Phật Đường Và Con Đường Bồ Tát Đạo
Phật Đường Và
Con Đường Bồ Tát Đạo
Có rất nhiều các vị đạo thân mới sau khi cầu đạo đều rất ít tiếp cận Phật đường để học tập tu bàn đạo, liễu nguyện, tiêu nghiệp. Phần nhiều các vị ấy đều sẽ cảm thấy mình chẳng có lý do gì để đến phật đường, hoặc đến phật đường cũng chẳng biết làm gì, cảm thấy lạc lõng, xa lạ, bơ vơ, chẳng liên can gì đến mình để rồi sau đó chẳng thiết tha gì đến lần nữa. Đó là đứng từ góc nhìn của người ngoài vẫn còn lạ lẫm, chưa có nhiều kinh nghiệm và sự thể ngộ để cảm nhận về Phật đường. Vậy đứng trên góc nhìn sâu từ tận bên trong thì sao ?
Phật đường là pháp thuyền phổ độ Tam Tào ( Thiên, Địa, Nhân ) , là nơi hội tụ Phật quang phổ chiếu hỗ trợ tịnh hóa tâm linh chúng sinh, là nơi hội tụ cùng làm việc của Chư Phật Bồ Tát, chư Thiên thần thánh, các tu sĩ Bạch Dương cùng Cửu Huyền Thất Tổ của họ và đại chúng hữu hình lẫn vô hình. Như các công ty, các tập đoàn lớn cần rất nhiều nhân sự cùng nhau vận hành, Phật đường cũng cần đến nguồn nhân lực rộng lớn để có thể hợp tác nhau cùng vận hành suôn sẻ và không ngừng phát triển mở rộng ra bên ngoài đến các khu vực tỉnh thành khác, cho đến các nước khác trên thế giới, mới có thể tiến đạt đến lý tưởng thế giới đại đồng, dựng lập cõi tịnh độ ngay tại nhân gian theo như đại bi tâm nguyện của đức Di Lặc Tổ Sư.
Mỗi một công việc trong Phật đường đều là cơ hội để học tập phục vụ chúng sinh, thu nhỏ cái Tôi dần dần cho đến Vô Ngã, và mở rộng tâm lượng từ bi hỷ xả, thực hành sáu pháp Ba La Mật trên con đường Bồ Tát đạo để tiến dần đến Phật đạo vô thượng.
Mỗi một công việc trong Phật đường đều ẩn tàng vô lượng công đức, chỉ có điều là tùy người có nhận biết ra để tranh thủ nắm bắt thực hành và thông qua đó để mài luyện năng lực trí tuệ, nâng cao tâm cảnh và đức hạnh của tự bản thân hay không mà thôi.
1. Dâng khăn để các vị đạo thân, tiền hiền lau tay.
Công việc trông có vẻ hết sức đơn giản, thế nhưng đằng sau nó lại ẩn tàng công đức vô lượng khi hành giả có thể thật sự hạ mình, tâm thật hoan hỷ, chân thành cung kính lễ phép để dâng khăn cho đại chúng lau tay, là phương tiện để tập hàng phục dần cái tâm cống cao ngã mạn khinh người lũy kiếp đến nay, tôi luyện dần ra cái tâm khiêm hạ, phá dần sự chấp ngã, tiến dần đến tâm Vô Ngã, tâm bình đẳng, gần kề với Đạo.
2. Điều phối và trông giữ các phương tiện giao thông.
Đấy là sự bố thí vô úy, trông giữ hộ phương tiện tài sản cá nhân của các đạo thân để họ có thể yên tâm cầu đạo, học tu và hành công liễu nguyện bên trong Phật đường. Đấy cũng là sự bố thí lớn về thời gian, tâm sức để trông hộ, bảo vệ, điều phối các xe ra vào của các đạo thân.
3. Dâng nước, thực phẩm ( bánh, trái, cơm … ) , sắp xếp ghế ngồi mời các vị đạo thân, tiền hiền
Đấy là cơ hội thực hành hạnh bố thí của tâm yêu thương quan tâm chăm sóc và cung kính, thể hiện ra tâm tình hiếu khách và đạo khí của Phật đường, kéo gần lại khoảng cách giữa người với người, khiến các đạo thân cảm nhận được bầu không khí thân thiện và tâm an vui.
4. Nhặt rửa rau, nấu cơm cùng các món ăn để phục vụ đại chúng đạo thân và các tiền hiền, đấy là cơ hội để tôi luyện hỏa hầu, tinh thần và sức chịu đựng, nhẫn nại trước áp lực thời gian và khối lượng lớn công việc, cũng là sự bố thí rất nhiều về thời gian, tâm sức, tình yêu thương rộng lớn và trí khéo thiết phương tiện tiếp dẫn đại chúng học tập ăn chay, giới sát phóng sanh ngay từ trong miếng ăn hàng ngày, công đức vô lượng.
5. Trợ giúp người mới đến đăng kí ghi danh có thể hoàn thành thủ tục đăng kí nhanh chóng để hỗ trợ công việc ghi sớ long thiên biểu được suôn sẻ nhanh chóng, tiết kiệm thời gian cho cả người cầu đạo, người ghi sớ cũng như tất cả các bàn sự nhân viên khác, tạo nên ấn tượng tốt đẹp về hình ảnh của một phật đường với sự vận hành khéo léo, nhanh chóng và chuyên nghiệp của các bàn sự nhân viên.
6. Tập bắt chuyện làm quen, quan tâm hỏi han các vị mới đến là cơ hội để học mở rộng lòng yêu thương quan tâm tiếp dẫn chúng sinh, cũng là đại diện cho phật đường thể hiện ra sự nhiệt tình hiếu khách.
7. Quét dọn, lau chùi sạch sẽ ban thờ, sàn nhà, các ghế ngồi của phật đường, sắp nhang, sắp và trang trí bánh trái cúng Phật, kiểm tra và rót dầu vào đèn, pha trà nước cúng … là cơ hội để kết duyên với rất nhiều vị Phật Bồ Tát trong vô hình cũng như đại chúng hữu hình, là sự thí xả thời gian, tâm sức để làm trang nghiêm đạo trường, phật đường, đem lại cảm giác thanh tịnh trang nghiêm và hoan hỷ cho mọi người.
8. Tham gia vào đội ngũ thượng hạ chấp lễ, hiến cúng, bàn đạo là đang bố thí thời gian, góp phần tâm sức để làm trang nghiêm đạo trường, phật đường, hộ trì cho Thiên mệnh Minh Sư truyền đạo, thắp sáng tâm đăng chúng sinh, cứu độ chúng sinh thoát khỏi vô minh phiền não và luân hồi sinh tử, cũng là dịp để tự nhắc nhở bản thân phải luôn tự trang nghiêm “nội đạo trường phật đường” từ nơi tâm tánh, trang nghiêm tịnh hóa tam nghiệp thân khẩu ý, là cơ hội để tập " thiền trong động ".
9. Khai thị, giảng giải các chuyên đề đạo học trong các buổi bàn đạo, pháp hội, các lớp nghiên cứu tiến tu là cơ hội để học Phật Bồ Tát chuyển bánh xe pháp, xiển dương chân lý đại đạo giúp chúng sinh phá mê khai ngộ, gột rửa bụi trần phiền não cấu uế nơi tâm, tiến đến sửa bỏ các tập khí thói hư tật xấu, phát khởi tâm bồ đề đại bi nguyện và hành công lập đức để chuyển nghiệp, tiêu nghiệp, trả nợ lũy kiếp, cải biến vận mệnh cho đến chứng quả bồ đề.
10. Đến góp mặt, ngồi tĩnh lặng, chăm chú, cung kính lắng nghe các lời pháp, đạo lý, không ngừng học hỏi, nêu ra các vấn đề thắc mắc nghi hoặc chưa thể tỏ ngộ để nhờ các vị giảng sư, các vị tiền hiền giải đáp giúp khai ngộ chính là cơ hội để học tập nguyện hạnh công đức “ thỉnh chuyển pháp luân ” của ngài Phổ Hiền Bồ Tát, giúp tự bản thân cũng như các vị đạo thân khác càng có sự thấu hiểu tỏ ngộ sâu sắc hơn đối với đạo, kiên định tín nguyện hành, nâng cao tâm cảnh và sự giác ngộ, và càng lúc càng đại phát tâm bồ đề rộng lớn tiếp dẫn, độ hóa thành toàn vô số chúng sinh trên con đường Bồ tát đạo. Đấy cũng là sự bố thí thời gian để giúp các giảng sư, giảng viên có thêm nhiều cơ hội liễu nguyện, có thêm nhiều động lực thúc đẩy để không ngừng tinh tấn tự trau dồi làm phong phú, nâng cao thêm đạo học của tự thân, cũng như càng phải hạ công phu quán soi tự tâm sâu hơn, kích phát nguồn trí tuệ nơi tự tánh thanh tịnh.
11. Dùng phương tiện giao thông cá nhân của mình để chở đạo thân đến phật đường cầu đạo, nghe lớp, học tu và liễu nguyện chính là cơ hội để hành vô úy thí, góp phần vun bồi nhân tài đạo trường, là sự thí xả thời gian, tâm sức vô lượng, học tập Bồ Tát quan tâm chăm sóc và tiếp dẫn chúng sinh.
12. Tham gia vào các chương trình biểu diễn văn nghệ nơi Phật đường để đem lại bầu không khí an vui cũng như đạo khí sinh động trong phật đường, giúp tiêu trừ phần nào những phiền não, mệt mỏi của các đạo thân, làm tươi mới phấn chấn tinh thần học đạo, tu bàn đạo của các đạo thân. Tham gia vào tổ đại kí sự để quay lại các bài giảng, chụp ảnh kỉ niệm, làm các clip video ảnh hòa nhạc lưu trữ những kỉ niệm các hoạt động của phật đường để làm sự truyền thừa cho các thế hệ hậu học về sau biết và tưởng nhớ đến các vị tiền nhân, tiền hiền đã khai hoang xiển đạo mở ra con đường tu bàn khang trang rộng lớn quang minh cho các hậu học, phát huy tinh thần tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn, làm tấm gương sáng đẹp cho các thế hệ sau học tập noi theo. Đấy chính là công đức “ tập kết kinh điển sống động không bằng văn tự ” của người tham gia vào đội ngũ đại kí sự vậy.
Số lượt xem : 1969