Sự Trưởng Thành Tâm Linh Trí Tuệ và Đức Hạnh Trên Con Đường Học Tu Giảng Bàn Hành.
Trẻ sơ sinh khi vừa chào đời, rất cần sự chăm sóc đặc biệt của song thân và huynh đệ, cô dì chú bác trong gia đình.
Người cầu đạo mới cũng như đứa trẻ thơ vừa mới chào đời vậy, rất cần đến sự chăm sóc đặc biệt của song thân ( Dẫn Bảo Sư ) cùng các cô dì chú bác ( Tiền hiền ).
Trong quá trình trưởng thành, trẻ phải học rất nhiều các kĩ năng cần thiết cho cuộc sống, từ chỗ nằm mà học biết cách lật khi được khoảng 4 tháng tuổi, lại học bò, học ngồi, học đứng, học đi, học chạy, học nhảy, học nghe, học nói, cho đến vào trường lớp học đánh vần, tập đọc, học viết, học quy củ trường lớp, gia đình …
Trong quá trình trưởng thành, các vị đạo thân mới cũng sẽ cần học rất nhiều các kĩ năng cần thiết cho các sinh hoạt trong đại gia đình Phật đường : Các loại Phật quy lễ tiết nào là tham giá từ giá, sáng tối hiến hương, hiến hương mồng 1,15, bàn đạo, dâng khăn, khấu đầu, học quy củ, giới luật … như trong trường lớp đề xướng “tiên học lễ, hậu học văn".
Theo thời gian trôi qua, trải qua sự rèn luyện của môi trường trường lớp, các bé dần trưởng thành hơn trong cách ứng xử, biết rõ nghĩa vụ bản thân mình là phải học tập thật tốt để không phụ lòng cha mẹ, gia đình đã vất vả dưỡng dục, khổ nhọc ngày đêm, mặt khác cũng là vì tương lai tươi sáng cho bản thân sau này. Các vị đạo thân mới cũng vậy, khi đã trưởng thành hơn thì sẽ càng biết rõ nghĩa vụ của bản thân mình đối với đại gia đình Phật đường, để không phụ lòng dẫn bảo sư đã nhọc lòng độ hóa thành toàn, giảng sư ngày đêm nhọc lòng dẫn dắt chỉ bảo, vun bồi, vì một tương lai tươi sáng cho tuệ mệnh, sự thăng tiến tâm linh, sự tăng trưởng trí tuệ của mình.
Khi các bé đã trưởng thành hoàn toàn, trở thành người thành niên có đầy đủ kiến thức kĩ năng, phẩm hạnh cần thiết cho công việc, thì càng ý thức được trách nhiệm nghĩa vụ của mình đối với tự bản thân, với gia đình, cộng đồng, và rộng ra cho đến cả xã hội, đất nước, cho đến toàn cầu.
Khi đạo thân mới đã trưởng thành hoàn toàn, thì sẽ trở thành người có đầy đủ kiến thức, kĩ năng, trí tuệ, phẩm hạnh, đại nguyện lực, ý thức trách nhiệm nghĩa vụ đối với tuệ mệnh của chính mình, với gia đình ( đạo hóa gia đình, gánh vác gia nghiệp lẫn thánh nghiệp Như Lai ), với bạn bè đồng nghiệp, xã hội, quốc gia và chúng sinh toàn cầu, cho đến chúng sinh khắp Tam Tào ( Thiên, Địa, Nhân ).
Duy có cam tâm tình nguyện, sẵn lòng hy sinh phụng hiến chẳng hối chẳng tiếc, chẳng oán trách, chẳng than vãn, nguyện gánh vác lên trọng trách gia nghiệp, Thánh nghiệp Như Lai, nỗ lực hết mình để tận tròn chức trách, biết quan tâm đến mọi người, đó mới là sự trưởng thành thật sự về tâm tánh, đức hạnh và tài trí mà bất cứ một vị đạo thân nào, với danh phận là con cái của Lão Mẫu, đệ, muội, đệ tử của Chư Phật Bồ Tát cũng đều phải trải qua.
Thời gian qua đi nhanh, ai rồi cũng sẽ phải trưởng thành, học tập chủ động dũng cảm gánh vác trọng trách, học đối mặt với những phong ba bão táp của sự đời, chẳng thể mãi là một đứa trẻ ngây thơ khờ dại mãi cần được cha mẹ và mọi người quan tâm, bảo bọc, bởi chẳng ai muốn đặt mình vào vị trí của một đứa trẻ thiểu năng, vậy nên chỉ có cố gắng, chỉ có nỗ lực tinh tiến học tập, nguyện chịu gánh vác, chủ động gánh vác, chủ động quan tâm đến đại gia đình Phật đường, quan tâm đến tất cả mọi chúng sinh, là dấu hiệu, là ấn chứng cho sự trưởng thành tâm linh trí tuệ thật sự trên con đường học tu giảng bàn hành.
Số lượt xem : 960