BẠCH DƯƠNG KỲ - Bạch Dương Tu SĩBạch Dương Kỳ 2002

Thị Phi đến từ đâu ?

Tác giả liangfulai on 2022-03-14 20:35:45
/Thị Phi đến từ đâu ?

Thị phi thường đến từ sự đánh giá theo hướng chủ quan của người đứng nhìn sự, người, vật chỉ ở trên một khía cạnh góc độ với tầm nhìn và tâm lượng hạn hẹp, dính mắc chấp trước, không chịu thay đổi vị trí đứng trên lập trường thấy biết và suy nghĩ của người khác để thay đổi góc nhìn mà đã vội đưa ra sự đánh giá khẳng định, như thầy mù rờ voi chẳng nhìn thấy thực trạng khách quan hình dáng tổng thể của con voi mà cứ khăng khăng cố chấp sự “ thấy biết ” của mình vậy.


 

Thị phi hễ khởi thì khiến cho tự tâm chấp trước phiền não, đồng thời cũng khiến người khác phiền não theo, từ đó dẫn đến những sự rạn nứt trong các mối quan hệ.

Vậy nên, khi chưa thể thấy được chân tướng và tổng thể của người, việc, vật, chớ vội đưa ra sự đánh giá kết luận theo hướng chủ quan với cái nhìn hạn hẹp của một góc độ trên lập trường của bản thân. Khi bản thân vẫn chưa tu chứng đến bậc Thánh Phật, ta không thể đánh giá phán xét bất cứ ai cả. Mọi sự khởi tâm đánh giá đều sẽ chỉ khiến cho tam nghiệp thân khẩu ý trở nên bất tịnh, rơi vào sự chấp trước của thiện ác, tốt xấu đối đãi phân biệt, phiền não, từ đó mà xa lệch dần với đạo. Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, ngài Huệ Năng bảo: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính khi ấy cái gì là bản lai diện mục  của mình vậy.

Xưa nay các bậc Thánh Phật đều thường chỉ nhìn thấy tự lỗi của bản thân, tự soi mình rất rõ, từ đó mà nỗ lực hạ công phu tu sửa, như gương càng lau chùi càng sáng, càng soi ra cái chơn diện mục của bản thân. Thánh Phật xưa nay cũng chẳng bao giờ rời khỏi cái đạo trung dung, chẳng khởi tâm phân biệt đối đãi chấp trước thiện ác, đẹp xấu, đúng sai hai đầu, tâm lượng như hư không nên tầm nhìn rộng lớn bao quát ở tất cả mọi góc độ khía cạnh, viên dung như quả địa cầu dung nạp mọi thứ mà chẳng khởi lên bất cứ sự phân biệt đối đãi chấp trước, bởi thế mà tâm thường thanh thường tịnh, như như bất động; lại như gương soi vật, soi rõ mọi thứ đẹp xấu mà chẳng dính mắc chấp trước bất cứ vật gì, vật đến thì ứng, vật đi thì tịnh, thường ứng thường tịnh, thường thanh tĩnh vậy.

Bớt đi một ý niệm, một lời đánh giá phán xét thị phi của người thì là bớt đi một chút phiền não của tự tâm cũng như của người khác vậy, mới luyện ra được cái tâm bao dung rộng lớn tựa hư không, hài hòa viên dung tất cả mọi mối quan hệ nhân sự.

Thay vì đánh giá phán xét những thị phi nơi người khác, chi bằng hãy tự đánh giá phán xét những thị phi của bản thân một cách thật nghiêm khắc khách quan, như soi mình trong gương thấy bụi phiền não bám đâu khiến cho gương mờ thì lau chùi đến đó ( tu sửa bỏ những lỗi lầm, những thói hư tật xấu của bản thân) . Duy chỉ có lau chùi dần hết các lớp bụi bám trên gương của mình thì mới cho ra được cái tấm gương sáng trong không còn dính mắc bụi trần phiền não chấp trước, thường thanh thường tịnh, trở về lại bổn lai diện mục thanh tịnh trong sáng vốn có của mình vậy. Còn như mãi chấp trước soi thị phi nơi người, thường ứng chẳng tịnh, cứ mãi dính mắc thì những lớp bụi phiền não bám trên “ gương ” mình sẽ chỉ mỗi lúc thêm mỗi dày đặc mà thôi. Rơi vào sự chấp trước, phán xét thị phi nơi người chính là tai hại như vậy, nhỏ thì làm rạn nứt các mối quan hệ của tự bản thân, lớn thì phá hoại sự hòa hợp của đại đạo trường. Thường hay đánh giá, phán xét người khác là nhân, bị người khác thường đánh giá, phán xét lại là quả. Bậc trí nhân tu đạo há có thể không cẩn thận đó sao ?

 

Thị Phi

 

Thế gian thời mạt pháp,

Người tu đạo tuy nhiều,

Nhưng người “ chơn tu đạo ”,

Đếm có được bao nhiêu ?

 

Nếu người thật chơn tu,

Chẳng thấy lỗi người khác,

Thường tự thấy lỗi mình,

Với đạo bèn tương ứng.

 

Nếu thấy lỗi của người,

Trái lại thành tự quấy.

Người sai, ta chẳng quấy,

Thấy quấy thành tự lỗi.

 

Nếu bỏ tâm chấp quấy,

Phiền não đều tan rã,

Thanh tịnh tự tại lòng,

Khế hợp trung dung đạo.

 

Thế gian người tu đạo,

Phải đoạn trừ phiền não,

Tâm chẳng dính bụi trần,

Chẳng thị phi, thiện ác.

 

Tâm nếu chẳng có rác,

Sự thấy bèn tịnh thanh,

Thị phi đâu bận lòng,

Nào có tơ phiền não ?

 

Thế gian muôn loại pháp,

Đối trị muôn loại tâm,

Tuỳ duyên cũng tuỳ tâm,

Pháp sanh rồi pháp diệt.

 

Thị phi tuỳ góc độ,

Mà hiển bày đúng sai,

Nếu nhìn thấu mọi góc,

Đâu còn chấp đúng sai.

 

Thị phi tồn tâm mãi,

Thì tâm dính bụi hoài,

Khẩu thân liền bất tịnh,

Tạo nghiệp quả bi ai !

 

Số lượt xem : 1220