BẠCH DƯƠNG KỲ - Bạch Dương Tu SĩBạch Dương Kỳ 2002

VÔ MINH CHÍNH LÀ ÁI DỤC. CĂN BẢN CỦA VÔ MINH LÀ ÁI DỤC ( Pháp Ngữ Khai Thị Của Hòa Thượng Tuyên Hóa)

Tác giả liangfulai on 2022-03-30 08:28:46
/VÔ MINH CHÍNH LÀ ÁI DỤC. CĂN BẢN CỦA VÔ MINH LÀ ÁI DỤC  ( Pháp Ngữ Khai Thị Của Hòa Thượng Tuyên Hóa)

Quý vị phải thận trọng, chớ gần gũi sắc dục; gần gũi sắc dục tất sanh tai họa. Quý vị hãy ghi nhớ rằng mình phải hết sức cẩn thận, đừng bao giờ mê đắm sắc tướng. Nếu quý vị mê chấp, cùng với sắc tướng "hợp lại thành một", ắt sẽ có tai họa xảy ra. Nam giới cần phải tránh xa nữ giới và đồng thời, nữ giới cũng cần phải tránh xa nam giới. Đó là phương pháp "sanh thiện, diệt ác" dùng để đối trị lòng tham ái và tham dục.


Nam thì nên xem những phụ nữ cao niên như mẹ, và nữ thì nên xem những người đàn ông già cả như cha. Khi người nam gặp những người nữ trạc tuổi mình hoặc hơn mình một vài tuổi thì hãy xem họ như chị, nếu nhỏ tuổi thua mình thì xem như em gái, còn nếu là trẻ con thì xem như con cái của mình vậy, và nên phát tâm cứu độ họ. Quý vị phát tâm độ thoát họ tức là quý vị có lòng từ bi, muốn mang lại lợi ích cho kẻ khác (lợi tha). Như thế, quý vị vừa làm lợi cho mình lại vừa có thể làm lợi cho người khác nữa. Khi hai hành vi tự lợi và lợi tha này tương ưng, thì niệm ác sẽ tự nhiên tiêu tan và vọng tưởng cũng ít bớt.

Đức Phật dạy: "Hãy thận trọng, đừng nhìn ngó nữ sắc, cũng đừng nói năng với họ." Đây là cách người nam đối xử với người nữ. Về cách người nữ đối xử với người nam thì có thể đảo lại: "Hãy thận trọng, đừng nhìn ngó nam sắc, cũng đừng nói năng với họ!" Quý vị không được cùng nhau chuyện trò với người khác phái. Đừng nói là cười đùa, ngay cả nói năng cũng không thể được!

Phàm là người tu Đạo, hễ lửa đến thì nên tránh xa. "Lửa" tức là gì? Ở đây, "lửa" là dụ cho dục vọng và ái tình, và cũng là tình cảm mong muốn các cảnh giới của lục trần. Lục căn thì thuộc về tình, còn lục trần thì thuộc về cảnh. Cả sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) hợp với sáu trần (hình sắc, âm thanh, hương thơm, mùi vị, tiếp xúc, pháp) làm cho con người bị đắm say mê muội, mê đắm đến nỗi "sống say chết mộng"! Vì vậy, "người tu Đạo thấy sự dục lạc tất phải tránh xa." Người tu Đạo cần phải lánh xa dục vọng. Một khi phạm giới dâm, quý vị sẽ rất dễ phạm giới sát, cũng dễ dàng phạm giới trộm cắp, và vọng ngữ. Bởi vậy, phạm giới dâm thì các giới sát sinh, trộm cắp, dối trá đều bao hàm trong đó.

Trai gái yêu nhau, rốt cuộc có ý nghĩa gì? Tướng mạo dù có đẹp bao nhiêu cũng chỉ là da bọc đồ thối: Trong ấy nào là phân, nước tiểu... Chín lỗ trong thân thường lưu những thứ bất tịnh: Mắt thì có ghèn, tai thì có ráy tai, mũi thì có dãi mũi, miệng thì có nước miếng, thêm đại tiểu. Quý vị nghĩ rằng cứu cánh thân này có sạch sẽ chăng? Ma vô cùng thông minh. Nó rình biết người kia có lòng tham muốn thứ gì thì nó sẽ dùng phương pháp thích hợp để dụ hoặc người đó. Do đó người tu hành chúng ta không cần thiết phải niệm chú gì đặc biệt, cũng không dùng pháp môn gì. Chỉ cần mình chân thật, không tranh, không tham, không mong cầu, không ích kỷ, không tự lợi, cứ chăm chỉ khổ tu, thì không có ma gì phá hại được quý vị. Chỉ cần quý vị có lòng tham, có lòng kiêu hãnh, muốn chiếm tiện nghi, muốn tìm đường tu tắt, thì sẽ dễ dàng bị dính vào ma sự. Người tu mà sợ cô độc thì chẳng thể tu. Người xưa nói: Vạn ác, dâm đứng đầu. Ðó là đường chết, không thể đi.

Ái dục chính là sinh tử. Sinh tử chính là lòng ái dục. Ái dục là gốc của sinh tử. Nếu không trừ bỏ lòng ái dục vô minh thì rốt ráo không thể nào thoát khỏi biển ái sinh tử. Nếu quý vị còn thích đẹp đẻ, xinh xắn, mỹ quan thì hẳn thói quen (ham sắc) chưa trừ. Người tu hành không thể có niệm tà dâm, tức là ý tưởng dâm dục. Nếu còn chút niệm dâm dục, thì quyết không bao giờ vượt khỏi tam giới, vẫn phải lưu chuyển hoài hoài trong luân hồi sanh tử, vì niệm dâm dục chính là gốc rễ của sanh tử. Nếu đoạn trừ được nó, thì mới có thể ra khỏi tam giới mà chứng quả Phật. Bởi vậy người tu hành nhất định phải dứt hết ý tưởng dâm dục. Trong phạm vi của luật nhân quả thì phạm tội tà dâm là nghiêm trọng nhất. Sự trừng phạt còn ghê gớm nữa: Một người lúc sống phạm giới tà dâm bao nhiêu lần, thì khi chết sẽ bị một cái cưa lớn cưa thân người ấy từ đầu xuống chân bấy nhiêu lần. Sinh tiền kết hôn một trăm lần thì chết rồi bị cưa một trăm lần. Người có đẹp lộng lẫy đến đâu, cũng chỉ là bọc da thối. Nếu càng tìm bên trong càng thấy toàn là máu, mủ, đờm, dãi, nhớp nhúa. Xét đến năm tạng, thì toàn là phân và nước tiểu. Bên ngoài đẹp đẽ, bên trong thối không thể chịu được, có gì khác đâu? Cần gì mình phải chấp trước vào cái thân này chớ! Người ngu si thì chú ý vẻ đẹp bên ngoài, chấp trước vào cái tướng đẹp đẽ mỹ miều. Ðây chẳng phải là ngu si sao? Bởi vì có lòng dâm dục nên mới phát sinh ra những chuyện ác trên đời. Nếu quý vị có thể làm những việc lành, tự mình thanh tịnh, không có hành vi dâm loạn thì đó tức là chúng thiện phụng hành.

Nên biết ái dục là gốc rễ của sanh tử. Chúng sanh chịu khổ trong vòng luân hồi đều là do lòng ái dục mà ra. Truy cho cùng gốc ái dục thì nào phải chỉ mới có trong đời này, hay đã có từ 2, 3, 4 kiếp trước đâu. Nó đã có từ vô thỉ kiếp, khi sanh tử mới bắt đầu vậy. Đời đời kiếp kiếp, bỏ thân này sanh thân kia, đều do ái dục làm cho luân chuyển. Chỉ đến ngày nay, thử hỏi mình đã có một mảy may ý nghĩ tạm rời cái gốc rễ ái dục này chưa? Bởi cái hột giống, cái gốc rễ ái dục quá sâu dầy, nên sanh tử cứ vô cùng vô tận. Ðối với kẻ mới phát tâm tu, điều chướng ngại nhất khi dụng công là lòng tham đắm sắc dục giữa nam và nữ. Ðây là vấn đề căn bản nhất. Nếu quý vị không buông xả được ái dục, thì dầu cho quý vị xuất gia tám vạn bốn ngàn đại kiếp, quý vị cũng chỉ phí thời gian trong Đạo Phật và tạo nghiệp chướng với mỗi "bữa ăn" mình thọ dụng.

Người tu Ðạo nên chú ý! Chớ gieo duyên nhiễm ô với người khác. Sợi dây trói buộc bất tịnh này sẽ làm chúng ta đọa lạc. Tu hành thì cần phải giữ mình cho trong sạch, như giữ đôi mắt không để dính một hột cát vậy. Tu đạo thì trước hết phải trừ tập khí. Trừ như thế nào? Bên trong thì khắc kỷ phục lễ, bên ngoài thì đoạn dục khử ái, cả hai đàng cùng dụng công, ắt sẽ thành công.

Con người sanh ra bởi sắc dục, chết bởi sắc dục, đó là lẽ thường của thế tục, và thuận theo thế tục thì cứ sống đi chết lại không ngừng. Kẻ xuất gia thì đi ngược lại, có đi ngược mới thành thánh, nên cái gì hay với thế gian thì lại không hay với người xuất gia; người thế gian tham, chúng ta không tham; cái gì người thế gian yêu thích, chúng ta không yêu thích; cái gì người thế gian mê, chúng ta không mê. Muốn cầu đại đạo ắt phải ra khỏi đường mê.

Khuyết điểm lớn nhất của chúng sanh là si ái--ngày đêm sống trong si ái, không thể xả bỏ được. Nếu chuyển được tâm háo sắc thành tâm tu học Phật Pháp, từng giờ từng phút không lãng quên việc tu học, thì sẽ mau chóng thành Phật. Thân thể ai không nhiễm ô thì người ấy là Phật; thân thể ai nhiễm ô thì người ấy là chúng sanh. Nhiễm ô là gì? Nói vắn tắt thì "nhiễm ô" tức là nhìn không thông, xả không được, giờ giờ phút phút luôn sanh khởi vọng tưởng. Nếu không đoạn dục vọng, trừ tham ái thì có xuất gia tu Ðạo đến tám vạn đại kiếp đi nữa cũng vẫn không thành công. Vì vậy, việc này rất là trọng yếu.

Tại sao thế giới càng ngày càng băng hoại? Vì ai ai cũng tranh--tranh danh, tranh lợi, tranh quyền, tranh địa vị, và nghiêm trọng nhất là tranh sắc dục. Dâm dục là nguồn gốc của sanh tử. Nếu không đoạn dâm dục thì muốn sanh lên trời cũng không được, huống hồ là muốn chứng Ðạo Bồ-đề vô thượng? Vì vậy, nếu muốn tu phép Thiền-định Tam-ma-đề, muốn vượt khỏi biển sanh tử khổ đau, thì trước hết phải vượt qua cửa ải này. Học Phật Pháp thì cần phải dùng trí huệ chứ không thể dùng tình cảm. Dùng trí huệ để học Phật Pháp thì đó là Chánh Pháp. Dùng tình cảm mà học Phật Pháp thì đó là Mạt Pháp. Từ vô lượng kiếp về trước cho đến nay, chúng sanh chúng ta do quen sống buông xuôi theo tình cảm và dục vọng của mình, nên cứ phải loanh quanh luẩn quẩn mãi trong sáu nẻo luân hồi. Vì bị vô minh, ái kiến và kiêu mạn luôn luôn vây phủ nên chúng ta chưa thể chứng được quả-vị A-la-hán.

Số lượt xem : 3071