BẠCH DƯƠNG KỲ - Bạch Dương Tu SĩBạch Dương Kỳ 2002

Đức bất phối vị, tất có tai ương

Tác giả liangfulai on 2024-01-19 13:57:18
/Đức bất phối vị, tất có tai ương

Đức bất phối vị, tất có tai ương

 

“Đức bất phối vị, tất hữu tai ương” ý nói một người có địa vị xã hội và đãi ngộ phải tương xứng với đức hạnh, phúc báo của bản thân. Nếu một người làm việc vi phạm quy luật này thì sẽ gặp báo ứng. Câu châm ngôn muốn khuyên răn mọi người phải lấy các giá trị phổ quát làm đầu, phải làm người trước, làm việc sau. 


 


Hết thảy mọi thứ, tài phú của cải, trí tuệ… của chúng ta, cổ nhân gọi chung là “vật”. Mà “hậu đức tải vật”, một người phải có đức dày mới có thể nâng đỡ được vật. Ví như, một cái bàn có thể gánh chịu được khối lượng nặng 10 kg mà chúng ta nhất định muốn đem trọng lượng 15, 20, 50 kg đặt lên nó, vậy thì chúng ta hãy xem cái bàn này sẽ ra sao? Nó sẽ bắt đầu run lên, bắt đầu biến dạng, xuất hiện điềm báo trước khi bị đổ sập nứt vỡ. Bởi vậy trong cuộc sống có một số loại tai ương ập đến có nguyên nhân xuất phát từ bốn chữ “đức bất xứng vị” này.

 

Tiền bạc, quyền lực, danh vọng đều là những phúc báo của bản thân, cũng đều là những vật đè áp lên bản thân chúng ta. Vì vậy khi có được chúng, chúng ta hãy tự hỏi liệu bản thân mình có thể gánh đỡ nổi chúng không? Dựa vào cái gì để gánh đỡ chúng?

 

Một người khi hiểu rõ đạo lý “đức dày tải vật”, mới dám lượng sức mà hưởng thụ. Đồng thời người đó mới hiểu được rằng, một người có đức hạnh và phúc báo như thế nào mới có thể ngồi ở vị trí như thế ấy, mới có thể ngồi yên vững được lâu dài. Cũng từ đó mà con người trở nên khiêm cung, không có tâm so đo, bất bình, đố kỵ.

 

Trong lúc Phật Tổ Như Lai khuyên bảo Tôn Ngộ Không từ bỏ nguyện vọng lật đổ Ngọc Đế, Như Lai từ bi nói rằng: "Ngọc Đế từ nhỏ đã tu hành, cực khổ trải qua một vạn bảy trăm năm mươi kiếp, mỗi kiếp kéo dài khoảng mười hai vạn chín nghìn sáu trăm năm, ngươi tính xem ông ấy đã tu hành bao nhiêu năm?". Tuy Phật tổ đã từ bi khuyên bảo như vậy, thế nhưng Ngộ Không vẫn ngang bướng cố chấp chẳng nghe, kết quả là bị đức Như Lai giam cầm dưới núi Ngũ hành sơn hơn 500 năm.

 

Hồng Hài Nhi ngang bướng cố chấp ngạo mạn ngồi lên tòa sen của Quán Thế Âm Bồ Tát để hưởng thụ đài sen, cuối cùng gặp họa bị Bồ Tát nhốt trên tòa sen không thoát ra được.


Lưu Ly cùng với một số trẻ vào giảng đường leo lên tòa sư tử dành cho Phật ngồi, liền bị người dòng họ Thích chạy tới cầm cánh tay kéo xuống khỏi chỗ ngồi, rồi lôi ra ngoài cửa, xúm nhau mắng nhiếc, sau đem lòng thù hận trả thù, đem quân tiêu diệt dòng họ Thích, để rồi cuối cùng nhận lấy quả báo là vua Lưu Ly và quân lính cùng tùy tùng của ông ta phải chết sau 7 ngày, rồi lại đọa vào địa ngục A Tỳ. 


Đề-bà-đạt-đa là em họ của Thích-ca Mâu-ni Phật, từng gia nhập vào tăng đoàn của Phật, nhưng rồi về sau ông nảy sinh nhiều ý kiến mâu thuẫn, cuối cùng li khai khỏi tăng đoàn của Phật Thích Ca để thành lập tăng đoàn khác. Ở trong kinh điển Phật giáo Nguyên thủy, Đề-bà-đạt-đa là kẻ đã phạm vào 3 trong số Năm tội lớn (ngũ nghịch) là chia rẽ và phá hòa hợp tăng phản bội Phật giáo, làm Phật chảy máu và giết hại A la hán, ông là một nhân vật phản diện tuyệt đối. Do quả báo của ác nghiệp, Đề-bà-đạt-đa đã chết do đất rút và bị tái sinh vào địa ngục A Tỳ, chịu khổ hình rất lâu dài Nhưng trước khi chết, Đề-bà-đạt-đa đã nói lời sám hối với Phật Thích Ca, và Phật Thích Ca đã tiên tri rằng sau 100.000 đại kiếp trái đất nữa, Đề-bà-đạt-đa sẽ trở thành một vị Phật Độc Giác.


( Khi mới xuất gia, Đề Bà Đạt Đa rất chăm chỉ, tinh tiến học và thực hành Pháp nên nhanh chóng chứng Tứ thiền và có thần thông. Thế nhưng khi tu hành có kết quả, ông lại sinh tâm ngã mạn. Lúc này ông nghĩ là ông giỏi quá, hay quá rồi. Mình có thần thông mà mình là anh em ruột thịt với Phật, mình có thua kém gì Phật điểm nào đâu, mình cũng rất có uy tín trong Tăng đoàn. Vậy nên ông ấy khởi tâm ý là phải tranh ngôi lãnh đạo Tăng đoàn của Phật, ông phải làm giáo chủ thay cho Phật”. Bởi tâm ý như vậy nên sau đó, ông đã làm nhiều việc xấu ác hãm hại Đức Phật cùng Tăng đoàn. ) 

 

Từ những câu chuyện trên, cho thấy rằng để có thể ngồi lên được một vị trí cao nào đó trong xã hội ( phàm nghiệp ), hoặc trên cấp bậc tu đạo ( thánh nghiệp ), người ngồi trên vị trí ấy tất phải có một sự tu dưỡng của đức hạnh tâm tánh, trí tuệ và sự gieo trồng vun bồi phước báo tương ứng từ lũy kiếp đến nay, nếu không thì họa sẽ nhiều hơn phước vậy. Những câu chuyện trên càng nhắc nhở người tu đạo chúng ta chú trọng việc bồi dưỡng tâm tánh, trí tuệ và đức hạnh hơn là năng lực tài giỏi vậy.

 

Số lượt xem : 884