Học Tu Giảng Bàn Hành
Học đạo, noi Thánh Phật
Dưỡng tâm tứ vô lượng
Thường từ, bi, hỷ, xả
Ứng dụng sinh hoạt thường.
Học hạ mình khiêm tốn
Học hỏi trau dồi thường
Tinh tấn, không cao ngạo
Chẳng chấp, chẳng nhàm biếng.
Tu đạo tu tâm tịnh
Hợp về đạo trung dung
Vô tư không thiên lệch
Vô ngã, vô vi lòng.
Tu đạo quản tự thân
Quản thân khẩu ý mình
Sửa thói hư, tiêu nghiệp
Khôi phục Tự Tánh mình.
Tu đạo chẳng phải quản
Thân, khẩu, ý tha nhân
Nhập thị phi, phiền não
Lìa Tự Tánh thanh tịnh.
Bàn đạo, đạo tâm dụng
Tâm Thiên Địa vận hành
Tinh tấn, không lệch, mỏi
Lợi Chúng không nghỉ dừng.
Thường tự động tự phát
Hay tự lập, tự cường
Tiến nhanh, không lùi bước
Chẳng mê lạc “ danh, quyền … ”
Giảng đạo dựa kinh điển
Ý chẳng lệch, không thiên
Tùy đối tượng, căn tánh
Khéo ứng dụng phương tiện.
Giảng đạo nhập tánh lý
Hữu vi nhập vô vi
Não phiền tâm rửa gột
Sáng tỏ tâm pháp hỷ.
Hành đạo trong cuộc sống
Nơi sinh hoạt ngày thường
Đối nhân sự, đãi vật
Luôn kính yêu, khiêm nhường.
Hành đạo tự giới nghiêm
Tam nghiệp thanh tịnh thường
Làm tấm gương trong sáng
Hiển đức hạnh phi thường.
Hành đạo nơi thân hiển
Đức dày, rộng lành duyên
Bao dung người, việc, vật
Lợi lạc chúng sinh thường.
Học đạo trong ngày thường
Tu đạo nơi “ tâm trường ”
Giảng đạo trên tự tánh
Bàn đạo nơi đạo trường.
Hành đạo nơi thân hiển
Chẳng nơi đầu môi suông
Noi Thánh Hiền Tiên Phật
Thân viết chân kinh điển.
Học tu giảng bàn hành
Tỏ rõ không mê lầm
Mới không xa rời đạo
Rốt ráo đạo quả thành.
Học đạo chẳng phải là để tích lũy tri thức đạo học để đó “ cất kho “ rằng mình có học có biết,
càng chẳng phải là để so sánh hiểu biết hơn thua cao thấp với người khác, chứng tỏ năng lực biện tài vô ngại cao thâm,
mà chính là để thắp sáng ngọn tâm đăng phá trừ vô minh hắc ám của vạn năm,
để thể ngộ chân lý tuyệt đối trong vũ trụ,
từ thể ngộ mà khởi phát lòng tin,
từ tin mà khởi phát đại từ bi tâm nguyện,
từ nguyện mà dốc sức hành thực tiễn thị hiện đạo nơi thân,
từ hành mà chứng đạo vô thượng.
Tu đạo là tu tâm dưỡng tánh, sửa bỏ những thói hư tật xấu, tiêu trừ nghiệp lực phiền não của tự thân, thường tự yêu cầu đòi hỏi nghiêm khắc nơi tự bản thân chứ không yêu cầu người khác, thường tự thấy lỗi mình, chẳng thấy chẳng chấp lỗi nơi người, tam nghiệp thân khẩu ý thường hành trì thanh tịnh để trở về bổn tánh tự nhiên, bổn lai diện mục ban đầu.
Giảng đạo là thay Trời Phật tuyên hoá, xiển dương chân lý trong vũ trụ, khởi phát trí tuệ lương tri lương năng trong mỗi con người để quay trở về bổn lai diện mục Phật tánh thanh tịnh vốn có ban đầu, là phương tiện để tự độ độ tha, tự nhắc nhở cảnh tỉnh bản thân phải tri hành hợp nhất.
Bàn đạo là việc Trời việc Phật mượn thân người làm, phổ độ chúng sinh, tiếp dẫn chúng sinh, làm lợi lạc chúng sinh, cứu giúp chúng sinh.
Hành đạo là thị hiện đạo trên thân, triển hiện ra ngoài là đức tánh phong phạm của bậc quân tử Thánh nhân với ba nghiệp thân khẩu ý thường thanh tịnh, làm tấm gương sáng mẫu mực cho người đời noi theo.
Học tu giảng bàn hành là con đường Bồ Tát đạo mà bất cứ người tu đạo nào cũng phải trải qua trên con đường tiến đến Phật đạo vô thượng. Vì lẽ đó mà tu bàn đạo có tam bất rời :
1. Không rời kinh điển thánh huấn,
2. Không rời tiền hiền đồng tu bạn đạo, chúng sinh
3. Không rời Phật đường đạo trường.
Số lượt xem : 1969