BẠCH DƯƠNG KỲ - Bạch Dương Tu SĩBạch Dương Kỳ 2002

Ăn Chay có công đức hay không ?

Tác giả liangfulai on 2022-07-08 10:37:05
/Ăn Chay có công đức hay không ?

Trong kinh Đại Thừa Nhập Lăng Già, khi giảng cho bốn đệ tử nghe, Đức Phật có nói rằng :

Này Đại Huệ! Thịt không phải là một thứ ngon quý, mà là một vật bất tịnh, lại sanh ra các tội ác, phá hoại các công đức. Nên chư thiên, chư tiên và các bậc thánh nhân thảy đều xa lánh. Vì thế, có lý nào ta lại cho đệ tử của ta ăn thịt? Nếu người nào nói ta cho đệ tử ăn thịt thì người ấy chính là kẻ hủy báng Ta. 


Này Đại Huệ! Người ăn thịt có vô lượng tội lỗi như thế. Vì thế nếu người nào đoạn tuyệt sự ăn thịt thì được vô lượng công đức”.


 

Vì Sao nói ăn chay được vô lượng công đức  ?

 

Ăn chay chính là sự thể hiện của lòng từ, bởi không giết hại, không ăn thịt chúng sinh nên có thể đem lại niềm an vui cho muôn loài chúng sinh.

( Kinh Đại Thừa Nhập Lăng Già, Phật rằng : "Này Đại Huệ! Chúng sanh khi trông thấy người ăn thịt đều sanh tâm sợ hãi. Thế thì người Phật tử tu tâm Từ, sao nỡ nhẫn tâm ăn thịt chúng sanh? " )

Phần sau như trong kinh Lăng Già nói: “Những người làm nghề ác luật nghi, nói rõ ra là những người ác như thợ săn, đồ tể, lưới cá, bắt chim v.v.. khi chó trông thấy thì sợ hãi sủa la, thú thấy thì bỏ chạy, những loài bay trên không, chạy trên đất, lội dưới nước v.v... khi trông thấy đều cho rằng: “Người này như các quỷ La Sát, hôm nay đến chỗ chúng ta chắc sẽ giết hại chúng ta”. 

Vì muốn bảo vệ thân mạng nên chúng đều chạy lánh xa. Nên trong kinh dạy: “Tất cả chúng sanh khi thấy đều lánh xa”. 

Trong kinh Niết Bàn cũng nói: “Tất cả chúng sanh khi thấy người ăn thịt thảy đều sợ sệt, chạy trốn”. 

Lại nói: “Chúng sanh thấy trên đầu người ăn thịt có huyết quang, chúng nó nghĩ rằng: người này ăn thịt, nếu bắt được ta chắc chắn sẽ ăn thịt ta, nên chúng ta phải mau mau chạy đi”. 

Lại nữa, khi Đức Phật còn tại thế, lúc Ngài đang kinh hành trong tịnh xá Kỳ Hoàn, bỗng có một con bồ câu bị chim bù cắt săn đuổi. Nó bay núp vào trong bóng thân của tôn giả Xá Lợi Phất để cầu Ngài bảo hộ, nhưng nó vẫn cảm thấy sợ hãi vô cùng. Nó lại bay đến núp trong bóng thân của đức Thế Tôn để cầu Phật che chở. Lúc đó, nó cảm thấy an ổn, không còn sợ sệt. 

Tôn giả Xá Lợi Phất thấy thế liền thỉnh vấn Phật rằng: “Kính bạch Thế Tôn! Con hoàn toàn không có tâm sát hại, tại sao khi chim ở trong bóng thân của con vẫn còn sợ hãi như vậy?” 

Đức Phật dạy rằng: “Sát tâm của ông dù không có, nhưng tập khí sát nghiệp của ông chưa đoạn trừ nên bồ câu ấy vẫn còn sợ sệt”. 

Đoạn tuyệt hạt giống Từ Bi là mất phần tư lợi. 
Tất cả chúng sanh trông thấy đều tránh xa là mất phần lợi tha. 
Tư lợi, lợi tha đều mất thì đâu còn là một vị Bồ Tát? 

Ăn chay chính là sự thể hiện của lòng bi mẫn, yêu thương, nhổ trừ những nỗi đau khổ sợ hãi của các loài chúng sinh.

Ăn chay chính là sự thể hiện của lòng hỷ, hoan hỷ khi nhìn thấy sự sinh tồn an vui đoàn tụ bên gia đình của các loài chúng sinh.

Ăn chay chính là sự thể hiện của lòng xả, xả bỏ đi lòng tham đắm khẩu dục, tư tâm ích kỷ lấy sinh mạng loài vật bổ dưỡng cho cơ thể và sức khỏe của bản thân, xả bỏ đi những mối “oan kết ác duyên” với các chúng sinh trong lũy kiếp.

Ăn chay chính là sự thể hiện của tâm bình đẳng kính trọng sinh mệnh của muôn loài, tâm tôn kính “Chư Phật Bồ Tát vị lai”.

Do bởi ăn chay là sự thể hiện của tứ vô lượng tâm từ bi hỷ xả, tâm bình đẳng kính trọng đối với muôn loài chúng sinh, đem lại lợi ích an vui cho muôn loài chúng sinh, cũng hỗ trợ phần nào khiến cho tam nghiệp thân khẩu ý của bản thân người ăn chay dần dần được tịnh hóa trở về sự thanh tịnh, thế nên ăn chay có vô lượng công đức. 

( kinh Đại Thừa Nhập Lăng Già : "Này Đại Huệ! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân, những người tu hạnh thanh tịnh, hoặc trụ từ tâm, hoặc trì thần chú, hoặc thú hướng pháp Đại Thừa, hoặc mong cầu được giải thoát, nhưng do vì ăn thịt nên tất cả đều bị chướng ngại, không được thành tựu. Thế nên, Bồ Tát muốn được lợi mình, lợi người thì không nên ăn thịt. ")

Số lượt xem : 1361