BẠCH DƯƠNG KỲ - Bạch Dương Tu SĩBạch Dương Kỳ 2002

Lợi Ích Của “ Cộng Tu ”

Tác giả liangfulai on 2022-03-15 07:17:32
/Lợi Ích Của “ Cộng Tu ”

Mỗi người đều có tảng đá lớn “ nghiệp lực ” vô hình trên vai. Tảng đá lớn “ nghiệp lực vô hình ” ấy đè nặng lên vai đến nỗi “lưng còng”, “người yếu”, bước tiến trước đến sự thành đạt của con đường đời lẫn đường đạo đều trở nên chậm chạp, nặng nề khó đi, xa xôi vô cùng.


Muốn đập phá tiêu dần hay gỡ bỏ khối đá “ nghiệp lực vô hình ” ấy xuống được nhanh chóng, người ấy trước hết phải có tâm nguyện muốn tháo gỡ, muốn buông xuống, muốn tiêu trừ “ khối đá nghiệp lực vô hình ấy ”, tức phải phát tâm sám hối ( ăn năn tu sửa lỗi trước, chừa bỏ lỗi sau ), ngừng dứt việc tạo xuống các ác nghiệp, kết hợp dùng các phương tiện để tiêu trừ, tháo gỡ ( nương Phật pháp, công đức ).

 

Tuy vậy, với sức của một mình bản thân thì muốn tiêu trừ, tháo gỡ tảng đá nghiệp lực ấy sẽ rất chậm, muốn nhanh thì duy chỉ có nhờ đến “ cộng nguyện hợp tâm hợp sức ” của đại chúng cùng ra tay trợ giúp tháo gỡ, bằng các phương tiện lớn ( Phật pháp, công đức hồi hướng ). Muốn được vậy, người ấy bình thường phải rộng kết duyên lành với đại chúng, đặc biệt là với rất nhiều các bậc thiện tri thức có đạo lực, đức hạnh lớn, người ấy phải siêng tu tập không rời đại đạo trường, tiền hiền đồng tu, và lúc bình thường cũng luôn mang từ tâm bi nguyện trợ giúp người khác, thì mới có đủ nhân duyên lành để có thể sớm tiêu trừ “ khối đá nghiệp lực vô hình ” mà lũy kiếp đến nay mình đã gieo tạo.

 

Nay thời đại cộng nghiệp nhân duyên đã chín muồi, thiên tai nhân họa càng lúc càng nhiều, càng nặng nề liên miên, người muốn bình an vượt qua đại kiếp nạn cộng nghiệp, duy chỉ có “ tiêu trừ khối đá nghiệp lực vô hình ” ấy càng sớm càng nhanh càng tốt, song song đó lại không ngừng gieo trồng mở rộng ruộng phước lành, lẽ đương nhiên càng không thể tu hành chỉ lo độc mỗi thân mình mà xa rời đại chúng, chẳng rộng kết duyên lành, chẳng thường hành tam thí ( tài, pháp, vô úy ) rộng lợi lạc quần sanh. Tu hành chẳng thể rời đại đạo trường, chẳng thể rời các bậc thiện tri thức, đồng tu, chẳng thể rời việc rộng kết duyên lành với đại chúng ( hữu hình lẫn vô hình ) là vậy, bởi muốn thành tựu nhanh, tiêu nghiệp sớm thì ngoài tự lực ra, còn phải nương nhờ đến “ cộng nguyện, trợ lực ” của đại chúng giúp sức vậy. Muốn tiêu trừ sớm nhanh "biệt nghiệp" của cá nhân còn là vậy, huống hồ muốn tiêu trừ " cộng nghiệp " của tất cả chúng sinh, há có thể không cần đến " đại cộng nguyện, đại cộng công đức lực " của đại chúng hợp sức đó sao ? 

 

Công đức, lợi ích cùng tu là vô cùng to lớn

 

Một khúc gỗ trong cơn sóng lớn cuồn cuộn mãnh liệt, chắc chắn sẽ trôi ngược trôi xuôi, chẳng cách nào nắm bắt được phương hướng. Thế nhưng từng hàng từng hàng bè gỗ buộc chặt lại với nhau thì có thể an toàn đến bờ bên kia một cách có trật tự. Nếu như có càng nhiều người cùng tu thì có thể hình thành một luồng sức mạnh, có năng lực ngăn chặn và chống lại những khổ nạn cộng nghiệp, cũng ví như chiếc vạc nặng ngàn cân một, người nhấc chẳng nổi, hàng chục người hợp tác thì có thể nhấc lên được. Vậy nên cùng tu thì sẽ càng tăng thêm mức độ sức mạnh, có thể càng nhanh chóng làm chuyển biến cộng nghiệp.

 

Một con đường treo một trăm ngọn đèn xếp theo thứ tự thì một trăm ngọn đèn này cùng soi sáng khắp cả con đường, đấy chính là hiệu quả có được do hợp tác. Trong việc này, mỗi một ngọn đều đều cùng tham dự thì đều phát ra một phần ánh sáng của nó, sáng tạo ra giá trị to lớn hơn. Nếu như không hợp tác, mỗi một ngọn đèn đều chỉ soi sáng ở trong ngôi nhà nhỏ của mình, vậy thì cũng là phát ra ánh sáng mức đó thế nhưng tác dụng có hạn, giá trị thua xa so với nhiều ngọn đèn hợp lại. Đấy là để ví von rằng tu một mình chẳng lớn bằng công đức cùng tu.

 

Công đức cùng tu thật không thể nghĩ bàn ! Rất nhiều kinh sách đều ghi chép, chẳng hạn như 7 người cùng phát tâm xây tạo một tòa tháp Phật, vậy thì họ cùng với mỗi một người tùy vui theo họ đều mỗi mỗi nhận được công đức xây tạo một tòa tháp. Nếu như 7 người cùng giết một sinh mạng, vậy thì bọn họ cùng với những người tùy vui theo họ mỗi mỗi đều được quả báo của việc giết một sinh mạng, cũng có nghĩa là nói các đồng tu tham gia cùng tu mỗi người đều có thể đắc được công đức của tòan bộ hoạt động cùng tu.

 

Mọi người đồng tâm hiệp lực thì có thể dời núi nghiệp, ngàn muôn người đồng tâm tu hành thanh tịnh thì sức tu ấy tất là sức của ngàn muôn người cùng tu; cho dẫu mặt trời có thể lạnh, mặt trăng có thể nóng, núi có thể sạt lở, sông có thể cạn, thì cái sức của duyên khởi cùng tu cũng chẳng có tiêu phí. Các vị đạo hữu nên tin hiểu, tin chắc rằng cái sức cùng tu của đại chúng thắng hơn trăm ngàn muôn lần của phàm phu một mình độc tu. Vậy nên gặp được những lúc có pháp hội quy mô lớn thì nhất định phải tích cực tham gia, từ đấy mà đắc được công đức nghiệp lành của mọi người cùng tu, so với lợi ích của cá nhân tự tu trì thì khác xa vô cùng.

 

Biển lớn rộng vô hạn vốn chẳng phải chỉ là vài con sông nhỏ thì có thể hội tụ hợp thành, mà là ngàn sông muôn dòng ngày đêm chảy vào thì mới hợp thành đấy. Tương tự như vậy, biển lớn công đức rộng vô hạn cần đến vô số người từ từng tí tí công đức mới có thể hợp thành.

 

Nguồn tiền vốn đầu tư cá nhân có hạn, duy mỗi sức mình thì chẳng cách nào làm nên công ty lớn, doanh nghiệp lớn. Duy có liên hợp lại cùng làm nên công ty lớn, doanh nghiệp lớn mới cùng đạt được lợi nhuận lớn.

Trong bóng đêm mù mịt, một ngọn đèn đơn độc chẳng cách nào tiêu trừ tất cả những tăm tối. Nếu như có thể thắp sáng lên vô số những ngọn đèn khác thì có thể tiêu trừ mànđen to lớn. Tương tự như vậy, duy chỉ dựa vào sức tu của cá nhân thì chẳng cách nào tiêu trừ những nghiệp chướng phiền não vô biên của cá nhân và chúng sinh, cần phải đại chúng nhất tâm cùng tu thì mới có thể làm được.

 

Đối mặt với quân địch lớn, mỗi tốp quân lẻ tác chiến thì rất khó mà thắng được, cùng lắm chỉ là thắng được phạm vi nhỏ mà thôi. Duy chỉ có triệu tập trăm vạn đại quân thì mới có thể đánh tan quân địch hùng mạnh. Tương tự như vậy, đối mặt với những trận tai kiếp lớn nhiều loại trên toàn cầu do cộng nghiệp cảm chiêu đến, duy chỉ có dựa vào sức mạnh cùng tu với lòng yêu thương to lớn thì mới có thể tiêu trừ tai nạn.

 

Tham gia pháp hội quy mô lớn cùng tu thì có thể đạt được công đức rộng lớn chẳng thể nghĩ bàn, làm tăng thượng duyên lẫn nhau.

Mọi người cùng tu thì tiêu nghiệp, tích phước đặc biệt nhanh, chứng ngộ cũng đặc biệt nhanh. Nếu như lại có thể thêm sự phát tâm và hồi hướng như lí như pháp thì công đức càng chẳng thể nghĩ bàn, nhất định có thể thanh tịnh tất cả những tội nghiệp của chúng ta.

 

Nhân duyên cùng tu thù thắng như vậy giống như hoa Ưu Đàm khó trồng khó gặp. Nay gặp được nhân duyên thù thắng như vậy thì cần phải càng trân trọng gấp nhiều lần. Tốn ít công sức thời gian mà có thể đắc được lợi ích công đức to lớn vô cùngĐể bỏ lỡ mất dịp may tốt thì hối tiếc vô cùng, vậy nên hãy trân trọng mối duyên thù thắng.

 

Bài Toán Ấn Chứng Về Sự Thù Thắng Và Sức Mạnh Của  Cộng Tu Hồi Hướng

 

Nếu mỗi người đều tham dự pháp hội tụng kinh trực tuyến mỗi tuần một lần, thì một tháng có 4 tuần x 12 tháng = 48 lần trong một năm.

Nếu mỗi hương linh nhận được một phần công đức từ mỗi một người tụng, thì bình quân mỗi buổi pháp hội tụng kinh trực tuyến là 25 người ( có khi hơn ) , vậy hương linh ấy sẽ cùng lúc có thể tiếp nhận được 25 phần công đức hồi hướng của 25 người. Lấy con số 25 x 4 ( tuần ) = 100 phần công đức mỗi tháng. Lại đem 100 x 12 tháng = 1,200 phần công đức mỗi năm.

 

Nếu mỗi người vì một đối tượng hương linh cụ thể tụng kinh hồi hướng, hương linh ấy chỉ nhận được một phần công đức hồi hướng sau mỗi lần tụng. Để có được 25 phần công đức hồi hướng, thì hương linh ấy sẽ phải đợi người tụng ấy tụng kinh hồi hướng đến 25 lần, và để có được 1,200 phần công đức hồi hướng, thì phải đợi người tụng ấy tụng đến 1,200 lần, điều đó có nghĩa là thời gian chờ đợi sẽ rất lâu, cơ hội lìa khổ được vui, đầu thai chuyển kiếp làm người hoặc sanh cõi trời hưởng phước hoặc vãng sanh tịnh độ ( tùy duyên ) sẽ càng xa vời, khó khăn. Nhưng khi một đối tượng hương linh ấy được cùng lúc nhận được nhiều phần công đức từ nhiều người hồi hướng, thì thời gian chịu khổ mất đi thân người sẽ rút ngắn lại, cơ hội đầu thai, vãng sanh sẽ càng dễ càng gần.

 

Lại nếu giả dụ mỗi hương linh phải nhận được 1,200 phần công đức thì mới có thể đầu thai chuyển kiếp hoặc vãng sanh, vậy thì khi được 25 người hợp sức hồi hướng mỗi tuần một lần, hương linh ấy chỉ mất 1 năm thì đã đủ con số ấy để đầu thai hoặc vãng sanh. Nhưng nếu chỉ đợi duy nhất có mỗi một người cố định hồi hướng, thì giả định người ấy mỗi ngày đều siêng tụng kinh và hồi hướng 1 phần công đức, thì 1 tháng 30 ngày sẽ hồi hướng được 30 phần. Một năm 12 tháng, vậy 30 x 12 = 360 phần công đức cho một năm. Vậy lấy 1200 chia cho 360 = 3.333333, có nghĩa là phải mất trên 3 năm mới có đủ 1200 phần công đức vậy.

 

Một người hành khất không có tiền mua nổi một phần cơm hợp 30,000. Nếu được một người qua đường thương xót bố thí cho 30,000 đồng thì với số tiền ấy chỉ đủ phước để giải đói một bữa. Nếu cùng lúc được 25 người bố thí cho 30,000 thì 25x 30,000 = 750,000 hưởng phước càng lớn, chẳng những đầy đủ 3 bữa ăn, mà còn có thể sắm thêm một số các đồ dùng cần thiết khác, lìa khổ được vui là nhờ vậy.

 

Từ đấy có thể thấy rõ sức mạnh hồi hướng công đức của sự cộng tu to lớn đến mức nào, càng nhiều người cùng lúc hồi hướng thì công đức mà hương linh hưởng được càng lớn, càng sớm lìa khổ được vui là vậy.

 

Điều này cho thấy, sự hợp sức cộng tu hồi hướng có thể vừa rút ngắn thời gian chịu khổ của các hương linh, vừa có thể cùng lúc cứu độ được rất nhiều hương linh. Công đức của sự cộng tu tham dự pháp hội tụng kinh trực tuyến chính là to lớn đến như vậy.

 

Các vị Tiền hiền nào có đăng kí báo họ tên ông bà, cha mẹ, hoặc thân quyến xin nhận được công đức hồi hướng lại càng phải tích cực tham gia pháp hội và tinh tấn tu bàn độ hóa chúng sinh để báo đáp lại sự tận tâm sức hồi hướng của các vị Tiền hiền đã dành thời gian trợ lực.

 

Thường nghe nói câu “ niệm Phật thành Phật ”, vậy Phật niệm ai ? Phật niệm “tự tánh Phật”, lại niệm niệm niệm chúng sinh, nhớ nghĩ đến tất cả chúng sinh để từ bi tùy duyên tìm phương tiện cứu độ, như cha mẹ luôn ngày đêm thương nhớ đến các con. Lập Danh sách cần hồi hướng để hồi hướng cũng chính là bài tập để hướng mỗi chúng ta niệm niệm nhớ nghĩ đến chúng sinh, tức tâm niệm dần dần tương ứng với Phật.

 

Một niệm vì chúng sinh hồi hướng

Công đức niệm Phật tụng Chú,

Kinh Cầu siêu cầu chúng sinh an lạc

Nơi ruộng tâm gieo nhân duyên lành.

 

Nhân lành duyên lành quả lành ngọt

Thời đến gặt về quả an lành

Lâm chung vãng sanh không chướng ngại

Chư Thiên Tiên Phật hộ niệm lành.

Số lượt xem : 859