Được Mất Và Tùy Duyên
Được và Mất
Được và Mất là hai trạng thái đối lập mang lại sự vui và sự buồn trong tâm tư của mỗi một chúng sinh.
Khi tâm thái dính chấp vào một trong hai trạng thái ấy thì đều cũng sẽ khởi phát những phiền não vọng tưởng miên man chẳng dứt, khiến cho tâm và sinh mệnh chẳng cách nào an yên.
Người tu đạo cần phải tu về tâm thanh tịnh, tâm vô trụ, chẳng dính mắc chấp trước phiền não trước những sự được mất rất đỗi vô thường ấy, thấu tỏ chân tướng “trong được có mất, mà trong mất lại có được”, vậy nên an nhiên tự tại giải thoát khỏi mọi phiền não vọng tưởng phân biệt.
Mất mát lớn nhất, bất hạnh nhất của đời người chẳng phải là mất đi những thứ sở hữu có hình tướng giả tạm bên ngoài, mà chính là mất đi Chân Tâm, lương tâm, đạo tâm thanh tịnh vô nhiễm với trí đức vẹn tròn. Vậy nên các bậc Thánh hiền xưa nay đều nhẹ nhàng buông xả chẳng tiếc đối với tất cả mọi thứ sở hữu có hình tướng giả tạm, như là tài sản, quyền lực, địa vị, danh vọng, tình ái... cho đến những thứ tâm như là tham, sân, si, mạn, nghi và mọi thói hư tật xấu, và đổi lại được một thứ vĩnh hằng mà chẳng ai có thể đánh cắp, có giá trị hơn cả tam thiên đại thiên thế giới, chính là viên ngọc Ma ni như ý ( Phật tánh thanh tịnh vô nhiễm với đức trí tròn đầy muôn thần thông diệu dụng ) , viên ngọc mà luôn đem lại niềm an vui hạnh phúc vĩnh hằng. Đấy gọi là trong Mất có Được vậy.
Còn trong Được mà lại có Mất là khi con người ta không từ mọi thủ đoạn để có Được những thứ hữu hình mà mình mong muốn, bảo vệ mọi thứ hữu hình mình đang sở hữu, nhưng đồng thời cũng lại đánh mất đi cái Chơn nhất của chính mình, chính là Chân Tâm Phật Tánh thanh tịnh với trí đức vẹn tròn.
Vậy nên, người tu đạo khi đã tỏ rõ chơn và vọng, thật và giả, cái đạo lý trong được có mất, trong mất có được, được tức là mất, mất tức là được rồi thì sẽ tự biết cân nhắc nặng nhẹ, điều phục tự tâm chẳng còn trụ trước dính mắc chấp trước giữa được và mất nữa vậy.
Tái Ông thất mã là một một câu chuyện đầy kịch tính và hết sức thú vị liên quan đến chuyện Được và Mất. Nó trở thành một bài học rất đáng chiêm nghiệm và suy ngẫm trong cuộc đời. Thành ngữ “Tái Ông mất ngựa” có xuất xứ từ Trung Quốc.
Sách Hoài nam tử chép rằng: Có một ông lão kia sinh sống gần biên ải (tức Tái Ông). Nhà ông nuôi một con ngựa quý. Thế nào nó tự nhiên đi vào đất bắc mất hút. Những người quen biết đến nhà hỏi thăm, ông nói với họ: “Mất ngựa biết đâu lại là điềm may”. Quả nhiên, mấy hôm sau con ngựa nọ trở về, lại “rủ” thêm mấy con tuấn mã nữa đi cùng. Anh em láng giềng đến chia vui, ông lại chép miệng nói: “Ôi dào! Được thêm ngựa biết đâu lại là hoạ đó”.
Cầu được ước thấy! Con trai ông thấy ngựa đẹp bèn mải mê tập cưỡi, phi ngựa suốt ngày để đến nỗi một hôm ngã gãy cả chân. Tội quá! Trước sự kiện này, mọi người cho là tai hoạ, nhưng Tái Ông vẫn ung dung: “Biết đâu lại là phúc đó!”. Mà cũng nghiệm vậy. Sau đó, đất nước bị giặc giã, trai tráng tất thảy phải ra trận. Mà xung trận tiền thì “mười thằng chết chín” là cái chắc. Riêng cậu con trai ông vì tàn tật mà được ở lại và sống sót, ở với cha trọn đời, sinh con đẻ cái. Quả là “trong phúc có hoạ”, “trong hoạ lại có phúc”. Sự đời thật khó mà lường.
Dĩ nhiên, chuyện Tái Ông chỉ là một trường hợp lạ, hiếm hoi. Nhưng qua chuyện này, người ta muốn ngụ ý một triết lí: Sự đời may rủi thất thường, hãy bình tĩnh mà chiêm nghiệm và suy xét. Mất chưa hẳn là mất, mất cũng chưa hẳn là mất tất cả, vì vậy chở có nản lòng, nhụt chí. Có khi chính từ sự mất mát, tai ương kia lại là tiền đề đem lại cho ta một điều may mắn cũng nên.
Ngược lại, chớ vui với điều may mắn nhãn tiền. Không khéo thì rất có thể rủi ro sẽ đến từ điều tưởng là hay đó. Đây cũng là bài học về chữ "Nhẫn" trong cuộc sống.
Tùy Duyên
“Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Có gì dùng nấy, chẳng phan duyên
Biết đủ thường vui, tâm chẳng bận
Của báu trong nhà sẵn hiện tiền.
Được mất chỉ là duyên huyễn ảo
Nghiệm tâm đối cảnh có não phiền ?
Vui đạo tùy duyên, lòng chẳng vướng,
Như Lai Phật tánh hiện nhãn tiền.
Phan duyên dính chấp thành tâm vọng
Tùy duyên linh hoạt chân tâm hiện
Lung linh hoạt bát thường hoan hỷ
Theo duyên vui sống nên an nhiên.
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn mệt nghỉ liền
Thuận theo tự nhiên, bình thường sống
Tâm bình thường hiển đạo tự nhiên.
Số lượt xem : 308