BẠCH DƯƠNG KỲ - Bạch Dương Tu SĩBạch Dương Kỳ 2002

Sự thay đổi vận mệnh sau khi cầu đạo ???

Tác giả liangfulai on 2025-03-20 18:10:30
/Sự thay đổi vận mệnh sau khi cầu đạo ???

Vì sao có những người cầu đạo xong rồi lại gặp rất nhiều may mắn và cải biến vận mệnh theo hướng ngày càng tốt lên ?

Lại vì sao mà có những người cầu đạo xong rồi lại gặp tai ương kiếp nạn ?

Sở dĩ như vậy là do bởi mỗi người mỗi nhân duyên khác biệt, chung quy cũng đều từ phước báo và nghiệp chướng lũy kiếp tích lũy mà ra.


Người mà trong mệnh có sẵn kho phước báo rộng lớn, nghiệp chướng ít, kiếp này lại biết tu hành tạo phước rộng gieo duyên lành, thì đương nhiên mọi thứ đều sẽ rất thuận lợi dễ dàng, dẫu có trúng thêm nhiều tờ độc đắc thì cũng chẳng có biến cố gì xảy ra khi mà kho phước vốn dĩ gấp nhiều lần so với số tiền trúng nhiều tờ độc đắc có được, vả lại người ấy còn biết đem phần trúng thưởng ấy đem chia sẻ thêm cho nhiều người khốn khổ bần cùng khác chứ không độc hưởng một mình, từ đấy lại gieo trồng tiếp thêm ruộng phước mới. Còn nghiệp chướng thì ví như nắm muối, trong khi phước báo ví như lượng nước ngọt trong lành vậy. Một nắm muối nếu bỏ vào trong một ly nước thì nước trong ly sẽ trở nên mặn chát, còn như bỏ vào dòng sông lớn trong sạch thì chẳng đủ để khiến cho dòng nước trở nên vị mặn vậy.

 

Người cầu đạo nếu lượng phước ít, nghiệp chướng nhiều, lại chẳng biết đem đạo quý báu chia sẻ cho người khác để mọi người cùng được nhận sự ích lợi, thì ví như người nghèo đột nhiên trúng vài tờ vé số độc đắc mà chẳng biết chia sẻ giúp đỡ cho những người khốn khó khác. Khi người ấy không đủ phước đức để có được thứ quý báu với giá trị quá lớn, thì bèn sẽ giống như những người trong mệnh đã định sẵn kiếp số nghèo, lại đột nhiên vì nhân duyên đặc biệt nào đó mà lại trúng đến vài tờ vé số độc đắc, rồi cũng chẳng biết chia sẻ dùng làm lợi lạc đại chúng, chỉ thụ hưởng cho riêng bản thân mình thì tất nhiên sẽ dẫn đến tai ương vậy.

 

Vạn sự vạn vật đều vận hành một cách hết sức tự nhiên theo luật nhân duyên quả báo, vậy nên có người cầu đạo đắc đạo rồi lại ngộ đạo, biết tu hành, độ hóa chúng sinh, khuếch đại tâm lượng từ bi hỷ xả, giới sát phóng sanh, nghiêm trì giới luật, cộng thêm phước báo sẵn có trong số mệnh do lũy kiếp gieo tạo tích lũy thì bèn như hổ mọc thêm cánh.

 

Có người cầu đạo đắc đạo rồi mà chẳng thể ngộ, chẳng nguyện tu hành, chẳng nguyện độ hóa chúng sinh, chẳng giữ giới luật, phước báo ít mà nghiệp chướng lại sâu dày, thì bèn thế mà như người nghèo bỗng đột nhiên trúng vé số độc đắc rồi sau lại tự nhiên gặp họa sớm vậy. Hiểu được lý này rồi tâm sẽ chẳng còn hoang mang đổ lỗi cho “ Đạo ”, rằng cầu đạo không tốt, cầu đạo rồi đem lại những điều xui xẻo. Nếu đạo quả thật là không tốt thì tất cả những người cầu đạo đều sẽ gặp những điều xui xẻo không tốt, gặp tai ương, bệnh tật, nhưng sao lại có rất nhiều người sau khi cầu đạo rồi vận mệnh lại tốt lên, gặp nhiều may mắn và bình an thuận lợi, thậm chí còn có trường hợp có bệnh nhân bị ung thư mà rồi lại khỏi bệnh. Đấy đều là do nhân duyên phước báo và nghiệp chướng của mỗi người mỗi khác. Cá nhân mình nhờ căn tu tiền kiếp cùng nhân duyên sâu dày với dẫn bảo sư, cộng thêm đức của tổ tiên để lại nên kiếp này mới có thể cầu đắc đạo giải thoát chí tôn chí quý, mà "đạo chơn thì oan nghiệt tìm đòi gấp", lại đúng trong lúc mình đang phước mỏng nghiệp dày,  nên mới gặp phải những tai ương kiếp nạn. Vậy nên thay vì oán trời trách người, thối thất tâm đạo, đánh mất " lòng tin nơi đạo ", vốn dĩ là mẹ, là nguồn của mọi công đức thì chi bằng hãy thật tốt sám hối nghiệp chướng lũy kiếp, lại tích cực  gieo trồng ruộng phước, hành công lập đức hồi hướng tiêu trừ nghiệp chướng, thì nương nhờ vào tâm đạo bất thối chuyển ấy tinh tấn chẳng oán chẳng hối tiếc đối trước nghịch cảnh thử thách khảo nghiệm mà bèn có thể làm cảm động trời xanh, khiến nghiệp chướng sớm tiêu trừ, vận mệnh sớm được cải thiện như " trời hửng nắng sau cơn giông bão ". 

 

 “ Đạo” vốn dĩ vô cùng tôn quý mà ngay đến cả đức Phật cũng như các vị Cao Tăng trước khi đắc đạo thành đạo thì cũng đều phải trải qua vô lượng kiếp rộng gieo trồng ruộng phước, rộng kết duyên lành và rồi ngay đến cả mọi phước báo to lớn ở nhân gian cuối cùng rồi cũng phải xả bỏ, chịu cực chịu khổ chịu nạn, chịu mọi sự mài luyện, vượt qua mọi khảo nghiệm thử thách của Ma Vương từ thuận cảnh cho đến nghịch cảnh thì mới có thể đắc đạo thành đạo, huống chi là thời kì Bạch Dương đại khai phổ độ cho chúng sinh cơ hội được đắc trước tu sau, đắc được đại đạo tôn quý một cách quá dễ dàng, lẽ nào chẳng cần một sự đánh đổi tương xứng đó sao ?  Ngài Tôn Giả Mục Kiền Liên dù đã chứng đắc thánh quả A La Hán, đến cuối cùng cũng phải trả sạch các món nợ nghiệp tiền kiếp rồi mới có thể nhập Niết Bàn, gọi là liễu kiếp hoàn hương vậy. Các vị Cao Tăng Đại Đức như ngài Hư Vân, Tuyên Hóa ... cũng đều lâm bệnh nặng về cuối đời vậy.

 

Tế Công Hoạt Phật ân sư từ bi rằng :

Chúng ta tu cái đạo tiêu oan giải nghiệp, chớ chẳng phải là tu cái đạo chẳng có bệnh, chẳng có khảo.

Chúng ta tu cái đạo trí tuệ giác soi, chớ chẳng phải la tu cái đạo thuận buồm xuôi gió.

Chúng ta tu cái đạo rõ lý thông đạt, chớ chẳng phải là tu cái đạo có cầu tất ứng.

Chúng ta tu cái đạo liễu kiếp hoàn hương, chớ chẳng phải là tu cái đạo tránh kiếp tị nạn.

Chúng ta tu cái đạo siêu sanh liễu tử, chớ chẳng phải là tu cái đạo vĩnh sanh bất tử.

 

Số lượt xem : 97