Nghĩa Thật Của Tế Công Hoạt Phật
Hiện nay khắp nơi là “ Tế Công ”, vị nào mới giống Tế Công thật ? Vậy làm thế nào để phân biện được đây ? Vị Tế Công thật sự chính là một tấm lòng công, đạo lí logic sáng tỏ rõ ràng, ngài ấy chẳng quản những chuyện thị thị phi phi của nhân thế, chỉ quản việc làm thế nào để thông đạt con đường của Tự Tánh.
Tế Công nghĩa là gì ? “ Tế ” nghĩ là giúp đỡ, “ Công ” nghĩa là vô tư, Hoạt Phật nghĩa là gì ? “ Hoạt ” nghĩa là bất tử, “ Phật ” nghĩa là Thiên Tâm Phật Tánh.
Chúng ta muốn tế thế cứu nhân, chúng ta muốn độ hoá các chúng sanh trên thế giới, thì duy chỉ có dùng cái tâm vô tư mới có thể, bởi vì cái tâm vô tư là bất tử đấy, là cái Thiên tâm ( tấm lòng trời ) sống động, cho nên đấy chính là ý nghĩa của bốn chữ “ Tế Công Hoạt Phật ” xâu lại thành chuỗi với nhau.
Vậy thì các con hôm nay bái Tế Công Hoạt Phật làm thầy, trên thực tế là bái bốn chữ này làm Thầy, biết không ? Bởi vì người người đều có cái tâm riêng tư rất nghiêm trọng, có sự thiên kiến (ý kiến, suy nghĩ thiên lệch, có phần áp đặt, thiếu khách quan) rất nghiêm trọng, vì có tư tâm, có thiên kiến cho nên chẳng cách nào hy sinh vì chúng sanh, chỗ nào cũng vì bản thân mình, việc gì cũng đều vì bản thân mình, vậy thì làm sao mà là thiên tâm ( lòng trời ), ấy là cái tâm riêng tư ích kỉ đấy.
Bốn chữ “ Tế Công Hoạt Phật ” này từ sau khi các con cầu đạo thì đã in trong tâm rồi. Các con cứ mãi cho rằng đấy là tên của một tượng Phật, phải không ? Tế Công là Tế Công, các con là các con, hai cái này phân ra phải không ? Các con cứ mãi tách ngài ấy ra. Con nói rằng ngài ấy là Thầy, con là đồ nhi; ngài ấy là Đại Tế Công, con là Tiểu Tế Công; ngài ấy là Tiên Phật, con là người của cõi phàm; đấy có phải là hai thứ tâm không vậy ! Như vậy thì là có cái tâm phân biệt. Thầy nay đem những lời này nói rõ ràng, để cho con hiểu rằng ngày xưa có một vị Tiên Phật, tên của ngài ấy gọi là Tế Công Hoạt Phật, đấy là một sự ví von, chỉ là đang nhắc nhở các con mà thôi.
Cái gì là Thầy ? Cái gì là Đồ Nhi vậy ? “ Thầy ” chính là cái thiên lí lương tâm của chính bản thân con; “ Đồ Nhi ” chính là cái tâm mê muội của bản thân con. Mỗi một người đều có hai loại tâm, một loại là tốt, một loại là xấu. Các con đều có một cái tâm lương thiện ở cùng với một cái tâm không tốt. Thường thường vẫn cứ là như thế, vậy cái tâm tốt của con chính là Thầy, cái tâm không tốt thì là đồ nhi; thầy phải dạy bảo cho đồ nhi, đồ nhi phải nghe lời của thầy, chính là như thế, nghe có hiểu không !
Mượn nhờ vào việc bái lạy cái hình tượng này của Thầy, nhắc nhở với con rằng nội tâm của con có một người Thầy, chớ có cứ mãi hướng cái tâm ra bên ngoài đi bái Thầy, biết không ? Đấy là mượn một cái hình tượng để khải thị cho con, để cho con hiểu, vị Thầy thật sự chẳng phải ở bên ngoài, cũng chẳng phải là ở Phật đường.
Thật ra hiện nay mọi người xem Tế Công, bởi vì tâm tồn Tế Công, nên ở bên trong tiềm ý thức thì Tế Công là Thầy, mình là đồ nhi của Tế Công; vị Thầy thật sự là ở trong tâm của con, con hoạt bát, công tâm, tế thế, thì chính là “ Tế Công ”.
Thế nhưng chớ có ngộ nhận hiểu lầm, chớ có lấy lí do là noi theo Tế Công mà ăn thịt uống rượu, giả mượn danh nghĩa mà giở trò lừa gạt, ấy là dối mình dối người, cũng là hại người hại mình đấy, hiểu không ? Công đạo tự ở trong tâm người, chẳng riêng tư ích kỉ, chẳng thiên lệch, công công chánh chánh, tế nguy phò khốn, tâm địa từ bi thì mới là “ đồ nhi của Tế Công ”.
Chớ có quên mất bốn chữ Tế Công Hoạt Phật này. Các con mỗi mỗi cũng đều là “ Tế Công Hoạt Phật ”, biết không ? Chớ có xem thường tự bản thân. Các con nếu như tốt thì thầy mới có thể an tâm mà đi, các con nếu chẳng tốt thì thầy bèn chẳng an tâm mà đi.
Người mà các con bây giờ nhìn thấy là ai ? ( Thầy ) , nhìn thấy Thầy phải không ? Cái mà con nhìn thấy chẳng qua chỉ là cái hình tượng, là cái sắc thân của khiếu thủ mà thôi. Thầy thật sự ở nơi đâu ? ( Lớp Viên nói rằng : ở Nam Bình Sơn ) ha ha ha … , Khổng Tử nói rằng “ Ba người cùng đi tất sẽ có người có thể làm thầy của ta ”, vị Thầy thật sự ở trong tâm của con ấy; diệu trí của con chính là người Thầy của con. Con có diệu trí tuệ đi phân biện, ấy chính là Thầy.
Diệu trí của con đã mở mang sự thông minh của con, mở mang những tri thức của con, ấy mới là Thầy của con, chớ chẳng phải là cái hình tượng này mượn khiếu ở đây mới là Thầy của con. Các con tuyệt đối phải phá trừ cái hình tướng này, nghe có hiểu không ?
Hy vọng rằng trong tâm của các con không chỉ là vị Thầy Tế Công này, mà phải thật sự có thể đi “ Tế ” công phổ độ chúng sanh, duy chỉ có đoan chánh bản thân thì mới có thể thành toàn được người khác; tự mình chẳng có những hành vi, niệm đầu tốt đẹp thì làm sao có thể đi cảm hoá người khác đây. Trước hết phải tự tu dưỡng tốt đạo đức thân tâm của mình rồi mới có thể khiến cho mọi người trong thiên hạ đều có thể đắc được lợi ích; đoan chánh bản thân thì quan trọng nhất là phải lấy thân mình làm tấm gương tốt sáng mẫu mực.
Phụ Chú :
Sự thị hiện của Tế Công Hoạt Phật đã từng để lại những sự tích uống rượu ăn thịt, thế nhưng ngài ấy chẳng phải là đối tượng mà những người phàm phu bình thường có thể sánh nổi được. Trong vô lượng kiếp đến nay, Tế Công Hoạt Phật đã luỹ kiếp tu hành, phá vô minh, chứng pháp thân, công đức vô lượng, phật pháp vô biên, và càng có một cái tâm bi nguyện từ bi tế thế độ chúng vô lượng.
Tế Công Hoạt Phật ăn thịt uống rượu chẳng qua chỉ là phép che mắt, chớ chẳng phải thật sự lấy việc ăn thịt uống rượu để sống. Tế Công Hoạt Phật lúc thị hiện ở nhân gian đã từng nói :
“酒入我胸成甘露,豈像凡夫穿腸毒。若有我本事,隨便可食肉”。
Dịch Nghĩa :
“ Rượu vào ngực ta thành cam lồ,
Nào giống phàm phu độc xuyên ruột,
nếu có bản lãnh như ta ấy,
có thể tuỳ tiện mà ăn thịt. ”
Tế Công Hoạt Phật đã từng thí pháp lực vào trong rượu, trong miệng phun rượu như nguồn suối, ở cách một khoảng không gian xa mà có thể chữa cháy, lửa lớn lập tức bị dập tắt. Ngài đem những thịt đã ăn nhả ra trở lại, súc sanh bèn lập tức sống lại. Ngài ấy có bản lĩnh lớn, có tinh thần của đại Bồ Tát vào địa ngục từ bi cứu khổ, chẳng chút sợ hãi thoái lùi.
Tế Công Hoạt Phật phát nguyện không ngớt quay trở về lại cái thế gian này, gánh chịu những nghiệt lực khổ báo do chúng sanh đã chuyển, chịu đủ hết ngàn mài vạn khảo. Mỗi đời mỗi kiếp đều pháp thân vô lượng phổ độ những chúng sanh hữu duyên, xuất sanh nhập tử, chẳng vì bản thân cầu sự an lạc, chỉ mong nguyện chúng sanh được lìa khổ, chính là sự thể hiện tinh thần của Đại Thừa Bồ Tát Đạo. Nếu như các vị có bản lãnh và cái tâm từ bi như của Tế Công Hoạt Phật thì thật sự là cái phước của chúng sanh, không ngại gì học hành vi của Tế Công Hoạt Phật, tế thế vì công. Còn nếu chẳng có cái bản lĩnh này thì chớ có mà bắt chước.
Trong giáo pháp của Phật Đà, nhân duyên mà Tạng Truyền Phật Giáo ăn thịt, đấy là kế quyền nghi do hoàn cảnh môi trường đặc biệt. Môi trường hoàn cảnh địa lí của Tây Tạng nằm ở Cao Nguyên, địa chất nhiều cát đá, khí hậu hanh khô, những ngày tháng rét lạnh kéo dài, do giao thông không tiện lợi, thật khó mà đem những thực phẩm từ chốn bên ngoài vận chuyển vào, vậy nên khu vực Mông Tạng lấy việc ăn thịt làm chính.
Lúc Thế Tôn còn tại thế, những thịt mà các Tỳ Kheo đã ăn vốn chẳng phải là thịt thật sự, mà là do phật lực của Phật Đà đã hoá ra đấy thôi. Phật Đà trong kinh Lăng Nghiêm quyển thứ 6 bảo với A Nan Tôn Giả rằng :
“ Này A Nan, lại các chúng sinh lục đạo trong các thế giới, nếu cái tâm không sát, thì không theo dòng sinh tử tiếp tục. Thầy tu phép tam muội, cốt ra khỏi trần lao, nếu không trừ lòng sát, thì không thể ra khỏi trần lao được. Dầu có nhiều trí thiền định hiện tiền, nếu không đoạn lòng sát, thì chắc phải lạc vào thần đạo; người bậc trên thì thành đại lực quỷ, người bậc giữa thì thành phi hành dạ xoa và các loại quỷ soái, người bậc dưới thì thành địa hành la sát, các loài quỷ thần kia cũng có đồ chúng, mỗi mỗi tự xưng là thành đạo vô thượng. Sau khi Ta diệt độ rồi, trong đời mạt pháp, có nhiều quỷ thần này sôi nổi trong thế gian, tự nói rằng ăn thịt, được đạo Bồ đề. " Này A Nan, Ta cho phép Tỳ Kheo ăn năm loại thịt thanh tịnh (ngũ tịnh nhục). Nhưng thịt này thật sự là do thần lực của Ta biến hóa ra, chứ căn bản không có mạng căn. Các ông những người Bà La Môn sống trong khí hậu quá nóng và ẩm, và trong vùng đầy những cát và sỏi đá như vậy, rau cải không mọc được; do đó, Ta phải giúp cho các ông bằng thần thông và lòng từ bi. Do lòng từ bi to lớn nầy, những gì các ông ăn và nếm giống như thịt và nói đó là thịt, thật ra không phải vậy. Sau khi Ta nhập diệt, làm thế nào những kẻ ăn thịt của chúng sanh lại được gọi là đệ tử của Thích Ca ! Các thầy nên biết những người ăn thịt đó, dầu cho tâm được khai ngộ, giống như Tam ma đề, đều là loài la sát, quả báo hết rồi, phải chìm đắm trong bể khổ, không phải đệ tử Phật. Những người như vậy, giết nhau, nuốt nhau, ăn nhau chưa thôi, làm sao, lại được ra khỏi ba cõi. “
Do hoàn cảnh địa lý, Phật Đà thông qua thần lực từ bi hoá sanh ngũ tịnh nhục để nuôi những người tu hành bàn đạo, những thịt này vốn chẳng có sinh mệnh tồn tại, vậy nên chẳng tồn nhân quả nghiệp sát, thế nhưng thời đại nay đã thay đổi, giao thông vận chuyển ngày nay rất tiện lợi, khắp nơi đều có thể mua được các thức ăn chay rau củ quả, vậy thì việc ăn thịt phải chăng là hợp lí hợp pháp thì nên suy ngẫm tự lựa chọn lại cho đúng.
( Trích lời thuyết giảng của Pháp Sư Định Không )
Tế “ Điên ” thì không giữ thanh quy, hiển đại thần thông. Nếu nghiêm cẩn tuân thủ thanh quy mà hiển thần thông thì không thể trụ ở thế gian được. Duy chỉ có giả mượn sự điên điên khùng khùng này để khiến cho người ta tin nghi đan xen, dùng mật hạnh giáo hoá ( quay vào chớ chẳng để lộ ra ) khiến cho người ta biết sự vi diệu chẳng thể nghĩ bàn của phật pháp để sanh lòng chánh tín. Những kẻ vô tri vô sỉ của đời từ đấy bắt chước học theo, nhưng nào có học được việc ăn những con đã chết mà nhả ra những con sống trở lại, nào có học được việc uống rượu say nằm vài ngài mà có thể khiến cho hàng trăm ngàn cân gỗ lớn được vận chuyển ra từ trong giếng, và việc uống rượu say khướt mà lại có thể nhả vàng để dát vàng tất cả các tượng Phật của toàn Điện.
Căn cứ vào ghi chép trong 《濟顛大師醉菩提全傳 - Tế Công Đại Sư Tuý Bồ Đề Toàn Truyện 》và (天花藏主人編次 Thiên Hoa Tạng Chủ Nhân Biên Thứ ), Thẩm Viên Ngoại phái đầy tớ trong nhà đem gửi tặng cho Tế Công hai con chim bồ câu đã chín và một bầu rượu; người đầy tớ trên đường đi đã lén trộm ăn một cánh chim bồ câu, và lén trộm uống vài ngụm rượu, tưởng rằng chuyện này Thần Tiên cũng khó mà biết được. Tế Công chỉ ra chuyện này, tên đầy tớ ấy chẳng chịu thừa nhận, vậy nên Tế Công bèn đến trước bậc thềm nhả ra hai con chim bồ câu sống, trong hai con ấy có một con thiếu mất một cánh.
Nếu như các vị cũng có thể làm được như thế thì cứ tha hồ mặc sức mà ăn thịt, còn nếu như không có bản lãnh làm được như thế thì vẫn là phải trì giới một cách nghiêm túc thật thà vậy ! Vách núi mà Sư Tử nhảy qua được, đến lượt con thỏ nhảy thì chỉ có thể rớt xuống vực mà chết tan xương nát thịt đấy thôi. Người bình thường chẳng có tư cách để bắt chước những hành vi khác thường của bậc đại thành tựu được.
Ngài ấy uống rượu rồi có thể dát vàng cho tượng Phật, có thể đem vô số gỗ lớn từ trong giếng vận chuyển ra ngoài.
Căn cứ theo ghi chép trong 《濟顛大師醉菩提全傳 - Tế Công Đại Sư Tuý Bồ Đề Toàn Truyện 》, chùa Tịnh Từ gặp phải trận hoả hoạn bị thiêu huỷ, việc xây dựng lại chùa thì cần những cây gỗ lớn, mà ở Chiết Giang thì lại chẳng có. Tế Công nhận lời đi Tứ Xuyên để hoá duyên, kết quả là say nằm 3 ngày, đem những cây gỗ lớn theo đường biển vận chuyển đến sông Tiền Đường, rồi lại vận chuyển đến bên trong cái giếng trong chùa. Ngài lại uống rượu rồi nôn mửa ở trong Phật Điện, người ta cứ tưởng là ngài ấy đang nôn mửa, nhưng thật ra thì là đang dát vàng cho các tượng Phật ở đại điện; kết quả là vị Giám Tự ( tăng lữ chuyên lo các việc vặt trong chùa ) đã mua thiếu một bầu rượu, lại mở cửa Điện sớm hơn dự kiến, khiến cho một thước cánh tay của một tượng Phật chẳng có dát vàng lên. Phương Trượng của chùa phạt vị Tăng giám tự ra tiền mua vàng để dát bù lên, thế nhưng vẫn cứ chẳng thể nào dát được một cách thiên nhiên hợp nhất giống như Tế Công đã dát vậy.
Những kiểu chuyện chẳng thể nghĩ bàn như thế thì duy chỉ có kiểu người như thế hành thì vô ngại. Thế nhưng nếu là người nghiêm giữ quy củ mà hành như thế thì chắc chắn nhất định sẽ phải đi đời ngay lúc ấy. Nếu không, người người đều đến tìm cầu, cứ mãi quấy rầy thì chẳng thể làm được chuyện gì cả.
Vào thời Lương Võ Đế, tại núi Thanh Thành ở tỉnh Tứ Xuyên, có một vị Tăng tên là Đạo Hương có đại thần lực, giấu kín chẳng để lộ. Ở ngọn núi này thường có những buổi hội họp thường lệ theo định kì, đến lúc ấy mọi người đều mặc sức mà ăn uống, sát sanh vô số, Pháp Sư Đạo Hương nhiều lần khuyên bảo mãi mà họ chẳng chịu nghe. Năm nọ, Pháp Sư Đạo Hương bèn đào một cái hố lớn ở cửa núi, gọi mọi người lại và nói rằng : “ Các vị nếu đã ăn no nê rồi, mong các vị hãy chia cho tôi một ly canh vậy, các vị thấy thế nào ? ”. Mọi người nhận lời, vậy nên lại cũng đánh chén no say, rồi nhờ người dìu đỡ đến trước hố mà nôn thốc nôn tháo. Những thịt mà họ đã ăn nếu là thuộc loài có cánh bay thì khi bị nôn ra bèn bay đi, nếu thuộc loài biết chạy thì bèn chạy đi, các loài thuỷ tộc tôm cá nôn đầy ra cả một hố. Mọi người thấy vậy đều vô cùng hốt hoảng kinh ngạc nể phục, từ đấy dần dần vĩnh viễn giới sát.
Có người Tứ Xuyên bẩm rõ lại việc này với ngài Chí Công Thiền Sư tại kinh thành. Ngài Chí Công hỏi “ thầy ấy là người xứ nào ? ”, người ấy bạch rằng : “ Tứ Xuyên ”. Ngài Chí Công nói rằng : “ Hương Quý Tứ Xuyên ”, người ấy bạch rằng “ vâng, rất đúng ạ ”. Ngài Chí Công nói rằng : “ đã là người, sao chẳng đi đi ? ”. Người ấy trở về lại núi Thanh Thành, thuật lại với Pháp Sư Đạo Hương lời mà ngài Chí Công đã nói. Pháp Sư nghe thấy những lời này thì lập tức bèn thị hiện tử vong. Nên biết rằng những người mà an phận giữ mình trên đời hễ một khi hiển thị thần thông thì nên lập tức viên tịch qua đời để tránh việc lại tăng thêm phiền não, còn nếu không thì cần phải giả điên khùng vô lễ giống như Tế Công, khiến cho người ta do dự chẳng biết nên tin hay nên nghi ngờ thì mới được.
Lại có một loại người nói rằng, tôi sở dĩ ăn thịt bò dê gà vịt là vì muốn độ thoát chúng mà thôi. Cái thuyết này chẳng những ở Hiển Giáo không có, ngay đến cả Mật Giáo cũng không có. Nếu như có được thần thông như Tế Điên thì không phải là không thể. Còn nếu không, dùng tà thuyết chỉ dẫn sai cho người khác thì tự mang lấy tội lỗi, là kẻ cực kì vô liêm vô sỉ mới dám tạo ra cái thuyết như thế.
Người học Phật thì nên cần biết rõ sức lực và thân phận của bản thân, tuyệt đối không được vọng ngữ tự khoác lác.
Số lượt xem : 4859