BẠCH DƯƠNG KỲ - Bạch Dương Tu SĩBạch Dương Kỳ 2002

Huyền cơ diệu nghĩa trong chữ TỰ  ( 寺 chùa )

Tác giả liangfulai on 2022-09-18 21:17:23
/Huyền cơ diệu nghĩa trong chữ TỰ  ( 寺 chùa )

Thế nào là huyền cơ diệu nghĩa trong chữ TỰ ( chùa ) ?

 


Tự ( chùa ) là “ tấc đất 寸土“ Tự Phật ngự                                                    

Thập phương Như Lai ( + ) chung một điểm (.)                                                  

Mấy ai ngộ đạo nhờ văn tự ?                

Khi vẫn chưa mở điểm diệu Huyền ?                                                      

Đi chùa, quy về nơi Tánh Địa      

Thắp nhang thắp lên Tự Tánh hương                                                        

Lễ Phật, quy y nơi giác hạnh            

Cúng Phật, dâng "đạo quả" vẹn tròn.                                                          

Cầu Phật cầu về nơi Tự Phật                        

Từ bi hỷ xả tứ vô lượng,                          

Giác hạnh viên mãn tâm ngời sáng                  

Nguyện niệm về Tự Phật Tây Phương.                          

Tụng kinh, về tuệ tâm thanh tịnh

Tọa thiền trong động tâm an nhiên

Bố thí, kết duyên, tập buông xả

Phóng sanh, độ chúng thoát não phiền.

Chúng sinh chấp tướng mãi chẳng ngộ,

Mãi ngoài tâm tánh cầu diệu huyền

Chẳng giác nên mê, lìa Tự Phật

Đi chùa chẳng ngộ, thật đáng thương !

 

 Chú thích :

 

Thốn 寸 :      tấc (đơn vị đo chiều dài),  ngày xưa bằng độ một ngón tay, cũng có nghiĩa là nhỏ bé, ít ỏi.

Tự Tánh Hương : giới định tuệgiải thoát, giải thoát tri kiến hương. 

 

Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, ngài  Lục Tổ Huệ Năng có nói đến Tự Tánh Ngũ phần Pháp thân hương

“Một là Giới hương, tức là trong tâm mình không có quấy, không có ác, không tật đố, không tham sân, không cướp hại, gọi là Giới hương.

 

Hai là Định hương tức là thấy các cảnh tướng thiện ác, tự tâm chẳng loạn gọi là Định hương.

 

Ba là Tuệ hương là tâm mình không ngại, thường dùng trí tuệ quán chiếu tự tánh, chẳng tạo các ác, tuy tu các hạnh lành mà tâm không chấp trước, kính bậc trên thương kẻ dưới, cứu giúp người cô bần, gọi là Tuệ hương.

 

Bốn là Giải thoát hương tức tự tâm mình không có chỗ phan duyên, chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, tự tại vô ngại gọi là Giải thoát hương.

 

Năm là Giải thoát tri kiến hương tự tâm đã không có chỗ phan duyên thiện ác, không thể trầm không trệ tịch, tức phải học rộng nghe nhiều biết bản tâm mình, đạt được lý của chư Phật, hòa quang tiếp vật, không ngã không nhân, thẳng đến Bồ-đề, chân tánh không đổi, gọi là Giải thoát tri kiến hương.

Này Thiện tri thức, hương này mỗi người tự huân ở trong, chớ hướng ra ngoài tìm.

 

Số lượt xem : 476