Công Đức Của Việc Thường Khấu Đầu Lạy Phật
Học biết uốn cong eo khom người cúi hạ,
Có thể "co duỗi linh hoạt", ấy là trí tuệ bồ đề
Trong Kinh Di Lặc Cứu Khổ Chân Kinh có câu : “ yếu tưởng thành Phật cần lễ bái, thường trì thông minh trí tuệ tâm ”, nếu chúng ta muốn thông minh và có trí tuệ sáng suốt thì hãy duy trì mỗi ngày cung kính lễ lạy Chư Phật, đó cũng là con đường để cho chúng ta tiếp cận cảnh giới của Đức Phật và tương lai sau này sẽ thành Phật.
Chư Phật và Bồ Tát là những vị đã tu các công đức lành, nhiều số kiếp đã viên mãn, đã chứng đắc pháp thân, có “ nhất thiết chủng trí ” ( thấy biết tất cả ), do đó 10 phương cõi hư không pháp giới Chư Phật Bồ Tát đều thấy biết rất rõ từng mỗi một chúng sanh, không hề sót một nhân vật nào, như gương sáng thu cảnh vật vậy, do đó người nào trong lòng nhớ Phật thì Phật liền biết, người nào niệm danh hiệu Phật thì Phật nghe, còn ai kính lạy tượng Phật thì Phật đều thấy rõ hết. Chư Phật nhiều kiếp tích chứa các công đức lành, tâm luôn chứa công đức, mà tâm của Chư Phật hướng nghĩ đến đâu thì các công đức cũng hướng theo, cho nên Phật nghĩ tâm đến chúng sanh nào thì chúng sanh đó bèn được an lành. Nói một cách khác, Tâm Phật Bồ Tát là từ bi, phát ra thứ ánh sáng gọi là tâm quang, cho nên khi Phật để tâm đến người nào thì tâm quang chiếu đến người đó, mà tâm quang Phật chiếu đến thì những nghiệp chướng vô minh đen tối bèn tiêu tan, trí tuệ tăng trưởng, được thân tâm an lạc, hoạn nạn qua khỏi, được bình an cát tường. Vậy chúng ta muốn được Chư Phật Bồ Tát để tâm đến thì phải làm sao ? thì trước tiên là mình phải tự kết duyên với các ngài bằng cách là phải thường cung kính lễ lạy.
Chư Phật Bồ Tát là những vị đã huân lập tích chứa tất cả các công đức lành đã viên mãn, cho nên Chư Phật là biểu tượng chỗ thiện lành phúc đức tối thượng, mà người nào lạy Phật là tâm đã hướng đến chỗ công đức của Phật vào tâm mình và mình có chủng tử ( hạt giống ) công đức và tương lai các hạt giống đó sẽ nảy mầm phát triển như Phật và nhất định sẽ thành Phật. Xưa nay vẫn có câu : “ trọng thầy mới được làm thầy ”, do đó chúng ta lễ kính Phật thì mới thành Phật ở kiếp mai sau. Lại nữa kinh nói người thường kính lạy Phật thì đời sau sinh làm người được quả báo thân tướng đoan trang, ai thấy cũng kính mình, như mình đã kính Phật. Cho nên công đức lạy Phật được xếp đứng đầu của 10 nguyện vương của Bồ Tát Phổ Hiền đã dạy : “ nhất giả lễ kính Chư Phật ”, cho nên nếu mình nghèo không có tiền làm công đức, thì mình siêng năng lễ lạy Phật thì vẫn có công đức lớn như Kinh Phổ Môn đã dạy.
Lại nữa, một khi chúng ta thành kính lễ lạy Chư Phật Bồ Tát, thì tự nhiên các vị hộ pháp cũng hộ chúng ta. Vì sao vậy ? Vì Chư hộ pháp là các đệ tử hộ pháp cho Phật, mà chúng ta thường kính lạy Phật, là kính vị thầy “ Sư Phụ ” của họ, thì lẽ đương nhiên họ cũng sẽ ủng hộ lễ kính lại chúng ta, do đó khi có nạn thì tự nhiên họ liền sẽ sẵn lòng giúp chúng ta, cũng như có người biết lễ kính cha mẹ của chúng ta thì tự nhiên chúng ta cảm mến lễ kính tôn trong lại họ vậy, và nếu họ có gặp khó khăn hoạn nạn thì chúng ta liền rất vui vẻ sẵn lòng ủng hộ trợ giúp, lý cũng như vậy. Cho nên người nào thường thành tâm cung kính khấu đầu lễ lạy Phật thì thường được Chư Hộ Pháp ủng hộ hiện đời.
Có nhiều cách thức khác nhau trong việc lễ kính Chư Phật Bồ Tát. Khác với các chùa miếu hậu thiên, Phật đường Tiên Thiên dùng phương thức tay ôm hợp đồng để khấu đầu lễ lạy, bởi đấy là hợp đồng không chỉ dùng để lễ lạy Chư Phật Bồ Tát đã đắc đạo, mà còn là dùng để lễ lạy đấng tối cao sáng tạo ra vũ trụ vạn vật, mẹ linh tánh của Chư Phật Bồ Tát, của vạn linh - đấng Vô Cực Chí Tôn – Lão Mẫu, công đức càng không thể nghĩ bàn. Thường quay về Tiên Thiên Phật đường tay ôm hợp đồng lễ bái biểu thị tấm lòng lễ kính nhớ thương da diết đối với Mẹ Linh Tánh, tâm tồn sự cảm ân uống nước nhớ nguồn, không quên gốc cội, lòng hiếu thảo luôn luôn nhớ về người Mẹ Linh Tánh nơi Vô Cực Lí Thiên, Mẫu Tử liền tâm, tâm tâm tương ứng; thường tự nhắc nhở bản thân luôn quay về nương tựa vào Tự Tánh Phật, khôi phục lại bổn lai diện mục thanh tịnh vốn có ban đầu, chẳng quên cái tâm trẻ thơ ban đầu, luôn ôm giữ chẳng quên lời nguyện đã lập trước Lão Mẫu, độ hoá các anh chị em Nguyên Thai Phật Tử cùng quy căn nhận Mẫu.
Người tu đạo mỗi ngày đều phải làm bài tập, mà điều quan trọng nhất và đơn giản nhất là mỗi ngày đều phải sớm tối hiến hương khấu đầu, đốt cháy “ tâm hương ” của bản thân, khấu lạy Tự Tánh Phật của mình. Nguyện sám văn là để ta sám hối, 100 khấu chỉ để cảm ân ngũ ân ( thiên, địa, quân, thân, sư ) mà thôi, còn về tạ ân Lão Mẫu giáng đạo đại khai phổ độ, ân độ hoá của Dẫn Bảo Sư, ân thành toàn của các Tiền Hiền, do đó phải gia tăng khấu thêm.
Khấu Đầu
Không phải bây giờ cầu đạo rồi chúng ta mới biết khấu đầu, mà lúc còn nằm trong bào thai, chúng ta đã biết khấu đầu rồi, cho nên không phải bây giờ mới biết đâu. Có điều, sau khi chào đời, lạc vào hậu thiên, chúng ta đã quên mất thuở ban đầu của mình, phải thông qua sự chỉ điểm của Thiên Mệnh Minh Sư, chúng ta mới có thể giác ngộ, quay về tìm lại bổn lai diện mục thuở ban đầu của bản thân.
Khi còn ở trong bào thai, các thai nhi đều ở trong tư thế đang khấu đầu, được bao bọc bởi một lớp bào thai bên ngoài rất an toàn, nếu có ai muốn tổn thương hoặc làm hại đến đứa bé, thì trước tiên phải bước qua xác chết của người mẹ. Sau khi cầu đạo, khi chúng ta đang khấu đầu thì cũng có một lớp hào quang bao quanh chúng ta, bảo vệ chúng ta như là bảo vệ đứa bé vậy, trong lúc đó chúng ta khấu đầu phải dùng hết lòng thành tâm mà khấu đầu với Lão Mẫu, thì không có ai có thể làm tổn thương đến chúng ta cả.
Khấu đầu với Lão Mẫu và Chư Phật Bồ Tát có thể giúp tiêu trừ tội lỗi nhiều đời nhiều kiếp của mình. Một khi cúi đầu xuống, phải thành tâm làm cảm động ơn trên, phải rất thành tâm tôn kính mà khấu ra cái lương tâm bổn tánh của mình.
Thầy Tế Công từ bi rằng : “ Thầy biết các con có nghiệp rất nặng, có khi các con không muốn làm như thế. Nhưng vì nghiệp chướng tới đòi nợ ( lôi kéo, che lấp ) làm cho các con khó mà thể ngộ, cho nên phải thành tâm khấu đầu; mà Tiên Phật có phải là tham những cái khấu đầu của các con không ? ( không phải ). Dụng ý của Thầy không chỉ tại đây, mà là vì khấu đầu các con có thể tìm lại Tự Tánh Phật của bản thân, mỗi ngày hiến hương là mỗi ngày sám hối; các con đừng xem thường việc khấu đầu. Có việc gì cần thì nên khấu đầu cầu xin, rất linh nghiệm, cho nên các con càng phải siêng năng thành tâm khấu đầu, như vậy thì nghiệp chướng của các con mới từ từ thối lui, và lúc đó tự tánh của các con sẽ từ từ lớn mạnh quang minh sáng ngời.
Nếu như thân xác này của chúng ta không có nước để tắm rửa mỗi ngày thì sẽ rất dơ bẩn, phải không ? Vậy còn tâm linh thì sao ? Cho nên ngày ngày đều phải khấu đầu trước Lão Mẫu, và Chư Phật Bồ Tát, vì chúng sanh cầu phước, sáng tối hiến hương khấu xong 100 lạy, có muốn tăng thêm số lần khấu hay không là xem các con. Thầy vẫn hy vọng các con có thể khấu 1000 khấu, có được không ? Nếu mỗi ngày các con có thể khấu 1000 khấu để hồi hướng cho chúng sanh, thì họ sẽ được phước và cảm thấy rất an ủi; những oan khiếm của các con cũng không dám tới tìm các con đâu, bởi vì mỗi ngày các con đều vì họ cầu phước, cũng giống như ngày nào các con cũng quan tâm chăm sóc cho người ta, lau chân cho người ta… thử hỏi người ta có còn oán trách và hận các con nữa không ? ( Không ) Đúng vậy, nếu mình tốt với người ta, thì người ta cũng sẽ đối tốt với mình, vậy các con có vui vẻ hay không ? ( Vui vẻ ).
Mỗi ngày khấu đầu hồi hướng cho nghiệp chướng của mình, niệm nguyện sám văn phải dùng chân tâm, thời thời khắc khắc mang tâm sám hối, đã nói rồi thì cần phải đi làm, đó gọi là biết hợp nhất với hành.
Sớm tối khấu đầu không phải vì bản thân, mà phải vì chúng sanh cho nhiều, thường tồn tâm cảm ân; nếu gặp việc không vừa ý, hãy tới trước Phật khấu đầu cho thật nhiều, vì Thầy sẽ luôn ở bên cạnh các con, hy vọng các con không nên buông tay của Thầy.
Nếu các con có tâm sự buồn hoặc có những vướng mắc trong lòng thì trước tiên hãy khấu đầu và tâm sự với Lão Mẫu, thầy không thể nói hết với các con được, khấu đầu xong tự nhiên có kỳ tích xuất hiện ”.
Nói đến hiển hoá, cảm ứng, việc này có hay không ? ( Có ) thế nhưng do nhân duyên của mỗi người khác nhau, cho nên việc đã gặp cũng hoàn toàn khác nhau. Có người ăn trái cây cúng Lão Mẫu, uống nước cúng của Lão Mẫu, thỉnh xuống uống đặc biệt linh nghiệm; đứa trẻ khóc lớn tiếng, sau khi nghe kinh Di Lặc Cứu Khổ Chân Kinh thì bèn ngưng khóc ngay. Vậy tại sao lại có người cũng làm giống như trên mà lại không được linh nghiệm ? Vậy tại sao lại có sự khác biệt này ? Đó là xem chúng ta có thật lòng hay không ? có đủ thanh tịnh hay không ?
Trước khi chúng ta đi thành toàn người, nên khấu đầu với Lão Mẫu trước, thì hiệu quả sẽ cao hơn. Nếu nhà không có Phật đường cũng không sao, hãy tìm nơi sạch sẽ hướng lên Ơn Trên mà khấu đầu 100 lạy, rất đơn giản, có hiểu không ?
Khấu đầu giống như đang khấu lạy mở cửa thông thiên của mình vậy. Ngay lúc đó, chúng ta không có những dục vọng vọng tâm thì tâm của chúng ta mới nối liền với tâm của Lão Mẫu, của Chư Phật được. Thời gian hiến hương khấu đầu là thời gian để cho chúng ta thanh tịnh thân tâm, để cho ta cơ hội phản tỉnh nội tâm. Khấu đầu hiến hương phải dùng tấm lòng thành kính chân thành, không nên tuỳ tiện, phải từ từ mà lạy từng khấu từng khấu một, không nên lạy như kiểu lái tàu cao tốc vậy.
Thầy Tế Công Hoạt Phật nói rằng : “ các con đã biết pháp bảo của Thầy rồi, cũng biết được pháp bảo của bản thân mình là gì rồi, đúng không ? Phải hiến bảo, bảo ở tự thân. Cho nên đạo không xa rời người, mỗi ngày khấu đầu là đang phản tỉnh, ghi nhớ 10 điều đại nguyện của mình, từng khấu từng khấu một cũng là thiên lí lương tâm đang nhắc nhở bản thân, và cũng là bài tập hằng ngày của chúng ta đó. ”
Các vị hãy chăm chú nhìn vào tư thế khấu đầu. Theo ngũ hành mà diễn giải, động tác khấu đầu mỗi lần nhịp lên nhịp xuống như thế, phần đầu cúi xuống ( có chứa quả tim, thuộc hoả ), phần mông nhổng lên ( có chứa quả thận, thuộc thuỷ ), do đó mỗi lần khấu đầu như thế nước chảy xuống dập tắt lửa ( luyện hoả khí ) và cũng gọi là ( lão thuỷ hoàn triều ).
“ Có nhiều khi chúng ta hay than trách rằng Phật quy lễ tiết rất nhiều, rất phiền phức, phải chấp xá, phải khấu đầu, phải cong lưng. Nếu các con không cong eo thì rất dễ bị bệnh gai cột sống. Thật ra khấu đầu cũng là một loại hình vận động thể dục. Bình thường chúng ta rất ít vận động, giờ đây chúng ta đã biết tới phật đường để vận động rồi đúng không ? Có vị Tiền Hiền nọ nhảy cao bất cẩn bị té trật lưng, sau đó đi chụp X quang vẫn không tìm ra nguyên do, ngồi lâu lưng sẽ bị đau. Trải qua một thời gian mỗi ngày khấu đầu, sau đó thì không cần uống thuốc mà đã hết hẳn, do đó mà khấu đầu đúng tư thế thì đó là sự vận động tốt nhất của cơ thể. ” ( Nam Cực Tiên Ông từ bi )
Nên dùng lòng thành của mình để khấu đầu, phải hồi quang phản chiếu, gân cốt phải kéo thẳng. Phần đầu thả lỏng, tay và đầu cùng một nhịp chuyển động. Trọng lượng cơ thể đổ dồn về hai chân, “ khấu đầu ” chứ không phải “ khấu tay ”. Động tác của khấu đầu có phát có thu; động tác đầu và cuối đều nhất trí. Khấu đầu phải thành tâm, mục đích để nuôi dưỡng tấm lòng khiêm hoà và cung kính. Nếu như động tác khấu đầu chính xác thì có thể đả thông kinh mạch, có ích rất nhiều đối với cơ thể.
Đạo giáo có câu : “ Thượng đan điền là Thần, Trung đan điền là Khí, Hạ đan điền là Tinh. Nếu ta tu tinh khí thần cho tốt thì có thể ngũ khí triều nguyên, tam hoa tụ đỉnh.
( Thượng đan điền nằm ngay HQK điều khiển bộ não. Trung đan điền nằm ngay giữa ngực điều khiển tim mạch. Hạ đan điền nằm gần rốn điều khiển thận. )
Ngũ khí là tâm, can, tì, phế, thận. Triều nguyên là trở về đúng vị trí ban đầu ( về nguồn ).
Tam hoa gồm : Nhân hoa là Tinh, địa hoa là khí, thiên hoa là thần. Tụ đỉnh là hội tụ cực đỉnh ( nguyên và đỉnh đều là các huyệt đạo trên đỉnh đầu ).
Trong lúc khấu đầu, sẽ gây ra phản ứng phân tách của các phân tử bên trong cơ thể, phóng ra năng lượng, làm cho toàn thân nóng hẳn lên, có thể phòng chống bệnh mãn tính và chống bệnh cảm lạnh, lại thêm Phật quang phổ chiếu ở phật đường, lúc khấu đầu toàn thân ấm lên và máu lưu thông khắp cơ thể, cộng thêm việc hành công lập đức để trả nợ cho các nhân quả nghiệp lực, như thế có thể từ từ tiêu trừ nghiệp chướng và bệnh tình.
Nghiên cứu cho thấy, khi con vật chuyển động thì toàn bộ lục phủ ngũ tạng cũng rung động theo, bởi cấu tạo các bộ phận đó dường như treo trên cột sống của con vật, mà con vật thì đi bằng bốn chân. Vì vậy khi lục phủ ngũ tạng rung động thì giống như là massage vậy. Thế nhưng con người chúng ta thì không giống như thế, và con người lại đi bằng hai chân, cột sống thẳng đứng, cho nên không có chức năng hỗ trợ lục phủ ngũ tạng massage, nên con người không khoẻ giống như con vật, vì thế mà con người dễ bị bệnh tật. Vậy nên ta phải khấu đầu, vì động tác khấu đầu luôn rung tới lục phủ ngũ tạng của mình !
Các vị hãy nhìn vào những chai nước suối. Khi chai nước lắc qua lắc lại thì nước trong chai sẽ bị rung động và cơ thể chúng ta cũng giống như chai nước suối vậy; nếu chúng ta thường xuyên khấu đầu, cơ thể thường xuyên cử động cũng làm cho máu huyết lưu thông, không bị tắt nghẽn.
Các vị hãy nhìn vào chiếc lá, cấu tạo của nó giống như mô hình bộ xương người vậy, đặc biệt là vùng eo là yếu nhất, mà chúng ta thì không thường vận động vùng eo; về lâu về dài các mô xương không có sự trao đổi chất và tạo ra tuỷ xương mới, tuổi càng cao thì càng thiếu chất nhờn ( tuỷ xương ), giống như động cơ vậy, thường xuyên chạy mà không có dầu nhớt bôi trơn lâu ngày sẽ bị sét và hư. Còn xương của chúng ta lâu ngày không có vận động sẽ dễ bị gãy vị thiếu tuỷ xương, nhất là nữ giới càng phải chú trọng chăm sóc cho xương của mình. Vậy nên khi ta khấu đầu thì đã vận động hết tất cả các khớp xương, nhất là vùng eo và đùi chịu sức rất nhiều, tạo ra cơ chế tự trao đổi chất mới, và luôn khoẻ mạnh về mọi mặt.
Trọng điểm của khấu đầu :
Khi khấu đầu, tâm niệm của ta phải tập hợp tại điểm HQK và Hợp Đồng, cố gắng không nên có tạp niệm. Khấu đầu tâm ý phối hợp chuyển động nhịp nhàng với bàn tay, cảm nhận từ trường giữa khoảng cách từ HQK đến Hợp Đồng, tập trung tư tưởng.
Nếu như chúng ta có khẩn cầu hay cầu nguyện ơn trên về điều gì đó thì trước tiên phải mặc niệm trong tâm và trình bày trước khi khấu đầu với ơn trên. Trong lúc khấu đầu phải toàn tâm toàn ý để chăm chú vào việc khấu đầu mà thôi, không nên nghĩ ngợi vào nội dung đã khẩn cầu lúc nãy. Chỉ cần chăm chú vào việc khấu đầu là được rồi.
Nếu Phật đường có người làm thượng hạ chấp lễ cho thì khấu đầu theo tốc độ đọc của Thượng Hạ chấp lễ; nếu không có chấp lễ thì cũng có thể mặc niệm trong tâm; tốc độ đọc không nên quá nhanh hay quá chậm.
Tốc độ khấu đầu nhanh chậm của mỗi người đều có sự chênh lệch, kể cả số lần khấu, cho nên bản thân phải tự biết điều chỉnh theo khả năng của mình, để cho mọi người sau khi khấu xong đều có cảm giác thân tâm thoải mái; vì thể chất mỗi người đều khác nhau cho nên có sự chênh lệch, không thể đưa cách thức của mình mà áp dụng vào cơ thể người khác.
Thông thường cách tu trì của phật đường gia đình, khấu đầu không phải cầu Tiên Phật Bồ Tát phù hộ, mà đó là công phu tu trì rất thiết thực, có thể làm đoạn diệt niệm đầu. Thế nhưng ta phải tập trung vào việc đếm con số khấu, đừng nên vừa đếm vừa nghĩ ngợi lung tung. Lúc khấu tay ôm hợp đồng lạy trước bái đệm, lỗ tai phải biết nghe âm thanh của số lần đếm ( 1,2,3,4,5 ). Mỗi một khấu đều rất dễ nghe và hiểu rõ ràng, chớ không phải mờ hồ không biết đếm đến số mấy rồi ?
“ Khi khấu đầu sáng tối, đừng nghĩ rằng không có ai quan sát thì khấu một cách cẩu thả. Năng lực của khấu đầu rất lớn, các vị hãy thể ngộ từ điểm này. Tại vì chúng ta khấu đầu thiếu lòng thành, cho nên mới không có hiệu quả. Khấu đầu có thể ôn tập lại Tam Bảo, đừng nghĩ rằng một ngày mình không khấu đầu cũng không sao, thật ra người đó đã từ từ lùi bước mà không biết đó thôi. ( Nam Cực Tiên Ông từ bi ).
“ Khấu đầu tư thế không chính xác, số lần không đầy đủ, thì cộng 1 lỗi; trong lúc khấu đầu, có người gọi điện tới bèn tiếp điện thoại, có người gọi cửa bèn ra mở cửa, thì đều bị cộng 1 lỗi. ” ( Báo Sự Linh Đồng )
“ Phật đường phải giữ gìn sạch sẽ, không nên tuỳ tiện sơ sài; còn có người mặc quần ngắn trong nhà khấu đầu với Lão Mẫu nữa, vậy có đúng lễ với Lão Mẫu hay không ? ” ( Pháp Luật Chủ từ huấn )
“ Hãy coi Phật Quy Lễ Tiết là điều mới học được, phải không ngừng ôn luyện, mỗi một lần ôn tập thì cảnh giới thể ngộ đều khác nhau. Các vị có khấu đầu vì chúng sanh hay không ? Hay là trước bàn Phật khấu đầu là vì danh, cầu lợi, cầu thọ, cầu phước cho bản thân. Phải dùng thiên tâm của các vị để làm việc, đừng nên dùng nhân tâm để suy nghĩ; ơn trên muốn gia trì thêm trí tuệ cho các vị cũng không có cách nào, tại vì các vị phải từ cảnh giới vô tâm thức thì mới có thể thêm trí tuệ cho các vị. Chỉ sợ tâm của các vị không nghe lời, đều bị tai mắt dẫn dụ làm ảnh hưởng tới tâm. Các vị phải biết làm chủ nắm bắt lấy niệm đầu của bản thân mình. ” ( Chung Ly Đại Tiên từ huấn )
Người trí biết dụng
Mang thân người thì ai cũng có cái đầu, mà người trí biết dùng nó thường cúi xuống lễ lạy Phật và đón chào mọi người thì đối với người ai cũng cảm mến, còn đối với Phật thì được Phật để tâm hộ niệm, và quả báo đời sau thì không thể nghĩ bàn. Kẻ ngu thì ngược lại tự cao tự đại, lúc nào cũng đưa cái đầu mình lên cho cao hơn tất cả, chẳng chịu cúi đầu chào đón ai, ngay cả Phật cũng chẳng lạy, lại còn cười chê, thấy người lạy thì cho là mê tín; ngược lại thì muốn ai cũng phải cúi đầu chào mình, cống cao ngã mạn lo trải chuốt trang điểm đội mão cái hoa … làm như vậy tưởng là mình hơn hết, nào ngờ đối với người ai cũng ghét, đối với Phật chẳng được công đức, lại còn mang nhiều tội báo vì khinh khi người lạy Phật. Vậy nên người có trí tuệ thì biết dùng cái đầu của mình để cứ mỗi lần cúi xuống lễ lạy Lão Mẫu Chư Phật Bồ Tát thì phát sanh công đức, biết tận dụng nó để tạo ra công đức. Khấu đầu lễ Phật lễ cho đến tiêu tan cái Tự Ngã ( cái Tôi ), đạt đến độ giao cảm không thể nghĩ bàn với Chư Phật thì “ tội diệt hà sa ”, công đức, phước báo vô lượng.
Số lượt xem : 4802