BẠCH DƯƠNG KỲ - Bạch Dương Tu SĩBạch Dương Kỳ 2002

Nghi Vấn Trong Tu Đạo

Tác giả liangfulai on 2024-06-07 09:20:13
/Nghi  Vấn Trong Tu Đạo

1. Vì sao Thánh nhân lỗi nhiều, phàm nhân lỗi ít hoặc không lỗi ?


Ấy là vì trong lúc tu hành, các bậc Thánh hiền thâm nhập tâm tánh, soi từng niệm đầu, như kính hiển vi thâm nhập quan sát các vật thể có kích thước nhỏ bé mà mắt thường không thấy được như là các loài vi rút, các hồng cầu, phân tử ... Khi đã soi thấy các ý niệm vi tế bất tịnh đó rồi thì mãi bận rộn trong việc loại trừ các ý niệm đó như là loại các tạp chất đang lẫn trong vàng, qua các công đoạn gian nan rồi mới luyện ra được vàng ròng nguyên chất. Tánh Phật của chúng sinh cũng như khối vàng đang còn pha lẫn rất nhiều tạp chất là các ý niệm vi tế bất tịnh mà tự bản thân do mãi bận để tâm nhìn soi lỗi người nên chưa dành thời gian để thâm nhập tánh Phật soi rõ lại các tạp chất là các ý niệm vi tế bất tịnh trong tâm mình, cùng lắm chỉ là nhìn hời hợt qua loa thấy được những lỗi lớn bên ngoài, vậy nên gọi là Thánh nhân lỗi nhiều, phàm nhân lỗi ít chính là vậy. Vậy nên khi càng công phu thâm nhập tâm tánh, ta càng thấy lỗi mình thật nhiều đến nỗi chẳng còn thời gian để bàn luận các chuyện thị phi của người khác, càng chẳng thấy lỗi của người khác và càng nhận ra thực tướng rằng tất cả lỗi người đều cũng chính là lỗi của mình vậy nên càng chẳng dám nói lỗi ai là vậy.

 

2. Thế nào là chơn công đức của việc đến phật đường ?

 

Đó chính là dụng tâm thanh tịnh để làm phật sự, một lòng đầu cuối trước sau như một hộ trì thiên mệnh, hộ trì phật đường, duy mong thiên mệnh mãi trường tồn để có thể phổ độ càng nhiều chúng sinh, nhất tâm hộ trì pháp thuyền thuận lợi bình an thông suốt vô ngại chở chúng sanh vượt biển khổ đạt đến bờ giác an vui. Ngoài tâm thanh tịnh, ngoại nguyện ấy ra, không khởi bất cứ vọng tâm nguyện ảo nào khác ( như là đạo danh, đạo quyền, đạo lợi, đạo vị... các tướng công đức ).

 

3. Thế nào là chơn phước báo của việc đến phật đường học tập liễu nguyện ?

 

 

Đó là sự nâng cao tâm tánh, trí tuệ, có được sự an vui tự tại giải thoát phiền não từ sự giác ngộ chuyển hoá vọng tâm thành chân tâm, tận hưởng giây phút buông xả hết tất cả mọi phiền não trước kia của sự đời mỗi ngày trói buộc mọi lúc mọi nơi, hưởng cái cảm giác của miền cực lạc an nhàn tại nhân gian ngay trước mắt ngay trong thời khắc hiện tại, được tắm gội trong ánh hào quang mưa pháp, từ đấy mà cải biến vận mệnh, lìa khổ được vui. Chơn phước báo chẳng phải là thứ nhờ tiền tài danh vọng địa vị mà được, mà là được từ sự an vui tự tại giải thoát phiền não trói buộc nơi tâm. Còn các phước báo như tiền tài danh vọng địa vị và ái dục đều là ngắn tạm hữu hạn theo duyên sanh duyên diệt chẳng thể trường tồn nên chẳng phải là chơn phước báo như phước báo của Chư Phật Bồ Tát vậy. Vậy nên nói, phước báo của đức Phật Thích Ca nhiều vô hạn lượng hơn so với của thái tử Tất Đạt Đa là vậy. Càng thiếu chơn phước thì càng nhiều phiền não trói buộc, và ngược lại cũng vậy, càng nhiều phiền não trói buộc thì lại càng thiếu chơn phước vậy. Khi nào ta vẫn chưa thể buông xả được những thứ phước báo giả tạm ấy thì khi ấy ta vẫn chưa thể có được chơn phước báo vĩnh hằng vậy.

Số lượt xem : 262