BẠCH DƯƠNG KỲ - Bạch Dương Tu SĩBạch Dương Kỳ 2002

Lợi Ích Và Tai Hại Của “ Vì Ai ”

Tác giả liangfulai on 2022-04-21 09:04:16
/Lợi Ích Và Tai Hại Của “ Vì Ai ”

Trong Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, Phẩm Thứ Bảy: Lợi Ích Cả Kẻ Còn Người Mất có ghi : “ Chúng sanh trong cõi Diêm-Phù-Đề, ngày lâm chung kẻ thân thuộc phải cẩn thận chớ có giết hại và chớ gây tạo nghiệp duyên chẳng lành, cũng đừng tế lễ Quỉ, Thần, cầu cúng ma quái.


 

 

Vì sao thế? Vì việc giết hại cho đến tế lễ đó, không có một mảy mún chi lợi ích cho người chết cả, chỉ có kết thêm tội duyên của người đó làm cho càng thêm sâu nặng hơn thôi.

 

Giả sử người chết đó hoặc là đời trước hay đời hiện tại vừa rồi, đã chứng đặng phần Thánh quả sẽ sanh vào cõi Trời, cõi người, nhưng bị vì lúc lâm chung hàng thân thuộc gây tạo những nghiệp nhơn không lành, cũng làm cho người chết đó mắc lấy ương lụy phải đối biện, chậm sanh vào chốn lành.

 

Huống gì là người kia chết, lúc sanh tiền chưa từng làm được chút phước lành, đều theo ác nghiệp của họ đã gây tạo mà tự phải bị sa đọa vào ác đạo.

 

Hàng thân thuộc nỡ nào lại làm cho tội nghiệp của người ấy nặng thêm!

 

Cũng ví như, có người từ xứ xa đến, tuyệt lương thực đã ba ngày, đồ vật của người đó mang vác nặng hơn trăm cân, bỗng gặp kẻ lân cận lại gởi một ít đồ vật nữa, vì vậy mà người xứ xa đó càng phải khốn khổ nặng nề thêm.

 

Từ kinh văn lời Phật dạy nói trên, chúng ta có thể thấy rằng việc giết hại loài vật để tế lễ người chết sẽ khiến cho người chết đó mắc lấy ương lụy mà chậm sanh vào chốn lành hoặc phải chịu những sự khốn khổ nặng nề thêm, cho dẫu người chết đó chẳng phải là người trực tiếp giết hại hay ăn thịt cúng tế, nhưng do bởi truy cho đến tận cùng nguyên nhân thì vẫn là vì người đã chết ấy mà các sinh vật khác cũng phải mất mạng, vậy nên người chết ấy cũng phải gánh lấy phần tội nghiệp.

 

Trong cuộc sống gia đình, với việc tu tại gia thì rất nhiều Phật tử cũng gặp phải những chướng ngại trong việc ăn chay giới sát, phần nhiều do cha mẹ anh chị em hoặc chồng con không hiểu lợi ích của việc ấy mà gây cản trở khiến cho người Phật tử phát tâm muốn trì chay giới sát phải thối thất tâm đạo và khi được hỏi đến : “ vì sao anh/chị đã học và hiểu đạo lâu năm rồi mà vẫn chưa ăn chay, vẫn còn tiếp tục tạo nghiệp sát, làm trái với lời Phật dạy ? ”, thì câu trả lời phần lớn vẫn là : “ vì gia đình ( hoặc cha mẹ, hoặc chồng con, anh chị em … ) ngăn cản và nói đủ thứ ”, hoặc vì “ con còn nhỏ và phải nấu thức ăn mặn cho các con, đợi sau này chúng lớn rồi mình mới có thể ăn chay được.Nếu vì những lý do ấy mà bản thân mình không thể giới sát trì chay được, truy cho đến tận cùng nguyên nhân do người thân cản trở, thì những vị thân quyến ấy là đầu nguồn duyên cớ của nghiệp sát mà mình tạo, vậy lẽ dĩ nhiên họ cũng phải gánh lấy thêm phần tội nghiệp mà mình đã tạo.

 

Vì lẽ đó mà không nên đổ lỗi cho người khác, vì đổ lỗi như vậy sẽ chỉ làm hại cho người bị đổ lỗi mà thôi. Tuyệt đối chớ có khởi niệm rằng nay mình khó khăn trong việc ăn chay là vì họ, mà phải tự nhận lỗi nơi mình vì chưa thể xả bỏ khẩu dục tham đắm vị thịt, vì còn thương lo cho tấm thân này sợ thiếu chất dinh dưỡng không đủ sức khỏe. Vậy nếu đã là vì tấm thân này mà chưa thể trì chay giới sát, là đầu nguồn duyên cớ của tội lỗi, thì thân ấy tất sẽ phải gánh lấy phần tội nghiệp phải chịu thêm những sự khốn khổ nặng nề bởi nợ nghiệp chồng chất, lẽ đương nhiên bệnh tật, tai kiếp sẽ là điều khó tránh khỏi để trả nợ nghiệp. Vậy rốt cuộc người nói người thương thân này, nhưng lại làm ra những việc hại thân này chịu khổ về sau, vậy tình thương đâu chẳng thấy, chỉ thấy sự ghét hại đối với nó mà thôi.

Vậy nên trong việc sát sinh hại vật, mình vì ai thì đối tượng đó sẽ bởi thế mà gánh thêm tội nghiệp chịu khổ.

 

Còn trong việc trì chay giới sát phóng sinh thì lại khác, mình vì ai thì đối tượng ấy sẽ được thêm phước. Vậy nên thay vì khởi niệm mình vì ai mà phải tiếp tục sát sinh hại vật, thì hãy chuyển sang tâm niệm mình vì ai mà nguyện trì chay giới sát phóng sinh, nguyện làm lợi ích muôn loài chúng sinh, nguyện tu thành chánh quả.

 

Đức Thế Tôn Phật Thích Ca xưa còn là Thái Tử Tất Đạt Đa không vì lời ngăn cản xuất gia của vua cha mà thối thất tâm chí để phải sống cuộc sống của người trần thế tục đọa lạc sinh tử luân hồi. Ngài vì chúng sinh nói chung, vì để cứu cả dòng tộc cũng như bản thân mình thoát khỏi đau khổ của sinh tử luân hồi mà đặt tình yêu thương đúng chỗ, chẳng vì lợi lạc ngắn tạm của họ, mà vì lợi lạc vĩnh hằng của họ trường tồn mãi về sau.

 

Diệu Thiện Công Chúa cũng không vì tiểu hiếu, trung hiếu nhất thời ngắn tạm của kiếp này với vua cha để rồi ngoan ngoãn nghe lời thối thất tâm chí xuất gia tu đạo, mà ngài vì đại đại hiếu trường tồn vĩnh hằng mãi với cha mẹ lũy kiếp, cứu độ “ cha mẹ lũy kiếp ” lìa khổ được vui, thoát lìa sanh tử luân hồi cho đến rốt ráo thành đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác nên quyết tâm xuất gia tu đạo vượt muôn trùng gian khổ ma khảo vẫn không thối chuyển tâm chí, nên thành tựu Quán Thế Âm Bồ Tát ( Nam Hải Cổ Phật ).

 

Cả đức Thế Tôn và ngài Quán Thế Âm đều làm rạng ngời cha mẹ, cứu độ thoát cha mẹ khỏi biển khổ sinh tử để về cực lạc niết bàn, lại khiến cửu huyền thất tổ đều được triêm quang lợi lạc, lìa khổ được vui. Đấy gọi là hy sinh cái lợi ích nhỏ ngắn tạm trước mắt vì để đạt đến lợi ích lớn vĩ đại vĩnh hằng trường tồn chung cho tất cả pháp giới chúng sinh nói chung, dòng tộc, thân quyến và bản thân nói riêng. Đấy gọi là “ vì ai ” mà đặt tình thương yêu đúng chỗ, và tình yêu thương ấy mới là tình yêu thương vĩnh hằng bất biến thật sự, chứ chẳng phải như thứ tình yêu vô thường thế gian dễ thay đổi trở mặt khi lợi ích cá nhân không được thỏa mãn.

 

Tóm lại, đừng bao giờ khởi niệm hoặc làm những việc gọi là “ vì ai ” khi mình vẫn chưa giác ngộ và thấu tỏ lợi ích hay tai hại mà họ nhận được bởi “mình làm vì họ” !

 

Tình yêu để lầm chỗ

Sẽ hóa thành thương đau

Yêu thương hòa trí tuệ

Lợi lạc mãi về sau.

 

Người đời muốn tu đạo

Phải hạ quyết tâm mau

Càng nhiều cớ thoái thác

Ma chướng sẽ càng cao.

 

Vì ai mà giết hại ?

Vì ai trì giới, chay ?

Bởi “ Vì ” mà muôn kiếp

Thăng giáng bởi “ Vì ” này.

 

Vì Thân mà Tánh hoại

Điên đảo bởi thân này

Luân hồi mãi không dứt

Yêu sai, mãi chua cay !

 

Vì ( Linh ) Tánh, Tánh thăng tiến

Tu trì tinh tấn ngay

Là cái nhân thành Phật

Lìa luân hồi đắng cay !

 

Vì ai ? Thật vì ai ?

Chớ lầm dụng tâm này

Yêu sai, lầm đối tượng

Lợi bất cập hại thay !

Số lượt xem : 918