Trì Chay
Chúng ta sau khi vào đạo, trai giới là điều quan trọng cấp thiết nhất. Bởi vì cái tánh của tiên thiên, gốc ban đầu vốn dĩ cực thanh, quyết chẳng dung có khí trược hỗn hợp với nhau, trong thời gian gặp phải có khí trược hỗn tạp trộn lẫn, tự tất loạn mất bổn chơn. Do vậy mà người tu đạo nhất định cần phải lưu thanh bỏ trược, mới có thể khôi phục bổn tánh sáng tỏ. Phàm là thuộc ngũ huân tam yếm đều nên giới trừ đến mức tối đa.
Mùi hơi của ngũ huân hung hiểm, ăn vào thì nguyên khí của ngũ tạng dễ bị xung tán. Tam Yếm là những loài cầm thú thuỷ tộc, đều thuộc âm trược, ăn vào dễ làm tổn thương cái thể thuần dương của con người. Đạo ta nếu đã lấy việc tu luyện thuần dương làm tông chỉ, càng cần phải tránh âm bảo dương, huống hồ ông trời lấy việc yêu thương quý trọng sinh mệnh làm đức hạnh đẹp, người tu đạo nên thể hội ý của ông trời, không thể tham cái bụng miệng mà tuỳ ý sát sanh, dẫn đến tạo ra những oan khiên oan nghiệt. Đối với những thức ăn như thịt, cá, hoặc hành, tỏi, hẹ … tuy không thể nhất thời cai hết, cũng nên từ từ mà thực hành, trước hết trì hoa chay nguyệt chay, lâu dần thành thói quen, sau đó là trì trường chay. Thế nhưng nếu chẳng nguyện trì chay, hãy hành công lập đức thật nhiều để hồi hướng thay cho lục súc tiêu oan. Tóm lại là người tu đạo phải lấy sự từ bi làm chính.
Niết Bàn Kinh có ghi : Ca Diếp bạch Thế Tôn : “ Tại sao Như Lai không dám ăn thịt ? ”
Phật đáp : “ Thiện nam tử, phàm người ăn thịt, đoạn đại bi chủng, ăn thịt đắc vô lượng tội, chết đọa ác đạo, thọ vô lượng khổ ”
Cái gì gọi là thức ăn chay ?
Tất cả các thức ăn mang tính thực vật, ngoại trừ Ngũ Vị Tân : ( Hành (cách thông) hẹ (từ thông), tỏi (đại toán), kiệu (lan thông) và hưng cừ, tên khoa học là Allium fistulosum, là loại gia vị có hình dáng và mùi vị tương tự củ nén không có ở Trung Quốc và Việt Nam ) ra thì đều gọi là thức ăn chay thật sự.
Loại trừ sạch những bất tịnh ( những thứ không sạch sẽ ) của tâm, gọi là Trai.
Ngăn cấm những lỗi lầm sai trái của thân, gọi là Giới. Trai Giới nghĩa là giữ giới để đoạn tuyệt tất cả những tham dục do các giác quan sản sanh.
Vì sao ăn chay không được ăn Ngũ Vị Tân ?
Đặc tính của những thứ nầy nó chứa nhiều tố chất kích thích và mùi vị cay nồng, nếu ăn nhiều thì thân thể có mùi hôi, nóng nảy và bị kích dục. Do đó, mà trong Kinh Lăng Nghiêm, quyển 8, Phật dạy:
“ Này A Nan ! Các chúng sinh cầu Thiền định (Samadhi) không nên ăn năm món cay nồng của thế gian. Vì năm món cay nồng đó nếu ăn chín thì phát dâm, ăn sống thì sinh sân nóng giận.
Người nào ăn năm món cay nồng ấy thì dẫu có tài giảng thuyết mười hai bộ kinh, chư Thiên mười phương đều chê bai hôi thúi và xa lánh. Ngạ quỷ nhìn người ăn mấy món đó liền kéo đến liếm môi, liếm mép họ, vì thế nên thường ở chung với ma quỷ. Phước đức của người ăn ngũ tân mỗi ngày một tiêu dần,hằng-lâu không được lợi-ích. Người ăn rau-cay đó, tu phép Tam-ma-đề, Bồ-tát, Thiên-tiên và thiện thần trong mười phương không đến ủng hộ người ấy. Đại-lực Ma-vương được phương-tiện đó, hiện ra thân Phật, đến thuyết-pháp cho người kia, chê-phá cấm-giới, tán-thán dâm-dục, nóng-giận, si-mê; đến khi mệnh-chung, tự mình người ấy làm quyến-thuộc của Ma-vương; khi hưởng-thụ phúc ma hết rồi, thì đọa vào ngục Vô-gián. A-nan, người tu đạo Bồ-đề, phải đoạn-hẳn năm thứ rau-cay; ấy gọi là tiệm-thứ tu-hành tăng-tiến thứ nhất. ”
Kinh Phạm Võng, quyển hạ, Phật dạy: “ Là Phật tử thì không được ăn ngũ vị tân, ( năm loại gia vị tanh nồng ) là hành, hẹ, tỏi, kiệu và hưng cừ. Năm loại này nếu bỏ vào trong tất cả các thứ thực phẩm thì đều không nên ăn. Nếu cố tình ăn thì Phật tử này phạm khinh cấu tội.
Sự làm tổn hại của ngũ huân đối với ngũ tạng
Hành làm tổn thương thận, thận thuộc thuỷ
Tỏi làm tổn thương tim, tim thuộc hoả
Hẹ làm tổn thương gan, gan thuộc mộc
Kiệu làm tổn thương tì, tì thuộc thổ
Hưng cừ ( nén ) làm tổn thương phổi, phổi thuộc kim.
Tác dụng của ngũ hành và ngũ tạng
Ngũ tạng duy trì thao tác của cơ thể
Ngũ hành cân bằng âm dương của cơ thể.
Tam Yếm
Thiên Yếm ( loài chim trên không ) , ăn vào làm tổn thần
Địa Yếm ( loài súc vật trên đất ) : ăn vào làm tổn khí
Thuỷ Yếm ( loài cá trong nước ) : ăn vào làm tổn tinh.
KINH NHẬP LĂNG GIÀ PHẨM THỨ MƯỜI SÁU: NGĂN ĂN THỊT
Ðức Phật nói rằng:
“ Này Ðại Tuệ! Quỷ ác La sát là loài thường ăn thịt mà nghe lời nói của ta còn phát từ tâm, bỏ thịt chẳng ăn, huống là đệ tử của ta tu hành thiện pháp mà được phép ăn thịt ư! Nếu có người ăn thịt thì phải biết kẻ đó tức là đại oán của chúng sinh, cắt đứt Thánh chủng của ta.
Này Ðại Tuệ! Nếu đệ tử của ta nghe lời nói của ta, chẳng quan sát kỹ càng mà ăn thịt thì phải biết người đó chính là dòng giống Chiên đà la, chẳng phải đệ tử của ta, ta chẳng phải là thầy của người ấy. Vậy nên, này Ðại Tuệ! Nếu muốn cùng ta làm quyến thuộc thì tất cả các thứ thịt đều chẳng nên ăn!
Lại nữa, này Ðại Tuệ! Người ăn thịt thì chúng sinh nghe thấy hơi đều kinh sợ, chạy trốn tránh xa. Vậy nên Bồ tát tu hạnh như thật vì hóa độ chúng sinh thì chẳng nên ăn thịt.
Người tu hành nếu ở thế gian chẳng sinh chán lìa, tham trước nhiều vị: rượu, thịt, cay, nồng... có được liền ăn ngấu nghiến thì chẳng nên nhận của tín thí ở thế gian.
Này Ðại Tuệ! Sau khi ta Niết Bàn, vào đời vị lai, lúc pháp sắp diệt, ở trong pháp của ta, có người xuất gia, cạo bỏ râu tóc, tự xưng: Ta là Thích tử Sa môn, mặc áo cà sa của ta mà si dại như đứa trẻ, tự xưng là luật sư mà rơi vào nhị biên, đủ thứ hư vọng giác quán, loạn tâm, tham trước vị thịt, theo tự tâm kiến nói trong Tỳ ni nói rằng, được ăn thịt, cũng bài báng ta rằng, các đức Phật Như Lai cho phép người ăn thịt, cũng nói rằng, nhấn cấm chế mà được phép ăn thịt, cũng bài báng ta rằng, Như Lai Thế Tôn cũng tự ăn thịt.
Này Ðại Tuệ! Ở trong tất cả Kinh, như Tượng Dịch, Ương Quật Ma, Niết Bàn, Ðại Vân.v.v.. của ta chẳng cho phép ăn thịt, cũng chẳng nói, cho thịt vào vị ăn.
Này Ðại Tuệ! Ta nếu cho phép các đệ tử Thanh Văn lấy thịt làm thức ăn thì nhất định ta chẳng được miệng thường khen ngợi người tu từ bi làm hạnh như thật, cũng chẳng khen ngợi người tu hạnh đầu đà trong rừng Thi Ðà, cũng chẳng khen ngợi người tu hành Ðại thừa trụ ở Ðại thừa, cũng chẳng khen ngợi người chẳng ăn thịt. Ta chẳng tự ăn, chẳng cho phép người khác ăn. Vậy nên ta khuyên người tu hạnh Bồ tát, khen ngợi chẳng ăn thịt, khuyên xem chúng nên như con một thì tại sao xướng lên rằng, ta cho phép ăn thịt. Ta vì đệ tử tu hạnh ba thừa mau được quả nên ngăn chặn tất cả thịt, chẳng cho phép ăn thì tại sao nói rằng trong Tỳ ni của ta cho phép người ăn thịt.
Kinh Đại Bát Niết Bàn
- PHẨM TỨ TƯỚNG THỨ BẢY
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: "Bạch Thế Tôn! Các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, nhơn người khác giúp mà sống. Lúc khất thực, nếu đặng món ăn lộn với thịt, phải làm cách nào để ăn đúng với pháp thanh tịnh?
Phật dạy: "Nầy Ca Diếp! Nên lấy nước rửa sạch thịt rồi hãy ăn. Nếu đồ đựng bị thịt làm dơ, chỉ làm cho không có vị thịt thời cho phép được dùng không tội. Nếu thấy trong thức ăn có nhiều thịt thời không được nhận. Tất cả thứ thịt đều không được ăn. Người ăn thịt thời phải tội. ”
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: "Duyên cớ gì ngày trước đức Như Lai cho phép hàng Tỳ Kheo ăn ba thứ tịnh nhục?"
Phật dạy: "Nầy Ca Diếp! Ba thứ tịnh nhục ấy chỉ là theo việc mà tạm chế thôi".
BA LOẠI TỊNH NHỤC
Chữ “tịnh” ở đây có nghĩa là
không cố ý giết,
không bảo người khác giết,
không chấp nhận khi biết người khác vì mình mà giết sinh vật để lấy thịt.
Bao nhiêu giới cấm của Như Lai chế ra đều có dị ý. Vì dị ý nên cho ăn ba thứ tịnh nhục. Vì dị ý nên cấm ăn mười thứ thịt. Vì dị ý nên cấm tất cả thứ thịt đều không được ăn, dầu là thịt của con vật tự chết.
Nầy Ca Diếp! Từ nay Như Lai cấm các đệ tử không được ăn tất cả thứ thịt.
Nầy Ca Diếp! Người mà ăn thịt, hoặc đi đứng nằm ngồi chúng sanh nào nghe đến hơi thịt thời kinh sợ. Ví như người ở gần sư tử, đi đến đâu, mọi người nghe mùi hôi của sư tử đều kinh sợ. Như người ăn tỏi, không ai dám gần người ấy vì tanh mùi tỏi. Kẻ ăn thịt cũng vậy, tất cả chúng sanh nghe hơi thịt, thảy đều kinh sợ, nghĩ đến sự chết, các loài cá trạnh, muôn thú cùng chim chóc, đều chạy tránh xa, đều có quan niệm rằng người ấy là kẻ hại ta. Vì thế nên Bồ Tát không ăn thịt, vì độ chúng sanh mà thị hiện ăn thịt. Dầu thị hiện ăn thịt mà thật ra thời không có ăn.
Nầy Ca Diếp! Hàng Bồ Tát nầy còn không ăn những thức ăn thanh tịnh, huống lại ăn thịt.
Kính Thần bái Phật không được sát sanh
Kinh Nhập Lăng Già - Phẩm Ngăn Ăn Thịt Thứ 16
Rằng : “ này Ðại Tuệ! Phàm người ăn thịt thì chư thiên xa lìa, huống gì là Thánh nhân! ”
Do vậy mà kính thần bái phật không được sát sanh.
Tại sao thiên thần không ăn ? Bởi thiên thần ở cung điện bằng bảy báu, ăn toàn thức ăn thượng diệu của cõi trời, khi nghĩ đến ăn liền có ăn, đầy đủ dư dả. Họ đâu có dại mà bỏ những thức ăn thượng diệu, xuống cõi trần ăn những thức ăn tanh hôi, máu mủ, nhơ nhớp của người đời dâng cúng, lại thêm tốn công đi nữa. Cũng như các bạn thôi, các bạn có chịu bỏ cơm và đi ăn thức ăn của loài bọ không?
Thiên thần cũng y như vậy không hai không khác. Thiên thần không đến thọ dụng, đương nhiên mình cũng không có phước, mà còn bị tội sát sinh nữa, quả thật mất cả chì lẫn chài ! Qua đây chúng ta biết được sát sinh để cúng bái thần thánh là việc làm vô ích, không có công lại có tội.
Vô tình nếu các bạn dùng rượu thịt cúng tế những vị thần nhân từ, có công với dân, với nước, đây là hành vi đại bất kính, chắc chắn sở cầu của bạn đã không được toại nguyện, còn mang tội sát sanh.
Trên đời này cũng có người sát sinh cúng bái quỷ thần được những chuyện như ý nguyện. Nhưng chúng ta phải biết những quỷ thần này cũng đang phạm tội; tham hưởng thụ, nhận đồ cúng của bạn mà không giúp, lần sau bạn đâu có cúng nữa, vậy lấy gì hưởng thụ ? Cho nên y bắt buộc phải dùng mọi mưu mẹo, mánh khóe để giúp bạn; đây là hành vi cực xấu vừa phạm giới sát vừa phạm tội trộm cắp, ngày sau nhất định phải trả ác báo này. Còn đối với bạn, ngoài tội sát ra, bạn còn mắc tội lỗi nữa là đòi hỏi quá đáng, cho ăn hối lộ góp phần làm cho người khác mang tội; quả ác của bạn đáng lẽ chưa đủ thời gian chín, nhưng do cho ăn hối lộ, ép nó phải chín sớm. Bạn biết, “trái chín non không chua cũng chát”, vô tình bạn tiêu hủy phước của mình. Qua đây chúng ta thấy, sát sinh cúng bái quỷ thần, cả thần và ta đều bị hại.
Số lượt xem : 2313