Trích lược trọng điểm trong Lục Tổ Đàn Kinh ( Thích Công Đức Tịnh Thổ đệ nhị )
Thích công đức tịnh thổ đệ nhị
Trung Quốc từ xưa đến nay, người xây dựng chùa miếu nhiều nhất chính là vua Lương Võ Đế của Nam Triều.
Thời kỳ mà ông tại vị đã xây dựng số lượng chùa miếu nhiều đến 480 ngôi, và mỗi ngôi đều lớn hơn chùa Phật Quang Sơn bây giờ. Dựa vào con mắt của những người thường mà nhìn nhận thì lẽ ra là công đức vô lượng, và Lương Võ Đế cũng tự cho rằng có công đức vô lượng, cho nên khi mới gặp Đạt Ma Tổ Sư, ông bèn mở lời hỏi có công đức gì không.
Đạt Ma Tổ Sư trả lời “ thật ra không có công đức ”
Bởi vì Võ Đế tâm tồn tà kiến, chấp tướng mà hành bố thí, không biết Như Lai chánh pháp, kiến tạo chùa miếu, cúng dường đại chúng, bố thí thiết chay, đấy là cầu phúc, không thể đem phúc đức xem là công đức. Công đức ở trong Pháp thân, không cầu trên việc tu phước.
Cho nên, có công đức hay không, phải xem việc tu trì “ giới, định, huệ ” và “ tâm có thanh tịnh hay không ”.
Lục Tổ nói : “ có thể kiến tánh thì là công, có thể dùng tâm bình đẳng đối đãi chúng sinh, đó là sự bộc lộ của tự tánh thì là đức ”.
“ Công ” là công phu, muốn kiến tánh thì phải hạ công phu. Công phu sâu mới có thể kiến tánh, như trong tâm kinh nói : “ Hành thâm bát nhã ba la mật đa thời ”. Nếu đã kiến tánh rồi thì nhất định biết được tất cả chúng sinh đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai, chúng sinh là một thể, có thể bình đẳng đối đãi với tất cả chúng sinh thì là đức.
Người đã kiến tánh thì trong mỗi một niệm đều không có chướng ngại, không có bất kỳ sự chấp chước, thường thấy bổn tánh vốn có đủ diệu dụng chân thật, cái này chính là công đức.
Sự chân thật diệu dụng của tự tánh là vô lượng vô biên, quan trọng là bình đẳng từ bi, mà bình đẳng từ bi nhất định phải xây dựng trên cơ sở tâm thanh tịnh. Từ bi không phải là lòng yêu thương bình thường. Lòng yêu thương là tâm ý thức, là tác dụng của tình cảm, không phải là từ bi thật sự. Từ bi là sự bộc lộ của tự tánh, không có sự phân biệt về đối tượng, giống như sự từ bi của Bồ Tát đối với chúng sinh, không vì người thiện, kẻ ác mà thay đổi, là bình đẳng, và không đòi hỏi gì, chẳng kỳ vọng có công đức.
“ Nội tâm khiêm tốn thì là công, bên ngoài hành lễ thì là đức ”
“ Lễ ” chính là lễ kính, lễ nhường, là đức hạnh thể hiện ra bên ngoài. Nguyện thứ 1 của hạnh nguyện Phổ Hiền là “ lễ kính chư Phật ”. Cái gì là Chư Phật ? Nói theo nghĩa rộng, bao hàm tất cả chúng sinh hữu tình, vô tình, phạm vi vô cùng rộng ”. Chính xác mà nói là “ vô bất kính ” đối với tất cả mọi người, tất cả mọi vật, mọi việc, không có cái gì mà không cung kính.
Có thể đem “ Lễ ” biểu hiện ra ngoài, tất nhiên là đã thành ở trung. Có thể thành ở trung thì cần phải là sự khiêm tốn của nội tâm, cái lễ bộc lộ ra bên ngoài như thế mới là thật sự, mới có thể gọi là “ đức ”. Sở dĩ tâm có thể khiêm tốn thì cần phải chinh phục đè nén tâm ngạo mạn, cái này phải hạ rất nhiều công phu, cho nên bảo “ nội tâm khiêm thì là công ”
“ Tự tánh kiến lập vạn pháp thì là công, tâm thể ly niệm thì là đức ”
Dựa vào bổn giác của tự tánh mà kiến lập vạn pháp thì là công, tâm thể rời khỏi tất cả vọng niệm thì là đức.
Lục Tổ nghe đến câu “ ứng vô sở trụ, nhi sanh kì tâm ” mà đại ngộ “ tất cả vạn pháp chẳng rời tự tánh ”; người có thể đốn ngộ kiến tánh tất nhiên nhìn thấu “ tự tánh có thể hàm vạn pháp ”, chính là cái mà ở đây nói “ kiến lập vạn pháp ”. Người kiến tánh, tức tướng mà ly tướng, tại trần bất nhiễm trần, đương nhiên cũng có thể “ hành tất cả thiện, ly tất cả tướng ”, hành bố thí vô trụ nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Đấy mới là công đức thật.
Có thể hành tài thí, pháp thí, vô úy thí mà không chấp chước, như thế chẳng những có phúc đức mà lại càng có công đức.
Như Lương Võ Đế xây chùa, cúng tăng, bố thí, nhưng lại chấp chước nơi công đức, như vậy chẳng những không có công đức, mà phúc đức cũng chỉ có hạn.
Bất ly tự tánh là công, ứng dụng vô nhiễm là đức.
Niệm niệm lấy tự tánh làm quy y, không rời tự tánh là công, khi ứng dụng không nhiễm cảnh trần thì là đức. Nếu muốn tự mình chứng pháp thân công đức, chỉ cần dựa theo những cái đã nói ở trên mà làm, đó mới là công đức thật sự.
Nếu là người cần mẫn tu công đức, tâm sẽ không khinh mạn ( xem thường ) người khác, thường có thể tôn kính tất cả chúng sinh. Trong lòng thường khởi tâm khinh mạn, không đoạn trừ ngã chấp, tự nhiên chẳng có công, tự tánh bị che lấp mà hư vọng không thật, tự nhiên không có đức; chính do ngã chấp chưa đoạn trừ, tất cả lấy mình làm chủ, vọng tự tôn đại, do vậy mà xem thường tất cả.
Thiện tri thức ! niệm niệm vô gián là công, tâm hành bình trực là đức, tự tu tánh là công, tự tu thân là đức.
Thiện tri thức ! niệm niệm thanh tịnh, chẳng có vọng niệm thì là công, tâm luôn luôn hành bình đẳng thì là đức, tự mình cần mẫn tinh tiến tu tánh là công, tự mình cần mẫn tinh tiến tu thân, khiến cho tam nghiệp : tâm, khẩu, ý thanh tịnh thì là đức.
Thiện tri thức ! Công đức cần phải từ tự tánh đi chứng ngộ mà thành tựu, không phải do bố thí cúng dường mà có thể cầu được, cho nên công đức và phước đức là có chỗ khác biệt. Võ Đế không hiểu được chân lý, thật ra xây chùa, cúng tăng, bố thí, những thứ này chỉ là phúc đức mà thôi, chứ không phải là Đạt Ma Tổ Sư nói sai.
Tu bàn trên đạo trường, tài thí, pháp thí, vô úy thí, hy sinh phụng hiến, độ người thành toàn người, là phúc đức hay là công đức ? Cái này hoàn toàn phải xem tâm của người đương sự. Nếu có thể tam luân thể không ( Người bố thí, người nhận và vật bố thí ra ngoài gọi là tam luân, sau khi hành bố thí, cái tam luân tướng này không tồn nơi tâm ), “ ứng vô sở trụ, hành việc bố thí ”; có thể hành bố thí mà lại không chấp chước, như “ thanh tịnh kinh ” nói : “ thượng đức bất đức ”, thì là phước huệ song tu, có phước đức, có công đức. Nếu như bố thí mà lại như Lương Võ Đế, chấp chước công đức thì làm gì có công đức ? chẳng qua chỉ được một ít phước báo nhân thiên có hạn mà thôi.
Câu 2 : “ Đệ tử thường thấy tăng tục ( người xuất gia và tại gia ) niệm A Di Đà Phật, nguyện sanh Tây Phương, xin hòa thượng nói : liệu có thật sự được sanh về nơi đó chăng ? hy vọng đại sư có thể phá vỡ sự nghi hoặc cho chúng con ”
Căn cứ cái mà “ Kinh A Di Đà ” nói : “ nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, nghe nói A Di Đà Phật, chấp trì danh hiệu nếu một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, bảy ngày, nhất tâm bất loạn, khi người đó lâm chung, A Di Đà Phật và chư Thánh Chúng, hiện ra trước mặt, là lúc nhân chung, tâm không điên đảo, tức được vãng sinh cực lạc quốc thổ của A Di Đà Phật ”.
Trong nguyện thứ 18 của “ Vô Lượng Thọ Kinh ” cũng có ghi nhận “ khi mệnh lâm chung, nếu có thể nhất tâm bất loạn, niệm 10 câu phật hiệu, thì được vãng sanh thế giới cực lạc ”
( “ Thập niệm phật ” cũng cho rằng : là mỗi một niệm mười câu phật hiệu, thập niệm thì là 100 câu phật hiệu )
Lục Tổ : Phật Thích Ca Mâu Ni trong xá vệ thành nói kinh văn tây phương tiếp dẫn độ hóa, trong kinh nói rất rõ “ mười vạn ức Phật thổ tuy xa, nhưng “ ngộ thì trong chớp mắt ”, cho nên nói “ đi đến đó chẳng xa ”. Nếu dựa trên tướng mà nói, lý số có 10 vạn 8 nghìn, chính là thập ác bát tà trong thân. Chính vì có thập ác bát tà, cho nên mới nói Tây Phương vô cùng xa xôi.
Tại sao đoạn trên vừa mới nói Thế giới Tây Phương cực lạc cách đây đến 10 vạn ức tam thiên đại thiên thế giới, tại sao Tổ Sư ở đây lại nói là “ 10 vạn 8 nghìn ” ? thật ra cái này là Tổ Sư tùy tục mà nói, dùng để ví von vô cùng xa xôi; mặt khác vừa phối hợp thập ác bát tà. Thập ác là chỉ việc tạo tác của 3 nghiệp : thân, khẩu, ý. Thân có tam ác : Sát, đạo, dâm; Khẩu có tứ ác : Ác khẩu, lưỡng thiệt, vọng ngôn, kỳ ngữ; Ý có tam độc : tham, sân, si.
Bát tà chính là sự tương phản của bát chánh đạo, chính là tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà mệnh, tà nghiệp, tà tinh tiến, tà niệm, tà định. Nếu có thập ác bát tà, không bị xuống tam ác đạo thì đã là vô cùng may mắn rồi, làm sao có thể vãng sinh Tây Phương Cực Lạc thế giới ?
Nếu nói “ xa ” thì thuộc căn cơ thấp, nếu bảo : “ gần ” thì là thượng căn lợi trí.
Căn tính của người tuy có 2 loại, chính là thượng trí và hạ ngu, còn Phật Pháp thì là không có phân biệt, chỉ do sự bất đồng giữa mê và ngộ, cho nên kiến tánh cũng có sự khác biệt giữa nhanh và chậm.
“ Xa ” là vì trong thân có thập ác bát tà, nếu muốn vãng sinh thế giới Tây Phương cực lạc thì giống như cách nghìn trùng sông núi, không có thập ác bát tà thì thiên đường ở ngay trước mắt.
Người không hiểu được chân lý, niệm Phật cầu vãng sanh cực lạc tịnh thổ; nhưng người giác ngộ, có thể tự mình tịnh hóa tâm tánh của mình, cho nên Phật nói : “ Tùy theo tâm thanh tịnh của mình, cũng là sự thanh tịnh của Phật thổ ”.
Ý chính là nói : “ Tâm tịnh thì có thể đạt đến tịnh thổ Phật Quốc ”, hoặc nói : “ Tâm tịnh thì lúc đó chính là tịnh thổ Phật Quốc ”. Do vậy, hy vọng vãng sinh Tây Phương cực lạc thế giới là lúc thời khắc còn sống này thì phải thành tựu. Cho nên, kỳ vọng có chỗ thành tựu thì nhất định cần phải hạ công phu trên tâm địa của mình, cho nên nói : “ tâm tịnh phật thổ tịnh ”, tâm không tịnh thì làm sao lại có thể đạt đến Tây Phương tịnh thổ ?
Tuy là người Đông Phương, chỉ cần có thể tâm địa thanh tịnh thì không có tội; nhưng tuy là người Tây Phương, tâm không thanh tịnh thì vẫn là có tội.
Người tu hành nếu không biết phải hạ công phu trên tâm địa của mình, Lục Tổ bèn giả thiết nói : Người Đông Phương tạo tội xong, niệm Phật cầu sanh Tây Phương cực lạc thế giới; vậy người Tây Phương tạo tội xong, nên niệm Phật cầu sanh ở Quốc thổ nào đây ? Người phàm ngu mê không thể liễu ngộ chân lý của tự tánh, không thể biết được trong thân vốn có tịnh thổ, do vậy phát nguyện sinh Đông Phương, sinh ở Tây Phương; người giác ngộ thì dù ở đâu cũng vậy, không có nơi nào chẳng là tịnh thổ. Cho nên Phật nói: “ Tùy theo nơi mà thân ở, có thể thường an lạc ”.
Chỉ cần tâm địa không có niệm đầu bất thiện thì rời thế giới Tây Phương cực lạc chẳng xa. Nếu có tâm niệm bất thiện, niệm Phật cầu vãng sanh cực lạc Tây Phương thế giới, cái đó rất khó mà đạt được.
Nay khuyên các vị thiện tri thức, trước hết trừ đi nghiệp thập ác, cũng như đã đi được 10 vạn dặm đường, sau đó lại trừ đi bát tà, lại đi được thêm tám nghìn dặm. Niệm niệm đều có thể tự thấy chân như bổn tánh, hành vi thường xuyên có thể gìn giữ bình đẳng chánh trực, như vậy thì trong khoảnh khắc của cái búng tay đến được Tây Phương tịnh thổ, bèn có thể thấy được A Di Đà Phật.
Đấy chẳng phải là “ Tây Thiên tuy xa trong chốc đến ” ? Đã đến bèn thấy bổn giác của tự tánh, đó cũng là mục đích sở tại của việc niệm Phật. Nói như thế, A Di Đà Phật lẽ nào không phải là tự mình sao ?
Chỉ cần có thể hành thập thiện, cần gì lại phải ngoài ra phát thêm nguyện vãng sanh tịnh thổ ? Bởi vì trước mắt chính là tịnh thổ, nếu không đoạn tâm của thập ác, lúc mệnh lâm chung, làm gì có vị phật nào đến đón mời vãng sanh tịnh thổ ?
Nếu có thể đốn ngộ, khế nhập tất cả vạn pháp vốn không sanh không diệt, đạt đến cảnh giới cứu cánh niết bàn, nhìn thấy thế giới cực lạc chỉ trong nháy mắt; nếu không thể chứng ngộ vô sanh đốn pháp, mà niệm Phật cầu sanh cực lạc tịnh thổ, vậy thì đường đi xa xôi, làm sao có thể đạt được tâm nguyện vãng sanh tịnh thổ ?
Ở đây, có thể rất rõ ràng thấy được, Lục Tổ khẳng định có Tây Phương cực lạc tịnh thổ. Tây Phương tịnh thổ, do các chúng sanh mà tiếp dẫn có sự khác biệt về mặt đối tượng, phân làm Phàm Thánh đồng cư thổ, phương tiện hữu dư thổ, thật báo trang nghiêm thổ và thường tịch quang tịnh thổ.
Phàm phu thì vãng sanh sống ở Phàm Thánh đồng cư thổ
Hàng nhị thừa vãng sanh sống ở phương tiện hựu dư thổ
Nếu minh tâm kiến tánh, ngộ được vô sanh đốn pháp thì sống ở thật báo trang nghiêm thổ
Thường tịch quang tịnh thổ thì là tánh thổ.
Pháp môn niệm Phật tịnh thổ, nếu có thể niệm đến nhất tâm bất loạn, thì như là minh tâm kiến tánh của thiền tông, cũng là ngộ vô sanh đốn pháp. Đến cảnh giới này, nếu vãng sanh Tây Phương, thì sống ở thật báo trang nghiêm thổ
Nếu như vẫn chưa nguyện vãng sanh, tuy sống ở thổ này, tâm cảnh không khác tây Phương tịnh thổ. Từ đây có thể biết, Lục Tổ dựa vào thân phận Tổ Sư của pháp môn đốn giáo, ở đây khích lệ những người niệm Phật : không niệm Phật vãng sanh thì thôi, muốn niệm Phật thì phải niệm đến “ Lý nhất tâm bất loạn ”, đấy chính là ý thú vị của Tổ Sư thuyết pháp.
Lục Tổ nói : “ Các vị, sắc thân bản thân người đời giống như một tòa thành, mắt, tai, mũi, lưỡi thì giống như cửa thành. Cùng với thân thể mà nói, bên ngoài có 5 cánh cửa, bên trong có một cửa ý.
“ Tâm ” ví như đất ở trong thành, “ tánh” làm chủ, ví như quốc vương phát hiệu tư lệnh, tánh vương sống ở trên mảnh đất tâm. Tánh ở trên mảnh đất tâm thì là có Vua tồn tại, tánh rời khỏi mảnh đất tâm thì vua cũng không còn tồn tại.
Từ hai câu này có thể nhìn thấy : “ tánh” ở đây không thể giải thích như tự tánh, mà chỉ về A Lại Da thức, nếu xem như tự tánh mà giải thích thì không thông rồi, bởi vì tự tánh chẳng có đến và đi, có đến có đi là A Lại Da thức, là thần thức. Khi mê thì gọi là thức, khi ngộ thì gọi là trí.
Cho nên, nếu tánh tại thì thân tâm cũng tồn tại, nếu tánh đi thì thân tâm cũng bại hoại.
“ Phật hướng tánh trung tác, mạc hướng thân ngoại cầu ”. Tự tánh mê thì là chúng sinh, tự tánh giác thì là Phật.
Phải biết được bất luận là học Phật hay học đạo đều là học bên trong, cái gọi là : đạo ở nơi tự thân, ngoại thân không có đạo ”
Lục Tổ chỉ rõ cho chúng ta biết : then chốt sở tại của thành phật, phải từ trong cái chân như bổn tánh mà đi giác ngộ thành tựu, tuyệt đối không nên hướng ra bên ngoài mà truy cầu ! Tự tánh mê thì là chúng sinh, tự tánh giác ngộ thì là Phật. Cho nên sự khác biệt giữa chúng sanh và Phật là giữa mê và ngộ mà thôi.
Từ bi tức là Quán Âm, hỷ xả gọi là Thế Chí, có thể tịnh tức là Thích Ca, Bình trực tức là Di Đà
“ Quán Thế Âm Bồ Tát ” mang tinh thần đại từ đại bi, quán sát hoặc lắng nghe được khổ nạn của chúng sanh bèn đi đến cứu bạt, nếu chúng ta có thể tồn niệm từ bi trong tâm thì giống như Quán Âm Bồ Tát vậy.
“ Đại Thế Chí Bồ Tát ” đối với mọi chúng sanh có thể bình đẳng hoan hỷ mà bố thí; nếu tâm chúng ta có thể tồn bình đẳng hoan hỷ mà bố thí cho tất cả chúng sanh thì giống như Đại Thế Chí Bồ Tát.
“ Thích Ca ” là năng nhân “ Mâu Ni ” là tịch mặc thanh tịnh; Thích Ca Mâu Ni chính là tu thanh tịnh nhân từ, công đức viên mãn mà thành tựu Phật đạo; nếu tâm có thể tồn nhân từ và thanh tịnh vô nhiễm, thì giống như Thích Ca Mâu Ni.
“ A Di Đà ” là tiếng phạn, phiên dịch sang nghĩa tiếng hoa là Vô Lượng. A Di Đà Phật dựa vào tâm thẳng thắn bình đẳng vô lượng, phát 48 nguyện, thành tựu Tây Phương cực lạc tịnh thổ; nếu tâm có thể thẳng thắn thì cũng giống như A Di Đà Phật vậy.
Danh hiệu của Chư Phật Bồ Tát là tông chỉ giáo hóa chúng sanh của họ, niệm danh hiệu của họ, mục đích là nhắc nhở chúng ta noi theo tinh thần của Phật, Bồ Tát. Mặc niệm ngũ tự chân ngôn, nên noi theo tinh thần của Tổ Sư, chân tánh bộc lộ, “ bụng lớn có thể dung chứa tha thứ ”, “ lòng tràn ngập hoan hỷ ” mà từ bi yêu thương tất cả chúng sanh.
Nhân ngã chấp, pháp ngã chấp thì giống như núi Tu Di vậy, sẽ làm chướng ngại chánh đạo thành Phật. Tà tâm ( trong lòng khơi dậy tâm niệm bất chánh ) thì giống như nước biển hung dũng vậy. Vô minh phiền não thì giống như từng cơn sóng lại từng con sóng nhấp nhô lên xuống bất định, khiến cho tự tâm không cách nào bình tĩnh. Nếu tồn tâm độc hại người khác, vậy thì giống như con ác Long hung mãnh. Tâm địa hư vọng không thật thì là “ quỷ thần ”. Vì phàm tục mà cạn kiệt thân tâm, ô nhiễm thân tâm thì là trần lao, nếu thường ở trần lao thì giống như “ cá mang mai rùa ” vậy, suốt ngày bơi trong nước không ngừng. Tham, sân, si khiến cho con người phiền nộ bất an, thường tạo ác nghiệp, giống như sống trong địa ngục vậy. Ngu si không có trí tuệ thì giống như “ súc sinh ”.
Thiện tri thức ! thường hành thập thiện, giữ gìn thân, khẩu, ý ba nghiệp thanh tịnh, có thể đến được thiên đường ngay lúc đó; trừ bỏ đi nhân ngã chấp, pháp ngã chấp, thì những trở ngại cao như núi Tu Di cũng phải sụp đổ. Trừ bỏ đi tà tâm thì nước biển hung dũng sẽ khô kiệt. Phiền não chẳng còn thì sóng tiêu diệt mà khôi phục lại bình tĩnh. Trừ bỏ đi tâm độc hại thì Ngư Long bèn diệt tuyệt.
Như vậy, Giác tính Như Lai từ trên tâm địa của mình tự nhiên hiện ra trí tuệ quang minh, ngoại chiếu lục căn trong lục trần thanh tịnh vộ nhiễm, có thể phá được dục nghiệp của lục thiên dục giới.
Tự tánh nội chiếu, tam độc tức trừ, địa ngục đẳng tội, nhất thời tiêu diệt.
Tam độc chính là tham, sân, si; tham là cái nhân của ngạ quỷ, sân là cái nhân của địa ngục, si là cái nhân của súc sanh.
Nếu có thể hồi quang phản chiếu, tự tánh thanh tịnh, tam độc không nảy sinh từ chỗ nào thì tội nghiệp của tam ác đạo như địa ngục cũng vào lúc nhất tâm mà đồng thời tiêu diệt.
Trong không có tam độc, ngoài không nhiễm lục trần, trong và ngoài đều quang minh thấu triệt thì không gì khác so với Tây Phương tịnh thổ.
Nếu không dựa vào như thế mà tu hành thì làm sao có thể đến được thế giới Tây Phương cực lạc ?
Cái gọi là “ Đạt Ma Tây Lai nhất tự vô, toàn bằng tâm ý dụng công phu ”; Sư Tôn cũng nói : “ tu đạo tu tâm ”, mọi người nhất thiết phải ghi nhớ kỹ, đừng nên tâm ngoài cầu pháp để tránh ngộ nhập ( đi sai vào ) con đường sai lầm.
Lục Tổ : “ Thiện tri thức ! nếu muốn học Phật tu hành, tại gia cũng có thể làm được, không nhất định phải xuất gia tại chùa. Người tại gia nếu có thể cần cù tinh tiến dựa theo pháp mà tu hành thì giống như tâm địa người Đông phương lượng thiện; tuy xuất gia sống ở trong chùa, nhưng không thể dựa theo Pháp mà tu hành thì cũng giống như người Tây Phương tâm tồn niệm ác. Chỉ cần tâm địa thanh tịnh, thì là Tây Phương tự tánh.
Hai chữ “ thanh tịnh ” là tông chỉ sở tại của việc tu học, bất kỳ một pháp môn nào, muốn phán đoán nó là chánh hay tà thì dựa vào tiêu chuẩn này; nếu lấy “ thanh tịnh ” làm tông chỉ thì là chánh, không lấy thanh tịnh làm tông chỉ thì là tà. Nếu đã như thế, nếu muốn luận một người tu học có thành tựu hay không thì phải xem tâm thanh tịnh hay không thanh tịnh; về việc tu tại gia hay tu xuất gia là không quan trọng.
Vậy thì tại gia tu hành thế nào ?
Lục Tổ nói : “ ta nói cho mọi người vô tướng tụng, chỉ cần có thể dựa vô tướng tụng này mà tu hành thì giống như thường ở bên cạnh ta không khác biệt. Nếu không theo vô tướng tụng này mà tu hành, tuy rằng xuống tóc xuất gia làm tăng ni, đối với đạo nghiệp cũng chẳng có trợ ích gì.
Tụng viết :
Tâm bình hà lao trì giới,
Hạnh trực hà dụng tu thiền.
Ân tắc thân dưỡng phụ mẫu,
Nghiã tắc thượng hạ tương lân.
Nhượng tắc tôn ty hòa mục,
Nhẫn tắc chúng ác vô tuyên.
Nhược năng toản mộc thủ hỏa,
Ứ nê định sinh hồng liên.
Khổ khẩu tức thị lương dược,
Nghịch nhĩ tất thị trung ngôn.
Cải qúa tất sanh trí huệ,
Hộ đoản tâm nội phi hiền.
Nhựt dụng thường hành nhiêu ích,
Thành đạo phi do thí tiền.
Bồ đề chỉ hướng tâm mích,
Hà lao hướng ngoại cầu huyền.
Thính thuyết y thử tu hành,
Thiên đàng chỉ tại mục tiền.
Dịch nghiã :
Tâm bình đẳng (bất nhị) chẳng nhọc trì giới
(tâm địa chẳng quấy tự tánh giới).
Hạnh ngay thẳng (bất nhị) đâu cần tu thiền.
(Hạnh ngay thẳng là công phu bảo nhậm, ngộ rồi chỉ cần bảo nhậm, khỏi phải tu thiền ).
Báo ân là nuôi dưỡng cha mẹ,
Nhân nghiã thì già trẻ thương nhau.
Khiêm nhường thì sang hèn hoà thuận,
Nhẫn nhục thì việc ác chẳng sanh.
Nếu công phu miên mật mãi mãi,
Kẻ ngu độn cũng phải kiến tánh.
Thuốc đắng hay trừ được bệnh khổ,
Lời trái tai ắt là trung ngôn.
Tự sửa quấy sẽ sanh trí huệ,
Giấu lỗi thì trong tâm chẳng lành.
Hằng ngày thường lợi ích chúng sanh,
Thành đạo chẳng do bố thí tiền.
Bồ đề chỉ ở nơi tâm ngộ.
Ðâu cần hướng ngoại để cầu huyền.
Nghe xong hãy theo đây mà tu hành,
Tịnh độ đã ở ngay trước mắt.
“ Tâm bình hà lao trì giới ? hành trực hà dụng tu thiền ?
Ân tắc hiếu dưỡng phụ mẫu, nghĩa tắc thượng hạ tương lân
Kệ Tụng nói : “ Tâm có thể đạt đến bình đẳng thật sự thì hà tất phiền tâm lao lực giữ gìn giới luật ?
Câu này chúng ta phải biết xem xét, Lục Tổ không có nói là không cần giữ giới, mà là nói tâm quả thật đã bình đẳng rồi thì không cần phải trì giữ giới luật nữa. Vấn đề là tâm có phải đã đạt đến sự bình đẳng thật sự ? Cái gọi là bình đẳng nhất định phải đạt đến : “ chư pháp nhất như ”, không có một pháp nào mà không như nhau, vậy mới là bình đẳng. Do vậy, tâm đã bình đẳng, việc tu học trì giới cũng viên mãn. Phía trước chẳng phải nói “ kiến tánh là công, bình đẳng là đức ” sao ? Tâm có thể bình đẳng không, điều kiện tiên quyết chính là phải chăng đã kiến tánh, nếu đã kiến tánh rồi, đương nhiên chẳng cần phải tiếp tục giữ lấy các giới điều chết, bởi vì tâm đã thuần chân vô vọng, có thể “ tùng tâm sở dục, không vượt qua quy củ ”, tuyệt đối sẽ không tái phạm giới.
Có thể hành nhất trực tâm, thì hà tất lại tu thiền ?
Nhất trực tâm là chân tâm, đạo tâm, thuần chánh vô vọng, tuy vô định tướng, thường tại định trung, đó là đỉnh cao của thiền. Ý của Lục Tổ tuyệt đối không phải là bảo chúng ta không cần tu thiền ( ngoại ly tướng ), nếu không tu thiền thì tâm không được an ninh.
Nói đến “ báo ân ”, trước hết phải báo ân của phụ mẫu, biết được phải hiếu dưỡng phụ mẫu. Mục đích tột cùng của hiếu chính là thành Thánh thành Phật, cái gọi là “ lập thân hành đạo, dương danh nơi hậu thế, là sự tột cùng của hiếu ” ( Hiếu kinh )
“ Nghĩa ” là lẽ đương nhiên, đối với bậc trên hay người dưới đều phải thương yêu đùm bọc nhau, phải có tâm đồng cảm. Tinh thần của nghĩa khi đem mở rộng phạm vi thì là : đồng thể đại bi ”, đó là nghĩa lớn.
Nhường tắc tôn ti hòa mục, nhẫn tắc chúng ác vô tuyên
Có thể lễ phép nhường nhịn không tranh giành, giữa tôn trưởng và hạ thuộc tất có thể hòa nhã. Người có thể nhẫn nhục, tâm lượng tất nhiên rộng lớn, do vậy mà sẽ không để tâm đối với các hành vi ác của tất cả mọi người, không dẫn đến việc đi lan truyền bất kỳ thị phi nào.
Nhược năng toản mộc thủ hỏa,
Ứ nê định sinh hồng liên.
“ Đoản mộc ” biểu hiện hạ công phu rất sâu, có thể tinh tiến không mệt mỏi biếng nhác. “ Xuất hỏa ” là thành quả, đại biểu khai trí tuệ.
“ Ứ nê ” ví như phàm phu
“ Hồng liên ” ví như là Phật
Có thể tu hành tinh tiến không mệt mỏi, tất nhiên trí tuệ rộng mở, cho dù là phàm phu cũng có thể tu thành Phật.
Tục ngữ nói : “ lương dược khổ khẩu lợi ư bệnh, trung ngôn nghịch nhĩ lợi ư hành ”, cũng chính là nói, đắng miệng là thuốc tốt có ích lợi cho chữa bệnh, thuốc đến thì bệnh khỏi. Đối với sự khuyên can của người khác, tuy rằng không hợp với ý mình, nhưng lại là những lời trung thành có lợi cho hành vi của mình.
“ Lỗi Sai”, nghiêm khắc mà nói, khởi tâm động niệm chính là lỗi sai, đó là lỗi sai của tâm, tâm động rồi thì là đang tạo nghiệp. Do vậy, sửa sai có thể nói là đang trừ bỏ nghiệp chướng, nghiệp chướng một khi trừ bỏ thì trí tuệ nảy sinh. Nếu có sai mà chẳng những không sửa, trái lại che giấu lỗi sai, nội tâm nhất định không lương thiện.
Nhựt dụng thường hành nhiêu ích,
Thành đạo phi do thí tiền.
Bồ đề chỉ hướng tâm mích,
Hà lao hướng ngoại cầu huyền.
Mỗi ngày thường xuyên làm nhiều việc có lợi cho nhân quần, đem lại lợi ích to lớn nhất cho chúng sanh. Thành tựu phật đạo không phải là do bố thí tiền bạc.
Nếu như bố thí tiền bạc có thể thành Phật, Phật Đà đã chẳng cần phải xuất gia, bởi vì sau này làm Quốc Vương rồi, có được vinh hoa phú quý hưởng không hết, muốn bố thí tiền thật là quá ư dễ dàng. Thế nhưng, từ xưa đến nay, có bao nhiêu thí chủ thích bố thí thành tựu Phật đạo đâu ? Còn sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni xuất gia, mỗi ngày ăn một bữa, cũng phải tìm đến thí chủ hóa duyên, kết quả lại thành Phật.
Do vậy, phải biết rằng, thành tựu Bồ Đề tự tánh, chỉ cần hướng vào nội tâm tìm kiếm, hà tất phải tốn công vô ích hướng bên ngoài mà cầu huyền diệu ? Đặc biệt ghi nhớ “ Bên ngoài dù có diệu đến cỡ nào cũng chẳng diệu đâu ”
Sau khi nghe rồi, phải dựa theo kệ tụng mà tu hành, nếu có thể như vậy thì hiện tiền ( trước mắt ) chính là Thiên đường.
Cái gọi là “ nhãn tiền ” ngoài ra còn có một ý, là chỉ trước khi mắt chưa xem, cũng chính là lúc tâm chưa động, lúc tâm chưa động chính là “ tâm đầu ”, “ tâm đầu ” là nguồn đầu của tâm, chính là tự tánh. Đây chẳng phải là thiên đường thì là đâu ? Đây cũng chính là căn nguyên của kiến văn giác tri, chẳng phải là “ nhãn tiền quán tức thị ” hay sao ? đó chính là một con đường rõ ràng mà Thầy đã chỉ dẫn. “ Đại đạo phân minh tại tâm đầu ” ( Đàm chân lục ), nên nhận biết rõ chứ đừng có lạc đường.
Lục Tổ Đại Sư lại nói : “ Thiện tri thức ! mọi người nhất định phải dựa theo kệ tụng mà tu hành, chứng ngộ chân như bổn tánh, trực thẳng thành tựu Phật đạo, phải ghi nhớ : Phật pháp là không có đối đãi. ”
Số lượt xem : 571