Nhân Tài và Nhân Tài Trụ Cột
Nhân Tài và Nhân Tài Trụ Cột của Đạo Trường.
Bất cứ ai chúng ta gặp, dù là đạo thân cũ hay mới, hay thậm chí chưa cầu đạo, cũng đều có thể là những nhân tài của đạo trường. Mỗi người đều có những sở trường, kĩ năng, kiến thức riêng mà người khác không có, có những sở hữu về danh tiếng, địa vị, quyền lực và các mối quan hệ xã hội mà người khác không có, và tất cả mọi người đều đang cống hiến, đóng góp công sức cho việc xây dựng phát triển gia đình, đất nước xã hội, và khi tham gia vào các hạng liệt bàn đạo thì có thể thúc đẩy, mở rộng đạo vụ rất nhanh chóng. Nhìn chung thì tất cả mọi người đều là nhân tài tiềm năng của gia đình, đất nước, xã hội, đạo trường.
Còn về nhân tài trụ cột, thì hai từ trụ cột là chính, là phần nền mống quan trọng nhất để nâng đỡ những phần khác, xây dựng phát triển lên cao hơn. Trụ cột phải vững chắc thì khi xây lên càng cao mới không có nguy cơ bị sụp đổ giữa chừng. Vậy thì nhân tài trụ cột trong đạo trường chính là như thế nào ? Đó chính là phải có đầy đủ những yếu tố như sau :
1. Tôn Sư trọng đạo, tôn kính thiên mệnh, thiên chức.
2. Tuân thủ Phật quy lễ tiết, giới luật
3. Chánh tri chánh kiến hành chánh đạo, lý niệm tu bàn đúng đắn, nhận lý thật tu, y giáo phụng hành, tri hành hợp nhất.
4. Trung nghĩa thủy chung đầu cuối không thay đổi, tâm đạo bất biến giữa dòng đời vạn biến.
5. Luôn ghi nhớ thiên ân sư đức, tâm luôn tồn cảm ân, uống nước nhớ nguồn.
6. Nhân nghĩa từ bi hỷ xả vô vi.
7. Nguyện lực sâu rộng, hoan hỷ cam nguyện chủ động gánh vác.
8. Có tinh thần trách nhiệm, tinh tấn, dũng cảm gánh vác.
9. Hy sinh phụng hiến chẳng oán chẳng tiếc.
10. Có sự tu dưỡng về nội đức, hành sâu sáu pháp ba la mật, đặc biệt là hỏa hầu với hạnh nhẫn nhục.
Duy có nhân tài trụ cột mới là nền móng vững chắc nhất của đạo trường để xây dựng, phát triển đạo trường và truyền thừa mãi mãi.
Đây cũng là những tiêu chí để tuyển chọn các nhân tài trụ cột trong đạo trường có thể gánh vác các thiên chức trọng trách truyền thừa vậy.
Long Hoa Tam Hội, Lão Mẫu chọn Thánh tuyển Hiền 3600 Thánh, 48000 Hiền đều có khảo nghiệm thử thách, đều có các tiêu chí để sàng lọc tuyển chọn. Mỗi người chúng ta muốn chứng được đài sen đạo quả sau này đều phải không ngừng tinh tấn nỗ lực cải thiện bản thân càng ngày càng thêm hoàn thiện hơn nữa. Khi có đầy đủ những phẩm chất cần thiết thì chẳng cầu mà tự nhiên được vậy. Còn như khi chẳng có đầy đủ những phẩm chất ấy thì dẫu có muốn cũng chẳng được. Vậy nên khi tu đạo, chúng ta thường tự soi lại bản thân để không ngừng đối chiếu với các phẩm chất tiêu chí mà các bậc Thánh Hiền Tiên Phật nên có, để không ngừng bổ sung, củng cố và phát triển hoàn thiện các tiêu chí phẩm đức ấy, hạ công phu phản tỉnh sâu nơi tự tâm tự tánh thì tự nhiên sẽ chẳng còn phiền não gì, bất bình gì nữa, mà sẽ chỉ còn lại sự thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác và sự nỗ lực tu sửa không ngừng hoàn thiện bản thân, chứng đắc Thánh vị.
Đó cũng chính là chỗ khác biệt giữa Đạo và Đời, giữa Thánh và Phàm vậy. Một cái là hướng sâu về nội đức, còn một cái là hướng sâu về ngoại tài.
Quy Tắc Tu Bàn
( Hoạt Phật Sư Tôn từ huấn )
Người tu chẳng tuân theo Phật quy thì đạo trường tất nguy.
Người tu chẳng giữ lễ tiết thì đạo trường tất loạn.
Người tu chẳng theo chánh đạo thì đạo trường tất bại.
Ngươi tu chẳng hành trung nghĩa thì đạo trường tất phân tán.
Lại nữa, người tu đạo càng cần phải ghi nhớ kĩ :
Chớ phụ thiên ân, trước sau tôn sư trọng đạo.
Chớ quên đức thầy, trước sau kính lão tôn hiền.
Chớ đánh mất gốc cội căn bản, trước sau uống nước nhớ nguồn.
Chớ bôi nhọ Tiền nhân, trước sau báo ân liễu nguyện.
Nguyện người người theo khuôn phép quy củ để bảo vệ đạo trường.
Nguyện người người hành nhân hành nghĩa để giữ gìn bảo vệ đạo trường.
Nguyện người người tự ràng buộc kỷ luật bản thân để trang nghiêm đạo trường.
Nguyện người người tận tâm tận sức để hộ trì đạo trường.
Số lượt xem : 25