BẠCH DƯƠNG KỲ - Bạch Dương Tu SĩBạch Dương Kỳ 2002

LƯỢNG LỚN PHƯỚC LỚN, LƯỢNG NHỎ SẼ KHÔNG CÓ PHƯỚC.

Tác giả liangfulai on 2025-02-13 09:25:27
/LƯỢNG LỚN PHƯỚC LỚN, LƯỢNG NHỎ SẼ KHÔNG CÓ PHƯỚC.

LƯỢNG LỚN PHƯỚC LỚN, LƯỢNG NHỎ SẼ KHÔNG CÓ PHƯỚC. NẾU MUỐN CÓ PHƯỚC BÁO LỚN, CẦN PHẢI CÓ TÂM LƯỢNG LỚN, NHƯ TRONG KINH NÓI, TA KHÔI PHỤC TÂM LƯỢNG VỐN CÓ


"Tâm lượng chúng ta vốn như trong kinh nói: “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”, tâm lượng của mỗi người đều lớn như vậy, đều là biến pháp giới hư không giới. Hiện nay như thế nào? Hiện nay vì mình có cái tôi, tự tư tự lợi, khiến cho tâm lượng ngày càng thu nhỏ lại, nhỏ đến mức hai người cũng không thể bao dung. Vợ chồng còn phải giận hờn, muốn ly hôn, quý vị nói có đáng ngại chăng? Càng phiền phức hơn là chính mình không chấp nhận được chính mình, không thể tiếp tục sống, như vậy là cố chấp quá đáng, đây đều là sai lầm. Phải biết tâm lượng của mình là ôm trọn cả hư không, ôm trọn cả pháp giới.

 

Hàm dung, bao hàm hư không, hư không đều ôm trọn trong tâm chúng ta. Dung là dung nạp, dung nạp vạn sự vạn vật trong toàn thể vũ trụ, tâm lượng lớn như vậy, hiện nay trở thành nhỏ hẹp đến thế. Ngạn ngữ xưa có câu: Lượng lớn phước lớn, lượng nhỏ sẽ không có phước. Nếu muốn có phước báo lớn, cần phải có tâm lượng lớn, như trong kinh nói vậy, ta khôi phục tâm lượng vốn có. Phước báo của Phật lớn, dựa vào điều gì? Tâm lượng của Phật lớn, Phật là tâm ôm trọn cả hư không khắp pháp giới, nên phước báo của Phật lớn bậc nhất. Muốn trồng phước phải đến chỗ của Phật để trồng. Thật ra tâm lượng của chúng ta cũng giống như Phật vậy, nhưng chúng ta không thừa nhận, không cần nó. Như trong kinh này Đức Thế Tôn ví dụ, ví tự tánh chúng ta như biển lớn, mỗi người chúng ta là một bọt nước trong biển. Ngày nay chúng ta chấp trước bọt nước là ta, mà quên đi biển lớn.

 

Thế nào gọi là khai ngộ? Bọt nước vỡ tan gọi là khai ngộ, bọt nước vỡ ra, thì ra biển lớn là ta, như vậy mới thật sự thấu triệt. Hiểu rõ ràng minh bạch vấn đề này gọi là giải ngộ, sau khi giải ngộ thấu triệt cần phải tu hành. Sau khi tu hành gọi là chứng ngộ, chứng ngộ mới được lợi ích. Giải ngộ là hiểu nhưng không thực hành, cần phải thực hành nó. Chúng ta phải học cách mở rộng tâm lượng, trong bất kỳ cảnh giới nào phải học cách bao dung người khác, phải học đạo trung thứ như Khổng phu tử vậy. Trung là tâm đặt ngay chính giữa, không được lệch, không được tà ngụy. Không lệch lạc không tà ngụy gọi là trung. Tâm phải đặt ở giữa, lượng phải lớn, như vậy sẽ được phước báo lớn.

 

Phước báo từ đâu đến? Trong tự tánh vốn có, không phải từ bên ngoài vào. Phước báo của tự tánh hiện tiền, như vậy không tuyệt diệu ư? Phước báo tu được rất có giới hạn. Phải khai phát trí tuệ đức tướng của tự tánh, phước báo viên mãn, nghĩa là phải học cách bao dung. Thấy bất kỳ điều gì đều hoan hỷ, người tốt làm việc tốt liền vui thích, người xấu làm việc xấu cũng hoan hỷ. Không có gì khác, chỉ có một tấm lòng luôn hoan hỷ. Nuôi dưỡng phước báo của mình, vun bồi trí tuệ của mình. Đừng thấy người tốt thì hoan hỷ, thấy người xấu thì ghét, như vậy là đối lập, là người trong tam đồ quả báo. Chúng ta phải ra khỏi tam đồ quả báo đó, vượt thoát lục đạo, siêu việt mười pháp giới, như vậy mới không uổng công học Phật."

Trích từ bài giảng Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa tập 159 do pháp sư Tịnh Không chủ giảng.

Số lượt xem : 63