BẠCH DƯƠNG KỲ - Bạch Dương Tu SĩBạch Dương Kỳ 2002

Phật đường là cõi tịnh độ của Thánh Phàm đồng cư tại nhân gian

Tác giả liangfulai on 2025-04-04 10:27:10
/Phật đường là cõi tịnh độ của Thánh Phàm đồng cư tại nhân gian

Phật đường là cõi tịnh độ " Thánh Phàm đồng cư tại nhân gian "

 

Cõi tịnh độ của Phật là ứng với tâm thanh tịnh, từ bi tâm nguyện,  trí tuệ phương tiện khéo tiếp dẫn của Phật mà hình thành, và các chúng sinh ở các cõi tịnh độ đó phần nhiều đều đã tu chứng về tâm tánh thanh tịnh, đạt đến cảnh giới nhất định nào đó, hoặc đã tinh tấn hành trì nhất tâm niệm Phật hàng phục các vọng tâm vọng niệm rồi mới có thể vãng sanh về nơi cõi tịnh độ đó để học tu tiếp lên cảnh giới khác cao hơn.


Phật đường cũng là cõi tịnh độ của Phật vì trong vô hình có rất nhiều vị Phật Bồ Tát và chư vị hộ pháp, cũng có các giáo lý phương tiện của Chư Phật Chư  Bồ Tát, chư vị Thánh Hiền, nhưng chỗ khác biệt chính là tâm người vẫn chưa thể tịnh hoá hoàn toàn và chưa đạt cảnh giới từ bi trí tuệ của Phật, dù rằng vẫn có công năng tiếp dẫn cứu độ chúng sinh, nên là " cõi tịnh độ Thánh Phàm đồng cư " tại nhân gian.

 

Do bởi là thánh phàm đồng cư nên tất nhiên sẽ chưa thể nào viên mãn vẹn tròn. Cõi này muốn viên mãn thành tựu như cõi tịnh độ của Chư Phật đã thành, điều kiện tiên quyết là " tâm thanh tịnh " của tất cả mọi người ở trong phật đường mới có thể làm nên, vậy nên mới phải không ngừng gột rửa tâm phiền não qua các lớp học nghiên cứu tiến tu với các bài pháp, các huấn văn của Tiên Phật Bồ Tát. Thế nhưng do bởi mỗi người có căn cơ, trình độ tâm cảnh và cá tính khác biệt, sự hành trì giới đức khác biệt mà cùng hội tụ về phật đường ( cõi tịnh nhân gian ) trong khi tâm vẫn chưa thanh tịnh hoàn toàn, đức hạnh từ bi trí tuệ chưa được viên mãn, chưa tu chứng thành tựu đạo quả như Thánh Phật Bồ Tát, vẫn còn nhiều những sự chấp trước, lại còn chưa kể là các mối thiện duyên, ác duyên đều cùng hội tụ trong thời kì đại thanh toán sàng lọc và đại khảo nghiệm trí tuệ lần này, vậy nên tất nhiên sẽ không thể nào là một cõi tịnh độ lý tưởng tốt đẹp viên mãn như trong mong đợi của rất nhiều vị đạo thân trước giờ vốn dĩ chỉ ưa thích môi trường an vui , và đó cũng chính là bài tập của "tự tâm tánh" mà mỗi vị đạo thân đã " mang nghiệp vãng sanh " nơi đó phải tự hoàn thiện, người khác chẳng thể hoàn thiện giùm mình.

 

Khi tâm thanh tịnh, người ta sẽ thấy thế giới thanh tịnh. Kinh Duy Ma Cật, phẩm Phật quốc thứ nhất, Đức Phật nói với trưởng giả Bảo Tích:

Thế nên, Bảo Tích! Nếu Bồ tát muốn được Tịnh độ hãy tịnh tâm mình. Tùy tâm mình tịnh, tức cõi Phật tịnh”. 

 

Sau đó, do ngài Xá Lợi Phất thắc mắc vì thấy cõi này chẳng thanh tịnh, Đức Phật giảng giải:

Xá Lợi Phất! Do tội chướng của mình, chúng sanh không thấy cõi nước Như Lai thanh tịnh và trang nghiêm, chớ chẳng phải lỗi của Như Lai.

 

Này Xá Lợi Phất! Cõi này của ta vẫn thanh tịnh mà ông chẳng thấy.

Bấy giờ Phạm vương Loa Kế thưa với ngài Xá Lợi Phất: Ngài chớ có ý nghĩ rằng cõi Phật đây không thanh tịnh. Tại sao thế? Tôi thấy cõi Phật Thích Ca Mâu Ni thanh tịnh như cung trời Tự Tại.

 

Ngài Xá Lợi Phất nói: Tôi thấy cõi này toàn là gò đống, hầm hố, gai góc, sỏi sạn, đất đá núi non, đầy thứ dơ bẩn, xấu xí.

Phạm vương Loa Kế nói: Tâm ngài có cao thấp, chẳng y nơi huệ Phật nên thấy cõi đây chẳng thanh tịnh.

Thưa ngài Xá Lợi Phất! Bồ tát đối với tất cả chúng sanh, thảy đều bình đẳng. Thâm tâm thanh tịnh, y nơi trí huệ Phật bèn thấy cõi Phật này là thanh tịnh”.

 

Vậy nên khi cõi nước Phật không thanh tịnh, tức là do tự tâm mình còn chưa thanh tịnh. Muốn làm cho cõi nước ấy thanh tịnh, duy tịnh hoá trước tâm của mình. " Tương tự, khi nhận thấy Phật đường không thanh tịnh bình đẳng, là do tự tâm mình còn chưa thanh tịnh bình đẳng vậy, do tự tâm mình còn phân biệt chấp trước, còn nhiều dục vọng, nhiều tham cầu và thói quen hay soi lỗi nơi người. 

Đức Phật nói, cõi này, thế giới sa bà này của ngài vẫn thanh tịnh mà chúng sanh chẳng thấy. Đó chẳng phải là lỗi của Như Lai, mà là do tâm chúng sanh bất tịnh nên chẳng thấy được cõi này, thế giới này là thanh tịnh. Tâm chúng sanh bất tịnh vì cái thấy bị nhiễm ô bởi phân biệt ta đối với người khác, ta đối với thế giới và bởi vô vàn phiền não tham, sân, si, kiêu mạn, đố kỵ, nghi ngờ…

 

Do bởi nhiều vị phật tử xưa nay chỉ quen đến chùa thắp nhang cúng phật cầu an xong rồi về, nên khi về phật đường chưa hiểu rõ công năng của phật đường chính là "cõi tịnh độ thánh phàm đồng cư " thực tiễn tại nhân gian để mài luyện viên mãn thành Phật, giống như “ Bồ Đề Đạo Tràng “ nơi đức Phật Thích Ca trước khi thành Phật đã phải chịu cực chịu khổ mài luyện tâm tánh với ma khảo, nên phần nhiều các vị đạo thân bình thường đều sẽ không muốn về phật đường học tập liễu nguyện khi gặp phải những Ma khảo phần do tự tâm phiền não sanh, phần do Ma Vương mượn người mượn việc để khảo đạo tâm, và họ cũng bởi thế mà đã bỏ lỡ mất rất nhiều cơ hội học tập nâng cao tâm cảnh.

 

Thực tiễn thì nơi đâu có người, tất có " nhân sự cọ xát ", trong chùa cũng vậy, tất cả các phật đường cũng vậy, thế nên nếu " đứng núi này mà trông núi nọ " tất sẽ thấy núi kia đẹp hơn, nhưng khi đến thực tế rồi thì thấy " núi vẫn là núi, không gì khác biệt " , chỗ khác biệt chính là tự mình đang dụng tâm như thế nào để thưởng ngoạn mà thôi, đang nhìn ngắm từ góc độ nào mà thôi.

 

“ Tu tâm”, là làm cho tâm mình thanh tịnh, tịnh hóa tâm mình, chuyển hóa tất cả những vọng tâm phiền não của mình thành thanh tịnh, bình đẳng, chánh niệm chánh giác. Tịnh hóa tâm mình sạch hết những nhiễm ô che chướng của phiền não và hiểu biết (sở tri chướng) là con đường chung của tất cả mọi kinh điển, của tất cả mọi tông phái.

 

TÂM TỊNH CÕI GIỚI TỊNH

 

 

Kinh Duy ma Cật:

Đức Phật: “Tùy trí tuệ thanh tịnh, tâm được thanh tịnh. Tùy tâm thanh tịnh ắt tất cả công đức được thanh tịnh.

Thế nên Bảo Tích, nếu Bồ-tát muốn được cõi tịnh độ phải tịnh tâm kia. Tùy tâm kia tịnh thì cõi Phật tịnh

Khi ấy ngài Xá-lợi-phất nương nơi oai thần của Phật, khởi nghĩ thế này: “Nếu tâm của Bồ-tát thanh tịnh thì cõi nước thanh tịnh, đức Thế Tôn của ta ngày xưa khi làm Bồ-tát, ý đâu chẳng thanh tịnh, mà cõi Phật này bất tịnh như thế ấy?

Phật biết ý nghĩ của ngài Xá-lợi-phất, liền bảo ngài rằng:

Ý ông nghĩ sao, mặt trời mặt trăng há chẳng sáng ư, mà người mù không thể thấy?

Ngài Xá-lợi-phất thưa:

– Bạch Thế Tôn, không phải vậy. Lỗi là tại người mù, chứ không phải lỗi tại mặt trời mặt trăng.

Phật bảo:

– Xá-lợi-phất! Vì chúng sanh tội chướng không thấy được cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh của Như Lai, chẳng phải lỗi của Như Lai. Này Xá-lợi-phất, cõi nước này của ta thanh tịnh mà ông không thấy.


Khi đó Phạm vương Loa Kế nói với ngài Xá-lợi-phất:

Chớ khởi nghĩ cõi Phật này là không thanh tịnh. Vì cớ sao? Tôi thấy cõi Phật thanh tịnh của đức Thích-ca-mâu-ni ví như là cung của vua trời Tự Tại vậy.

Ngài Xá-lợi-phất nói:

Tôi lại thấy cõi này gò nổng hầm hố, gai góc cát sỏi, đất đá núi non, nhơ nhớp dẫy đầy.

Phạm vương Loa Kế mới nói:

Tâm nhân giả có cao thấp, không nương nơi trí tuệ Phật, cho nên thấy cõi này ô uế như vậy. Thưa ngài Xá-lợi-phất, Bồ-tát đối với tất cả chúng sanh thảy đều bình đẳng, thâm tâm thanh tịnh nương nơi trí tuệ Phật, hay thấy cõi Phật thanh tịnh.

Bấy giờ Phật dùng ngón chân ấn xuống đất, liền khi đó tam thiên đại thiên thế giới, bao nhiêu trăm ngàn trân bảo trang sức, ví như là cõi nước Vô Lượng Công Đức Bảo Trang Nghiêm của đức Phật Bảo Trang Nghiêm. Tất cả đại chúng khen ngợi việc chưa từng có và đều tự thấy đang ngồi trên tòa sen báu. Phật bảo ngài Xá-lợi-phất:

– Ông hãy xem, cõi nước Phật trang nghiêm thanh tịnh chăng?

Ngài Xá-lợi-phất thưa:

– Thưa vâng, Bạch Thế Tôn! Từ trước đến giờ con chưa từng thấy, chưa từng nghe, nay cõi nước Phật đều hiện rõ trang nghiêm thanh tịnh.

Phật bảo ngài Xá-lợi-phất:

Cõi nước của ta thường thanh tịnh như thế, nhưng vì muốn độ những kẻ căn cơ hạ liệt, nên thị hiện ra cõi đầy nhơ nhớp xấu xa bất tịnh đó thôi. Ví như chư thiên cùng một bát báu đựng thức ăn, tùy phước đức của những người kia mà sắc cơm trong bát có sai khác. Như thế Xá-lợi-phất, nếu người tâm tịnh sẽ thấy cõi này công đức trang nghiêm.

Ngay khi đức Phật hiện cõi nước trang nghiêm thanh tịnh này, năm trăm trưởng giả do ngài Bảo Tích dẫn theo đều được Vô sanh pháp nhẫn, tám muôn bốn ngàn người đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

 

 

 

Số lượt xem : 45