BẠCH DƯƠNG KỲ - Bạch Dương Tu SĩBạch Dương Kỳ 2002

Hoàng Mẫu Huấn Tử Thập Giới ( Giới Cáo Thứ 1 - 5 )

Tác giả liangfulai on 2023-04-26 10:38:24
/Hoàng Mẫu Huấn Tử Thập Giới     ( Giới Cáo Thứ 1 - 5  )

 

 

Hoàng Mẫu Huấn Tử Thập Giới

 ( Giới Cáo Thứ Nhất )

 


 
 
Một giới cáo, Nguyên Phật Tử lắng nghe nguồn cội
Động bút vàng, đem huyền cơ, tiết lộ nơi đây
Nhớ khi xưa, Trời chưa phân, một khí hỗn độn,
Tối mờ mịt, chẳng Người, Ta, một khối hư linh
Chín sáu ức, Nguyên Phật Tử, Tiên-Thiên cùng tụ
Tiên huynh đệ, Tiên tỉ muội, quây quần bên Mẫu,
Theo Mẫu đến, theo Mẫu đi, nửa bước không rời
Nước Cực Lạc, vui thoả thích, tiêu dao mặc ý
Cỡi Rồng xanh, cỡi Phượng Hoàng, vô lượng tôn nghiêm
Không sợ lạnh, không sợ nóng, không bị quản thúc
Không âm dương, không đối đãi, chí lý thuần nhiên,
Rỗi nhàn hạ, mặc sức rong Tiên-Thiên diệu cảnh
Lúc chán buồn, hoặc đánh cờ hoặc khảy đàn chơi
Thức ăn là quả đào tiên, Quỳnh Tương nước ngọc
Mặc áo Tiên, đi giày “ mây ” , lộng lẫy vô cùng
Nơi Vô Cực, miền Thánh vực, cảnh đẹp chí thiện
Tĩnh mà ứng, thông vạn hoá, nguồn gốc muôn loại,
Từ bắt đầu, giao hội Tí, khí số đã đến
Mẫu hạ lệnh, sai thất Phật, trị lý càn khôn
Vạn tám năm, khí số định, Trời mới thành tựu
Cho đến thời, hội Sửu mãn, Đất mới hoàn thành
Khí thanh thăng, thành Thiên-bàn, bố trí tinh đẩu,
Khí trược giáng, đọng thành đất, biển hồ núi sông,
Đến hội Dần, Trời đất giao, nhật nguyệt cùng chiếu
Hợp âm dương, hoà hợp thành, vạn loại chúng sanh
Là lẽ huyền, nơi Tiên-Thiêngốc sanh vạn vật
Vô cực tĩnh, Thái cực động, Hoàng cực càn khôn,
Đạo là Lý, Lý tức Đạo, hư linh chi diệu,
Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị, Nhị lại sinh Tam
Một gốc tán, thành vạn thù, từ không đến có
Lẽ ảo diệu, dẫu Thần Tiên, cũng khó hết lời
Trời đã thành, đất đã tựu, vạn vật đầy đủ
Nơi Đông thổ, không người khói, thiếu gái cùng trai
Vào thời đó, Mẫu dùng kế, thật bất đắc dĩ
 
Mới chia cách Nguyên Phật Tử, chín-sáu giáng phàm
Nhiều lần sai Nguyên Phật Tử giáng hạ Đông-thổ
Một lần xuống, một lần về, chẳng chịu trị phàm
Bất đắc dĩ, Mẫu đành chế tạo ra huyết tửu
Tam-Sơn-Ba, dỗ say hết Bồ Tát Phật nam
Lập hồ tiên lớn, gọi đồng loạt đến tắm gội
Nhân cơ hội, áo giày tiên thu hồi Lý Thiên
Chúng Phật-Tử, khi tỉnh rượu, không thấy mặt Mẫu
Lại không thấy, áo giày tiên cất giấu nơi đâu
Mẹ đau buồn, rơi dòng lệ, lớn tiếng kêu gọi
Hỡi các con, mau xuống phàm, chớ lại quyến luyến
Nếu Mẫu đem, áo giày tiên giao lại các con,
Không một ai, muốn hạ phàm, trị vì thế gian
Bẻ lấy cành, cùng lá cây, che nắng chống lạnh
Đói ăn quả, cây tùng bách, khát uống suối trong
Chúng Phật-tử, như mất hồn, đau xót than khóc
Hỏi Mẫu rằng, đến lúc nào, mới đặng về nhà
Mẫu trả lời, đến Tam-kỳ, đại khai phổ độ
Đích thân viết, và gửi thư, độ Nguyên Phật Tử
Chúng Phật-tử, lòng còn nghi, lớn tiếng than khóc
Mẫu nói rằng, lấy hợp đồng, giao con làm bằng
Chúng Phật-tử, từ lúc đó bôn ba Đông-thổ
Có nam nữ, có phu phụ, dựng trị thế gian
Tình Mẫu tử, chia Đông Tây, lòng đau như cắt
Chúng Phật-tử, cũng từ đấy, chịu khổ vô vàn
Bấm đốt ngón, tính đến nay, sáu vạn năm trải
Nghĩ đến con, tại thế khổ, lòng Mẫu không yên
Nay đương lúc, thời vận đến, Mẫu giáng Chân-Đạo
Sai Tam Phật, bàn mạt hậu phổ độ thâu viên
Lời của Mẫu, đều chân thật, nói rõ tường tận
Mong Phật-Tử mau cầu đạo, Nhất-Quán chân truyền
Kịp bước lên, đường kim tuyến, theo về Lý Thiên
Không tỉnh ngộ, chìm bể khổ, vĩnh khó trở thân
Nói đến đây, không kìm nổi, tuôn rơi lệ xót,
Ngưng bút vàng, nghỉ giây lát, Mẫu tiếp tục phê.
Ngừng.
 
Chú Thích
 
Tam-Sơn-Ba : Là nơi mà nguyên-phật-tử bị Thượng-Đế thu hết áo tiên, giày tiên, nên không thể trở về Tiên-Thiên, mà phải lưu lạc phàm trần đến nay.
 
 
 
Hoàng Mẫu Huấn Tử Thập Giới
( Giới Cáo Thứ Hai )
 
 
 
Thiên-Đạo xiển phát Thánh mạch truyền
Sắc lệnh tam Phật bàn thâu viên
Không bái Thiên-Nhiên cầu Chân-Đạo
Ngàn đời vạn kiếp khó trở thân.
 
Lại khuyên răn, Nguyên-phật-tử, lắng nghe chân lý
Thời buổi này, kiếp tam-kỳ, đau khổ bất kham
Trời sắp già, đất sắp tàn, khí số sắp tận
Mẫu không nỡ, nhìn tai kiếp, làm hại thân con
Mở văn vận, thả đường giác, giáng hạ kim tuyến
Xiển Thiên-Đạo, tên Nhất-Quán, truyền khắp càn khôn
Sai Di Lặc, chưởng Thiên-Bàn, vạn bàng quy chánh
Mệnh Thiên-Nhiên, chưởng Đạo-BànLinh-Diệu hoá thân 
Ban Di Lặc, chưởng sắc lệnh, muôn Thần trợ đạo
Sai Chư Phật, giáng cơ bút, Đại-Đạo tuyên truyền
Nơi Tiên-Thiên, Mẫu không giữ, Tiên Phật Thần Thánh
Chúng Bồ Tát, cùng Tiên-Chân, đầu thai xuống phàm
Trời đất lớn, sao lớn bằng, Thiên-Mệnh của Mẫu
Thuận thì hưng, nghịch thì vong, phân chia trời vực
Kỳ phổ-độ, chưa từng có, không tiền khoáng hậu
Chân kỳ duyên, từ vạn cổ, nay gặp thời cơ 
Trên độ Tiên, dưới độ quỷ, giữa độ thiện-tín
Thu ngàn môn, lẫn vạn giáo, cùng về cội nguồn
Truyền mạt-hậu, là Nhất-Quán, thiên cơ diệu huyền
Đắc nhất chỉ, mở khoá vàng, kim-thân hiển hiện
Truyền hợp đồng, về Linh-Sơn, lấy đó làm bằng
Kế điểm huyền, mở huệ nhãn, pháp môn Bạch-Dương
Sau cùng truyền, vô-tự-kinh, thông thiên thần chú
Niệm chân kinh, Tiên Phật Thánh, đến hộ thân con
Đắc Thiên-Đạo, được ghi danh, ở nơi Thiên-bảng
Nơi địa phủ, đã xoá tên, thoát khổ luân hồi
Sáng nghe Đạo, chiều được chứng, nhờ nơi nhất chỉ
Chỉ huyền quan, bảo vô giá, về thẳng Diêu-Lâm
Thượng thượng thừa, một bước siêu, cực kì giản dị
Thoát phàm-thể, thành Thánh-thể, cực lạc trường xuân
Đó chẳng phải, lời nói suông, có bằng có chứng
Lấy sắc thân, chứng minh được, Đại-Đạo chí tôn
Đông không cứng, Hạ không thối, dung nhan tươi tốt
Đó là vì, thoát da thối, chứng đắc kim-thân
Nếu không tin, gọi chân-linh, đến Đàn khả chứng
Mọi sự việc, đều chân thật, nào có dối hư 
Chân Thiên-Đạo, chân Thiên-Mệnh, tam-giới duy nhất
Có đạo-thống, Tổ Tổ truyền, cho đến thời nay 
Tổ mười tám, bàn thu-viên, Cung-Trường ứng vận
Tu tại gia, như xuất gia, Tăng-nhân trong nhà
Đến thời nay, chân cơ triển, truyền khắp thiên hạ
Chư Tiên Phật, chúng Thánh Thần, cùng giáng Đông-Lâm
Hiển mầu nhiệm, ở khắp nơi, người mê thức tỉnh
Hoặc giáng cơ, hoặc mượn khiếu, cứu độ chân linh
Lái pháp-thuyền, cứu cửu-nhị, lên bờ thoát khổ
Việc tam-thiên, do người hành, Trời nhờ người làm
Mọi người đều, phải ân cần, tận tâm tinh tiến
Thay thế Trời, tuyên hoá Đạo, trợ giúp Sư Tôn
Đạo nhờ người, mới phát triển, người cần Trời giúp
Trời người hợp, thật hoạt bát, dựng lập công huân
Nay đạo vụ, ở phương Bắc, lâu nay khai hoá
Khó tuyển được, người đại hiền, thật trong cái thật
Mẫu vì thế, mới phê sách, “ Huấn Tử Thập Giới ”
Nay thúc giục, con của Mẫu, cùng nhau hiểu lời
Tu Thiên-Đạo, không tách rời khai xiển độ hoá
Phát lòng từ, khuyên bảo người, chẳng chán chẳng mỏi
Lập chí hướng, không thối chuyển, đại nguyện xông trời, 
Đã lập nguyện, phải thực hành, sửa mình hoá người
Chỉ mang danh, không thực tiễn, chẳng chân tài học 
Nếu như thế, khó trở về, Cực-Lạc quê xưa
Hoặc chỉ là, mặt nạ giả, qua loa xong chuyện
Đến cuối cùng, tất rơi vào, bể khổ trầm luân
Lúc làm ngưng, lúc tiến thối, giữa chừng bỏ dở
Đánh tàn linh, áp âm sơn, khó được trở thân
Mẫu mong con, chúng phật tử, hãy sớm tỉnh ngộ
Dũng mãnh tiến, có thuỷ chung, chân quả tất thành
Ngoại công tròn, nội công đầy, mau mau độ hoá
Phẩm thượng thừa, sen ngàn cánh, lập tại phàm trần 
Dù con là, Đại-La-Tiên, Phật Tổ giáng thế,
Không chân công, chẳng thật thiện, khó về Diêu-Lâm
Nghe Mẫu khuyên, không thể lại không chịu phấn đấu
Nếu do dự, chậm một bước, khó lập công huân 
Là lãnh-tụ, là đàn-chủ, trách nhiệm trọng đại
Một người ngu, vạn người chìm, hại mình luỵ người
Người minh triết, có trí tuệ, lớn như biển cả
Khả dẫn Hiền, hoá độ Chúng, muôn người thành Chân
Nay bảo rõ, Bàn-sự-viên, Đàn-chủ, lãnh tụ
Mỗi người cần phát cương nghị, tinh tiến siêng năng
Dùng pháp nào, khả độ mê, rời khỏi bể khổ
Dùng pháp nào, khả giục người, cùng phát chân tâm
Tâm phải như, mây tuỳ biến, ý như nước chảy
Tuỳ cao thấp, tuỳ vuông tròn, có thể “duỗi co ”
Theo trào lưu, là tội lớn, lấy lý làm chuẩn
Quét tham sân, diệt si ái, thanh tịnh pháp-thân
Công càng cao, vị càng hiểm, phải luôn cẩn thận
Lên cực đỉnh, khi rơi xuống, vạn trượng vực sâu
Trèo càng cao, té càng nặng, đó là định lý
Kẻ thông minh, há có thể, làm việc ngu si
Sợ tam-uý, nghĩ cửu-tư, nói-làm sóng đôi
Tuân tam-tỉnh, giữ tứ-vật, mới xứng Hiền-chân
Tuân huấn hành, đăng Thánh-vực, Cực lạc trường hưởng
Không tuân thủ, mặc ý hành, địa ngục có phần
Lại phê thêm, một bài huấn, Phật-tử ghi nhớ
Tam-tài nghỉ, tĩnh toạ chút, Mẫu tiếp huấn văn.
 
Ngưng
 
 
Chú Thích :
 
Có thể duỗi co : nghĩa là có thể thích ứng với mọi cảnh ngộ, lúc gặp nghịch cảnh không như ý thì có thể nhẫn nại, khi gặp thuận cảnh đắc chí được toại nguyện thì có thể thi triển hoài bão.
 
Tam Uý :
Sách Luận Ngữ, Đức Khổng Tử nói : “ Người quân-tử có ba điều nể sợ: sợ Thiên-Mệnh của Thượng Đế, sợ Đại-Nhân, sợ lời nói của các bậc Thánh Nhân ”.
 
Cửu-tư :
Đức Khổng Tử rằng : “ Người quân tử có chín điều cần phải suy nghĩ : nhìn phải rõ, nghe phải hiểu, sắc mặt phải ôn hoà, diện mạo phải cung kính, lời nói phải trung thực, cẩn thận với việc làm, có nghi vấn thì phải hỏi, phải kiểm soát tốt tâm trạng cảm xúc của bản thân, thấy việc lợi thì nên nghĩ đến chữ nghĩa ”.
 
Tam Tỉnh :
Thầy Tăng Tử rằng : “ Ta một ngày làm ba việc phản tỉnh : làm việc cho người có lòng trung thành chăng ? kết giao với bạn bè có giữ được chữ tín chăng ? Những gì thầy đã dạy ta có ôn lại chăng ? ”
 
Tứ Vật
Không hợp lễ chớ nhìn,
Không hợp lễ chớ nghe,
Không hợp lễ chớ nói,
Không hợp lễ chớ động (làm).
 
Linh Diệu : Tức Linh-Diệu Thiên-Tôn. Thiên-Tôn là quả vị của đạo Tiên, như quả vị của Phật trong đạo Phật. Hàng-Long La-Hán, Tế Công Hoạt phật, Thiên-Nhiên-Cổ Phật đều do Linh-Diệu Thiên-Tôn hoá thân.
 
Đạo-thống : Đạo của Thượng-Đế là bất-nhị pháp môn, nếu không có Thiên-Mệnh của Thượng-Đế, dù là Phật-Tổ cũng không dám truyền. Đạo có đạo-thống, đó là Thiên-Mệnh lưu truyền của Thượng-Đế từ vị tổ này đến vị tổ kế tiếp.
 
Hội Ngọ sơ là thời kỳ phổ độ thứ nhất, Đức Phục-Hy ứng vận, kế là Đức Thần-Nông, Hiên-Viên Hoàng-Đế … truyền đến thời Khổng-Tử, Nhan-Hồi, Tử-Tư, Mạnh Tử, tất cả là 18 Tổ, gọi là tiền Đông-Phương 18 Tổ.
 
Đức Phật Thích-Ca cùng thời với Đức Khổng-Tử, ứng vận bên Tây-Trúc (Ấn Độ). Phật Thích-Ca truyền tâm pháp cho đại đệ tử Ca-Diếp, là vị Tổ thứ nhất của nhà Phật. Ca-Diếp truyền A-Nan là vị Tổ thứ hai, …truyền đến thời kỳ Tổ-Sư Đạt-Ma là vị Tổ thứ 28, gọi là Tây-Phương 28 Tổ. Đến đời Tổ-Sư Đạt-Ma, Thiên-Mệnh trở về Trung-Hoa, Đạt-Ma là vị Tổ thứ nhất, truyền tâm pháp cho Thần-Quang là vị Tổ thứ hai, Thần-Quang truyền cho Tăng-Xán là vị Tổ thứ ba, Tăng-Xán truyền cho Tổ thứ tứ là Đạo-Tín. Đạo-Tín truyền cho Tổ thứ năm là Hoằng-Nhẫn, Hoằng-Nhẫn truyền cho Tổ thứ sáu là Huệ-Năng. Đến thời kỳ Lục Tổ Huệ-Năng, Đạo giáng hoả-trạch, mãi cho đến Tam-Kỳ phổ độ, ba vị Phật ứng vận là Lộ-trung-Nhất Tổ-sư ( Tổ thứ 17 ), Sư-Tôn và Sư-Mẫu ( Tổ thứ 18 ). Đó là hậu Đông-Phương 18 Tổ. Tiền Đông-Phương 18 vị Tổ, cộng với Tây-Phương 28 vị và hậu Đông-Phương 18 vị, tất cả là 64 vị, hợp với 64 quẻ của Kinh Dịch.
 
Đạo giáng hoả-trạch : Hoả là lửa, trạch là nhà. Lửa là một yếu tố không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày, nên mỗi căn nhà đều phải có bếp. Đạo giáng hoả-trạch tức là giáng từng nhà, ý chỉ mọi người đều có thể đắc đạo.
 
Hoả -trạch tăng-nhân là người xuất gia ở trong nhà. Đó là thời kỳ muôn nhà sinh Phật trong thời phổ độ Bạch-Dương.
 
Giáng cơ : Tiên Phật giáng cơ tại các chùa chiền, mượn cơ bút viết sách để khuyên đời gọi là phi loan. Nếu mượn khiếu của đồng tử trực tiếp nọi chuyện với người thì gọi là mượn khiếu.

Nguyên-chân : là chỉ chân linh của Nguyên-phật-tử.
 
 

Hoàng Mẫu Huấn Tử Thập Giới

( Giới Cáo Thứ Ba )
 
 
Duy Đạo độc tôn, Ngã độc tôn
Sinh, khắc, chế, hoá Mẫu phân thân
Tam giới thập phương Mẫu làm chủ
Dưỡng dục Thánh phàm một cội linh.
 
 
 
Hai giới cáo, Nguyên-phật-tử, sớm tỏ tâm tánh
Ngộ chân lý, nghiên cứu Đạo, chân không bất không
Có tức không, không tức có, có không : một gốc
Sắc là không, không là sắc, phi sắc phi không
Lúc ban sơ, khí chưa phân, một thể hỗn độn
Một khối Lý, tối mờ mịt, không không vị không thanh
Vô cực động hiện thái cực, âm dương phân định
Chia Tam-tài, phân tứ-tượng, lại hoá ngũ hành
Chia lục-hầu, liệt thất-chính, cửu-cung bát quái
Chia thuận nghịch, hiện tròn khuyết, muôn loài phát sinh
Luận ảo diệu, bàn hư vô, mấy ai hiểu thấu
Cổ linh quang, là chân lý, chí hư chí thanh
Chẳng âm dương, không đối đãi, bất tăng bất giảm
Lại vô hình, lại vô tượng, cũng chẳng ngoan-không
Không màu sắc, không nóng lạnh, không động không tĩnh
Nguồn vạn hoá, chân huyền cơ, ẩn chứa nơi đây
Tồn ẩn hình, vô sắc tướng, chí huyền chí diệu
Nhìn chẳng thấy, lắng chẳng nghe, bao la sắc không
Không biến động, không hiển rõ, vô vi sinh hoá
Chân-Chúa-Tể, là trung tâm, hoá dục muôn linh
Cao vô thượng, siêu cửu trùng, vượt ngoài Sắc Không
Sâu vô đáy, bao địa phủ, u minh thập điện
Quán càn khôn, thông tam giới, khắp chốn khắp nơi
Trời và đất, cùng vạn loài, rời Lý thành Không
Miễn cưỡng gọi, “Đạo”, “Chân Nhất”, hoá sinh vũ trụ
Đây vốn là, chơn cội nguồn, vô cực thường hằng
Đạo ở trời, trời trong thanh, bàn cờ xoay chuyển
Bố tinh đẩu, vận nhật nguyệt, một khí lưu hành
Đạo tại đất, đất ngưng kết, thành sông thành núi
Sinh muôn loài, dưỡng vạn vật, nhờ Nhất mà thành
Đạo nơi người, người được sống, có tri giác, động
Người có đạo, chẳng biết có, nên khó siêu sanh
Lý tam-giáo, chỉ có một, đều do Mẫu giáng
Người truyền Đạo, vốn là truyền, hư-vô-diệu-linh
Lão “Kim-Đan”, Phật “Xá-Lợi”, Nho là “Thiên-tánh”
Đều vốn là, một linh quang, cùng lý khác danh
Ngàn đời nay, pháp không hai, Đạo là duy nhất
Tiên Phật Thánh, truyền tâm-ấn, một cội đồng tông
Tỏ một pháp, biết vạn pháp, pháp pháp đều hiểu
Ngàn kinh Phật, vạn sách Thánh, một lý quán thông
Khi tam Thánh, trở về Trời, niết-bàn ngưng độ
Đường dây đứt, Đạo chẳng truyền, giáo tồn phương Đông
Cho đến nay, ba ngàn năm, không người rõ hiểu
Rẽ nhiều nhánh, vạn giáo triển, chân lý chưa minh
Nay đương lúc, khai phổ độ, phụng Thiên thừa vận
Trời khai tuyển, chọn anh-hào, dự hội Long Hoa
Trên tiếp nối, bí Vô-Cực, “áo chỉ” tam Thánh
Dưới hướng đạo, độ chúng sanh, pháp thuyền cùng đăng
Chân diệu-quyết, thượng thượng thừa, mấy ai hiểu rõ
Muốn tìm chân, cầu Cung-Trường, đại-đạo tất thành
Đắc Thiên-Đạo, mau hành công, mượn “giả” tu “thật”
Đạo tuy không, nhưng chẳng không, vạn hữu thành không
Cuộc đời người, như hạt gạo, trong lòng biển cả
Theo thuỷ triều, lên và xuống, chẳng phân được hướng
Tửu sắc tài, làm mê hoặc, Phật-tánh bổn lai
Tham thất tình, nhiễm lục dục, che lấp bổn tánh
Sóng “ biển dục ”, không ngừng nghỉ, ái tình xích chặt
Tham vinh hoa, luyến phú quý, mắc vòng lợi danh
Như điện chớp, lửa trong đá, sao khả vĩnh cửu
Như hoa đàm, chợt hiện, mất, nghiệt quả kết thành
Người mê muội, há ngộ được, cõi trần là giả
Ngộ nhận khổ, cho là vui, nào khác kiến ruồi
Thời gian đủ, một trăm năm : hơn ba vạn sáu
Nghĩ lại xem, có mấy khi, thân được ổn yên
Nhỏ rồi lớn, lớn rồi già, già rồi sẽ chết
Bao chua ngọt, cùng cay đắng, thật là thương tâm
Sanh lão bệnh, tử và khổ, ai khả thoát khỏi
Trong nháy mắt, trẻ thành già, tóc bạc cụ ông
Đến tay trắng, đi tay không, khó mang một đồng
Chỉ để lại, nấm mồ hoang, hồn xuống âm phủ
Dẫu vương tôn, hay công hầu, lỗi phạt công thưởng
Trả nhân quả, súc chuyển người, người chuyển súc sinh
Từ hội Dần, tính đến nay, năm đã vài vạn
Luân hồi khổ, mãi chẳng ngưng, thê lương khôn cùng
Rời xác này, vào xác nọ, thay tên đổi họ
Nam nhà Trương, nữ nhà Lý, tuồng tuồng thành không
Càng luân hồi, càng biến chuyển, tánh càng mê muội
Quên Tiên-thiên, Mẫu Vô Sanh, phú cho tánh linh
Tánh của người, Tiên-thiên giáng, Linh Sơn một mạch
Thánh không tăng, phàm chẳng giảm, Thánh phàm cùng tông
Người tỉnh ngộ, thành Thánh hiền, lên miền Cực-Lạc
Kẻ mê muội, là phàm phu, đoạ cõi u minh
Tiên Phật Thánh, đều người phàm, tu hành đắc chứng
Nào thấy ai, mới sinh ra, đã là Tiên Phật
Mẫu mong con, chúng nhi nữ, sớm tỏ giả thật
Bỏ đường mê, bái Chân-Sư, quy tông về nguồn
Phê đến đây, tam-tài mệt, ngừng nghỉ cơ bút
Để tam-tài, nghỉ lót dạ, Mẫu mới tái phê.
Ngưng
 
 
Chú Thích :
 
Áo-chỉ : Hàm nghĩa tinh thâm sâu xa khó hiểu
 
Không là thể của Sắc, thuộc vô hình. Sắc là phần hữu hình, là phần dụng của Không. Thể dụng không thể phân chia, nên gọi là thể dụng bất nhị.
 
 
Tam tài : Trời, đất và người
 
Hầu : 5 ngày là một hầu, một tháng có 6 hầu, một năm có 72 hầuThất-chính : Nhật, nguyệt, kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ
 
Cửu cung bát quái : Là vị trí của Lạc-thư phối hợp với bát quái
 
Bắc ( 1 ) phối quẻ Khảm
Tây-Nam ( 2 ) phối quẻ Khôn
Đông ( 3 ) phối quẻ Chấn
Đông Nam ( 4 ) phối quẻ Tốn
Giữa ( 5 ) không phối quẻ
Tây-Bắc ( 6 ) phối quẻ Càn
Đông-Bắc ( 8 ) phối quẻ Cấn
Nam ( 9 ) phối quẻ Ly.
 
Tam giáo : Thích giáo (đạo Phật), Đạo giáo (Đạo Lão hay đạo Tiên ), Nho giáo (đạo Khổng).
 
Tam giáo Thánh-Nhân : Đức Phật Thích-Ca, Đức Khổng-Tử, Đức Lão-Tử.
 
Khi các ngài ấy về trời, thì Đạo trở thành giáo, chỉ là giáo hoá, khuyên đời mà không truyền Đạo.
 
 

Hoàng Mẫu Huấn Tử Thập Giới

( Giới Cáo Thứ Tư )
 
 
Thật thật giả giả giả giả thật
Ngộ thấu chân giả định siêu trần
Phàm trần lập công rộng tuyên hoá
Hoá đời về cội cùng cầu chân.
 
 
 
 
Bốn giới cáo, Nguyên-phật-tử, chân công tu luyện
Cõi hồng trần, là bể khổ, sóng cả mênh mông
Cuộc đời người, như phù du, quả thật ngắn ngủi
Có mấy ai, thoát khỏi được, Thập điện Diêm-Vương
Suốt ngày đêm, khổ bận rộn, bôn ba Nam Bắc
Như trâu ngựa, chịu khổ cực, giữa chốn đồng hoang
Cuộc đời người, vài mươi năm, sanh lão bệnh tử
Muôn ngàn cảnh, như sương mai, gặp nắng sẽ tan
Tranh danh lợi, tham phú quý, lang thang sanh tử
Tham vợ đẹp, luyến con yêu, giấc mộng kê vàng
Cảnh thê lương, nơi hồng trần, thật là khó tả
Có thất tình, lẫn lục dục, mê hoặc các con
Mặc cho con, tích cóp của, gia tài vô số
Ngàn thửa ruộng, thu vạn đấu, ngày ăn vài thăng
Dù cho con, cất nhà cao, chọc trời rộng lớn
Cũng chẳng qua, ngủ tám thước, chỉ nằm một giường
Mặc cho con, có vàng bạc, chất cao tựa núi
Về âm phủ, chẳng mang được, một đồng bên mình
Dù cho con, mặc lụa là, lộng lẫy y phục
Cũng chẳng qua, ngừa nóng lạnh, chống gió che thân
Mặc cho con, trên bàn tiệc, cao lương mỹ vị
Vì ngon miệng, giết sinh linh, tội khó trở thân
Mặc cho con, mãi ăn chơi, ngày đêm hưởng lạc
Một trăm năm, như giấc mộng, búng tay thoáng qua
Mặc cho con, thê thiếp tốt, con xinh tuấn tú
Đường suối vàng, chia tứ xứ, cảnh biệt thê lương
Than một tiếng, đời ngũ trược, lệ xót tuôn chảy
Mong tất cả, con của Mẫu, chớ nên mê lòng
Nơi trần thế, ví như nơi, du ngoạn, sân khấu
Ai cụ cố, ai là cháu, ai là mẹ con
Nếu ngộ được, cảnh đời giả, cả nhà tu đạo
Cùng hành công, cùng lập đức, cùng về Tiên-Thiên
Nơi hậu-thiên, tu chân đạo, nhà lành hoà thịnh
Khi công thành, về Tiên-thiên, một nhà sum vui
Kỳ duyên này, thật ảo diệu, xưa chưa từng thấy
Chỉ tiếc than, đời mê người, chưa tỉnh “kê vàng”
Người vì danh, đã nhất-phẩm, còn muốn vương vị
Kẻ vì lợi, kiếm trăm vạn, chưa thoả lòng tham
Chỉ biết tham, chỉ biết luyến, toàn không suy nghĩ
Quên mất đi, đường sinh tử, xuống gặp Diêm-Vương
Sớm tỉnh ngộ, sớm tu chân, siêu thoát tam giới
Không tỉnh ngộ, tâm tánh mê, địa ngục thê lương
Trời và vực, chia hai đường, bởi một tâm niệm
Nếu nhất thời, tâm niệm sai, vĩnh chịu bi thương
Nỗi thống khổ, nơi địa phủ, dùng lời khó hết
Đài nghiệt-kính, soi một lần, tội hiện rõ ràng
Nếu hành thiện, có cơ may, kiếp sau hưởng phước
Khi phước hết, vẫn phải đoạ, sao khả trường tồn ?
Nếu tạo nghiệt, chịu báo ứng, có miệng khó cãi
Đài nghiệt-kính, soi tội nghiệt, tự gánh tội hình
 
Có núi dao, có vạc dầu, hình phạt đủ loại
Nào cưa lớn, nào cối sắt, chó uống máu-canh
Cầu nại-hà, rơi biết bao, già trẻ thanh thiếu
Mười tám tầng, đại địa ngục, khiến người thảm thê
Thật rùng rợn, thật khủng khiếp, khó nói thêm nữa
Phê đến đây, không nén được, nước mắt trào tuôn
Lỡ sa chân, thành mối sầu, thiên thu vạn cổ
Mất thân người, vĩnh trôi dạt, khó về cố hương
Nghe Mẫu khuyên, tu Thiên-Đạo, tinh thần phấn chấn
Lập chí kiên, phát đại nguyện, tâm tựa kim-cang
Cửu Tổ con, trong luân hồi, ngày đêm mong đợi
Trông đợi con, hành công đức, thoát biển sầu đau
Một niệm sai, tự mình đoạ, chẳng tính là bao
Lại liên luỵ, đến cửu huyền, than khóc chín suối
Áp âm-sơn, sáu vạn năm, đau thương muôn nỗi
Đợi hạ-nguyên, gặp phổ độ, mới lên từ-hàng
Nếu hạ-nguyên, có cơ may, gặp kỳ phổ độ
Liệu biết chắc, chuyển thân người, cầu được Chân-truyền
Nên chi bằng, nhân lúc này, Tây Thiên tốc tiến
Tỉnh đường mê, đi theo Mẫu, trở về Diêu-Bang
Phê đến đây, nghỉ một lúc, Mẫu lại lên Đàn
Ngừng bút vàng, ý trong huấn, xem hiểu tường tận.
 
 
 

Hoàng Mẫu Huấn Tử Thập Giới

( Giới Cáo Thứ Năm )
 
 
Thiên vận luân chuyển đến quý Thu
Tam-tai bát-nạn khắp Diêm-Phù
Chín chín hạo kiếp nào ai thoát
Cứu thế duy nhờ “ Nhất-Quán ” thuyền.
 
 
 
 
Năm giới cáo, Nguyên-phật-tử thật tu thật tiễn
Hiểu thời vận, biết ý trời, mới là người Hiền
Nay đương là, thời mạt kiếp, Đạo kiếp cùng giáng
Chỉnh sông núi, đổi càn khôn, bát quái rút, thêm
Lòng của Mẫu, vốn dĩ là, nhân-từ làm gốc
Nhưng vì sao, đại hạo kiếp, lại giáng trần gian
Con không nghĩ, từ xưa nay, nào có đại kiếp
Thời thịnh trị, Nghiêu Thuấn Vũ, vui vẻ an nhàn
Lòng người ngay, lòng trời thuận, nào có kiếp giáng
Lòng người tà, cảm ác nghiệt, hạo kiếp hoành hành
Nhìn phàm-trần, phong tục nay, ngày càng tồi tệ
Lễ kỷ-cương, của Thánh hiền, chẳng người noi theo
Học gian tham, học quỷ quyệt, lường gạt hãm hại
Bại nhân-luân, hoại cang-thường, một lời khó trọn
“Vua không vua, thần không thần”, triều cang bất chính
Cha với con, chẳng khuôn phép, thế phong suy đồi
Chồng bất nghĩa, vợ mất khuôn, nhân đức bại hoại
Anh chẳng khoan, em chẳng nhịn, kết thành oán thù
Kết giao bạn, chẳng giữ tín, hành ngược lời nói
Ngũ-luân suy, bát-đức phế, chẳng người tuân theo
Kẻ sĩ-tử, chỉ nói suông, không hành theo lý
Người làm nông, lo thu hoạch, chân lý chẳng nghiên
Kẻ làm công, chẳng chuyên cần chất phác kiên cường
Kẻ thương gia, bán hàng giả, gạt kẻ ngu ngốc
Người tu Phật, đã không giữ, tam-quy ngũ-giới
Kẻ tu Tiên, bỏ chánh pháp, biến thành bàng môn
Kẻ nho-sĩ, học sơ sài, tự phụ xưng Thánh
Nhìn cảnh này, Mẫu không khỏi, đau xót trong lòng
Thời buổi này, nếu không có, đại kiếp hạ giáng
Khắp thế gian, hẳn chẳng còn, một người hiền lương
Giáng tam-tai, cùng bát-nạn, đao binh thuỷ hoả
Chín chín kiếp, tám mươi mốt, toàn cầu khắp nơi
Lại sai xuống, ngũ đại Ma, đại náo Đông-thổ
Dùng vạn pháp, liên hoàn kế, thu hết ác tà
Số Trời đến, số Đất mãn, khí số đã đến
Đó cũng là, người tạo nghiệt, kết thành oán thù
Sáu vạn năm, đại thanh toán, ứng nơi trần thế
Ngọc và đá, thiện và ác, phân chia rõ ràng
Dùng huệ-nhãn, nhìn cõi trần, tuôn trào lệ máu
Thấy ác nghiệt, như mây mù, xông lấp trời xanh
Khắp bốn bể, gió yêu nổi, không nơi yên tĩnh
Nạn can qua, loạn trộm cướp, mười hết chín sầu
Nạn ôn dịch, nạn đói rét, hạn lụt đều có
Khắp thiên hạ, tuyệt ngũ cốc, mùa màng thất thu
Loại tai này, và kiếp nọ, chưa phải điều lạ
Sợ nhất là, nước lửa gió, quét sạch hoàn-cầu
Bốn mươi chín, ngày tối đen, trời trăng không sáng
Mở địa phủ, thả quỷ hồn, cùng đến đòi mạng
Tối như mực, làn khí âm, rét buốt toả khắp
Đến đòi nợ, mạng hoàn mạng, thiếu nợ trả tiền
Kiếp cang-phong, quét càn khôn, và quét vũ trụ
Quét Khí, Tượng, rửa Tam-giới, tái định trung tâm
Mặc cho con, kim-cang thể, mình đồng da sắt
Khó thoát được, chân kiếp hoả, tính mệnh khó tồn
Tuy hạo kiếp, nơi Đông-thổ, đều do Mẫu giáng
Nơi Tiên-Thiên, Mẫu ngày đêm, lệ máu tuôn trào
Chẳng nỡ nhìn, đá và ngọc, huỷ cùng một lúc
Giáng kim-tuyến, hiện linh-quang, chèo lái pháp thuyền
Trong ngàn đường, lẫn vạn đường, chẳng có đường sống
Gặp đường sống, duy Nhất-Quán, Thiên Đạo mau cầu
Vì tưởng nhớ, con của Mẫu, bôn ba tứ phía
Soạn ngàn thư, buông vạn lời, gửi xuống trần gian
Chỉ lo sợ, hạo kiếp đến, con Mẫu bị hại
Mẫu vì thế, mới khổ công, viết sách phê thư
Gọi một tiếng, con của Mẫu, hiền lương hiếu thảo
Hãy nhanh bước, tiến lên bờ, thêm công tiến tu
Đắc Thiên-Đạo, không thể lại ba lòng hai ý
Lấy huệ-kiếm, chặt dây oan, dứt vòng lợi danh
Luyến cảnh phàm, nào hay được, thế gian là giả
Dùng mắt xem, cõi đời này, sầu hay không sầu ?
Dẫu cho con, có muôn nghìn, vạn loại diệu kế
Khi kiếp đến, khó làm chủ, thân chịu kiếp đày
Trong mười phần, chết đi bảy, còn ba chịu khổ
Chết quá nhiều, xương thành núi, máu chảy thành sông
Nếu còn tham, luyến phàm tình, trái lý quên Thánh
 
Chín chín kiếp, đánh tàn linh, địa ngục giam cầm
Muốn tránh kiếp, muốn tránh tai, mau lập công quả
Mẫu ra lệnh, sai Tiên Phật, hộ con bình an
Người tỉnh ngộ, đi theo Mẫu, trở về Vô-Cực
Không tỉnh ngộ, gặp hạo kiếp, đánh vào tù lao
Chư Phật-Tử, tiễn giá Mẫu, Tiên Phật hồi phản
Thời điểm đến, lại phê tiếp, lời vàng lưu đời.
 
Ngưng.
  •  

Số lượt xem : 2376