BẠCH DƯƠNG KỲ - Bạch Dương Tu SĩBạch Dương Kỳ 2002

Làm Thế Nào Để Thành Tựu Vô Lượng Công Đức Khi Về Phật Đường ?

Tác giả liangfulai on 2022-03-19 09:07:29
/Làm Thế Nào Để Thành Tựu  Vô Lượng Công Đức Khi Về Phật Đường ?

Công đức thật sự chẳng ở nơi sự tướng, mà ở nơi tâm tánh vô hình. Vậy muốn thành tựu vô lượng công đức khi về Phật đường, nhất định phải hạ công phu sâu nơi tâm tánh.


Tu đạo thì hiếu đạo đi đầu, là chơn thiện bậc nhất trong muôn vàn cái thiện. Nay Tam Tào đại khai phổ độ, Ơn trên Lão Mẫu từ bi giáng xuống kim tuyến đại đạo, giáng thiên mệnh truyền đạo, chúng ta mới có thể đắc đạo, ngộ đạo, mới biết rằng mỗi chúng ta ngoài đấng sinh thành đã ban cho chúng ta cái nhục thể này ra, còn có thêm một đấng sinh thành khác đã sinh ra linh quang Phật tánh của chúng ta nữa, chính là Đức Vô Sanh Lão Mẫu. Nay Lão Mẫu khai ân đại xá Tam Tào, tạo điều kiện cơ hội bình đẳng tốt đẹp cho tất cả các Nguyên Thai Phật Tử chúng ta có thể tận đại hiếu với Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà, cha mẹ lũy kiếp đến nay, chúng ta phải luôn tồn tâm cảm kích biết ân vô ngần, luôn nhớ về ân đức của Lão Mẫu, vậy nên luôn tự yêu cầu bản thân phải thường xuyên quay về Phật Đường Tiên Thiên, nơi đại diện của Lão Mẫu, để Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà, cha mẹ lũy kiếp đều được cùng về Phật đường triêm quang, cùng có cơ hội lễ bái Lão Mẫu và Chư Phật mười phương, cùng lắng nghe đạo lý để không ngừng nâng cao tâm cảnh, học tập buông xả mọi phiền não chấp trước vọng tưởng để sớm ngày được giải thoát, lìa khổ được vui. Bản thân mình thì học tập phục vụ chúng sinh, thành toàn dìu dắt chúng sinh, cũng chính là các huynh đệ tỉ muội Nguyên Thai Phật Tử cùng về cội đạo, thỏa lòng kì vọng của Lão Mẫu, ấy chính là đang tận đại đại hiếu. Thường khởi tâm nguyện muốn tận đại đại hiếu này, rồi thực hành ra ngoài bằng hành động thực tiễn đến Phật đường liễu nguyện với tâm hoan hỷ, ấy chính là đức hiếu. Còn như thường khởi tâm “ không có mình thì Phật đường vẫn đông, vẫn có người đến hộ trì ”, tâm miễn cưỡng, tâm nhàm chán chẳng muốn đến chút nào, hoặc tâm so đo tính toán được mất, hoặc tâm phân biệt chấp trước Phật đường lớn nhỏ, mức độ trang nghiêm thanh tịnh, bầu không khí tu bàn đạo, quan hệ nhân sự … hễ khởi lên các thứ tâm như thế đều là đang đối cảnh sanh tâm, là tâm vọng tưởng chấp trước phân biệt, thì thật chẳng công cũng chẳng đức. Tu đạo chính là phải dụng tâm chuyển cảnh, chuyển phiền não thành bồ đề, tinh tấn chẳng nhàm chán mỏi mệt, chính là công đức.

 

Đến Phật đường phải luôn khởi tâm vì muốn thực hành hiếu hạnh, muốn đền đáp ân đức nghĩa tình, công lao sinh thành dưỡng dục của đấng sinh thành, ân truyền đạo của Thầy, vì muốn khiêm tốn học đạo, tu bàn liễu nguyện, tiêu trừ nghiệp chướng, cứu độ thành toàn chúng sinh cùng lên bờ giác, vượt biển khổ sinh tử luân hồi, ấy chính là công đức.

 

Phật đường có lễ tiết dâng khăn cho các vị Điểm Truyền Sư, Giảng Sư, Đàn Chủ, cho đến cả các đạo thân mới cầu hoặc chưa cầu đạo, chính là để thông qua lễ tiết ấy mà rèn cái đức khiêm hạ mình, lễ kính bình đẳng với tất cả mọi người ( cũng chính là lễ kính Phật vị lai ) không phân biệt tầng lớp, giai cấp, giới tính, độ tuổi, thiện ác, tập hạ thấp cái bản ngã vốn dĩ to lớn hơn cả ngọn núi Tu Di của mình, phá đi sự chấp trước cái Tôi ngã mạn của bản thân, vì đại chúng mà hoan hỷ phục vụ, từ đấy triệt tiêu dần sự ích kỷ riêng tư của bản thân mình. Người đến Phật đường luôn hoan hỷ yêu thích thực hành lễ tiết dâng khăn với tâm thành kính như thế thì có thể kết duyên lành với vô số “ Phật vị lai ”, lễ kính vô số “ Phật vị lai ”, sẽ dễ dàng quên dần đi cái Tôi, ấy chính là công đức. Trong tâm thường lễ kính Chư Phật ba đời, thấy ai ai cũng là Phật, tâm ấy tức tâm Phật, tức có công đức.

Phật đường có lễ tiết quỳ bái khấu đầu. Người làm Thượng Hạ Chấp Lễ trang phục trang nghiêm chỉnh tề, đứng ngay ngắn trang nghiệm đại diện cho Pháp Luật Chủ, nhiếp tâm chuyên chú việc hô khẩu lệnh và xướng Phật hiệu, hộ trì cho buổi lễ diễn ra một cách trang nghiêm trịnh trọng, khi hô tâm chẳng tán loạn bay nhảy lung tung, chẳng mảy may động tâm trước bất cứ sự việc gì khác đang xảy ra, ấy là công đức.

Người quỳ bái khấu đầu nhất tâm chuyên chú với khẩu lệnh và Phật hiệu, tâm quán tưởng đang lễ kính đấng Vô Sanh Lão Mẫu và vô lượng vô biên vô số Chư Phật mười phương, tâm chẳng tán loạn nghĩ ngợi bay nhảy lung tung, ý giữ nơi huyền quan, nhất tâm thanh tịnh, ấy là công đức.

Phật đường cần phải được quét dọn vệ sinh sạch sẽ. Trái cây và hoa cần được sắp xếp bày biện trang nghiêm. Ban thờ Phật, tượng Phật, đèn, lư hương, bái đệm … cần được lau chùi sạch sẽ. Người đến Phật đường hoan hỷ làm việc ấy chính là đang hành vô úy thí, đang làm “ trang nghiêm Phật tịnh độ ” qua sự tướng, khiến cho hình ảnh Phật đường trở nên trang nghiêm thanh tịnh, các đạo thân đến Phật đường cũng cảm thấy an vui thanh tịnh, vậy nên trong vô hình “ các cõi nước Phật ” trong tâm của mọi người cũng trở nên trang nghiêm thanh tịnh. Ấy chính là công đức “ trang nghiêm Phật tịnh độ ”.

Người đến Phật đường nhìn thấy các đạo thân đều đang rất tích cực trang nghiêm đạo trường, hộ trì Phật đường thông qua tam thí ( tài, pháp, vô úy ) bèn cũng khởi tâm hoan hỷ, tán thán, vui thích thực hành theo, ấy là tùy hỷ công đứcTam thí đều hành, nhưng chẳng chấp trước, cũng chẳng phân biệt công đức nhiều ít, tâm chẳng mong cầu lợi ích bản thân, duy mong lợi lạc chúng sanh, hết thảy đều hồi hướng chúng sinh pháp giới, Oan gia Bồ Tát, Cửu Huyền Thất Tổ, chẳng ghi nhớ việc mình đã làm, những tài vật mình đã thí, đối tượng đã nhận thí cúng dường, ấy là “ vô trụ công đức ”.

Các thứ trái cây, bánh kẹo, đồ cúng khác mà mình mang đến Phật đường, sau khi dâng kính Lão Mẫu và Chư Phật mười phương, cúng phẩm sẽ được thỉnh xuống để phân phát cho tất cả các đạo thân làm lộc mang về, ấy tức là đang thực hành  “ rộng tu cúng dường ” Chư Phật mười phương, từ quá khứ, hiện tại cho đến vị lai. Mỗi chúng sinh đạo thân đều là những vị “ Phật vị lai ”. Khi tâm hoan hỷ rộng tu bố thí và cúng dường như thế, tức có công đức “ rộng tu cúng dường ”.

Người đến Phật đường luôn khiêm tốn hạ mình, siêng năng học hỏi, thỉnh thị các vị Điểm Truyền Sư, giảng sư chỉ điểm giải hoặc, luôn chăm chú hoan hỷ yêu thích lắng nghe với tâm thanh tịnh tràn đầy niềm vui pháp, ấy là công đức “ thỉnh chuyển pháp luân ” . Khi chăm chỉ đến Phật đường học tập lắng nghe đạo lý với tâm thái tràn đầy niềm vui học pháp, trong vô hình cũng đã khích lệ các vị giảng sư càng thêm hoan hỷ khai thị giảng giải, càng nỗ lực truyền đạt giảng giải đạo lý, ấy cũng chính là công đức “ thỉnh Giảng Sư trụ thế ”. Giảng sư sẽ không thể “ trụ thế ” nếu không có lớp viên đạo thân đến nghe giảng, không có “ thỉnh chuyển pháp luân ”. Các giảng sư cũng chính là những vị “ Phật vị lai ” và trong vô hình khi mỗi giảng sư đứng ra giảng lớp, phía sau của các giảng sư ấy đều có một vị Phật hoặc Bồ Tát gia trì trợ giúp trong âm thầm. Như vậy, nếu siêng năng tinh tấn chăm chú đến Phật đường nghe lớp, cũng tức là đang có công đức " thỉnh chuyển pháp luân ", thỉnh giảng sư ( Phật vị lai )  trụ thế

Một điều đặc biệt cần chú ý khi đến Phật đường học tập nghe giảng chính là “ tuyệt đối phải dùng tâm cung kính, tâm không phân biệt, không chấp trước, tâm khiêm tốn, tâm tràn đầy niềm hoan hỷ ” như vậy tức có công đức. Còn như khi nghe giảng mà khởi tâm tràn đầy thị phi, ngạo mạn, phân biệt, chấp trước thì trái lại tuyệt nhiên sẽ chẳng có chút công đức. Chẳng hạn như khi nghe một vị giảng sư vừa mới được đề bạt lãnh thiên chức giảng sư lên chia sẽ giảng giải không được chuyên nghiệp như những vị khác mà trước kia mình từng được học nghe, thì liền khởi tâm phân biệt khen chê, so sánh giảng sư này với pháp sư nọ, cho đến cách giảng, nội dung chia sẽ, phong thái biểu đạt … hễ một khi khởi lên các thứ tâm niệm như thế, thì lẽ dĩ nhiên tự bản thân mình sẽ không có công đức.

Người đến Phật đường luôn ca ngợi tán dương những công đức tốt đẹp của các vị Phật Bồ Tát, Lão Tiền Nhân, Tiền Nhân, Điểm Truyền Sư khai hoang, khen ngợi những đức hạnh của mỗi vị giảng sư Đàn Chủ, cho đến các vị bàn sự nhân viên, đạo thân … thảy đều ca ngợi tán thán những mặt ưu điểm, những đức hạnh tốt đẹp đáng để mọi người học tập; không luận bàn thị phi, không bàn tán lan truyền những mặt trái tiêu cực, những điểm còn thiếu sót chưa được viên mãn của mỗi người. Để có thể xưng tán Như Lai, tu sĩ nhất định cần phải nghiên cứu học tập về các đức hạnh tâm địa của Chư Phật Bồ Tát, còn đối với các vị Tiền hiền, đồng tu bạn đạo thì phải luôn nhìn vào những mặt tốt, những ưu điểm tích cực, những đức hạnh ngời sáng của họ, và cứ như vậy trong tâm địa của bản thân chỉ gieo trồng toàn những hạt giống tốt đẹp, những tấm gương ngời sáng, tâm địa tự thân bèn trở nên quang minh tốt đẹp, và khi xưng tán công đức Như Lai, cũng như công đức của người khác trước mọi người, khiến đại chúng khởi sanh tâm hoan hỷ yêu thích học tập noi theo thì công đức càng vô biên vô lượng. Người hay xưng tán công đức Như Lai trong vô hình tự nhiên sẽ có thể chuyển hóa và tiêu trừ cái ác nghiệp hay soi mói, luận bàn những thị phi khiếm khuyết của người khác, vốn là một trong những cái nhân của sự " rò rỉ công đức " khiến cho tâm địa đen tối ô uế.  Người đến Phật đường có thể làm được việc thường " xưng tán Như Lai " thì trong vô hình chính là có công đức " xưng tán Như Lai ". Lòng hoan hỷ với công đức của các ngài, của người khác thì liền tự nhiên hòa ánh sáng trí tuệ Phật, ánh sáng Tự Tánh được hiển lộ, Tự tánh sẽ sản sinh công đức, khiến cho linh quang tỏ hiện chiếu phá ám si, bèn sẽ không khởi vọng, không tạo nghiệp.

Người đến Phật đường nhìn thấy những lỗi lầm thị phi, những mặt trái tiêu cực của người khác bèn ngay lập tức phản tỉnh soi ngược lại nơi bản thân mình, sám hối những lỗi lầm tương tự trước kia của mình, nguyện nỗ lực từ nay không tái phạm, lại dũng cảm tự phơi bày, tự thừa nhận những lỗi lầm sai trái của bản thân trước Lão Mẫu, Chư Phật và tất cả mọi người, để mọi người lấy đó làm gương cảnh tỉnh mà tu sửa tự bản thân, làm được như thế tức có “ công đức của sám hối ”.

Người thường tinh tấn đến Phật đường nghe nhiều, học nhiều, không giải đãi lười biếng hôn trầm, trừ bỏ tam độc tham sân si, thường tu trì giới định tuệ, lời Phật dạy hiển thị nơi thân, lấy thân mình làm tấm gương sáng mẫu mực hiển thị đạo, qua lời nói, qua cách cư xử, mọi việc làm hành động, luôn từ bi, an nhiên tự tại, xả quên bản thân, hy sinh phụng hiến phục vụ lợi lạc chúng sinh.  Người làm được như thế bèn có công đức của " thường học theo Phật ".

Người đến Phật đường có thể phục vụ chúng sinh, lắng nghe những nỗi khổ niềm đau, những tâm tư nguyện vọng của các đạo thân đồng tu, từ đấy cho họ những lời động viên khích lệ đúng đắn hợp lý, giúp cởi bỏ những nút thắt phiền não trong tâm họ, khiến họ ngày càng trở nên tích cực hướng đến con đường quang minh sáng lạng tốt đẹp, cải biến vận mệnh ngày càng tốt lên, thì ấy chính là công đức “ hằng thuận chúng sinh.

Người đến Phật đường thường tồn tâm cảm ân Lão Mẫu, Chư Phật Bồ Tát, Lão Tổ Sư, Sư Tôn, Sư Mẫu, Lão Tiền Nhân, Tiền Nhân, các vị Điểm Truyền Sư, Giảng Sư, Đàn Chủ, Dẫn Bảo Sư, cho đến các vị đồng tu đạo thân đã cho mình cơ hội học tập, hành công lập đức, liễu nguyện, tiêu nghiệp, tức trong tâm luôn tồn chánh niệm, năng lượng tích cực, tâm từ bi yêu thương, cung kính … thì tâm lượng sẽ càng rộng lớn, càng trong sáng vô tư, tức càng tiếp cận với đạo, công đức càng vô biên vô lượng. Ngược lại nếu tâm chẳng biết cảm ân, tràn đầy những thị phi, oán trách, sân hận, ganh ghét đố kị, tranh chấp “đạo quyền”, “đạo danh”, " đạo lợi " … toàn những năng lượng tiêu cực khiến ảnh hưởng đến đạo trường Phật đường, quan hệ nhân sự … thì sẽ chẳng có chút công đức.

Người thường đến Phật đường để liễu nguyện đã lập trước Lão Mẫu và Chư Phật, trước thiên mệnh Minh Sư Sư Tôn Sư Mẫu, trước các vị Oan gia Bồ Tát, ấy là công đức của đức tín.

Người thường đến Phật đường để lắng nghe, học tập đạo lý, khai mở trí tuệ thì công đức của đức trí.

Người thường thành toàn đạo thân đến Phật đường tu bàn nghe lớp “ kỉ lập lập nhân, kỉ đạt đạt nhân ”không những mình tốt mà còn phải khiến người khác cũng được tốt, không những mình thành tựu mà còn phải khiến cho người khác thành tựu ) , ấy là công đức của đức nhân.

Thường về Phật đường để chung vai gánh vác sứ mệnh Tam Tào Phổ Độ, thực hiện nghĩa vụ liễu nguyện báo ân, cùng san sẻ trải nghiệm bao nỗi vui buồn, bao thử thách khảo nghiệm gian truân trắc trở, sống trọn vẹn với tình nghĩa thầy trò, đồng tu bạn đạo, thủy chung như một, ấy là công đức của đức nghĩa.

Thường về Phật đường hộ trì thiên mệnh, tôn sư trọng đạo, tinh thần nghĩa dũng tràn đầy, dù trải qua muôn vàn khảo nghiệm kiếp nạn trùng trùng vẫn không hề thối chuyển đạo tâm, vẫn tinh tấn dũng mãnh không chùn bước mà thẳng tiến về phía trước, ấy là đức trung, có công đức của đức trung, bất thối chuyển nơi vô thượng đạo.

Như vậy, thường về Phật đường cũng chính là đang học tập và thực hiện khôi phục luân lý đạo đức, vẹn tròn tứ duy (Lễ (lễ độ, khiêm tốn), nghĩa (chính nghĩa, con người mà có lòng biết ơn thì chính là có nghĩa), liêm (liêm khiết, trong sạch, không tham thì chính là liêm ), sỉ (xấu hổ mà cải sửa bản thân chính là sỉ) và bát đức ( hiếu để, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ ) vốn là đạo đức căn bản, là cái gốc làm người, từ đấy mới có thể vững bước trên con đường Thánh Hiền Tiên Phật, khôi phục bổn lai diện mục của chính mình, tất có vô lượng công đức, có cơ hội thành đạo.

Như vậy, đến Phật đường đâu đâu cũng đều là cơ hội để tăng trưởng vô lượng vô biên công đức, then chốt chính là ở tự bản thân nâng cao tâm cảnh của chính mình, chớ chẳng nơi các sự tướng bên ngoài. 

Tu đạo tu tâm, bàn đạo phải tận tâm. Tu tâm chính là tu sửa cái vọng tâm vọng niệm của chính bản thân, điều chỉnh lại cái tâm tư, lời nói, hành vi việc làm của bản thân mình, chớ chẳng phải nơi người khác. 

Bàn đạo phải tận tâm, tận hết tâm sức với chức trách của mình trợ đạo, lèo lái pháp thuyền để hộ trì thiên mệnh truyền thừa, hộ trì gia nghiệp Như Lai, cũng tức là đang hộ trì tuệ mệnh của chúng sinh, lợi lạc chúng sinh; đồng thời cũng chính là thông qua bàn đạo mà luyện tâm rèn đức, mài giũa gọt bỏ những “ góc cạnh sắt bén ” nơi tự thân khiến cho tâm hạnh ngày càng viên mãn ( tròn đầy ).

Nếu có thể ngộ đạo hành đạo thì Phật đường mọi việc mọi nơi mọi thời điểm đều là công đức, không như một số vị đạo thân từng ngộ nhận rằng “ Mình đến Phật đường thì chỉ có lợi lạc cho mỗi Đàn chủ mà thôi, duy chỉ có Đàn chủ là có thêm nhiều công đức, thêm nhiều tài lộc, còn mình thì nào được lợi lạc, công đức gì ? Vả lại Phật đường nhỏ bé, chỉ có vài ba tượng Phật, không như chùa lớn rất nhiều tượng Phật Bồ Tát trang nghiêm, lại có nhiều vị Cao Tăng Đại Đức, vậy nên đến chùa thì mình sẽ được nhiều lợi lạc, nhiều công đức hơn. ” Khi tâm vọng tưởng, phân biệt, chấp trước ấy khởi lên, tức chẳng có chút công đức. Công đức dẫu có thì cũng chỉ rất ít, do bởi tâm tánh không viên mãn, phước đức có được cũng chỉ nhỏ bé mà thôi, do tâm còn tham chấp, phân biệt vọng tưởng.

Mỗi lần đến Phật đường có thể thực hành những công đức trên noi theo nguyện hạnh của Bồ Tát Phổ Hiền, lại thêm công đức hộ trì thiên mệnh, gia nghiệp Như Lai, và các công đức khác như tụng kinh, niệm Phật, ấn tống kinh sách, công đức có được thảy đều hồi hướng cho tất cả chúng sinh tận hư không pháp giới, không trụ trước dính mắc nơi tâm, khuếch đại tâm lượng rộng lớn vô lượng vô biên tựa như hư không, khiến cho công đức vô lượng vô biên. Thường hành trì như thế tức gần với đạo, khiến cho nghiệp chướng hết thảy đều tiêu trừ sạch sẽ, tức có cơ hội thành đạo.

 

Hồi Hướng Kệ

 

Lòng thành cung kính con quỳ lạy

Trước Lão Mẫu Chư Phật mười phương

Nguyện Chư Phật, Bạch Dương Tam Thánh

Làm chủ hồi hướng giúp chúng con.

 

Tất cả công đức con đã hành

Lễ kính Chư Phật, thường ngợi khen

Xưng tán Như Lai, cúng dường rộng

Sám hối nghiệp, tùy hỷ công đức.

 

Ấn tống kinh, tụng kinh niệm Phật

Hộ trì thiên mệnh, lái pháp thuyền

Tu bàn trợ đạo, chúng sinh độ

Thành toàn chúng sinh lên giác ngạn.

 

Thỉnh chuyển pháp luân, thỉnh Phật trụ

Thường học Phật, hằng thuận chúng sinh

Công đức hết thảy đều hồi hướng

Khắp chúng sinh pháp giới thập phương.

 

Nguyện Tổ Huyền, Oan gia Bồ Tát

Sanh tịnh độ, lìa khổ được vui.

Nguyện đạo thân đắc đạo giải thoát

Đều về Vô Cực, thoát luân hồi.

 

Nguyện tất cả Chúng thường an lạc

Không các bệnh khổ hành thân tâm

Muốn thực hành pháp ác không đạt

Còn tu nghiệp lành đều mau thành.

 

Đóng chặt cửa tất cả ác thú

Mở đường chánh Nhơn, Thiên, Niết Bàn

Chúng sinh thảy đều được giải thoát

Rốt ráo thành tựu quả vô thượng.

 

Dẫu cõi hư không, chúng sanh tận

Nghiệp phiền não chúng sanh cùng tận

Hồi hướng của con không cùng tận

Niệm niệm tiếp nối, không nhàm mỏi.

 

Con luôn nguyện đem mọi công đức

Trang nghiêm Phật tịnh độ mười phương

Trên nguyện báo tứ chủng ân đức

Dưới cứu chúng sinh tam ác đường.

 

Nguyện tiêu tam chướng chư phiền não

Nguyện đắc trí tuệ thật tỏ rạng

Nguyện khắp Chúng tội chướng tiêu trừ

Đời đời thường hành Bồ Tát đạo.

 

Nguyện con lâm chung không chướng ngại

Tự biết thời đến, không khổ bệnh

Tâm ý chẳng tham luyến điên đảo

Như nhập thiền định, thoát sáu đường.

 

Nguyện sanh Di Lặc tịnh độ trung

Sen nở liền thấy Từ Tôn dung

Liền đắc bất thoái vô thượng đạo

Lại theo Bồ Tát hạ Diêm Phù.

Số lượt xem : 1416