Vì Sao Bạch Dương Tu Sĩ Cần Phải Siêng Về Phật Đường Học Tu Bàn Đạo ?
Thiên thời đã vận chuyển đến thời kì Bạch Dương, là lúc thiên tàn địa lão, địa cầu đương vào kì hoại, tai kiếp liên miên do cộng nghiệp của chúng sinh chiêu cảm, vô thường nhân quả nghiệp lực đòi báo cực kì nhanh chóng, chúng sinh với cuộc sống phàm tục bận rộn chẳng có nhiều thời gian để từ từ tu hành ngộ đạo, bất đắc dĩ lắm nên Ơn trên Vô Cực Lão Mẫu từ bi đại khai phổ độ, phái hạ Thiên Mệnh Minh Sư đương thời là Tế Công Hoạt Phật và Nguyệt Tuệ Bồ Tát hạ phàm để bình thu vạn giáo, cứu vãn 96 ức Nguyên Thai Phật Tử trở về lại cội Đạo quê xưa.
Việc đại khai phổ độ lần này hết sức to lớn, trách nhiệm gánh vác nặng nề hơn so với hai lần phổ độ trước của thời kì thanh dương và hồng dương, thời Bạch Dương phổ độ tất cả chúng sinh Tam Tào nên cần đến sự đồng tâm hợp sức của tất cả Thiên-Nhân cùng bàn. Đạo giáng thứ dân nên tất cả mọi người dân đắc đạo đều có cơ hội làm Phật sự thay trời tuyên hóa, có cơ hội học tập độ hóa thành toàn chúng sinh, vốn dĩ là việc chuyên trách, là sứ mệnh, quyền và nghĩa vụ của những người tu hành xuất gia trong thời kì hồng dương. Lần phổ độ kì ba này là lần cuối cùng, trụ sở làm việc chính của những người và Tiên Phật tham gia vào công việc trợ đạo phổ độ lần này là chủ yếu ở các đạo trường Phật đường Bạch Dương, nơi có Thiên Mệnh của Vô Cực Lão Mẫu ( mẹ linh tánh ) ban giáng, chứ không ở các chùa miếu hậu thiên như thời kì hồng dương trước đây nữa ( do bởi đạo giáng thứ dân, có thể tại gia mà xuất gia, như vậy lực lượng sẽ đông đảo to lớn mạnh mẽ hơn và cũng tiện lợi hơn khi Phật đường tại gia có ở khắp mọi miền mọi nơi trên toàn cầu ).
Thiên bàn kì này đã chuyển giao cho đức Di Lặc Tổ Sư chưởng quản, đạo bàn do Thiên Mệnh Minh Sư Tế Công Hoạt Phật và Nguyệt Tuệ Bồ Tát quản, nắm thiên mệnh chủ chốt trong việc truyền Đạo và phổ độ Tam Tào ( Thiên, Địa, Nhân ) , vậy nên vạn Tiên Bồ Tát và Chư Phật mười phương đều cùng tham gia giúp đỡ trợ đạo cho các đạo trường Phật đường Bạch Dương, hiển hóa vô số.
Các Bạch Dương Tu Sĩ sở dĩ có thể đắc đạo trước, tu đạo sau đều là nhờ Ơn của đức Vô Cực Lão Mẫu từ bi khai ân đại xá, được ân sư Tế Công Hoạt Phật và Nguyệt Tuệ Bồ Tát truyền đạo ( gốc ) giáo hóa giúp ngộ đạo, tu đạo mà giải thoát luân hồi, chứng đạo thành đạo ngay trong kiếp này, vậy nên tu đạo cần phải uống nước nhớ nguồn, siêng về Phật đường báo ân liễu nguyện là lẽ đương nhiên. Nếu như cầu đạo là quyền lợi, thì tu đạo, bàn đạo, hành đạo, liễu nguyện, thành toàn độ hóa chúng sinh là nghĩa vụ đi kèm tất yếu. Thời kì hồng dương phải xuất gia, tu đạo, ngộ đạo trước rồi mới đắc đạo sau, song song với việc tu hành vẫn phải đi độ hóa chúng sinh cho đến tư lương công đức viên mãn, thì nay thời kì Bạch Dương tuy rằng tu tại gia, đắc đạo trước, ngộ rồi lại tu cũng phải đi độ hóa thành toàn chúng sinh cho đến công viên quả mãn. Người xưa phải tu trước, tư lương công đức đủ thâm hậu rồi mới ngộ đạo và có cơ hội đắc đạo, ví như phải tích lũy đủ tiền rồi mới có thể mua được chiếc xe cực kì đắt tiền, còn như người thời nay được cơ hội cầu đắc đạo trước rồi dần dần lại tu sau, bàn đạo hành công lập đức, việc này cũng ví như nhận được xe đắt tiền trước rồi trả góp dần dần về sau. Vậy nên cầu đắc đại đạo chí tôn chí quý rồi thì nhất định phải tu đạo và siêng về Phật đường bàn đạo, hành công lập đức, tích lũy tư lương đầy đủ như đi làm tích cóp dành dụm từng đồng để đủ số tiền trả món nợ cho hàng hóa và dịch vụ mà mình đã nhận được trước ( một chỉ điểm mở khiếu sinh tử thoát tay Diêm Vương, những khi nguy cấp dùng đến Tam Bảo có thể được Tiên Phật phù hộ kiếp lớn hóa nhỏ, kiếp nhỏ hóa không ). Còn như chỉ đắc đạo mà không tu bàn đạo, thì ví như nhận hưởng hàng hóa dịch vụ rồi mà không trả nợ, thì kết quả sau này như thế nào khi ấy tự biết.
Mỗi một người khi đến nhân gian này đều là mang theo nguyện lực ở Tiên Thiên và nghiệp lực ở hậu thiên mà đến, thảy đều phải liễu kết viên mãn thì mới có thể trở về lại nơi Tiên Thiên Vô Cực, hồi thiên giao chỉ. Mười điều nguyện đã lập ở trước Phật lúc cầu đạo cũng như các nguyện khác đã lập sau đó, thì kiếp này nhất định phải thực tế mà đi liễu, chân tu thật bàn, và cũng nhờ chiếu theo những nguyện lực ấy đi hành mà mới có thể vượt qua và tiêu trừ được những nghiệp lực đeo bám lũy kiếp đến nay, cuối cùng mới thật sự có thể siêu sinh liễu tử, công viên quả mãn hồi thiên giao chỉ, trở về bổn vị nơi Tiên Thiên Vô Cực. Do bởi nguyện lập là ở đạo trường Phật đường Bạch Dương, vậy nên việc liễu nguyện tất nhiên chẳng thể rời khỏi đạo trường Phật đường Bạch Dương.
Đằng sau mỗi một người đều có vô số các oan gia trái chủ nhân quả nghiệp lực và cửu huyền thất tổ đang ngày đêm trông chờ công đức hồi hướng đặng sớm giải thoát, lìa khổ được vui. Họ ngày đêm đều đang sống trong đau khổ vô cùng với những sự lạnh lẽo đói khát, hình phạt nơi cõi U Minh vô hình. Họ cần nhận được sự ấm áp dễ chịu từ ánh Phật quang phổ chiếu, từ nguồn năng lượng ánh sáng vũ trụ chiếu rọi để tiêu trừ những nỗi thống khổ bệnh tật, thương tích, và những ác niệm nghiệp thức trong tư duy thì mới được giải thoát, lìa khổ được vui. Trong Phật đường có nguồn năng lượng ánh sáng của vũ trụ đến từ ngọn đèn của Hoàng Mẫu kết nối với miền Vô Cực phóng rọi muôn trượng. Duy các Bạch Dương Tu Sĩ thường siêng về Phật đường liễu nguyện tu bàn thì trong vô hình các oan gia nhân quả nghiệp lực và cửu huyền thất tổ mới có thể cùng theo đến Phật đường để được triêm quang, được gột rửa tịnh hóa trong ánh hào quang của Chư Phật, trong nguồn năng lượng vũ trụ đến từ Vô Cực Lão Mẫu. Âm siêu thì dương thới, khi các oan gia trái chủ và Cửu Huyền Thất Tổ dần dần được siêu thoát, lìa khổ được vui, theo Phật Bồ Tát đi tu hành rồi thì nghiệp lực trên thân tâm của Bạch Dương Tu Sĩ cũng sẽ nhẹ bớt đi rất nhiều, đương nhiên sức khỏe, tâm tánh sẽ được cải thiện nâng cao tốt hơn nhiều, sự nghiệp và thánh nghiệp, các mối quan hệ … cũng sẽ cải thiện ngày càng thuận lợi tốt lên. Vấn đề là các Bạch Dương tu sĩ cần phải có công đức để hồi hướng khi đến Phật đường, cần phải có tâm thái tích cực đúng đắn khi đến Phật đường.
Thế nào là tâm thái tích cực đúng đắn khi đến Phật đường ?
Tâm không chấp trước nơi hình tướng, chẳng chê Phật đường nhỏ, nghèo, chẳng nói lời thị phi bình luận tiêu cực, thường tồn tâm khiêm tốn hạ mình, cung kính học hỏi, chủ động tích cực hoan hỷ chẳng hối tiếc mà hành tam thí ( tài, pháp, vô úy ) để trợ đạo, chẳng oán trời trách người, tôn sư trọng đạo, nghiêm cẩn từng khởi tâm động niệm, lời nói và hành vi phải hợp với đạo, tuân thủ phật quy lễ tiết, niệm niệm đều vì lợi ích chúng sinh, sẵn sàng quên mình hy sinh phụng hiến …
Tâm phải luôn thường nhớ nghĩ đến Cửu Huyền Thất Tổ, thường hổ thẹn sám hối với những lỗi lầm đã gây tạo trong quá khứ, thường chủ động tích cực hoan hỷ làm công đức để hồi hướng cho các oan gia trái chủ nhân quả nghiệp lực và cửu huyền thất tổ lũy kiếp đến nay, thật lòng thương xót và chân tâm cầu nguyện họ sớm lìa khổ được vui, theo Phật tu học, cùng tu cùng bàn giúp đỡ trợ đạo, trợ nhau tu thành quả vị Thánh Phật.
Các tu sĩ tuyệt đối không được khởi niệm rằng đến Phật đường chỉ để cho các oan gia nghiệp lực sớm rời khỏi mình, không tiếp tục đeo bám quấy nhiễu phiền não, làm ảnh hưởng đến sự nghiệp, tình yêu hôn nhân, sức khỏe … của mình nữa, không được cảm thấy chán ghét họ, chỉ muốn sớm thoát khỏi “ hòn đá cản đường ” từ họ mà chẳng nhớ nghĩ đến những nỗi đau khổ họ đang phải nếm chịu do mình gây tạo, rồi khởi lòng bi mẫn thương xót thật lòng muốn họ được sớm giải thoát khỏi những nỗi đau khổ dày vò ấy. Nếu không tồn tâm hổ thẹn sám hối với những nghiệp mà mình đã gây tạo, chẳng thật lòng ăn năn hối lỗi, chẳng thương xót nhớ nghĩ và thật lòng hồi hướng công đức, chúc nguyện điều lành giúp họ sớm buông xả, giải thoát, lìa khổ được vui, thì trong vô hình họ đều cảm nhận biết được, sẽ càng sân hận, càng muốn đeo bám quấy nhiễu chớ chẳng chịu đi theo Chư Phật Bồ Tát tu hành đặng giải thoát.
Những người đến Phật đường vì mục đích cầu phước báo, bình an, những điều tốt đẹp lợi ích riêng tự cho bản thân thôi, hoặc vì các mục đích khác như tìm kiếm đối tác làm ăn, kết duyên để quảng bá buôn bán sản phẩm, tìm đối tượng yêu đương … hoặc các mục đích, tâm tư đen tối khác thì trong vô hình các oan gia nhân quả nghiệp lực đều thấy biết rõ ràng tâm niệm của họ, và khi tồn những ý niệm tư tâm tà bậy như thế thì sẽ chẳng có chút công đức, các oan gia trái chủ chẳng nhận được công đức thì tất nhiên sớm muộn gì cũng sẽ không chịu buông tha mà đến đòi nợ với họ, và tất nhiên họ lại sẽ bị cuốn trôi theo dòng nghiệp lực mà rời khỏi Phật đường để tiện cho việc các oan gia trái chủ đòi nợ báo oán về sau khi duyên đủ chín muồi.
Kinh nghiệm tình hình thực tế cho thấy, những vị đạo thân chỉ cần rời khỏi Phật đường một thời gian chẳng tu chẳng bàn, chẳng hành công lập đức hồi hướng thì liền sẽ bị nghiệp lực lôi kéo tụt về lại trôi theo dòng xoáy cuộc đời, theo những cám dỗ muôn màu muôn vẻ của những thú vui trần tục, tửu sắc tài khí ái dục … hoặc mê đắm trong sự nghiệp thuận lợi tiến triển tốt đẹp, trong những vinh hoa phú quý an vui của phước báo ( thuận khảo ), hoặc bị đời quay như quay dế với những nỗi lo sầu của nợ nần, sự nghiệp thất bại, bệnh tật, tai nạn … ( nghịch khảo ) để rồi quên mất bổn lai diện mục, càng lúc càng rời đạo quá xa, quên mất việc liễu nguyện tiêu nghiệp, lãng phí thời gian, uổng trôi tháng ngày theo phàm nghiệp thế tục. Nếu như dòng đời bên ngoài Phật đường là dòng nghiệp lực đang chảy xiết thì Phật đường chính là pháp thuyền của nguyện lực chạy ngược dòng để trở về bờ bến giác ngộ giải thoát an vui, vậy nên rời khỏi pháp thuyền rồi thì tất nhiên sẽ bị chìm đắm và cuốn trôi theo dòng nghiệp vậy. Thời kì Bạch Dương, những năm mạt kiếp sóng gió nổi lên khắp nơi, yêu ma quỷ quái lộng hành, vậy nên người tu đạo nhất định phải đi theo đoàn ( như Tiên Phật Bồ Tát nay hạ phàm trợ đạo phần lớn cũng đều đi theo đoàn đội ) , cùng sát cánh bên nhau, trợ giúp độ hóa thành toàn lẫn nhau thì mới có thể an toàn về đến đích, nếu như chỉ riêng lẻ một mình thì sớm muộn gì cũng sẽ bị nhấn chìm bởi dòng xoáy nghiệp lực, bởi những sóng gió biến cố của cuộc đời vô thường, bởi các nhân quả nghiệp lực oan gia, và bởi chúng yêu ma quỷ quái đang lộng hành khắp nơi quấy phá người tu đạo dẫn kéo vào đường mê lối tà. Phàm tục như Chư Bát Giới mà cuối cùng vẫn có thể đến được Tây Trúc thỉnh được chân kinh, chứng đắc phẩm vị cũng đều nhờ có thủy có chung đi theo đoàn đầu cuối chẳng thối chuyển vậy.
Các Bạch Dương tu sĩ nếu trong tâm thật sự luôn tồn tâm cảm ân Thiên ân Sư đức và chân thành muốn báo đáp đại ân đại đức, trong lòng thật sự luôn nhớ nghĩ đến Cửu Huyền Thất Tổ, luôn nhớ nghĩ thương xót các oan gia nghiệp lực vô hình và thật lòng từ bi cầu nguyện họ sớm được giải thoát lìa khổ được vui thì nhất định sẽ không đưa ra bất cứ lí do gì ( như là rất bận, nhà quá xa … ) để không quay về Phật đường học tu bàn đạo, bởi lí do chỉ có thể dùng để biện hộ nói với người còn sống, nhưng tuyệt nhiên chẳng thể dùng với Lão Mẫu, Chư Phật Bồ Tát, Cửu Huyền Thất Tổ, đặc biệt là với các Oan gia trái chủ đang nóng lòng ngày đêm mong đợi. Trong tâm của các tu sĩ như thế nào thì họ đều thấy biết và cảm nhận được hết, và đương nhiên là nhân nào thì quả nấy.
Các Bạch Dương Tu sĩ chẳng những tự thân phải siêng về Phật đường tích cực học tu bàn đạo mà còn phải dẫn dắt thêm cả thân quyến gia đình cùng quay về Phật đường học tu đạo bàn đạo để cả nhà cùng hành công lập đức, đạo hóa gia đình, cùng nhau liễu nguyện tiêu nghiệp, trở thành đồng tu bạn đạo, trợ duyên đắc lực dẫn dắt nhau cùng về cội đạo Vô Cực, cùng đoàn tụ nơi ấy. Chẳng hiểu đạo ngộ đạo thì làm sao mà tu đạo bàn đạo ? Vậy nên cần phải siêng về Phật đường để cùng nhau nghiên cứu học tập, tiếp nhận Phật quang phổ chiếu, tịnh hóa thân tâm, tăng trưởng trí tuệ, tiêu trừ nghiệp lực. Các bậc ông bà phụ huynh càng nên sớm dẫn tiến con cháu về Phật đường tu học ngay từ nhỏ để tạo thành thói quen cho con cháu, giúp chúng định hướng Thánh nghiệp truyền thừa về sau. Trẻ con càng sớm về Phật đường, sớm học tu bàn đạo ngay từ nhỏ thì công đức tích lũy càng nhiều, nghiệp chướng lũy kiếp tiêu trừ càng sớm nhanh, càng được bình an khôn lớn, càng tăng trưởng trí tuệ, cửu huyền thất tổ và cha mẹ càng được triêm quang nhiều. Nếu chẳng tạo thành thói quen đến phật đường học tập tu bàn ngay từ nhỏ, lớn lên chúng sẽ càng khó bảo, nghiệp lực càng sâu dày thì càng khó đi trên con đường tu đạo bàn đạo.
Những ai độc thân, thanh tu không lập gia đình, chẳng có con cháu lại càng phải siêng về Phật đường tận hết thời gian tâm sức tu đạo bàn đạo hành công lập đức nhiều hơn, bởi chẳng có con cháu ruột thịt tu bàn, nếu lỡ sau này tội nhiều công ít mà bị đọa đường ác thì cũng chẳng thể trông chờ ai cứu trợ siêu bạt cả. Vậy nên phải tự bản thân cố gắng hết mình tu đạo bàn đạo hành công lập đức tiêu nghiệp mới là thượng sách.
Còn như những ai có lập gia đình có con cháu, nhưng con cháu chẳng chịu tu chịu bàn thì cũng chẳng thể trông chờ gì ở chúng được, vẫn phải tự cố gắng nỗ lực tu bàn hết mình đặng tự mà cứu lấy mình, lại còn kiêm luôn cả phần cứu độ con cháu về sau. Xưa nay con cháu phần lớn vốn dĩ đều là oan gia của nợ đến chuyển kiếp đòi nợ, ít có ai đến để báo hiếu, vậy nên thật chẳng thể trông chờ gì ở chúng, chỉ có thể tự đòi hỏi ở bản thân nỗ lực tu bàn hành công lập đức tự cứu độ lấy mình, đồng thời độ hóa thành toàn chúng để trả món nợ cũ tiền kiếp, gỡ bỏ các nút thắt oan kết xưa, viên mãn các mối nhân duyên trong kiếp này.
Từ một số những nguyên do kể trên cho thấy rằng việc siêng đến Phật đường học tập tu đạo bàn đạo là việc hết sức quan trọng, là nghĩa vụ và trách nhiệm của tất cả các tu sĩ Bạch Dương ứng với thời vận đại khai phổ độ lần này, không chỉ là việc tu đạo, tiêu nghiệp, giải quyết vấn đề sinh tử đại sự của riêng bản thân mình nữa, mà còn là việc bàn đạo, báo ân liễu nguyện, giải quyết vấn đề sinh tử đại sự của tất cả chúng sinh Tam Tào ( Thiên, Địa, Nhân ) liên quan với mình trong lũy kiếp, từ gần tới xa, từ hữu hình đến vô hình. Đây cũng là con đường hành Bồ Tát đạo tất yếu phải đi qua cho đến khi rốt ráo viên mãn thành Phật, kiếp này chẳng chịu hành thì trong vô lượng những kiếp khác xa xôi vẫn phải hành, vậy nên trí nhân luôn biết sớm nắm bắt cơ hội mà hành công liễu nguyện, tiêu nghiệp, tự độ độ tha để cứu bản thân và giúp chúng sinh cùng sớm được giải thoát, lìa khổ được vui, thành tựu viên mãn quả Phật.
Cây có cội, nước có nguồn
Tu đạo quên gốc tìm ngọn sao thành ?
Phật đường có Mẫu Vô Sanh
Là mẹ linh tánh muôn loài tạo ra
Thập phương Chư Phật gần xa
Từ linh quang ấy mà ra mà thành
Phật tánh bổn thể tịnh thanh
Tu về tánh ấy liền về Vô Sanh
Hợp về Vô Cực, đạo thành
Không còn sinh tử, về nơi niết bàn
Mạt kiếp, nạn khắp thế gian
Ứng lòng người hoại, địa cầu hoại theo
Tam tai bát nạn lan tràn
Vô Sanh Lão Mẫu tình thương vô bờ
Giáng đạo cứu Chúng lên bờ
Phật đường thiên mệnh làm nên pháp thuyền
Vượt qua biển khổ vô biên
Của thời mạt kiếp triền miên nạn sầu
Mười phương Chư Phật trợ đạo
Pháp thuyền lèo lái, người đem đạo bàn
Thiên nhân chung sức hợp bàn
Người theo Thánh huấn Phật ngôn vận hành
Bàn đạo hiển lộ chân tâm
Niệm niệm vì ích chúng sinh quên mình
Thời gian, tài, lực, tâm tình
Đều dành đại chúng như xưa Phật làm
Độ hóa không ngớt thành toàn
Gầy dựng Thánh nghiệp thiên thu muôn đời
Truyền thừa mãi chẳng dứt ngơi
Tinh thần Bồ Tát nhân gian rộng truyền
Thế nên vững lái pháp thuyền
Siêng về liễu nguyện hành y theo lời
Mười nguyện lập trước Phật Trời
Đạo tràng nơi lập là nơi tu bàn
Bạch Dương Phật đường đạo tràng
Là nơi liễu nguyện hành theo câu thề
Cội đạo Vô Cực hương quê
Muốn về nơi ấy duy y nguyện hành
Tiêu nghiệp, liễu nguyện phải nhanh
Nội ngoại công đức hành thâm không lười
Nguyện lập nào phải suông chơi
Rồi hành trái ngược tùy vui theo mình
Nhân quả như bóng theo hình
Nguyện lập chẳng liễu, cố hương sao về ?
Tạo nghiệp, người vẫn mãi mê
Chẳng lập công đức còn thêm nợ nần
Nợ Sư đức, nợ Thiên ân
Nợ ân Tiên Tổ, song thân, muôn người
Nợ mạng chúng sinh muôn loài
Chẳng tu bàn đạo thì sao trả dần ?
Nghiệp chất mãi, sao “trở mình” ?
Nợ ân chẳng trả thì sao đạo thành ?
Ân đức Từ Mẫu khai ân
Đại khai phổ độ Tam Tào nhận ân
Mới có cơ hội “trở mình”
Được một chỉ điểm siêu sinh đạo mầu
Chẳng vậy nào dễ đắc đâu
Xưa là tu trước, ngộ rồi, đắc sau
Nay thời đắc trước tu sau
Nhờ ân Mẫu Phật bi từ xá cho
Thứ dân bởi thế được nhờ
Tại gia tu đạo, nhà nên pháp thuyền
Ban thờ thêm bộ ba đèn
Nhờ nương thiên mệnh cứu dân độ người
Hành công lập đức cứu đời
Gia đình đạo hóa thần tiên cõi phàm
Phật đường khả tránh kiếp nạn
Là nơi tránh kiếp, chúng sinh nương về
Mạt kiếp đại kiếp thảm thê
Ba ngọn đèn thắp, Phật Tiên hộ trì
Vượt qua kiếp nạn thảm bi
Pháp thuyền cứu thế vượt qua nguy nàn
Biển khổ, sinh tử lang thang
Nhờ cầu, tu, học đạo bàn vượt qua
Ân tình, đức lớn bao la
Phải luôn ghi nhớ tạc lòng chẳng quên
Nên về Phật đường phải siêng
Tỏ lòng kính hiếu siêng đem đạo bàn
Dẫn độ hậu học thành toàn
Huynh đệ bốn bể cùng quy đạo nguồn
Gốc ngọn cành lá tỏ tường
Chẳng lầm điên đảo mà quên cội nguồn
Bỏ gốc tìm ngọn mãi thường
Thì quê Vô Cực mãi luôn xa vời
Thì lại sáu nẻo luân hồi
Nguyện người sớm tỏ mà siêng quay về
Phật đường tuy nhỏ chớ chê
Chớ mê hình tướng mà sinh nghi lòng
Thiên mệnh vô hình tối trọng
Có chơn thiên mệnh Phật Tiên hộ trì
Núi sông thấp cạn chấp chi
Có Tiên rồng ở thì linh nhiệm mầu
Duy cầu tự thân tu mau
Chân tu thật luyện thì linh ứng cầu
Tu bàn dấu ấn đậm sâu
Làm gương mẫu mực danh truyền vạn năm
Phật đường nơi ấy tất thành
Một nơi Thánh tích đời sau hương hành
Nơi người đắc đạo diệu huyền
Tu bàn thành đạo, Thánh nhân hiện đời
Thỏa lòng Tiên Tổ mong đợi
Triêm quang giải thoát, quê xưa cùng về
Thoát U Minh khổ trăm bề
Siêu về Cực Lạc an vui cõi lành
Âm siêu dương thới an lành
Tương quan tương trợ lẫn nhau, lẽ thường
Trợ nhau tránh kiếp tai ương
Cùng đăng xứ Phật rời sinh tử vòng
Đại hiếu viên mãn tựu thành
Đời không hối tiếc nhờ công tu bàn
Tu hành một kiếp tỏa rạng
Còn hơn le lói muôn đời kiếp sau
Trí nhân cơ hội nắm mau
Khinh phàm trọng Thánh lập công, đức bồi
Tạo nên tuệ mệnh sáng ngời
Thánh nghiệp bất hủ như xưa Phật từng
Thế nên chẳng thể dửng dưng
Tu bàn hời hợt tùy vui ta về
Thậm chí chẳng đoái chẳng về
Lại về nơi khác, đảo điên gốc cành
Bỏ gốc, theo lá ngọn cành
Khi Thầy khinh Tổ thì sao đạo thành ?
Nguyện lập chẳng liễu chẳng hành
Chẳng tiêu nghiệp cũ thì luôn luân hồi
Tu bàn Phật đường chẳng rời
Tôn Sư trọng Đạo thì tu mới thành
Ân sâu nghĩa nặng khắc lòng
Tu bàn báo đáp, nguyện luôn sâu hành
Nhân đạo trọn, Thiên đạo thành
Gốc mà hư thối, quả đâu sinh thành
Nguyện người sớm tỏ ngộ nhanh
Sớm về liễu nguyện học siêng tu bàn
Chớ đợi hối tiếc muộn màng
Được duyên lại mất cơ duyên do mình
Hối đã muộn, khó “trở mình”
Thân người khó được nào đâu dễ gì
Chi bằng nguyện sớm thực thi
Thì đâu hối tiếc về sau muộn màng
Chủ động cứu khổ cứu nạn
Tu bàn trợ đạo thì ra lợi mình
Tự độ, độ hóa chúng sinh
Pháp thuyền cùng lái cùng nhau lên bờ
Ngộ rồi người chớ đợi chờ
Người kêu kẻ gọi về nơi Phật đường
Chủ động tự giác phải thường
Mới là công đức thật tâm tu bàn
Không còn mãi cứ mơ màng
Vì ai ta phải về nơi Phật đường ? !
Số lượt xem : 2400