BẠCH DƯƠNG KỲ - Bạch Dương Tu SĩBạch Dương Kỳ 2002

Quá trình cầu đạo của Thần Quang Pháp Sư

Tác giả liangfulai on 2022-07-27 09:03:07
/Quá trình cầu đạo của Thần Quang Pháp Sư

 

Đạt Ma Tây đến, Vạn Pháp quy Một

 

Vạn pháp quy một, một về đâu ?
Chẳng bái Minh Sư, đạo tìm cầu
Dễ gì ngộ Một thông muôn pháp
Ngộ bổn tâm, tỏ nghĩa thậm sâu ?


 


Mò trăng đáy nước nào đâu thật ?
Muôn sông đều có trăng rọi mình
Duy theo ngón tay người biết rõ
Chỉ điểm mới thấy, thật giả phân.

 

Bánh trên giấy, làm sao giải đói ?
Kinh trên giấy, sao dứt tử sinh ?
Gã say rượu không người chỉ dẫn
Sao khả an toàn về nhà mình ?

 

Muôn sông muôn hình trăng sáng rọi
Gã say vớt trăng theo bóng hình
Nào biết rọi mình, tìm ngược lại
Ô kìa trăng thật ở trên mình !

 

Đạt Ma tây đến, không một chữ
Toàn bằng tâm ý, dụng công phu
Nếu muốn trên giấy tìm Phật pháp
Ngàn kinh vạn quyển, trải bao Thu ?

 

Thần Quang bốn chín năm giảng pháp
Nhân thiên trăm vạn, hoa trời tuôn
Đất vọt sen vàng, công vô lượng
Vẫn khó tránh luân hồi, Diêm Vương.

 

Chân kinh chẳng giống kinh trên giấy
Trên giấy tìm Kinh uổng dụng công
Duy bái Minh Sư cầu Chơn Đạo
Liền tỏ chân kinh, nghĩa nhiệm mầu.

 

Vạn pháp quy một, một về đâu ?
Quỳ chín năm, Thần Quang tìm cầu
Nơi Hùng Nhĩ Sơn, Đạt Ma bái
Một đời Minh Sư truyền Đạo mầu.

 

Vạn pháp quy một, một về đâu ?
Ai còn chưa tỏ ý thiền sâu
Mau tìm Minh Sư Tế Công bái
Cầu đạo đắc rồi ngộ sẽ mau.

Tổ Sư đời thứ nhất là Đạt Ma Tổ Sư, họ Sát Lợi Đế Phật, dịch nghĩa là “Giác Pháp” hoặc “Đạo Pháp”. Tên nguyên thủy là Bồ Đề Đa La, là do Hồ Thành Cổ Phật hóa thân, giáng sanh vào ngày mồng 5 tháng 10 tại Tây vực, miền Nam Ấn Độ, là Tam Thái Tử nước Hương Chi.

 

Từ nhỏ Phật tánh bất muội, không ham luyến ngôi vua, nhìn xuyên thấu vinh hoa, theo Đức Bát Nhã Đa La Tôn Giả tu hành. Tôn Giả muốn thử trí tuệ của Đạt Ma, mới hỏi ông ta rằng: “Trong mọi vật, cái nào là cao nhất?” Đạt Ma nói: “Nhân ngã là cao nhất”; lại hỏi: “Trong mọi vật, cái nào lớn nhất?” Đạt Ma nói: “Pháp tánh là lớn nhất”. Tôn Giả rất đỗi vui mừng, nói ông ta đối với chư pháp đã được thông suốt, nên đặt tên là Đạt Ma. Từ đó xuất gia, là đời Tổ thứ 28 ở Ấn Độ, hoằng pháp tại Ấn Độ 64 năm, tuân theo lời phó chúc của Sư mình lúc nhập niết bàn: “Sau khi ta nhập diệt, mi có thể tới Đông phương Trung Thổ, để khai Phật pháp độ thế”. Vậy là Đông độ Phiếm Hải tới Quảng Châu, thời đó là Nam Bắc triều, vào ngày 21 tháng 9 phổ thông nguyên niên đời vua Lương Võ Đế (năm 520 sau công nguyên).

 

Tại Trung Quốc, vào thời Chiến Quốc, Mạnh Tử qua đời, nên Đại Đạo bị Trụy, tâm pháp thất truyền. Tới thời Nam Triều, Lương Võ Đế gặp Chí Công hòa thượng, là người thấu hiểu nhân quả ba kiếp, chỉ điểm cho Lương Võ Đế biết nhân quả kiếp trước, nói Lương Võ Đế kiếp trước là một tiều phu, là người rất có lòng hiếu, đã từng lấy 3 chiếc nón lá để che nắng che mưa cho tượng Phật, ý là muốn xây “Tam Bảo Điện”, lại có đem 7 tảng đá đặt ở khe suối nhỏ để người qua lại dễ dàng, ý giống như xay “Thất Tinh Kiều”, mà kết lấy Phật duyên, nên được chuyển thế làm Đế Vương để nhận quả báo tốt lành. Nhưng do sai lầm là đi bít lại một hang động, làm chết một con khỉ, rồi con khỉ chuyển kiếp làm Đại tướng tên là “Hầu Cảnh”, về sau tới đòi quả báo, đem đến việc khổ sở. Cho nên Lương Võ Đế cần mẫn tu thiện quả, rộng gieo trồng ruộng phước , truyền xuống Thánh Chỉ, cứ cách 5 dặm là cho xây một am, cách 10 dặm là cho dựng một chùa miếu, tôn trọng Phật Đạo, thiện chí xông Thiên, trên không tỏ hiện khí cát tường, làm cảm động các vị Thần Tào lai vãng trong hư không, tâu lên Tam giáo Thánh Nhân, quần Thánh hội nghị, do Đạo Thống ở Trung Thổ bị phế từ lâu không ai thừa kế, nên phái chọn Bồ Đề tôn giả là đời Tổ thứ 28 ở Tây Phương, qua Đông độ, để kế thừa Đạo Thống ở Trung Thổ, truyền thụ chơn không diệu dụng, không dùng văn tự độ người lập công, chỉ nhờ khẩu truyền tâm ấn để tiếp dẫn Nguyên Lương. Muốn đem Đại Đạo truyền thụ cho Võ Đế, vì Võ Đế tự cho là mọi thứ bố thí, việc thiện là công đức vô lượng, nhưng Đạt Ma nói rằng: “Bố thí làm việc thiện không phải là công đức”.

Vua Võ Ðế hỏi:

- Trẫm từ lên ngôi đến nay thường cất chùa, chép kinh, độ tăng ni, không biết bao nhiêu, vậy có công đức gì chăng?
Ngài đáp:
- Ðều không có công đức.
- Tại sao không có công đức?
- Bởi vì 
những việc ấy là nhân hữu lậu, chỉ có quả báo nhỏ ở cõi người cõi trờinhư bóng theo hình, tuy có mà chẳng phải thật.
Thế nào là công đức chân thật?
- Trí thanh tịnh tròn mầu, thể tự không lặng, công đức như thế chẳng do thế gian mà cầu.

- Thế nào là thánh đế nghĩa thứ nhất?
- Rỗng rang không thánh.
- Ðối diện với trẫm là ai?
- Không biết.
Võ Đế trong lòng không vui, do oan nghiệt ngấm ngầm cản trở, khó hiểu được ý từ phương Tây đến, ngược lại dùng ngọc trượng đánh đuổi Tổ Sư, Lão Tổ thấy Võ Đế vô duyên, căn cơ chẳng hợp nên bỏ đi. Tổ nói rằng:

 

見性一轉三千卷

了意一刻百部經

迷人不識西來意

無字真經世難尋

 

“Kiến Tánh nhất chuyển tam thiên quyển

Liễu ý nhất khắc bách bộ kinh

Mê nhân bất thức Tây lai ý

Vô Tự Chơn Kinh thế nan tầm.”

 

Dịch nghĩa :

 

Kiến tánh một chuyển ba nghìn quyển

Rõ ý một khắc trăm bộ kinh

Kẻ mê chẳng biết Tây lai ý ( ý định của Đạt Ma khi đến từ Tây Trúc Ấn Độ )

Vô tự chơn kinh đời khó tìm

( Vô tự chơn kinh : chơn kinh chẳng có chữ )

 

Thấy Võ Đế vô duyên nên chuyển tới Kim Lăng (tức Giang Nam). Trong Vương Xá Thành, núi Hoàng Hoa, Thần Quang ở đó giảng kinh thuyết pháp 49 năm, nhân Thiên trăm vạn cùng nghe, giảng đến là thiên hoa tới tấp, đất vọt lên những đóa sen vàng, giáo hóa chúng sanh, công đức bao la, nên tới độ cho. Đạt Ma Tổ Sư nghe nói bèn đi đến đó để xem pháp hội và nghe kinh. Thần Quang Pháp Sư cũng rất đắc ý ngạo mạn, nghĩ rằng : “ ừm, mọi người xem ta giảng kinh giảng hay biết bao, người Ấn Độ cũng đến nghe ! há ! xa như vậy đến đây để nghe ta giảng kinh, đấy thật là điều chẳng thể nghĩ bàn ! ”, thế là cảm thấy mình rất giỏi.

Thần Quang Pháp Sư giảng kinh xong rồi, nào ngờ người Ấn Độ này ( Lão Tổ )  đã đến trước giảng đài của Thần Quang, chấp tay hỏi rằng : “ Pháp Sư ! Ông ở đây làm gì vậy ? ”

Thần Quang nói: “Tôi giảng kinh đấy, thuyết pháp đấy, ông vẫn chưa hiểu sao ? ta cứ nghĩ rằng ông đến nghe tôi giảng kinh cơ, thì ra ông đến cả việc giảng kinh cũng chẳng hiểu ! ”

Đạt Ma Tổ Sư nói : “ ông giảng kinh để làm gì ? vì sao phải giảng kinh ? ”

Thần Quang Pháp Sư rằng : “ ồ ! vậy ông đến để làm gì ? ông đến cả việc vì sao giảng kinh cũng chẳng biết ư ? ông rốt cuộc là đến từ nơi nào ? ”

“ Tôi đến từ Ấn Độ. ”

“ Ông đến từ Ấn Độ, tôi giảng kinh phật; Ấn Độ của ông chẳng có giảng kinh phật hay sao ? ông cũng chẳng biết ? ”

Đạt Ma Tổ Sư nói rằng : “ Ấn độ của chúng tôi giảng kinh là giảng vô tự chơn kinh, kinh chẳng có chữ. Ông giảng kinh là giảng kinh có chữ ”

Thần Quang Pháp Sư nói rằng : “ cái gì gọi là vô tự chơn kinh ? ”

Đạt Ma tổ Sư nói rằng : “ kinh mà tôi nói là không có chữ, một tờ giấy trắng như vậy giảng kinh. Kinh này mà ông giảng thì chữ là đen, giấy là trắng, vậy ông giảng nó để làm gì ? ”

Thần Quang Pháp Sư rằng : “ Tôi giảng kinh để dạy người liễu dứt sanh tử ! ”

Đạt Ma Tổ Sư nói rằng : “ Ông dạy người ta liễu sanh tử, cách liễu sanh tử như thế nào ? kinh mà ông đã giảng thì chữ là đen, giấy là trắng, dựa vào cái gì để dạy người ta liễu dứt sanh tử ? sự sanh tử của bản thân ông đã liễu chưa ? ông nói là có thể liễu sanh tử, vậy tôi vẽ một cái bánh bằng giấy cho ông ăn đỡ đói ”

Thần Quang nói: “Bánh bằng giấy làm sao cho đỡ đói?”

Tổ nói: “Đã biết bánh bằng giấy không thể đỡ đói, thì ông nói kinh pháp trên giấy làm sao có thể liễu được sanh tử, vốn là vô ích, nghe tôi đem đi đốt cho rồi.”

Thần Quang nói: “Tôi giảng kinh thuyết pháp độ người vô lượng, làm sao nói là vô ích, ông không khác gì là khinh khi Phật pháp, tội lớn vô cùng”.

Tổ nói: “Tôi không phải khinh khi Phật pháp, chính là ông tự mình khinh khi Phật pháp, hoàn toàn không nghiên cứu tâm ấn chơn pháp của Phật, chấp kinh sách mà thuyết pháp, thật là bất minh Phật Pháp”.

Thần Quang nói: “Cái tôi nói là Đạo vạn pháp quy Nhất, sao nói là bất minh Phật pháp”.

Tổ nói: “Vạn pháp quy Nhất, Nhất quy về đâu?”

Thần Quang Pháp Sư bị hỏi đến mức nghe xong cũng chẳng còn lời để nói, trong tâm nghĩ rằng : “ Cái người Ấn Độ này nói chuyện rất đặc biệt, chắc hẳn là ma vương đã hiện ? nếu không thì sao lại hủy báng Tam Bảo như vậy ? ”

Thần Quang nhất thời khó trả lời, trong lòng nổi giận, tay cầm chuỗi hạt châu bằng sắt, tới đánh vào mặt. Đạt Ma Tổ Sư lúc bấy giờ chẳng để ý, cũng chẳng nghĩ đến việc Thần Quang Pháp Sư sẽ đánh ngài, tuy rằng là bậc Thánh Nhân chứng quả có tha tâm thông, nhưng chẳng có đoán trước xem xem ông ta sẽ đối xử với ngài như thế nào. Đạt Ma Tổ Sư đại khái biết võ thuật, thế nhưng do chẳng có sự đề phòng, chẳng ngờ đến ông ta lại lợi hại như thế, nói không lại thì dùng hành vi thô bạo để đối xử với người rồi, do đó một chuỗi hạt châu này đã đánh rớt hai chiếc răng cửa của Đạt Ma Tổ Sư. Đánh rớt 2 chiếc răng cửa rồi, Đạt Ma tổ Sư xử lí răng này như thế nào đây ? Bởi vì ngài là bậc Thánh nhân, theo truyền thuyết thì răng của bậc Thánh Nhân chứng quả bị người ta đánh rớt, nếu nhổ răng này ra ngoài, rơi xuống đất thì nơi đó sẽ bị hạn hán 3 năm chẳng có mưa. Đạt Ma Tổ Sư nghĩ : “ nếu 3 năm chẳng có mưa thì sẽ phải đói chết biết bao nhiêu người ! Ta đến độ chúng sanh, cứu chúng sanh, nếu nhổ răng này thì chẳng phải là giết chúng sanh đó sao ? ” Thế nhưng nếu như chẳng nhổ xuống đất, vậy thì răng này xử lí thế nào ? do vậy, ngài chẳng nỡ nhổ xuống đất, bèn đem hai chiếc răng này nuốt vào bụng, sau đó theo hướng Tây mà đi.

Có bài thơ rằng:

 

達摩西來一字無

全憑心意用功夫

若從紙上尋佛法

筆尖蘸乾洞庭湖

 

Dịch nghĩa :

 

Đạt Ma từ phương Tây đến không mang theo một chữ,

Toàn ở nơi tâm dụng công phu,

Nếu từ trên giấy tìm Phật pháp,

Tựa như bút lông chấm cạn hồ Động Đình.

 

Lão Tổ ý định lui về, nhẫn nại không muốn nói thêm, lại sợ Đạo Thống không ai kế thừa, đời sau không ai biết nhận Tổ, không thể quy căn phục mệnh, làm sao đắc Đạo, siêu sanh liễu tử đây! Nên đếm hạt châu lấy mười viên, hóa thành Thập Điện Diêm Vương, bay nhẹ tới đứng né bên pháp đài của Thần Quang. Thần Quang hỏi: “Các vị là Thần Thánh phương nào?”

Mười vị trả lời rằng: “Chúng ta là Thập Điện Diêm Vương, do mi dương thọ đã mãn, đặc biệt tới câu lấy sanh hồn của mi.”

Thần Quang giựt mình rằng: “Tôi đã thuyết pháp độ người 49 năm, tích công đức vô lượng, sao vẫn khó tránh khỏi Diêm Vương?”

Diêm Quân rằng: “Mi chưa đắc chơn kinh chơn pháp, làm sao có thể tránh khỏi?

Thần Quang nói: “Chơn kinh chơn pháp người nào có đặng?

Diêm Quân nói: “Hôm trước vị tăng kia, chính là Chơn Phật Tây Thiên, rõ được vô tự chơn kinh, nhất quán chơn truyền, tu hành Phật sống đại thừa”.

 

 

 

 

Thần Quang nghe được, hối hận mất duyên, quỳ xuống sám hối, cầu xin Diêm Quân rằng: “Cầu xin chư vị Đại Thần từ bi, tạm tha tôi không chết, để được đi tầm Đạt Ma, chỉ cho chơn pháp siêu thoát, suốt đời không quên đại ơn.” Nói xong đảnh lễ, mười vị Diêm Quân tự nhiên biến mất, Thần Quang tức thì khấu tạ ân điểm hóa của Thần Thánh, cấp tốc truy tầm Lão Tổ, đến cả dép cũng quên mặc, nóng lòng muốn tránh Diêm La Vương, thế là bèn đi chân không, đuổi theo Đạt Ma Tổ Sư.

 

Thần Quang Pháp Sư đuổi theo Đạt Ma Tổ Sư; Đạt Ma Tổ Sư bỏ mặc ông ta, cứ hướng về phía trước đi mãi; Thần Quang Pháp Sư thì cứ mãi đuổi theo sau, đuổi theo cho đến Hùng Nhĩ Sơn của Lạc Dương – Trung Nhạc Tung Sơn còn gọi là Hùng Nhĩ Sơn. Ngũ Nhạc chính là Đông Nhạc Thái Sơn, Nam Nhạc Hoành Sơn, Tây Nhạc Hoa Sơn, Bắc Nhạc Hằng Sơn, Trung Nhạc Tung Sơn. Đến đó thì đã đuổi kịp Đạt Ma Tổ Sư rồi; Đạt Ma Tổ Sư ngồi xếp bằng nơi đó, ngồi quay mặt vào vách thì chẳng nói gì với người. Thần Quang nhìn thấy Lão Tổ đang ngồi xếp bằng ở đó thì bèn quỳ ở đó chẳng đứng dậy, cầu xin sám hối tội lỗi, nói rằng : “ con lúc đầu nhìn thấy ngài chẳng biết ngài là vị Tổ Sư, là bậc Thánh Nhân, lại còn dùng xâu chuỗi đánh ngài, đấy thật có lỗi với ngài. Con bây giờ rất hối hận. Con biết là ngài thật có đạo đức, là bậc sĩ mang đạo, giờ đây con đặc biệt đến để cầu đạo cầu pháp nơi ngài ” . Đạt ma tổ sư nhìn ngó ông ta, cũng chẳng nói điều gì, vẫn là ngồi xếp bằng nơi đó. Thần Quang Pháp Sư quỳ ở đó cầu pháp, quỳ một cái thì đã quỳ suốt 9 năm. Bởi vì Đạt Ma Tổ Sư đã ngồi quay mặt vào vách 9 năm rồi, thế là ông ta cũng đã quỳ suốt 9 năm.

 

Chúng ta bây giờ tu hành, ngồi một chút thì cảm thấy eo lưng cũng đau, chân cũng nhức mỏi, rất không thoải mái. Các vị hãy nghĩ thử xem, Đạt Ma tổ Sư ngồi ở đó quay mặt vào vách, ngồi đã 9 năm rồi, còn Thần Quang Pháp Sư ở đó đã quỳ 9 năm, đấy có rất thoải mái không ?

 

Các vị lại nghĩ xem, người xưa vì pháp, đã quỳ 9 năm vẫn muốn cầu pháp; chúng ta hiện nay thậm chí đến 9 ngày, 9 tiếng đồng hồ cũng chẳng có quỳ thì đã cảm thấy rất vất vả, rất không thoải mái rồi, lại nghĩ nào là : “ tôi buổi sáng chẳng có thứ để ăn, buổi tối chẳng có mật ong để uống ! ” , cứ khởi lên những vọng tưởng như vậy; đấy so với người xưa mà nói thì bản thân mình nên cảm tưởng thế nào ?

 

Các vị có nóng lòng thay cho Thần Quang Pháp Sư chăng ? ông ta đã quỳ 9 năm ở đó ! đại khái sẽ có người nói rằng : “ ai da ! Thần Quang Pháp Sư quỳ ở đó sẽ quỳ đến chân rất đau, còn đau hơn là tôi ngồi xếp bằng nữa ! Thời gian 9 năm dài đến như vậy ”. Lại có người sẽ nói rằng : “ ông ta nhất định đã bỏ đi mất rồi ”. Thật ra ông ta không bỏ đi đâu cả ! Ông ta nếu đã quỳ 9 năm, bỏ đi một cái thì là uổng phí toàn bộ công lao nỗ lực bỏ ra trước đây, đến một chút giá trị cũng chẳng còn nữa; do đó mà ông ta thà rằng quỳ chết ở đó cũng chẳng đi “ Tổ Sư ngài không truyền cho con cái cách tránh Diêm La Vương thì bất luận thế nào con cũng sẽ không đứng dậy ! 

 

Thần Quang Pháp Sư đã quỳ ở đó 9 năm; 9 năm này thì công phu của ông ta cũng sắp hoàn tất rồi, thế nhưng vẫn chưa có thành tựu. Có một năm nọ, trời đổ tuyết lớn; trên núi Hùng Nhĩ, tuyết bên ngoài đã xuống rất dày. Đạt Ma Tổ Sư ngồi đó xếp bằng, còn ông ta vẫn cứ quỳ ở đó, tuyết đã ngập đến thắt lưng, chôn cả cái thắt lưng ông ta rồi. Tuyết này ít nhất có hai thước rưỡi đến ba thước rồi, thế nhưng ông ta vẫn quỳ nơi đó để cầu pháp.

 

 Đạt Ma Tổ Sư ngồi ở đó mặt đối diện với vách, đại khái đến giờ cơm thì đứng dậy phải đi ăn cơm, nhìn thấy Thần Quang Pháp Sư vẫn quỳ ở đó, thì nói rằng : “ ông việc gì mà phải ở đây làm như thế, trời đổ tuyết lớn như vậy mà ông vẫn quỳ ở đây để làm gì ? ”

 

Thần Quang Pháp Sư nói rằng : “ con muốn cầu pháp, con muốn cầu pháp ! xin Tổ Sư từ bi truyền cho con cái pháp tránh Diêm La Vương này ! trước đây con giảng kinh chẳng thể liễu dứt sanh tử, bây giờ con phải liễu dứt sanh tử, xin Tổ sư hãy truyền cho con cái pháp môn liễu dứt sanh tử ! ”. Đạt Ma Tổ Sư bèn nghĩ : “ ông bây giờ quỳ trước mặt tôi muốn cầu pháp tránh Diêm La; ông chẳng nhớ rằng khi tôi hỏi ông, ông dùng xâu chuỗi niệm phật đánh gãy rớt hai chiếc răng của tôi, ông chẳng nhớ lúc đó sao ? ”, sau đó Lão Tổ bèn nói : “ ông xem bây giờ trời có phải đang đổ tuyết ? ”. Thần Quang Pháp Sư nói : “ trời đang đổ tuyết ! tuyết này bây giờ đã ngập thắt lưng của con rồi. ”

Đạt Ma Tổ Sư bèn hỏi : “ tuyết là màu gì vậy ? ”

Thần Quang Pháp Sư nói rằng : “ tuyết đương nhiên là màu trắng; người ta đều biết tuyết là màu trắng, chẳng phải là một mình con nói như vậy ! ”

Đạt Ma Tổ Sư bèn ra một đề tài để khảo ông ta, nói rằng : “ được rồi ! ông xem tuyết là màu trắng, từ trên trời đổ xuống; ông hãy đợi khi nào trời đổ tuyết màu đỏ, lúc ấy tôi sẽ truyền pháp cho ông, dạy ông làm thế nào để liễu sanh tử, tránh vua Diêm La. Nếu như trời chẳng đổ tuyết màu đỏ thì ông chớ có hy vọng nữa. Ông là một hòa thượng ác như thế này, một xâu chuỗi niệm phật thì đánh gãy hai chiếc răng của tôi, tôi không báo thù ông thì đã từ bi lắm rồi, sao lại truyền pháp cho ông chứ ! ”

 

Các vị nghĩ xem, đấy lẽ nào chẳng phải là tìm tóc trên đầu hòa thượng sao ? đâu có ! chẳng có cái đạo lí như thế này. Hòa thượng đều là đầu trọc, ở đâu mà có tóc ? thế nhưng ông ta muốn tìm tóc trên đầu hòa thượng. Đạt Ma Tổ Sư nói rằng : “ ông khi nào nhìn thấy tuyết màu đỏ thì tôi mới truyền pháp cho ông ”, thế là đã ra đề tài thế này để khảo Thần Quang Pháp Sư một cái. Ông ta nhìn và nghĩ rằng : “ lần này tiêu rồi, tuyết đều là màu trắng, làm sao mà có màu đỏ ? ” ngẩng đầu lên một cái, à ! nhìn thấy trên vách đá treo một cây đao; cây đao này là giới đao của người tu đạo, chính là dự bị cho lúc bất đắc dĩ nhất định phải phạm giới thì thà cắt bỏ cái đầu của chính mình xuống cũng không phạm giới, bảo trì giới thể, dự bị dùng như thế.

 

Thần Quang Pháp Sư nhìn một cái, a ! tâm tư đột nhiên trở nên linh mẫn, phản ứng nhanh chóng : “ được rồi ! nếu như ngài đã muốn tuyết đỏ, tôi sẽ cho ông xem tuyết đỏ ! ”, bèn lấy cây giới đao xuống. Các vị nói xem ông ta sẽ làm gì ? có phải là muốn giết Đạt Ma Tổ Sư ? không phải vậy. Ông ta cầm lấy giới đao, bèn một đao chặt đứt cánh tay trái, đấy là đáp án của ông ta đối với đề thi này.

 

Tay chặt đứt rồi thì sẽ thế nào ? máu ấy bèn vọt ra như suối, làm nhuộm đỏ cả tuyết. A ! đã chảy nhỏ giọt rất nhiều máu. Ông ta trộn máu với tuyết; tuyết tuy rằng là màu trắng, thông qua việc nhuộm máu thì biến thành màu đỏ rồi. Do đó Thần Quang Pháp Sư bèn lấy cái hốt rác dồn lại, trộn lẫn tuyết đỏ tuyết trắng như vậy thì đều biến thành tuyết đỏ, nói rằng : “ xin Tổ Sư ngài hãy nhìn xem, bây giờ là tuyết đỏ rồi đấy. 

 

Đạt Ma Tổ Sư nhìn một cái, “ thật đấy chứ ? à ! đấy thật sự là tuyết đỏ ! ”. Đấy vốn dĩ là từ sớm đã nằm trong sự đoán trước, chính là muốn khảo nghiệm chơn tâm của ông ta.

 

Nhìn thấy thế thì Đạt Ma Tổ Sư đã rất cảm động rồi : “ Ồ ! lần này ta đến trung quốc vẫn thật là chẳng uổng công, còn gặp được một người tu đạo thật tâm cầu pháp như ông, có thể vì pháp mà chặt đứt cánh tay, đến cả cánh tay của chính mình cũng chẳng cần, đấy là thật sự có chút thành tâm. Được rồi ! vậy thì truyền pháp cho ông ”. Do đó Lão Tổ bèn vì ông ta mà nói pháp môn dĩ tâm ấn tâm – đem chánh pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm truyền cho ông ta, chỉ cho ông ta pháp môn trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành phật này, dạy cho ông ta tu hành như thế nào, dụng công như thế nào, lại nói rằng : “ tại trung quốc thì ông là Tổ Sư đời thứ hai ”.

 

Thần Quang Pháp Sư sau khi nghe pháp rồi, lúc này cảm thấy cánh tay đau rồi; trước đó ông ta chẳng nghĩ đến cánh tay, chỉ là nghĩ cách làm cho tuyết biến thành màu đỏ, ngay cả việc cánh tay đau cũng quên mất đi. Sau khi Đạt Ma Tổ Sư giảng pháp cho ông ta xong, lúc này ông ta đã sanh tâm phân biệt : “ A ! cánh tay mà con đã chặt xuống rất đau ! ” , do vậy bèn nói với Đạt Ma Tổ Sư rằng : “ ui da ! tâm con bây giờ rất đau, chịu không nổi rồi ! xin Tổ sư hãy an tâm cho con. ”

 

Đạt Ma tổ Sư bèn nói : “ tâm của con đau ư ? hãy đưa tâm ra đây , ta sẽ vì con mà an cho, vậy mới không đau. ”

Thần Quang Pháp Sư bèn tìm cái tâm của chính mình, tâm ở chỗ nào vậy ? Bốn phía đông, tây, nam, bắc, trên, dưới, tất cả mọi nơi đều đã tìm khắp rồi, tìm tâm chẳng thể được ! do vậy bèn nói với Đạt ma tổ sư rằng : “ con tìm chẳng được tâm, tìm mà không thấy. ”

 

Đạt Ma Tổ Sư nói rằng : “ ta đã an tâm cho con xong rồi ! ” Con tìm chẳng được tâm, ta đã an tâm cho con rồi đấy, thấy chăng ?

Nhị Tổ mới nghe lời này thì hoắt nhiên khai ngộ rồi ! chính là một câu nói như thế này, hoắc nhiên bèn đã đại khai ngộ. Đại khai ngộ rồi thì tâm cũng chẳng đau, gan cũng chẳng đau rồi. từ đấy về sau bèn dựa theo pháp môn mà Đạt Ma Tổ Sư đã truyền cho ông ta để tu hành. Đấy gọi là pháp môn “ trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành phật, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền ”.

 

Nhị tổ đắc được pháp môn này thì truyền cho Tam Tổ, Tam Tổ truyền cho Tứ Tổ, Tứ Tổ truyền cho Ngũ Tổ, Ngũ Tổ truyền cho Lục Tổ Huệ Năng, do vậy mà pháp này bèn truyền một đời sang một đời ở Trung Quốc.

Có bài kệ rằng:

 

真經不與紙經同

紙上尋經枉用工

有人參透其中意

安在巍巍不動中

 

Chơn Kinh bất dĩ chỉ kinh đồng,

Chỉ thượng tầm kinh uổng dụng công,

Hữu nhân tham thấu kỳ trung ý,

An tại nguy nguy bất động trung.

 

Dịch nghĩa :

 

Chơn kinh chẳng giống kinh trên giấy

Trên giấy tìm kinh uổng dụng công

Có người tham thấu ý trong đó ( tham thấu : nghĩa là hiểu triệt để )

An tại nguy ngu bất động trung ( nguy nguy : cao ngất )

Lão Tổ có bài kệ :

 

徑有十萬八千里

明明白白極樂宮

指破西方目前在

可笑迷人路不通

 

Kính hữu thập vạn bát thiên lý

Minh Minh bạch bạch cực lạc cung

Chỉ phá Tây Thiên mục tiền tại

Khả tiếu mê nhân lộ bất thông.

 

Dịch nghĩa :

 

Đường có mười vạn tám nghìn dặm

Rõ rõ ràng ràng cực lạc cung

Chỉ phá Tây Thiên ngay trước mắt

Đáng cười kẻ mê đường chẳng thông.


 

Số lượt xem : 2380