mạng
Người nay vì tiền bạt mạng tranh
Vì Đạo, chút nghịch cảnh liền thối
Tài, sắc, danh, vị ... chẳng thối tâm.
Tinh thần cầu đạo, người xưa có
Người nay cầu đạo, chẳng tinh thần
Hậu nhân kém xa Tiền nhân đạo
Chỉ bởi vô minh, tâm mê lầm.
Người cầu đạo như đắc báu vật
Chẳng ngộ đạo quý, cũng như không
Chẳng tu chẳng hành như chẳng dụng
"Vàng" trong tay chẳng đáng một đồng !
Dưới đây là một bài viết sưu tầm khá hay về tinh thần cầu đạo của người xưa được trích dẫn nguyên văn từ báo giác ngộ của tác giả Phan Minh Đức :
Tinh thần cầu đạo của người xưa
Người xưa cầu đạo rất chí thành, tha thiết. Để học một câu kinh, bài kệ hay để nghe được lời khai thị, được dạy mnhất ột pháp môn tu… người xưa không ngại băng rừng, trèo non, lội suối, không ngại đường sá xa xôi, gian nguy hiểm trở để tìm cầu. Chính vì cầu đạo với tâm thành tha thiết như thế mà người xưa sớm tiếp cận với đạo, sớm giác ngộ và thành tựu trong tu tập.
Trong kinh Bổn sinh, Đức Phật từng thuật lại trong vô số kiếp về trước, Ngài đã từng phát tâm cầu pháp quên cả thân mình. Trong một kiếp, Ngài đã tình nguyện hầu hạ một vị tiên nhân trong nhiều năm để cầu vị tiên nhân ấy chỉ dạy đạo lý.
Trong một kiếp khác, Ngài sinh ra vào thời mạt pháp, không tìm được thầy học đạo dù đã khổ công tìm kiếm khắp nơi; cuối cùng Ngài gặp một người cho biết ông đã học được một bài kệ, bài kệ ấy có thể giúp người tu trở thành thánh hiền. Hết sức vui mừng, Ngài vội quỳ xuống khẩn cầu người kia dạy cho bài kệ. Người kia bảo: “Phật pháp thậm thâm khó cầu, ngươi muốn nghe suông sao được”.
Ngài hỏi: “Vậy phải làm sao mới có thể cầu được, xin người chỉ dạy cho?”.
Người kia nói: “Đâm vào mỗi lỗ chân lông một cây kim, khi nào máu chảy ra như suối mà lòng không hối hận, ngươi có làm được không?”.
Ngài rất vui mừng đáp: “Dù phải tan nát thân này, tôi cũng quyết tâm cầu diệu pháp”. Nói rồi Ngài ra chợ mua kim về đâm vào mỗi lỗ chân lông một cây làm cho máu ra lênh láng.
Người kia thấy thế, hết lời khen ngợi Ngài là người có chí cầu đạo ít ai bằng, bèn dạy cho Ngài bài kệ:
“Phải giữ lời và ý,
thân không phạm điều ác.
Giữ được ba hạnh ấy,
là thành bậc thánh hiền”.
Học được bài kệ ấy, Ngài hết sức vui mừng, ngày đêm tinh tấn y theo bài kệ mà hành trì không chút lười biếng giải đãi, trải qua nhiều kiếp cho đến ngày thành bậc Chánh đẳng Chánh giác.
Thiền sử cũng ghi lại nhiều giai thoại về tinh thần cầu đạo của các bậc tiền bối tổ sư, trong đó có chuyện kể về ngài Huệ Khả.
Chuyện kể rằng Huệ Khả lên núi Tung Sơn tham kiến Sơ tổ Bồ-đề-đạt-ma mà không được Tổ chỉ dạy, đã tự chặt đứt cánh tay để thể hiện tinh thần thiết tha cầu đạo; sau đó mới được Sơ tổ khai thị và trở thành Nhị tổ.
Trong lịch sử các bậc danh tăng, ngài Huyền Trang (596-664) cũng là tấm gương sáng ngời về tinh thần cầu học. Vì muốn mở mang sở học và thực hiện chí nguyện hoằng dương Phật pháp, Huyền Trang đã lập nguyện sang Ấn Độ học đạo. Ngài một mình một ngựa vượt qua biên giới, đi vào sa mạc, có lúc cận kề cái chết nhưng vẫn kiên tâm: “Thà đi về hướng Tây mà chết, quyết không quay đầu trở lại để cầu sống”. Cuối cùng ngài Huyền Trang cũng đến được Ấn Độ thọ học với các bậc cao tăng. Trở về Trung Hoa sau 17 năm cầu pháp, ngài Huyền Trang mang theo trên 600 bộ kinh, luận cùng nhiều pháp bảo.
Tinh thần cầu đạo của người xưa là tấm gương sáng soi ngàn đời cho hậu thế. Tấm gương đó luôn nhắc nhở người đời sau cần mẫn hơn, tinh tấn hơn trên con đường tìm cầu đạo giải thoát và hạnh phúc cho mình và tha nhân, đồng thời biết trân trọng những gì mà các bậc tiền hiền đã dày công khó nhọc khai sáng, tạo dựng nên, trong đó nền đạo là cao quý nhất. Tinh thần cầu đạo của người xưa là tấm gương vực dậy ý chí những ai đang thối tâm, nản lòng khi gặp phải những nghịch cảnh, khó khăn trên con đường tu tập.
Có một hành giả hỏi thầy của mình tại sao con tu hành nhiều năm mà không ngộ đạo. Người thầy bèn dẫn hành giả ấy ra một bờ sông và dìm vị ấy xuống nước. Sau một lúc lâu người thầy mới kéo vị ấy lên rồi hỏi: “Lúc bị dìm xuống nước, điều con nghĩ đến trước tiên là gì?”.
Người đệ tử trả lời: “Lúc đó con không còn nghĩ gì khác ngoài việc muốn trồi lên khỏi mặt nước để thở”.
Bấy giờ người thầy mới nói: “Khi nào con cầu đạo với tâm thành thiết tha như thế thì con sẽ thấy đạo”. Câu chuyện trên cho chúng ta một bài học hết sức bổ ích. Khi nào ý chí cầu đạo, tu tập chân thành tha thiết; khi nào người hành giả xem sự đạt đạo, xem sự thành tựu trong tu tập là một nhu cầu cấp thiết như phải thở để sống thì lúc đó mới có thể buông bỏ những điều không cần thiết, toàn tâm toàn ý vào việc tu tập, nhờ đó mà việc tu tập mau thành tựu.
Tinh thần cầu đạo của người nay
Ngày xưa điều kiện tu học không đầy đủ như hiện nay, cơ sở hoằng pháp, tự viện không nhiều, kinh điển, sách vở không lưu hành rộng rãi, nhưng người chứng đạo lại nhiều, đó là nhờ tinh thần tu học.
Người xưa xem kinh sách của thánh hiền, lời dạy của thầy tổ, các bậc thiện hữu tri thức quý hơn cả sinh mạng của mình, sẵn sàng xả bỏ thân mạng để cầu học, quý trọng, tôn thờ, xem đó là bảo vật thiêng liêng, hết lòng tin tưởng, hết lòng vâng theo, thực hành cho đến nơi đến chốn. Nếu thời nay, mọi người học Phật đều có tinh thần tôn quý Pháp bảo và hết lòng tu học theo Chánh pháp, dám từ bỏ đời sống tham đắm thế gian, từ bỏ những đam mê vật chất tầm thường để toàn tâm toàn ý tu tập thì lo gì không đạt đạo, lo gì không tiến bộ trên đường tu, lo gì đạo pháp chẳng xương minh.
Ngày nay người tu học Phật có nhiều điều kiện, nhiều cơ hội để tiếp xúc với Phật pháp, bởi kinh điển, sách báo viết về Phật pháp lưu hành khắp nơi. Người muốn tìm hiểu, nghiên cứu và áp dụng Phật pháp vào đời sống còn có thể tiếp xúc với Phật pháp một cách dễ dàng bằng cách truy cập các website Phật học, các diễn đàn nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm tu học thông qua mạng toàn cầu. Ngoài ra có nhiều trung tâm Phật học, nhiều đạo tràng chuyên tu có các bậc đạo sư chân tu thật học hướng dẫn luôn tạo cơ hội tốt cho người tu học Phật. Tuy nhiên, có thể nói một trong những nguyên nhân thời nay không có nhiều người chứng đạo là vì người ta không quyết tâm tu, quá chú trọng đến hình thức, dễ dãi với bản thân.
Hơn mười năm về trước, có một người bạn đạo hỏi mượn tôi quyển Pháp bảo đàn kinh của Lục tổ Huệ Năng. Ít lâu sau, tôi đến nhà người bạn ấy chơi thì thấy quyển sách bị gấp đôi lại và nhét trong vách nhà. Tôi nói: “Anh nhét kinh sách vào vách như thế, vừa bất kính, vừa làm hỏng kinh?”. Người ấy cười bảo: “Chỉ là giấy mực thôi, anh đừng chấp như vậy”. Tôi lắc đầu nhưng không đôi co với bạn làm gì, biết bạn nghĩ mình không còn chấp thủ nhưng thật ra là đang chấp nặng.
Trên bàn thờ Phật của gia đình bạn nào là chìa khóa, đồ cắt móng tay, tăm xỉa răng… đủ thứ tạp vật. Hỏi sao anh lại để nơi thờ Phật mất trang nghiêm như thế, anh thản nhiên trả lời: “Phật tại tâm!”. Nghe anh nói chuyện có vẻ như anh là người đã triệt ngộ hay chứng Thánh chứ chẳng phải tầm thường. Càng đọc nhiều sách nói về ngôn hành của các thiền sư, anh càng hứng khởi, lời nói và việc làm tùy tiện, chẳng giống ai, nhưng anh luôn cho đó là phá chấp, là không vướng mắc, tự tại thong dong, “thõng tay vào chợ”.
Khi đến thăm anh bệnh nặng nằm liệt giường, có lúc anh hôn mê, có khi tán loạn, sự đau đớn nhức nhối khiến phiền não trong tâm anh nổi lên bời bời, anh rên la, than thở, nổi cáu với người thân, ai trông thấy cũng xót xa thương cảm. Đến lúc này mới thấy sự tu hành chẳng thể xem nhẹ, lúc bình thường chưa xảy ra chuyện gì thì thấy như không, cứ ngỡ mình đã an nhiên tự tại, không còn hệ lụy trần duyên, không còn bị phiền não khổ đau chi phối nữa. Người ta thường bị những ảo giác, ảo tưởng đánh lừa, đến khi gặp chuyện mới thấy rõ mình là ai, là Phật tổ, là bậc chân nhân đạt đạo hay hạng tầm thường, là người có dụng công tu hay không.
Có người không chấp bên đây thì lại chấp bên kia, thái độ cực đoan thái quá, có tinh thần, có nhiệt tâm nhưng không có chánh kiến. Không ít trường hợp trái ngược với trường hợp anh bạn tôi, người ta thờ phụng trang nghiêm, cung kính Phật pháp, nhưng lại xem chư Phật, chư Bồ-tát, xem kinh sách, pháp bảo như thần thánh thiêng liêng chỉ để tôn thờ, cúng bái, cầu khẩn, van xin chứ không phải để học tập, noi theo. Sự thành tâm, nhiệt tình, năng nổ trong trường hợp này vô tình biến đạo Phật trở thành một dạng tôn giáo thần quyền như bao tôn giáo khác. Cho nên người tu học Phật cần có nhiệt tâm, tinh tấn trên cơ sở hiểu biết đúng đắn. Được như thế thì đạo quả tuy khó nhưng cũng không ngoài tầm tay.
Theo Phan Minh Đức/Phật giáo Việt Nam
Số lượt xem : 1455