Vì Sao Phải Hàng Phục Cái Tâm Ngã Mạn ?
“ Diệu Pháp Liên Hoa Kinh ”,
Phải học “ Thường Bất Khinh ”,
Muốn đắc vô thượng đạo,
Bái Minh Sư, hạ mình.
Chẳng hạ mình sát đất,
Có Ngã tội liền sanh,
Vô Ngã khả đạt đạo,
Được Phật thọ ký thành.
Phật truyền vô thượng đạo,
Duy chọn người căn thâm,
Khiêm hạ, thành khẩn học,
Hột chắc, chẳng lá cành.
Pháp vô thượng tôn quý,
Phật chẳng tuỳ tiện trao,
Người tâm chấp, ngạo mạn,
“ Nhất Phật Thừa ” khó vào.
Tâm mê Pháp Hoa chuyển,
Tâm ngộ chuyển Pháp Hoa,
Văn tự nhập “ vô tự ”,
Chơn Đệ Tử Pháp Hoa.
Ai tụng Pháp Hoa Kinh,
Phải học “ Thường Bất Khinh ”,
Tự mãn chuốc tổn thất,
Khiêm hạ được lợi mình.
Chú thích :
( Miệng tụng tâm hành, ấy là chuyển được Kinh.
Miệng tụng tâm không hành, ấy là bị Kinh chuyển )
Phẩm Thứ Bảy : Cơ Duyên ( Kinh Pháp Bảo Đàn ) có ghi chép :
Tăng Pháp Đạt người ở Hồng Châu, bảy tuổi xuất gia thường tụng Kinh Pháp Hoa, đến lễ Tổ Huệ Năng, đầu không chấm đất.
Tổ quở rằng:
- Lạy mà đầu không sát đất, sao bằng đừng lạy. Trong lòng ngươi chắc còn một vật. Ôm giữ cái gì thế?
Đáp:
- Niệm Kinh Pháp Hoa đã đến ba ngàn bộ.
Tổ dạy:
- Dù niệm tới vạn bộ, hiểu được ý Kinh, cũng không lấy làm đắc thắng, mới là cùng ta đồng hành. Người nay đã phụ sự nghiệp ấy mà tuyệt nhiên không biết lỗi. Hãy nghe kệ của ta:
Lạy cốt bẻ cờ kiêu
Đầu nếu không sát đất
Có ngã tội liền sanh
Quên công phước vô lượng.
Sư lại dạy:
- Ngươi tên chi?
- Tên Pháp Đạt.
- Ngươi tên Pháp Đạt, mà chưa từng đạt Pháp.
Lại nói kệ rằng:
Ngươi nay tên Pháp Đạt
Siêng tụng chưa từng nghỉ
Luống đọc theo âm thanh
Minh tâm mới Bồ Tát
Ngươi nay có nhân duyên
Ta sẽ vì ngươi nói
Tin rằng Phật vô ngôn
Hoa sen từ miệng xuất.
Đạt nghe kệ sám hối mà thưa:
- Từ nay trở đi, con xin khiêm hạ với tất cả. Đệ tử tụng Kinh Pháp Hoa mà chưa từng hiểu nghĩa, tâm thường nghi. Hòa thượng trí tuệ quảng đại, xin từ bi nói tóm lược nghĩa lý cho con.
- Pháp Đạt ! Pháp tức rất đạt, mà tâm ngươi không đạt. Kinh vốn không nghi, tâm ngươi tự nghi.
Trong Phẩm thứ nhất Tự Thuật của Kinh Pháp Bảo Đàn, có ghi chép :
Huệ Năng sau khi nghe xong bài kệ của Thần Tú Đại Sư, bèn nói:
- Tôi cũng có một bài kệ, xin nhờ quan Biệt giá viết giùm.
Quan Biệt giá nói:
- Anh này mà cũng làm kệ ư ! Việc này thật ít có.
Huệ Năng bảo quan Biệt giá:
- Muốn học đạo Vô thượng Bồ đề, thì không nên khinh kẻ sơ học. Người hạ lưu đôi khi có trí bậc thượng mà người thượng lưu có thể không có chút trí tuệ nào.
Từ đấy có thể thấy, tâm khinh mạn là chướng ngại lớn nhất cho việc cầu đắc đạo vô thượng.
Tôn Giả Bồ Đề Đạt Ma là vị tổ đời thứ 28 ở Tây Phương, muốn đem đại đạo vô thượng, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền để truyền thụ lại cho Vua Lương Võ Đế, nhưng vì Võ Đế tự cho là mọi thứ bố thí cúng dường, việc thiện xây chùa ( cứ cách 5 dặm là cho xây một am, cách 10 dặm là cho xây dựng một chùa miếu ) mà mình đã làm là công đức vô lượng, thế nhưng đức Đạt Ma lại nói rằng " bố thí làm việc thiện không phải là công đức ", Võ Đế trong lòng bèn không vui, do oan nghiệt ngấm ngầm cản trở, khó hiểu được ý từ phương Tây đến, nên trái lại còn dùng ngọc trượng đánh đuổi Lão Tổ Sư. Lão Tổ Sư thấy Võ Đế vô duyên nên bỏ đi, thế là Võ Đế đã tự đánh mất cái cơ hội ngàn vàn để đắc được đạo pháp vô thượng cũng do bởi cái tâm ngạo mạn tự mãn của bản thân mình. Ngài Thần Quang nhị tổ cũng bởi vì từng khinh mạn đức tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, tay cầm chuỗi hạt châu bằng sắt đánh vào mặt Lão Tổ, làm Lão Tổ rớt hai chiếc răng cửa, cuối cùng phải cấp tốc truy tầm Lão Tổ, tới Hùng Nhĩ Sơn, quỳ suốt thời gian rất dài cầu xin sám hối tội lỗi, mặc cho trời đang xuống tuyết, tuyệt ngập cao tới eo lưng, và cuối cùng rút " giới đao " tự chặt đứt cánh tay trái, làm cảm động Lão Tổ nên Lão Tổ mới đem tâm ấn phật môn, chánh pháp nhãn tàng, đại đạo vô thượng truyền thụ cho ông ta. “ Mãn chuốc tổn, Khiêm được ích ” chính là như vậy đó.
Muốn học vô thượng bồ đề,
Hạ mình sát đất, dứt tâm nghi ngờ,
" Tôn Sư Trọng Đạo " tiền đề,
Không thầy chỉ điểm, khinh nghi ích gì ?
Số lượt xem : 1697