Đạo Hóa Gia Đình
Mỗi gia đình là một thửa ruộng
Tiền nhân gieo trồng, hậu nhân hưởng
Nhân tốt duyên lành, quả lành ngọt
Nhân xấu duyên ác quả tệ thường.
Đời cha ăn mặn, con thường khát
Con gieo tội, cha lụy tai ương
Chung gia đình : cùng chung thửa ruộng
Nên cùng hưởng quả khổ hoặc sướng.
Mỗi gia đình thường là nơi tụ
Oan gia trái chủ làm thân quyến
Trả nhau ân oán tình thù nợ
Chẳng tu thì lụy nhau khổ phiền.
Hữu đạo minh quân, nước an lạc
Hôn quân vô đạo, dân khổ thường
Gia đình là quốc gia thu nhỏ
Có quan hệ tương hỗ “ dân-vương ”.
Đạo hóa gia đình, gia hữu đạo
Cùng tu đạo sinh hoạt đời thường
Chuyển hóa ác nghiệp thành thiện nghiệp
Chuyển hóa ác duyên nên duyên lành.
Gia đình gieo trồng chủng tử đạo
Thì nên đạo quả, nên quả lành
Nơi mẫu ruộng tâm và phước ruộng
Tùy tâm thanh tịnh, “tịnh độ” sanh.
Gia hữu đạo, nhà thường an lạc
Thường hạnh phúc như “ Hoạt Thần Tiên ”
Gia hữu đạo, Thánh Hiền noi học
Lưu gương sáng, đạo nơi thân hiển.
“ Đạo hóa gia đình ” gia hữu đạo
Khi rời trần thế chẳng ưu phiền
Chẳng vì thân quyến tâm quái ngại
An nhiên tự tại về Tây Phương.
Gia hữu đạo, phước lành vô lượng
Hợp lòng người trời, trời người thương
Viên mãn nhân duyên đời quyến thuộc
Cùng đoàn tụ Cực Lạc Tây Phương.
Gia lìa đạo, vô biên tội nghiệp
Trái đạo, bại đức, phước tiêu nhanh
Nợ cũ chưa sạch, thêm oán mới
Oan oan tương báo luân hồi thành.
“Đạo hóa gia đình” tu chuyển nghiệp
Ngộ đạo rồi nhanh phải thêm nhanh
Bài tập của tại gia cư sĩ
Kiếp này phải viên mãn hoàn thành.
Mỗi gia đình là một đạo trường
Là nơi tu hành, là lò luyện
Là nơi khảo nghiệm, thi thường nhật
Nên đạo hóa gia đình ưu tiên.
Đạo hoá gia đình là một bài tập tất yếu mà các tu sĩ Bạch Dương tại gia nhất định cần phải làm trên con đường hành Bồ Tát đạo tự độ độ tha để viên mãn tất cả các mối nhân duyên trong kiếp này, cũng là sự thể hiện của lòng từ bi yêu thương xuất phát từ chân tâm muốn cứu độ những người thân quyến ruột rà trong gia đình thoát khỏi bể khổ của nhân quả nghiệp lực phiền não và sanh tử, cũng là thể hiện trí tuệ của người tu đạo.
Trong việc đạo hoá gia đình, thì việc hướng cả gia đình chuyển nghiệp ác sang nghiệp lành bằng việc chuyển sang chế độ ẩm thực chay để hợp với đạo và trưởng dưỡng lòng từ bi, ngưng tạo sát nghiệp là việc làm bước đầu thiết thực nhất, cũng là việc khó khăn nhất đối với hầu hết mọi người. Cũng bởi độ khó cao nên khi làm được như thế thì lại càng là đáng quý, càng là công đức trí tuệ to lớn, càng là sự thể hiện ra tình yêu thương chân thành nhất đối với thân quyến gia đình, là sự kết hợp giữa tình yêu thương và trí tuệ mới làm được như vậy.
Các tu sĩ tại gia muốn có thể hướng gia đình ăn chay trường, ngoài việc chia sẻ các đạo lý nhân quả trong Phật pháp, thì việc học tập, sáng tạo ra các món chay ngon để tiếp dẫn những người sơ cơ vẫn là việc làm thiết thực nhất, có trợ lực rất lớn hơn so với bất cứ đạo lý gì. Thay vì mãi mong đợi người thân nguyện ăn chay, mong đợi mẹ hay vợ, người yêu ... nấu cho mình ăn các món chay, chi bằng hãy tự học tập và sáng tạo ra các món chay thật ngon để nấu cho các vị ấy ăn khiến cho ăn là ghiền, lại chỉ dẫn cụ thể cho cách chế biến ...để tiếp dẫn các vị ấy, đó mới chính là kế sách và phương tiện khéo hay nhất. Chỉ sợ người chẳng có quyết tâm, chẳng có đủ tình yêu thương chân thật đầy sâu sắc và trí tuệ, tự bản thân vẫn chưa buông xả được " khẩu dục " từ các món thịt ngon mà thôi.
Đạo trong ẩm thực hằng ngày chính là một phần bài tập quan trọng trong sự nghiệp " đạo hoá gia đình ". Lòng từ bi, tình yêu thương muôn loài cần được thể hiện một cách thiết thực nhất ngay trong bữa ăn hàng ngày. Tu đạo cần phải quay về hợp dần với đại đạo, hợp với " bổn lai diện mục " và cấu tạo cơ thể người mà tạo hoá đã ban tặng, tức ba nghiệp thân khẩu ý phải trở về sự thanh tịnh vô nhiễm, vô vi, vô trụ. Bữa ăn hàng ngày là thứ thiết thực nhất gắn liền với sinh mệnh và tâm tánh con người, thể hiện ra bên ngoài một cách vô cùng rõ rệt. Vậy nên trong việc đạo hoá gia đình thì đạo trong ẩm thực là yếu tố quan trọng hàng đầu không thể không chú trọng. Do bởi đạo là hết sức tự nhiên nên việc tu hành cũng cần mang tâm thái hết sức tự nhiên. Để có thể đạo hoá gia đình ăn uống hợp với đạo và hết sức tự nhiên, việc phối hợp nhiều các sắc màu tự nhiên đẹp mắt với các hương vị ngon của tự nhiên từ các loại rau củ quả phối hợp hài hoà lại đầy đủ dưỡng chất chính là việc quan trọng nhất đòi hỏi người đầu bếp tu đạo cần vận dụng tâm trí và tình yêu thương gửi gắm vào các món ăn đến " thực khách " mà mình cần đạo hoá.
Số lượt xem : 2159