Bồ Tát Hạnh
Trầm mặc và nhẫn chịu
Gánh tải muôn chúng sinh
Người tu đạo Bồ Tát
Noi đại địa tất thành.
Chẳng một lời than oán
Hành đạo trong lặng thầm
Dưỡng dục muôn loài vật
Chẳng kể công ơn mình.
Mặc sức người “giẫm đạp”
Mặc Người thải “hôi tanh”
Mặc sức người “khai thác”
Nhẫn chịu trong im lặng.
Nguyện nâng đỡ muôn chúng
Nguyện tịnh hóa “hôi tanh”
Cung thứ muôn loài cần
Trọn đời mãi hy sinh.
Chẳng phân biệt đối đãi
Đối thiện ác bình đẳng
Chẳng ghét dơ yêu sạch
Bao dung ôm trọn lòng.
Đặt mình nơi thấp nhất
Chúng sinh trên đầu mình
Trải lòng khắp muôn vật
Là đại địa đức hạnh.
Vận hành theo giới luật
Chẳng rời quỹ đạo mình
Tinh tiến không dừng nghỉ
Trong hạnh nhẫn vô sanh.
Người tu đạo Bồ Tát
Học noi đại địa tâm
Nhẫn nhục nên dày đức
Khả tải muôn chúng sinh.
Ghi chú:
Vô Sanh Pháp Nhẫn
Pháp nhẫn nhục của hàng Bồ Tát do chứng đắc được lý vô sanh, không thấy có các hữu tình gây hại cho mình. Bồ Tát chứng đắc pháp nhẫn này thì tâm bình đẳng không phân biệt đối với tất cả chúng sanh.
Vô Sanh tức chơn lý không sanh không diệt, Nhẫn, có nghĩa là tin chịu giữ gìn. Là nói dùng trú vô lậu an trú trong thể chơn lý bất sanh bất diệt, tâm không lay động. Đức nhẫn nhục của người tu học đắc đạo thể nhập chân lý: các pháp không sanh không diệt. Bậc tu hành nếu hiểu các pháp không sanh, không diệt, tức là hiểu thật tướng sự vật vốn không Sanh Diệt. Hiểu như thế thì không còn lo rầu, phiền não, đối với chúng sinh, được vậy gọi là vô sanh pháp nhẫn. Đi đến chỗ không còn sinh tử luân hồi. Trong Đại Trí Độ luận quyển 50 nói: “Đối với thật tướng vô Sanh Diệt của các pháp, tin chịu thông suốt không ngăn ngại, không thối lui, gọi là Vô Sanh Nhẫn”
Số lượt xem : 937