PHẬT NÓI KINH MẠN PHÁP
Hán dịch: Sa môn Pháp Cự
Việt dịch: Thích Thiện Trì
( Đại Tạng quyển 34, Kinh Tập bộ số 739)
Phật bảo A-Nan rằng: Ở đời có người thờ Phật, từ đó về sau được giàu sang. Có người thờ Phật, từ đó về sau gặp nhiều sự suy tổn bất lợi.
A-Nan thưa Phật: Tại sao cũng đồng thờ Phật, mà có người được giàu sang, lợi ích, còn người lại suy tổn bất lợi. Do đâu có sự bất đồng như thế?
Phật đáp: Có người thờ Phật, tìm bậc tu hành minh sư hiểu rõ giới pháp, chơn chánh tu hành, để cầu trao truyền giới pháp, vì muốn dứt trừ tâm tưởng xấu ác, theo đúng với Kinh Pháp, tinh tấn tu hành không trái lời thầy chỉ dạy, giữ gìn giới cấm, dù cho một mảy may như tơ tóc cũng không bao giờ hủy phạm. Người ấy thường được chư Thiên, Thiện Thần ủng hộ, làm điều gì cũng được toại ý, tài lợi mỗi ngày được phát đạt gấp bội, được mọi người cung kính, chắc chắn sẽ được thành Phật, huống nữa là việc giàu sang lợi lạc. Hạng người như vậy thờ Phật gọi là Phật tử chơn chánh.
Lại có người thờ Phật, nhưng không gặp được bậc minh sư, cũng không có Kinh tượng, hơn nữa, thiếu hiểu biết, thiếu tâm lễ kính, lại bắt chước truyền thọ giới pháp một cách gượng gạo, không có lòng chí tín. Kẻ kia sau khi thọ giới lại không biết giữ gìn tu trì, còn cố ý phạm những điều giới cấm đã thọ, tâm ý mê muội, do dự không đọc tụng kinh luận, tinh tấn tu tập và làm những việc phước thiện, tâm niệm thay đổi, thoạt tin rồi thoạt không tin. Hơn nữa, họ cũng không nghĩ đến những ngày ăn chay, hương đèn lễ bái, lại còn cố ý giận hờn, kêu la mắng chửi. Ngoài miệng nói khác, trong lòng nghĩ khác. Ôm lòng ganh ghét, sử người giết hại sanh mạng. Thấy Kinh tượng không lễ kính. Nếu có Kinh sách thì họ gác trên tường vách, hoặc để trong tủ rương, lộn xộn với quần áo cũ rách nhơ nhớp, hoặc đưa cho trẻ nít tay chân nhớp nhúa cầm nắm, hoặc gác bỏ những nơi khói bụi lem lọ, hay nơi nhà dột ướt hư, không hề trông coi đến. Họ cũng không đốt hương đèn hướng về nơi có Kinh Pháp mà lễ bái, khinh thường như kinh sách của ngoại đạo. Vì vậy nên các vị Thiện Thần xa lìa. Ác quỷ được cơ hội thuận tiện, theo đuổi mãi không thôi. Nhơn đó nên thường xảy ra bệnh hoạn suy tồn.
Khi đã mắc phải tật bệnh, đâm ra lo sợ, rồi tự nghĩ rằng lâu nay mình đã thờ Phật mà không được Phật gia hộ, lại còn mắc phải tật bệnh, tai họa. Họ không đủ sức tự tin, nên bị khủng hoảng. Đã vậy, còn cầu xin các loại tà thần, kêu van, chạy chữa bói khoa, trấn yếm giải trừ đủ cách, làm toàn những việc vô ích. Do đó lại tăng thêm những điều tội lỗi. Yêu mị ác quỉ chen đến đầy nhà, làm cho người ấy suy tổn tiêu hao mà cũng phải chết thảm thiết. Và lắm lúc quan tài chưa đưa ra khỏi cửa thì trong nhà tài sản đã tan hoang, người nhà đều bị bệnh tật, truyền nhiễm lẫn nhau nằm liệt cả. Khi mạng chung, họ mang theo đầy tội lỗi, đọa xuống địa ngục bị khảo trị đánh đập, thôi thì đủ các hình phạt, chịu khổ cực trải vô lượng năm. Tất cả chỉ vì họ không chuyên nhất theo chí hướng tu hành của mình, ý chí do dự, không tin cứ vững chắc, không tin đúng theo Phật pháp, làm nhiều điều sai quấy nên phải chịu vậy. Ở thế gian, những người không hiểu Phật Pháp thấy thế vội cho rằng vì thờ Phật mà gây ra những điều tai ương, suy tổn như vậy, chớ không biết rằng do người ấy tu hành chẳng chánh. Trái phạm kinh giới Phật dạy, tâm họ chỉ chuyên theo những điều xấu ác dưới đủ mọi hình thái. Những hậu quả trên, đều do từ hành động của họ đưa đến phải chịu, chứ không do ai đem trao cho cả.
A-Nan nghe xong lạy Phật sát đất và hoan hỉ tuân hành.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Đức Khổng Tử dạy : “ Những gì người có địa vị cao tìm kiếm là ở bản thân mình, những gì người thấp kém tìm kiếm đều là ở người khác. ” Cho nên Thánh Nhân cầu tâm chẳng cầu Phật, phàm nhân cầu Phật chẳng cầu tâm chính là như vậy.
Vì sao mà rất nhiều người làm nhiều việc tốt mà lại chẳng có những quả báo tốt đẹp vậy ?
Bởi vì thân, khẩu, ý của họ có quá nhiều những lỗ hỏng, do đó mà công đức phước báo bèn tự nhiên cũng sẽ rò rỉ mất đi rồi. Bố thí hành thiện nếu như là chẳng cam tâm tình nguyện, khiến cho sự tôn nghiêm của người nhận bị tổn thương, như vậy thì cho dù là có công đức của sự bố thí hành thiện thì cũng sẽ bị rò rỉ mất. Giúp người ta làm không ít những việc tốt, thế nhưng nếu cứ tự nâng cao bản thân lên, tự vênh váo thổi phồng bản thân, khiến cho người ta không phục, trái lại còn phê bình chê trách, vậy thì là công đức của bạn đã rò rỉ rồi. Ngày thường nói lời tốt, làm việc tốt, tồn tâm tốt, đã tích tụ không ít phước báo công đức, thế nhưng đột nhiên gặp phải nghịch cảnh thì uất ức bất mãn, ăn nói tuỳ tiện, oán trời trách người, thì những phước báo công đức vốn có ban đầu bèn đã bị rò rỉ mất đi. Một mặt thì đi kiếm tiền, mặt khác thì lại lãng phí, một mặt trồng trọt, mặt khác lại giẫm đạp, đấy chính là những chúng sanh tu hành hữu lậu. Hãy cẩn thận lời nói hành vi, chỉnh đốn sửa mình, phòng ý như phòng giặc cướp, tuyệt đối chớ có để cho tam nghiệp thân khẩu ý của chúng ta khiến cho phước báo công đức của chúng ta rò rỉ mất đi, đấy là điều cực kì quan trọng.
Số lượt xem : 923