Thấy lỗi người, tức thấy chiếc bóng của chính mình.

Lúc mới học tu, ta nhìn vào hình tướng trang nghiêm tốt đẹp của người rồi sanh tâm kính ngưỡng mến mộ, nào đâu để tâm thấy cái bóng đen dưới đất của người.
Tu học được một thời gian ngắn, có được chút hiểu biết nông cạn, ta chợt phát hiện ra cái bóng của người, và rồi ta bỗng chỉ mãi quan tâm để ý nhìn theo chiếc bóng ( vọng tâm và các thói hư tật xấu, tánh khí không tốt, những lỗi lầm sai trái ) của người, tâm trí mãi chạy theo cái bóng của người, quên nhìn lại vào cái thật tướng trang nghiêm đẹp đẽ sáng ngời ( phật tánh ) của người. Ta cứ mãi chạy theo chiếc bóng mà quên mất phải nhìn lại vào con người thật. Ta cũng quên mất rằng cái bóng của họ cũng như cái bóng của mình, đều là hư ảo không thật.
Học tu càng lâu rồi, ta càng thêm khai ngộ, nên chỉ nhìn vào thật tướng trang nghiêm tốt đẹp của người, chẳng còn để tâm chạy theo cái bóng hư ảo của người và cả của mình nữa.
Bài học ở đây chính là nói về Chơn tâm Phật tánh và Vọng tâm, mặt tốt mặt xấu của mỗi một con người. Khi nhìn vào Phật tánh của mỗi một người, ta đều nhìn thấy cái đẹp trong sáng thanh tịnh ở nơi mỗi người, các ưu điểm của người, tức nhìn vào thật tướng trang nghiêm của họ. Khi nhìn vào những khiếm khuyết lỗi người, ta đang nhìn vào chiếc bóng đen tối hư ảo đầy sai lệch ở bên ngoài. Khi mãi chạy theo chiếc bóng của họ, ta mãi chẳng thể nhìn thấy thật tướng của họ, càng chẳng thể tìm thấy thật tướng ở nơi tự thân khi ta cho rằng "cái bóng chính là mình". Vậy nên khi nhìn lỗi người, tức cũng đang nhìn vào chiếc bóng sai lệch của họ và của chính mình. Thấy lỗi nơi người, tức thấy lỗi nơi mình.
Khi lựa chọn nhìn vào thật tướng trang nghiêm, ta bèn nhìn thấy mặt sáng tốt đẹp, như nhìn vào mặt trời, thì tâm ta hướng đến ánh sáng quang minh nên tâm quang minh với trí tuệ quang minh. Khi nhìn vào chiếc bóng, tức tâm ta đang hướng đến bóng đêm, nên cả tâm hồn đều đắm chìm trong bóng tối. Tất cả chỉ là sự lựa chọn của hướng tâm mà thôi. Vậy nên từ đấy ta mới hiểu, sở dĩ tâm Phật luôn quang minh sáng soi chính là bởi chư Phật nhìn vào Phật tánh của chính mình và của tất cả chúng sanh. Nhìn vào Phật tánh nên tâm thường thanh tịnh trong sáng, nhìn vào khiếm khuyết lỗi người thì tâm thường phiền não bất tịnh và đen tối.
Kết luận : Càng thâm nhập vào tu hành chân chính, ta càng nhìn thấy rõ Phật tánh vẹn tròn của chính mình và của tất cả chúng sinh, càng chẳng nhìn vào cái bóng sai lệch, khiếm khuyết và những mặt đen tối của chúng sinh. Nhận thức rõ cái bóng của mình và của chúng sinh mà chẳng dính chấp vướng bận vào nó, duy chỉ nhìn vào thật tướng trang nghiêm trong sáng tốt đẹp, vậy thì tâm sẽ luôn thanh tịnh an vui, luôn ngay chánh quang minh và phát khởi diệu trí tuệ, trưởng dưỡng tâm từ bi.
Số lượt xem : 84